Ngày 2-1-2019, chính quyền TP.HCM đột ngột đưa ra thông báo là tạm dừng kế hoạch tháo dỡ cầu sắt Phú Long đến sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Trước đó, cầu Phú Long nối liền Sài Gòn với tỉnh Bình Dương được lệnh bắt đầu tiến hành tháo dỡ từ ngày 2-1-2019. Lý do: tạo độ tỉnh không thông thuyền đồng bộ với dự án BOT giao thông đường thủy cầu Bình Lợi.
Được xây dựng từ thời Pháp (1913), cầu Phú Long nối Sài Gòn với tỉnh Bình Dương, không chỉ thuận tiện cho người dân đi lại mà còn gắn kỷ niệm với nhiều thế hệ. Tưởng chừng như sẽ không có gì xảy ra. Thế nhưng, cầu Phú Long lại đang đứng trước nguy cơ như cầu Đúc ở Long An là sẽ bị tháo dỡ. Tổng kinh phí dự án 14,8 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách của TP.HCM.
Nhiều nguồn tin cho biết việc tháo dỡ cầu này không hẳn vì lý do cầu xuống cấp, mà là nằm trong dự án BOT giao thông đường thủy cầu đường sắt Bình Lợi hiện đang bị Bộ Giao thông vận tải yêu cầu rà soát lại tính pháp lý.
Nhóm phóng viên Việt Nam Thời Báo đã ghi nhanh ý kiến của cư dân khu vực hai bên đầu cầu sắt Phú Long, cũng như người lưu thông qua cầu.
Ông Lê Sang: Tôi làm việc ở Sài Gòn, nhưng gia đình sống ở Bình Dương. Sáng nào tôi cũng dậy sớm chạy xuống thành phố đi làm. Tôi luôn chọn đi ngang qua cầu sắt Phú Long này cho gần và đỡ kẹt xe. Khi có thông tin cầu sắp bị tháo dỡ, tôi lo lắng, vì mai này phải đi đường vòng xa hơn. Lúc đó, tôi đi thử hướng cầu Phú Long mới thì cảm thấy quá mệt mỏi, xe cộ thì đông đúc, chạy tùm lum, quá sức nguy hiểm. Mong rằng mai này nếu có tháo, người ta không bán ve chai khung sắt của cầu nghe đâu cùng loại xây tháp Eiffel bên Paris.
Ông Phan Thanh Nhàn: Cầu đúc Phú Long mới được xây dựng, tôi cũng đi thử xem như thế nào rồi. Lúc đầu cũng thấy khoái đó, vì nó to hơn, rộng rãi hơn. Nhưng sau đó, tôi mới thấy ngán ngẩm. Thứ nhất phải chạy chung với xe tải lớn, tôi thấy không an toàn. Thứ hai, khi qua địa phận tỉnh Bình Dương, tôi không biết phải chạy hướng nào gọi là an toàn. Thứ ba, cũng là điều quan trọng nhất, mỗi khi mưa xuống, ngập.
Nếu như từ Bình Dương về Sài Gòn, tôi chỉ chịu ngập mỗi khúc ở ngã quẹo về hướng cầu sắt Phú Long. Khi qua cầu rồi là ổn. Còn hướng cầu mới này, đi hết cái ngập này tới ngập khác mới lên được cầu. Không ít xe bị tắt máy.
Giao thông hiện nay ở cầu Phú Long. Ảnh: Minh Trí |
Tôi nghĩ, thay vì đầu tư chi phí cho tháo dỡ, sao không lo chỉnh trang đường sá? Đường thì lởm chởm, mưa thì ngập, chưa lấp xong cái này rồi lại đào cái kia. Sở giao thông vận tải TP.HCM với sở giao thông vận tải Bình Dương nên xem xét lại vấn đề đó.
Bà Tư: Nên sửa lại cây cầu cho bà con đi thôi, chứ dẹp cây cầu thì tội cho bà con mình quá. Tại vì cây cầu là phương tiện. Ở vùng sâu vùng xa người ta còn làm cầu cho mọi người đi qua. Còn cây cầu này lâu năm thì lại dẹp đi. Tôi đi họp tổ dân phố, tôi có ý kiến nói như thế nhiều lần, nhưng chính quyền không chịu nghe. Một bên đầu cầu sắt Phú Long phía Sài Gòn có một ngôi chợ. Người dân bên Bình Dương chỉ cần đi bộ, hay xe đạp qua cầu sắt là tới rồi...
Nguyễn Tùng, sinh viên khoa cơ khí, Đại học Nông Lâm TP.HCM: Việt Nam là đất nước của dân, do dân, vì dân. Lẽ hiển nhiên cũng sẽ có ý kiến trái chiều, ủng hộ việc tháo dỡ cây cầu. Song, cũng không ít người phản đối việc này. Đó là chưa kể, hãy nhìn vào lưu lượng sẽ xe lưu thông mỗi ngày, cũng đủ biết vai trò của cây cầu sắt Phú Long là cần thiết hay không?
Tôi cho rằng nếu như không lắng nghe, không tiếp thu, duy ý chí thì há chăng sở giao thông vận tải TP.HCM và sở giao thông vận tải tỉnh Bình Dương đang đi ngược lại tiêu chí nhà nước của dân, do dân, vì dân.
Thiết nghĩ hồi xưa, ông bà ta còn đào kênh, làm cầu để thuận tiện cho việc buôn bán, giao dịch. Ngày nay, ở những vùng sâu, vùng xa, chính quyền, bà con còn chung tay xây dựng cầu để đi lại dễ dàng hơn. Thì ở đây, thay vì bảo dưỡng, duy tu, phát triển thì chính quyền hai tỉnh, thành lại phá cầu.
Xin trả lời có phải thật sự muốn an toàn cho người dân, muốn thuận tiện cho giao thông nên mới phá dỡ cầu, hay còn vì vài lý do ẩn giấu nào khác?
Ông Nguyễn Thanh Tâm, chủ tịch UBND thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương: Cầu sắt Phú Long cũ được xây dựng cách đây hơn 100 năm, và là cây cầu giúp người dân hai bên Sài Gòn và Bình Dương, đặc biệt là người dân sinh sống trên địa bàn thị xã Thuận An có thể đi lại dễ dàng và rút ngắn thời gian di chuyển.
Nếu còn cầu sắt Phú Long thì người đi phương tiện 2 bánh họ sẽ tắt qua khu vực trung tâm Lái Thiêu, thị xã Thuận An để di chuyển về Sài Gòn dễ dàng hơn. Nhưng khi tháo cầu thì mọi người phải lưu thông ra khu vực quốc lộ 13, giao lộ với khu vực trạm thu phí cầu Phú Long mới, đây là một trong những điểm giao thông thường xuyên ùn tắc và hỗn loạn, tỉnh Bình Dương đã tính toán phân luồng rất kỹ nhưng tình trạng kẹt xe vẫn thường xuyên diễn ra.
Cầu Phú Long. Ảnh: Minh Trí |
Nhà báo Nguyễn Cao: Để xoa dịu dư luận, phía lãnh đạo TP.HCM có đưa ra ý tưởng sẽ đưa một số chi tiết của cây cầu này vào viện bảo tàng. Tôi nghĩ một cây cầu có giá trị lịch sử, tại sao lại tháo dỡ, rồi đưa một số kết cấu cầu vào bảo tàng để “bảo tồn di tích”, trong khi lúc này cây cầu thực tế vẫn đang tồn tại?.
Nếu chỉ vì độ tĩnh không của cầu Phú Long là thấp nên buộc phải tháo dỡ, thì hãy thử đến đây hỏi người dân là có bao giờ thấy ghe, thuyền mắc kẹt lúc nước lên mỗi khi xuôi qua gầm cầu sắt Phú Long hay chưa?
Số tiền gần 15 tỷ đồng mà lãnh đạo TP.HCM chi cho tháo dỡ, tôi nghĩ có thể gọi thêm vốn từ tỉnh Bình Dương để đủ cho việc nâng cao độ tĩnh không của cầu, một việc không khó với trình độ khoa học kỹ thuật hiện nay, nhất là cầu sắt Phú Long chỉ dành cho xe gắn máy 2 bánh lưu thông. Trước đây với cầu Long Biên trăm tuổi ở Hà Nội cũng đã có ý kiến tháo dỡ cầu Long Biên, rồi đem một số chi tiết kết cấu của cầu vào bảo tàng để “bảo tồn di tích”, nhưng vì phản ứng của dư luận không chấp nhận tháo dỡ cây cầu này, nên đã phải giữ nguyên hiện trạng, và ý kiến của dư luận là đúng.
Tôi cho rằng không nên tháo dỡ cầu Phú Long còn vì vướng một lý do tế nhị: đây là cầu thuộc dạng di tích lịch sử. Bài toán đặt ra cho cấp thẩm quyền là phải nâng cấp và nâng cao độ tĩnh không thông thuyền, để vừa đảm bảo an toàn cho người đi trên cầu và tàu bè đi dưới nước. Hợp vốn giữa chính quyền TP.HCM và Bình Dương sẽ tạo nguồn lực tài chánh cho dự án hợp lòng người này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét