Thứ Tư, 2 tháng 1, 2019

10478 - Nói thêm về COC

Tháng 9.2017, sau khi nhận được bài báo “The Code of Conduct of the Parties in the South China Sea: A Tremendous Mistake” của Tướng Daniel Schaeffer, nguyên Tùy viên quân sự của Pháp tại Việt Nam, Thái Lan và Trung Quốc, học giả cao cấp về tranh chấp trên Biển Đông của tổ chức tư vấn Asie21 (Pháp), gửi cho tôi, viết về quá trình đàm phán COC giữa ASEAN và Trung Quốc và cảnh báo những nguy cơ có thể xảy đến nếu ASEAN vội vàng trong việc ký kết với Trung Quốc về COC.
Tôi có cùng suy nghĩ với Tướng Daniel Schaeffer, nên mong muốn ASEAN sẽ không thông qua COC trong năm 2017 vì Chủ tịch ASEAN năm 2017 là Philippines, vừa có 1 tân Tổng thống (Duterte) pro-China. Tôi sợ tay này sẽ thuận theo ý của Trung Quốc, lờ đi những điều nguy hiểm tiềm tàng trong dự thảo COC mà Trung cộng muốn thông qua.
Tôi muốn loan báo chuyện này rộng rãi để gây tác động dư luận trong nội bộ ASEAN nhằm làm chậm tiến trình thông qua COC với những điều khoản có nguy cơ gây hại cho các nước ASEAN trong tương lai.
Vì thế, một mặt tôi dịch nguyên văn bài của Daniel Schaeffer để in trên tạp chí Phát triển Kinh tế – Xã hội Đà Nẵng mà tôi là Tổng biên tập, một mặt tôi viết bài báo dưới đây gửi cho báo chí trong nước để cậy đăng.
Kết quả là 3 tờ báo “nhớn” mà tôi thường xuyên cộng tác đã từ chối in bài này sau khi ngâm 1 thời gian để xem xét.
Vậy là tôi lại cho đăng trên tờ tạp chí Phát triển Kinh tế – Xã hội Đà Nẵng. Sau đó thì tôi bị đám pro-China ở Đông Lào lườm nguýt và hạch xách mấy lần.
Sau khi tôi bị Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Đà Nẵng kỷ luật (ngày 5/2/2018) vì 5 cái status tôi đăng trên FB của tôi, (sẽ công bố 5 status này sau 5 tuần nữa), thì trang weixin của Trung cộng đăng bài “vỗ tay ăn mừng” “chính quyền Đà Nẵng kỷ luật chuyên gia Biển Đông Trần Đức Anh Sơn do đã làm ảnh hưởng tình hữu nghị Việt – Trung” (đăng vào ngày 8/2/2018).
Trong bài báo của Trung cộng viết về tôi, có đăng hình tôi chụp chung với Tướng Daniel Schaeffer tại hội nghị “Conflict in the South China Sea” tổ chức ở ĐH Yale (Mỹ) vào tháng 5/2016, và phê phán những luận điểm chính trong bài báo của Tướng Daniel Schaeffer và trong bài báo của tôi.
Sáng nay, nhân chuyện RFI đăng bài phân tích về “quan điểm cứng rắn” của Hà Nội trong việc đàm phán COC vào ngày 31/12/2018, tôi đăng lại hai bài viết (của tôi và của Tướng Daniel Schaeffer) ở đây, để bạn đọc FB biết thêm về những khó khăn mà tôi đã gặp phải khi đưa ra những lý lẽ, mà lúc đó có kẻ cho là tôi sai trái, nhưng sau này cũng đã có người nghe theo.
Ha ha ha.
_____
BÀI 1: CẢNH BÁO CỦA MỘT HỌC GIẢ PHÁP VỀ BỘ QUY TẮC ỨNG XỬ Ở BIỂN ĐÔNG TRONG TƯƠNG LAI
Ngày 5/8/2017, Ngoại trưởng các nước ASEAN nhóm họp tại Manila (Philippines), nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của ASEAN năm nay. Một trong những nội dung quan trọng của hội nghị này là xây dựng dự thảo văn kiện khung cho bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN với Trung Quốc. Ngay hôm sau, 6-8-2017, Ngoại trưởng các nước ASEAN và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã tiến hành cuộc gặp đầu tiên trong năm 2017 để đàm phán về tương lai của COC. Sau các cuộc thảo luận căng thẳng, hai bên đã đạt được một văn kiện khung để tham vấn cho COC sẽ chính thức khởi động tại thành phố Clark (tỉnh Pampanga, Philippines vào tháng 11/2017, khi các Ngoại trưởng ASEAN và Ngoại trưởng Trung Quốc nhóm họp lần thứ hai trong năm nay.
Trước khi văn kiện khung này được thông qua, trong buổi thuyết trình tại Viện Stratbase-Albert del Rosario ở Manila, thẩm phán kỳ cựu Antonio T. Carpio của Tối cao Tòa án Tối cao Philippines, đã giải thích: “Văn kiện khung này chỉ đơn giản là một danh sách các chủ đề sẽ được đưa vào bản dự thảo sau cùng của COC. Văn kiện khung này chỉ là đề cương của một thỏa thuận…, không phải là COC, thậm chí không phải là bản dự thảo của COC” [Jarius Bondoc, “South China Sea deal stuck on mere outline”, The Philippine Star, 31/7/2017].
Một trong những vấn đề quan trọng mà các nước ASEAN muốn đạt thỏa thuận với Trung Quốc trong các đàm phán về COC, là bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông này phải có tính ràng buộc pháp lý (legally binding) để thay thế cho bản Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) đã được ASEAN và Trung Quốc ký kết tại Phnom Penh (Campuchia) vào ngày 4/11/2002, vốn không có giá trị ràng buộc pháp lý, nên luôn bị Trung Quốc phớt lờ và bất tuân kể từ khi DOC ra đời.
Tuy nhiên, trong khi các nước ASEAN mong muốn COC phải có tính ràng buộc pháp lý thì Trung Quốc lại muốn COC chỉ có tính ràng buộc (binding) mà thôi. Sau cùng, các bên đàm phán đã quyết định không đưa vấn đề ràng buộc pháp lý vào trong văn kiện khung, theo tuyên bố của Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano được Reuters dẫn lại [Manuel Mogato, “Philippines says China wanted non-legally binding South China Sea code”, Reuters, Tháng 8/2017].
Trước thực tế này, tướng Daniel Schaeffer, nguyên tùy viên quân sự của Pháp tại Việt Nam, Thái Lan và Trung Quốc, học giả cao cấp về tranh chấp trên Biển Đông của tổ chức tư vấn Asie21 (Pháp) đã có bài viết “The Code of Conduct of the Parties in the South China Sea: A Tremendous Mistake” (Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông: Một sai lầm to lớn) đăng trên website của Asie21 vào ngày 17/8/2017.
Trong bài viết này, tướng Schaeffer băn khoăn liệu các nước ASEAN có đưa được vấn đề ràng buộc pháp lý vào các cuộc đàm phán với Trung Quốc sẽ diễn ra ở Clark vào tháng 11 tới hay không? Nếu không thì COC cũng chỉ là một phiên bản khác của một DOC vốn yếu xìu và dường như vô dụng trong suốt 15 năm qua.
Tuy nhiên, điều quan trọng mà tướng Schaeffer cảnh báo với các nước ASEAN trong bài viết của mình là: trong khi Trung Quốc đang cố tình câu giờ trong quá trình đàm phán COC và tìm cách giảm nhẹ tính pháp lý của văn kiện này bằng việc cưỡng ép các nước ASEAN chấp thuận tính ràng buộc thay vì tính ràng buộc pháp lý, thì các nước AEAN chỉ tập trung vào vấn đề ràng buộc pháp lý mà bỏ qua một thực tế vô cùng quan trọng khác: đó là yêu sách ‘đường lưỡi bò’ (mà ông gọi là ‘đường 9/10 đoạn’) do Trung Quốc vạch ra một cách phi pháp, bao trùm hầu hết Biển Đông, đã không bị xóa bỏ, và không được các Ngoại trưởng ASEAN đề cập trong văn kiện khung đã được thông qua tại Manila hôm 6/8/2017.
Theo tướng Schaeffer, “nếu vấn đề ràng buộc pháp lý vẫn được duy trì trong các cuộc thảo luận trong tương lai, thì chúng ta không được để bị đánh lừa bởi cảm giác là Trung Quốc không muốn đưa vấn đề này vào COC trong tương lai, (khi mà) một điều kỳ quặc vẫn hiện hữu trên thực tế là ‘đường 9/10 đoạn’ đã không bị xóa bỏ, như đáng lý phải bị xóa sau phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực” (ở The Hague, Hà Lan vào ngày 12-7-2016).
Ông cảnh báo, nếu không xóa bỏ được ‘đường 9/10 đoạn’ thì “một thỏa thuận có tính ràng buộc sẽ khiến cho Trung Quốc mạnh hơn hiện tại để bảo vệ cái gọi là chủ quyền (của họ) đối với Biển Đông, chống lại các quốc gia ven biển khác” và “các nước ASEAN sẽ là những kẻ thua cuộc”.
Trong bài viết “Code of Conduct in the South China Sea: The great chimera” [www.diploweb.com, 30/1/2017], tướng Schaeffel đã nhận định “dường như các nước ASEAN không thấu hiểu thực sự về những gì đang ẩn nấp đằng sau những cuộc đàm phán (về COC) mà họ rất mong muốn kết thúc. Đơn giản là vì trong lúc đàm phán về một COC tương lai, bằng một sự ràng buộc tự nguyện, các nước Đông Nam Á đang chuẩn bị những vũ khí mà Trung Quốc có thể sẽ dùng chúng để chống lại họ nay mai. Bởi vì trong con mắt của Bắc Kinh hiện nay, thì những quốc gia ASEAN đã phạm sai lầm khi dám tiến hành các hoạt động của mình trong những khu vực mà ‘đường lưỡi bò’ đang trùm lên những vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước này”.
Theo tướng Schaeffer, nếu không vô hiệu hóa được ‘đường 9/10 đoạn’ phi pháp, mà đã vội vàng thông qua một COC có tính ràng buộc pháp lý, thì Trung Quốc sẽ dùng “công cụ pháp lý” này để chống lại các nước ASEAN một khi các nước này tiến hành những hoạt động hợp pháp trong vùng biển thuộc chủ quyền (hoặc quyền chủ quyền) của họ, nhưng lại ở bên trong ‘đường 9/10 đoạn’ do Trung Quốc vạch ra.
Ông đưa ra hai dẫn chứng để chứng minh cho điều này:
1. “Trung Quốc đã đe dọa chiến tranh với Philippines nếu nước này tiếp tục thăm dò và khai thác dầu ở Bãi Cỏ Rong (Reed Bank), một bãi ngầm tọa lạc ở phía bắc quần đảo Trường Sa và phía tây đảo Palawan của Philippines. Hành động này của Trung Quốc là hoàn toàn sai trái bởi vì thực thể chìm dưới nước này đã được Tòa Trọng tài thường trực công nhận là nằm hoàn toàn bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, do đó nó thuộc quyền chủ quyền, không phải là chủ quyền, của nước này. Hơn nữa, Trung Quốc không được quyền yêu sách chủ quyền đối với thực thể này bởi vì Tòa Trọng tài thường trực đã viện dẫn Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển (UNCLOS) rằng: không ai có thể yêu sách chủ quyền đối với một bãi ngầm, trừ khi nó nằm ở lãnh hải của nước đó”. Rõ ràng Bãi Cỏ Rong không nằm trong lãnh hải của Trung Quốc nhưng Trung Quốc lại đe dọa chiến tranh với Philippines nếu Philippines không chấm dứt thăm dò dầu khí ở đây.
2. “Mới đây Trung Quốc đã ép buộc Việt Nam và Công ty Repsol của Tây Ban Nha ngừng thăm dò dầu khí ở lô 136-03, nơi xa nhất về phía đông nam của vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, thuộc khu vực Bãi Tư Chính (Vanguard Bank) ở phía tây nam quần đảo Trường Sa”, vì khu vực này nằm bên trong ‘đường 9/10 đoạn’.
Theo tướng Schaeffer, hai dẫn chứng nêu trên cho thấy rất rõ rằng khi một COC có tính ràng buộc pháp lý được thông qua mà ‘đường 9/10 đoạn’ không biến mất, thì “các quốc gia Đông Nam Á ở ven Biển Đông sẽ phải tiếp tục chịu đựng những cáo buộc của Trung Quốc bởi những hoạt động (hợp pháp) của họ, mà Trung Quốc cho là sai trái”. Và như vậy, Trung Quốc sẽ dùng những quy tắc mà các nước ASEAN đặt ra để chống lại họ, thay vì những quy tắc này sẽ bảo vệ họ như họ mong đợi.
Ông nói thêm: “Bằng việc đàm phán một COC, các nước Đông Nam Á, cuối cùng đã trang bị những vũ khí có thể chống lại họ trong tương lai. Đó là lý do tại sao, vào thời điểm hiện tại, kết quả có thể dự đoán trước của COC, không chỉ là một ảo tưởng, mà còn là những hiệu ứng làm dịu được mong đợi từ những gì có liên quan, khi mà ‘đường 9/10 đoạn’ vẫn tồn tại” [Daniel Schaeffer, “The Code of Conduct of the Parties in the South China Sea: A Tremendous Mistake”. http://www.asie21.com, Ngày 17/8/2017].
Sau cùng, tướng Schaeffer cảnh báo: Trung Quốc một mặt đang trì hoãn đàm phán COC, mặt khác lại tạo ra một ảo giác về những tranh cãi xung quanh tính ràng buộc pháp lý hay tính ràng buộc của một COC đang manh nha trong bối cảnh một ASEAN đang bị Trung Quốc phân tán. Trong khi đó, các nước ASEAN lại chưa thực sự thấu hiểu sự nguy hiểm của việc không vô hiệu hóa ‘đường lưỡi bò’, mà lại vội vàng thông qua một COC có tính ràng buộc pháp lý, thì đó là một sai lầm to lớn, và sẽ trao cho Trung Quốc một thứ vũ khí có thể chống lại các nước ASEAN trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông trong tương lai.
BÀI 2: BỘ QUY TẮC ỨNG XỬ Ở BIỂN ĐÔNG: MỘT SAI LẦM TO LỚN – By DANIEL SCHAEFFER
Ngày 5/8/2017, Ngoại trưởng các nước ASEAN, trong lần gặp đầu tiên của hội nghị thường niên, đã nhóm họp tại Manila (Philippines), nước đang giữ chức Chủ tịch ASEAN năm nay.
Một trong những mục đích chính của hội nghị, trong số những vấn đề quan trọng khác, là xây dựng dự thảo văn kiện khung cho các cuộc tham vấn sắp tới, trước khi đàm phán về một bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Chương trình sẽ được thảo luận với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vào ngày hôm sau. Sau các cuộc thảo luận căng thẳng, hai bên đã đạt được một thỏa thuận về một văn kiện khung để tham vấn cho một COC sẽ bắt đầu vào tháng 11, tại Clark, tỉnh Pampanga của Philippines. Điều này sẽ xảy ra nhân hội nghị lần thứ hai trong năm 2017 giữa các Ngoại trưởng ASEAN với Ngoại trưởng Trung Quốc.
Để tránh nhầm lẫn trong cách giải thích về các cuộc đàm phán kế tiếp nhằm đạt đến một COC, thẩm phán kỳ cựu Antonio T. Carpio của Tòa án Tối cao Philippines, trong buổi thuyết trình tại Viện Stratbase-Albert del Rosario, đã giải thích rõ ràng rằng: “Văn kiện khung này chỉ đơn giản là một danh sách các chủ đề đưa vào dự thảo để đàm phán cho một COC sau cùng. Văn kiện khung này chỉ là đề cương của một thỏa thuận. Từ đề cương này, một bản dự thảo thỏa thuận sẽ được đưa ra, và từ bản dự thảo thỏa thuận cuối cùng này – COC – sẽ được các bên chốt lại”. “Văn kiện khung này không phải là COC, thậm chí không phải là dự thảo của COC”.1
Điều đáng ngạc nhiên là trong một chương trình như vậy, khi mà Trung Quốc vẫn kiên quyết từ chối phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague vào ngày 12/7/2016, và duy trì yêu sách của mình được vạch ra bởi ‘đường 9/10 đoạn’2 nuốt gần trọn Biển Đông, thì các nước Đông Nam Á vẫn mong muốn đạt được một thỏa thuận mà sẽ trực tiếp chống lại, không chỉ những lợi ích của họ này, mà hơn thế nữa, chống lại tự do (hàng hải) và an ninh của họ.
Một trong những vấn đề đã được thảo luận nhằm thiết lập văn kiện khung vào ngày 6/8, là liệu COC trong tương lai sẽ là “ràng buộc pháp lý” hay chỉ là “ràng buộc”. Thực tế là, trái với những gì mà các nước ASEAN mong đợi, rằng phải có một “thỏa thuận ràng buộc pháp lý”, thì Trung Quốc lại muốn làm yếu đi để chỉ có một “thỏa thuận ràng buộc” mà thôi. Theo Alan Peter Cayetano Ngoại trưởng Philippines, đó là lý do tại sao các nhà đàm phán cuối cùng đã quyết định không bao đưa vấn đề “ràng buộc pháp lý” vào trong văn kiện khung cuối cùng.3 Nhưng Cayetano chưa hề xác nhận liệu vấn đề này có chắc chắn sẽ bị từ bỏ hay có thể được lồng ghép vào một trong những cuộc tham vấn trong tương lai, sẽ được tổ chức vào tháng 11 hay không? Trong bất kỳ trường hợp nào, không có gì cho thấy vấn đề “ràng buộc pháp lý” sẽ được giữ lại trong danh mục liệt kê của văn kiện khung.4 Do đó, COC tương lai chỉ có thể là một phiên bản của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), được ký kết vào ngày 4/11/2002 tại Phnom Penh (Campuchia). Một DOC không hoạt động, suốt 15 năm sau đó, mà các bên ký kết vẫn đang đàm phán về cách thức thực thi nó. Hơn nữa, để tranh thủ thời gian trước khi đạt được COC, Trung Quốc muốn những điều kiện để thực hiện DOC phải được giải quyết trước.
Tuy nhiên, nếu các Ngoại trưởng ASEAN vẫn giữ ý định đưa “ràng buộc pháp lý” vào trong những đàm phán cho một COC tương lai, chủ đề có thể là một phần của một trong các mục được liệt kê trong đoạn CV của văn kiện khung: “Quản lý sự cố”.5
Nếu vấn đề “ràng buộc pháp lý” vẫn được duy trì trong các cuộc thảo luận sắp tới, thì chúng ta không được để bị đánh lừa bởi một thực tế rằng Trung Quốc tạo ra cảm giác là họ không muốn vấn đề này được đưa vào một COC tương lai. Một điều kỳ quặc đang hiện hữu là ‘đường 9/10 đoạn’ đã không bị xóa bỏ, như đáng lý phải bị xóa sau phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA). Bởi vì, trên thực tế, một thỏa thuận ràng buộc sẽ khiến cho Trung Quốc mạnh hơn hiện tại để bảo vệ cái gọi là “chủ quyền” (của họ) đối với Biển Đông, chống lại các quốc gia ven biển khác. Và trái lại, các nước Đông Á sẽ là những kẻ thua cuộc.
Như tôi đã trình bày trong một bài viết đăng trên diploweb.com, bằng tiếng Pháp và tiếng Anh, vào ngày 30/01/20176, “dường như các nước Đông Nam Á không có hiểu biết thực sự về những gì đang ẩn nấp đằng sau” những cuộc đàm phán mà họ rất mong muốn kết thúc. Đơn giản là vì “trong lúc đàm phán về một COC tương lai, bằng một sự ràng buộc tự nguyện, các nước Đông Nam Á đang chuẩn bị những vũ khí mà Trung Quốc có thể sẽ dùng để chống lại với họ nay mai. Bởi vì trong con mắt của Bắc Kinh hiện tại, thì những nước này đã phạm sai lầm khi dám tiến hành các hoạt động của mình trong những khu vực mà ‘đường lưỡi bò’ đang trùm lên vùng đặc quyền kinh tế của nhữnh nước đó”. Hai dẫn chứng gần đây chứng minh cho điều này:
• Trung Quốc đã đe dọa chiến tranh với Philippines nếu nước này tiếp tục thăm dò và khai thác dầu ở Bãi Cỏ Rong (Reed Bank), một bãi ngầm tọa lạc ở phía bắc quần đảo Trường Sa và phía tây đảo Palawan của Philippines. Hành động này của Trung Quốc là hoàn toàn sai trái bởi vì thực thể chìm dưới nước này đã được Tòa Trọng tài thường trực công nhận là nằm hoàn toàn bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, do đó nó thuộc quyền chủ quyền, không phải là chủ quyền, của nước này. Hơn nữa, Trung Quốc không được quyền yêu sách chủ quyền đối với thực thể này bởi vì Tòa Trọng tài thường trực đã viện dẫn Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển (UNCLOS) rằng: không ai có thể yêu sách chủ quyền đối với một bãi ngầm, trừ khi nó nằm ở lãnh hải của nước đó. Trường hợp này thì không như vậy;
• Mới đây Trung Quốc đã ép buộc Việt Nam và Công ty Repsol của Tây Ban Nha ngừng thăm dò dầu khí ở lô 136-03, nơi xa nhất về phía đông nam của vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, thuộc khu vực Bãi Tư Chính (Vanguard Bank) ở phía tây nam quần đảo Trường Sa, nhưng không may cho người Việt Nam, lại nằm bên trong ‘đường 9/10 đoạn’.
Hai dẫn chứng trên cho thấy rõ ràng khi một COC “ràng buộc pháp lý” được thông qua, các quốc gia Đông Nam Á ở ven Biển Đông “sẽ phải tiếp tục chịu đựng những cáo buộc của Trung Quốc bởi những hành động của họ mà Trung Quốc cho là sai trái, khi mà ‘đường 9/10 đoạn’ không bị biến mất, từ một DOC, hay tệ hơn là từ một COC”. “Cần cân nhắc như vậy bởi một thực tế là khi một COC bị ép buộc thì nó sẽ trao cho Trung Quốc đầy đủ quyền hành động bằng vũ lực chống lại những bên bị Trung Quốc cáo buộc. Thế nên, do các nước này đã đồng ý với một COC bị ép buộc, thì Trung Quốc sau cùng có khả năng sẽ dùng những quy tắc mà các nước này đặt ra để chống lại họ, thay vì để bảo vệ như họ mong đợi, nếu chúng ta đồng ý xem xét dự án COC theo cách nhìn của Trung Quốc”. Vì vậy phải bổ sung việc quản lý ‘đường 9/10 đoạn’ (vào COC). “Các nước Đông Nam Á, bằng việc đàm phán một COC, cuối cùng đã trang bị những vũ khí có thể chống lại họ tương lai. Đó là lý do tại sao, vào thời điểm hiện tại, kết quả có thể dự đoán trước của COC, không chỉ là ảo tưởng, mà còn là những hiệu ứng làm dịu được mong đợi từ những gì có liên quan, trong bất kỳ trường hợp nào, khi mà ‘đường 9/10 đoạn’ vẫn tồn tại”.7
Do đó, khi Trung Quốc muốn một COC không “ràng buộc pháp lý”, thì nó chỉ là một sự giả vờ sai trong hiện thời. Bởi vì Bắc Kinh đang xem xét những điều kiện chưa chín muồi hiện nay nhằm đạt được một COC hạn chế. Đó là lý do tại sao, cuối cùng, Trung Quốc đang thực hiện sự trì hoãn khi giả vờ đồng ý thảo luận, trong lúc đồng thời tạo nên những cản trở để ngăn chặn tiến trình COC diễn ra nhanh hơn. Những điều kiện mà Vương Nghị đưa ra, chẳng hạn như “không có sự can thiệp lớn từ bên ngoài, và đây là điều kiện tiên quyết” để bắt đầu các cuộc thảo luận vào tháng 11, không hẳn chỉ là một kiểu cản trở nói trên. Bởi vì điều này sẽ rất dễ cho Trung Quốc, vào lúc này hay lúc khác, coi Hoa Kỳ, thông qua các hoạt động tự do hàng hải (FONOPs), hay Úc hoặc Nhật Bản, với những lý do khác, như là những kẻ gây rối đang khuấy động ở Biển Đông. (Trần Đức Anh Sơn dịch từ tiếng Anh).
Chú thích:
1- Trích dẫn bởi Jarius Bondoc trong bài “South China Sea deal stuck on mere outline” (Thỏa thuận về Biển Đông bị mắc kẹt ngay từ dự thảo), The Philippine Star, 31/7/2017. https://www.philstar.com/opinion/2017/07/31/1723120/south-china-sea-deal-stuck-mere-outline
2- Từ tháng 5/2014, Trung Quốc đã thêm vào ‘đường 9 đoạn’ (Việt Nam thường gọi là ‘đường lưỡi bò’) một vạch ở phía đông đảo Đài Loan, nên ‘đường 9 đoạn’ phi pháp của Trung Quốc đã trở thành đường 10 đoạn. Vì thế, trong bài viết của mình, tướng Daniel Schaaeffer gọi là ‘the nine / ten dashed line’ (đường 9/10 đoạn đứt khúc).
3- Manuel Mogato, “Philippines says China wanted non-legally binding South China Sea code” (Philippins nói Trung Quốc muốn Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông ‘không ràng buộc pháp lý’), Reuters, Tháng 8/2017.https://www.reuters.com/article/us-asean-philippines-southchinasea-idUSKBN1AO1LW
4- Xem: Carlyle A. Thayer, “ASEAN-China: Framework of a COC” (ASEAN – Trung Quốc: Văn kiện khung cho COC). Thayer Consultancy Background Brief, Ngày 6/8/2017.
5- Như chú thích 4.
6- Code of Conduct in the South China Sea: The great chimera (Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông: sự ảo tưởng lớn), www.diploweb.com, 30/1/2017.https://www.diploweb.com/Mer-de-Chine-du-Sud-Code-de.html
7- Như chú thích 6.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét