Nguồn cơn nào đã khiến chính phủ Việt Nam nợ nhà thầu Nhật Bản có 100 triệu USD mà chưa biết lấy đâu ra ngoại tệ để thanh toán?
Chính thể độc đảng vừa được Thủ tướng Phúc khoe khoang ‘lần đầu tiên trong 10 năm, nền kinh tế không chỉ đạt mà còn vượt mức tăng trưởng, từ 6,7% đến 7,08%. Năm 2018, Việt Nam xuất siêu kỷ lục trên 7,7 tỷ USD, gấp hơn 3 lần kỷ lục đã từng xác lập được.vượt thu ngân sách trên 3,5 tỷ USD, dự dữ ngoại hối đạt kỷ lục, nợ xấu giảm rất sâu…’, thật trớ trêu và chua chát, đã bị Nhật Bản kéo áo đòi tiền vào những ngày cuối năm 2018.
100 triệu USD mà phía Việt Nam còn thiếu nhà thầu Nhật trong thi công dự án Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên ở Sài Gòn.
Dự án trên đã trở nên nổi tiếng không chỉ bởi nạn đội vốn đến hơn 30.000 tỷ đồng mà còn do một cái chết chấn động vào đầu tháng 11 năm 2018: ông Võ Phi Anh, mới có 54 tuổi và là Phó Tổng giám đốc Cienco 6 đơn vị thi công một số hạng mục thuộc công trình tuyến metro số 1 tại TP HCM, chết trong tư thế treo cổ ở cầu thang văn phòng làm việc. Cái chết bằng dây thừng này bị nghi vấn cao về tiêu cực của những quan chức phụ trách dự án này.
Chi tiết ngoại giao rất đáng chú ý là cú đòi nợ của Nhật đã từ nhà thầu lên tới cấp đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam rồi đến cấp bộ trưởng ngoại giao Nhật. Có thể cho rằng là lần đầu tiên Nhật Bản - quốc gia mà Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất từ nguồn vốn phát triển chính thức ODA và luôn mơn trớn người Nhật để được vay mượn và nhận viện trợ không hoàn lại nhiều hơn thế, đã công khai phi vụ đòi nợ cho quốc tế biết, bất chấp phía Việt Nam kiên định giữ kín câu chuyện đáng xấu hổ này.
Ngay sau đó, nhiều dư luận đã dậy lên dấu hỏi: chính phủ và Thủ tướng Phúc khẳng định nền kinh tế tăng tưởng vượt bậc và quỹ dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục hơn 60 tỷ USD, nhưng tại sao chỉ nợ có 100 triệu USD mà không chịu trả cho nhà thầu Nhật?
Vậy quỹ dự trữ ngoại hối thực chất ra sao vào lúc này?
Thành tích gần nhất và lớn nhất của Quỹ dự trữ ngoại hối - được công bố bởi Ngân hàng nhà nước vào giữa năm 2018 - là đã tích góp được hơn 60 tỷ USD, một con số lớn chưa từng thấy trong lịch sử quỹ này.
Nhưng từ tháng Năm - Sáu năm 2018, tình hình vét đô cho Quỹ dự trữ ngoại hối đã chậm hẳn lại, để cho đến nay không còn nghe báo cáo thành tích dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng phi mã. Cũng trong thời gian đó, chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và hai cơ quan tham mưu là Ngân hàng nhà nước và Bộ Tài chính một lần nữa, trong nhiều lần kể từ năm 2011 đến nay - phải tính đến việc gom 500 tấn vàng trong dân, mà rất có thể sẽ được quy đổi sang USD để trả nợ nước ngoài.
Chưa bao giờ kể từ khi nhậm chức thủ tướng, Nguyễn Xuân Phúc thể hiện tâm thế sốt ruột đến thế khi cứ nằng nặc yêu cầu Ngân hàng nhà nước phải có giải pháp thu gom vàng và ngoại tệ trôi nổi trong dân, dù đến nay Ngân hàng nhà nước vẫn chỉ biết cách duy nhất để gom là cho in tiền ồ ạt và tung hàng núi tiền đồng ra thị trường tự do để thu mua ngoại tệ và vàng.
Trong khi đó, hai vụ thình lình ‘đánh úp’ công dân Nguyễn Cà Rê ở Cần Thơ và Tần Thị Việt ở Nghệ An về mua bán USD càng khiến bật ra những dấu hiệu có thể sắp rơi vào tình trạng cạn kiệt của Quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia. Rất có thể đây là những phát súng thăm dò, để nếu thuận lợi mà không bị một xã hội ‘cừu’ phản ứng nhiều thì sẽ mở màn cho chiến dịch ép buộc người dân phải bán đô cho ngân hàng như thế, làm giàu hơn cho Quỹ dự trữ ngoại hối để có tiền trả nợ cho nước ngoài vào năm 2018 và những năm sau – có thể lên tới 10 - 15 tỷ USD nợ phải trả mỗi năm.
Hẳn đó là nguồn cơn khiến trong tình cảnh khốn quẫn ngoại tệ như thế, chính phủ Việt Nam phải nợ nhà thầu Nhật Bản có 100 triệu USD mà chưa biết lấy đâu ra ngoại tệ để thanh toán.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét