Thứ Năm, 3 tháng 1, 2019

10494 - Nhân quyền Việt Nam 2018: Nhà tù trong nhà tù (Phần I)



Hàng trăm người biểu tình phản đối hai dự luật Đặc khu và An ninh mạng bị bắt giữ trong năm 2018.
Hàng trăm người biểu tình phản đối hai dự luật Đặc khu và An ninh mạng bị bắt giữ trong năm 2018.


Phần I: Chính phủ và Nhân quyền: Tiếp tục xu thế mạnh tay đàn áp

Vào ngày 22 tháng 1 năm 2019, Việt Nam sẽ báo cáo tại kỳ Kiểm điểm định kỳ Phổ quát Toàn cầu (UPR) chu kỳ 3 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Đài RFA điểm lại tình hình nhân quyền của Việt Nam trong năm 2018 vừa qua.

Các bản án tù nặng nề

Chính quyền Việt Nam, trong năm 2018 bị các tổ chức nhân quyền thế giới lên án và chỉ trích gay gắt qua bản án tổng cộng 66 năm tù giam và 17 năm quản chế dành cho 6 thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ, một tổ chức xã hội dân sự hoạt động cổ súy cho dân chủ ở Việt Nam.
Không chỉ thế, Chính quyền Việt Nam còn tuyên những bản án lên đến 20 năm đối với các nhà hoạt động ôn hòa vì môi trường, vì dân quyền như trường hợp của ông Lê Đình Lượng, ở Nghệ An và vẫn y án tại phiên tòa phúc thẩm bất chấp những lời kêu gọi của quốc tế rằng Hà Nội nên “trả tự do vô điều kiện và ngay lập tức” cho người dân trong nước vì họ không có tội khi thực hiện các quyền được quy định trong Hiến pháp Việt Nam.

Mạnh tay đàn áp

Xu thế đàn áp mạnh tay được Hà Nội gia tăng kể từ sau các cuộc biểu tình của đông đảo người dân nổ ra khắp các tỉnh, thành hồi trung tuần tháng 6 để phản đối hai dự luật Đặc khu và An ninh mạng. Hàng trăm người bị bắt giữ và hằng chục người bị đem ra xét xử. Trong đó, có không ít cư dân mạng bị tuyên án tù do bày tỏ chính kiến của họ qua mạng xã hội. Ông Phạm Bá Hải, Điều phối viên của Hội Cựu Tù nhân Lương tâm khẳng định với RFA rằng tình hình nhân quyền ở Việt Nam trong năm 2018 tồi tệ hơn năm trước đó:
“Số lượng người bị bắt theo thống kê chính thức của Hội Cựu Tù nhân Lương tâm là 51 người, so với 38 người hồi năm 2017. Con số này tăng và có đặc điểm khác nhau ở chỗ là số lượng cựu tù nhân lương tâm bị bắt lần thứ nhì thì ít đi, tuy nhiên số xuất nhiện những người mới là các nhà hoạt động trẻ và thậm chí giới đấu tranh dân chủ nhân quyền ở Việt Nam chưa hề biết cho đến khi họ bị bắt. Họ là những người hoạt động rất độc lập. Họ chia sẻ qua Facebook những tâm tư, tình cảm, chính kiến của họ về các vấn nạn xã hội và họ bị khép tội theo các điều luật như Điều 258 cũ hay Điều 88 ‘tuyên truyền chống phá’ hay ‘lợi dụng quyền tự do dân chủ chống nhà nước’. Chúng ta thấy con số này nhiều hơn năm ngoái. Thành ra, tôi nghĩ tình hình nhân quyền năm 2018 so với năm 2017 thì ngày càng tệ hơn.”
Diễn tiến của tình hình nhân quyền tại Việt Nam gây phẫn nộ đối với dư luận trong và ngoài nước qua các thông tin liên tục xuyên suốt trong năm 2018, liên quan hành động của chính quyền bắt giữ người trái pháp luật, tra tấn ép cung cho đến các phiên tòa với những bản án phi lý được định sẵn, có tên gọi là “phiên tòa bỏ túi” được ghi nhận ngày càng nhiều và càng tùy tiện.

Tuyên bố của Chính phủ

Nhà hoạt động Lê Đình Lượng bị tuyên 20 năm tù giam, tại phiên tòa sơ thẩm ở Nghệ An hôm 16/8/2018.
Nhà hoạt động Lê Đình Lượng bị tuyên 20 năm tù giam, tại phiên tòa sơ thẩm ở Nghệ An hôm 16/8/2018. AFP
Trong khi đó tại Diễn đàn phiên họp thường niên thứ 73 Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ), vào ngày 27 tháng 9 năm 2018, ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, phát biểu rằng Việt Nam đang phấn đấu hơn nữa cho công bằng cũng như đảm bảo quyền cho mọi người dân.
Còn Bộ Ngoại Giao Việt Nam, vào đầu tháng 12 vừa qua, đăng đàn tuyên bố Việt Nam thực hiện được hơn 96% khuyến nghị nhân quyền của LHQ và sẽ báo cáo tại kỳ Kiểm điểm định kỳ Phổ quát Toàn cầu (UPR) chu kỳ 3 của Hội đồng Nhân quyền LHQ (UNHRC) vào ngày 22 tháng 1 năm 2019.
Tại Hội thảo công bố Báo cáo quốc gia về nhân quyền UPR chu kỳ 3 của Hội đồng Nhân quyền LHQ, diễn ra vào ngày 3 tháng 12 ở Hà Nội, Chánh văn phòng Bộ Ngoại Giao, ông Đặng Hoàng Giang cho biết Bản báo cáo UPR của Việt Nam phản ánh đầy đủ bằng chứng Việt Nam thực hiện khuyến nghị về nhân quyền của LHQ qua việc sửa đổi 96 văn bản luật, pháp lệnh về quyền con người như Hiếp pháp 2013, Bộ Luật Hình Sự, Bộ Luật Dân Sự, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo…
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận một số tổ chức nhân quyền như Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người, có trụ sở ở Pháp cũng như giới đấu tranh dân chủ ở trong nước phản bác rằng Bản báo cáo UPR của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền LHQ năm 2019 là bản báo cáo tuyên truyền, bởi vì các quyền tự do căn bản của người dân bị xâm phạm nghiêm trọng qua các luật định mới được Quốc Hội thông qua và ban hành, mà điển hình là Luật An ninh mạng, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2019. Tù nhân nhân quyền-Blogger Nguyễn Ngọc Già nêu lên nhận định của ông với RFA:
“Theo ý kiến của tôi thì tình hình nhân quyền của Việt Nam rõ ràng không riêng gì trong năm 2018, mà có thể nói cả 3 năm từ năm 2016, năm 2017 và năm 2018 càng ngày càng xuống dốc, một cú xuống dốc khủng khiếp nhất mà tôi chứng kiến trong 3 năm qua kể từ khi tôi ra tù. Chúng ta thấy qua danh sách (những người bị bắt giữ và bị giam tù) do Hội Cựu Tù nhân Lương tâm thống kê, thì liệu nhà cầm quyền Việt Nam sẽ xoay sở ra sao ngay trước mắt trong cuộc điều trần UPR? Đó là điều rất khó xoay sở cho họ ở tầm vóc quốc tế.”
Sau khi Bộ Ngoại Giao Việt Nam công bố Báo cáo quốc gia về nhân quyền UPR chu kỳ 3 của Hội đồng Nhân quyền LHQ, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền-Human Rights Watch, vào ngày 16 tháng 12 công khai đệ trình báo cáo về Việt Nam lên Hội đồng Nhân quyền LHQ, khẳng định Hà Nội chỉ cải thiện một chút ít, tính từ thời điểm Kiểm điểm UPR năm 2014 cho đến hiện tại, tiếp tục hạn chế các quyền tự do của người dân Việt Nam như tự do biểu đạt, tự do lập hội, tự do tôn giáo…
Cùng trong thời gian trung tuần tháng 12, các tổ chức xã hội dân sự và phi chính phủ đến trụ sở LHQ ở Geneve, Thụy Sĩ để tham gia vào các cuộc gặp gỡ, thảo luận và hội luận nhằm báo động với các quốc gia thành viên LHQ về những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Việt Nam. Bà Sonia Tancic, đại diện của Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền LHQ chia sẻ với RFA khi bà tham dự tiền Hội nghị UPR:
“Với những gì chúng ta chứng kiến, và những gì chúng ta trao đổi với tổ chức thành viên thì tình hình nhân quyền Việt Nam không được cải thiện. Trái lại tình hình còn xấu đi, và chúng ta có những chứng cứ lạm dụng nhân quyền nghiêm trọng tăng bội.”
Những “chứng cứ lạm dụng nhân quyền nghiêm trọng tăng bội” của Chính quyền Việt Nam mà đại diện của Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền LHQ đề cập đến cụ thể như thế nào, mời quý khán thính giả cùng độc giả theo dõi trong Phần II của loạt bài ghi nhận của RFA về “Nhân quyền Việt Nam 2018: Nhà tù trong nhà tù”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét