“Nói chuyện với anh một chút được không?”. “Ờ, việc gì?”. “Tức quá!”. “Mà chuyện gì?”. “Em mới rớt visa đi Mỹ!”. Hóa ra lại là chuyện xin visa Mỹ bất thành. Cuộc nói chuyện vừa kể xảy ra đúng ngay ngày mà Henley & Partners loan bố danh sách cho thấy “điểm” hộ chiếu của các quốc gia và qua đó biết được nước nào có hộ chiếu “quyền lực” nhất thế giới.
Henley Passport Index công bố ngày 1-10-2019 cho thấy hộ chiếu Nhật và Singapore đang là hộ chiếu “chảnh” nhất thế giới. Cầm hộ chiếu này trong tay, bạn có thể đi đến 190 quốc gia mà không cần xin visa. Đức, Hàn Quốc và Phần Lan xếp thứ hai, với 188 quốc gia. Mỹ, Anh, Canada, Thụy Sĩ… ngang ngửa, với 184 quốc gia. Trong khi đó, công dân Việt Nam chỉ đến được 51 quốc gia mà không cần thị thực, trong đó có những nước mà người du lịch Việt Nam gần như không bao giờ nghĩ đến việc đặt chân tới, chẳng hạn Djibouti và Somalia. Với hạng 90 trong Henley Passport Index, hộ chiếu Việt Nam còn tệ hơn Sierra Leone (hạng 79, 63 quốc gia); Mozambique (hạng 81, 60 quốc gia); Rwanda (hạng 84, 57 quốc gia) và thậm chí Campuchia (hạng 88, với 53 quốc gia miễn thị thực)! Tổng quát, trong khối ASEAN, Việt Nam chỉ hơn Myanmar (hạng 95, với 46 quốc gia) và Lào (hạng 92, với 49 quốc gia).
Câu chuyện “quyền lực” hộ chiếu không là vấn đề nhỏ, ở thời mà khái niệm “công dân toàn cầu” luôn được nhấn mạnh. Hộ chiếu là “cánh cửa” mở ra bên ngoài trong cái thế giới mà khoảng cách địa lý gần như không còn là rào cản bởi các yếu tố chính trị. Làm thế nào có thể giúp hội nhập “bạn bè năm châu” để học điều hay, biết điều dở khi công dân nước mình nhìn ra “châu” nào cũng thấy bị làm khó bởi “nỗi khổ” visa? Giá trị của hộ chiếu ngày nay còn cho thấy “chỉ số tín nhiệm” mỗi quốc gia. Hộ chiếu trở thành hình ảnh ít nhiều đại diện cho mức độ tín nhiệm quốc gia của nước đó đối với thế giới mà công dân họ bị lệ thuộc vào. Nó không liên quan đến sự giàu có hay được khuôn định bởi “kích cỡ” GDP. Chẳng phải tự nhiên mà hộ chiếu Trung Quốc chỉ được xếp hạng 72 (với 71 quốc gia) trong khi Hong Kong hạng 18 (168 quốc gia) trong bảng Henley Passport Index 2019.
Cơn sốt du lịch và nhu cầu đi nước ngoài vì nhiều lý do khiến câu chuyện visa luôn là vấn đề thời sự. Dịch vụ xin visa, đặc biệt visa Mỹ, bùng nổ chóng mặt, với những quảng cáo “không đậu không lấy tiền”. Liên quan việc xin visa Mỹ, có vô số câu chuyện cười ra nước mắt. Một lần, khi chờ người thân trước Lãnh sự quán Hoa Kỳ, tôi thấy một ông khoảng hơn 60 tuổi thất thểu đi ra. “Rớt hả?” – “Ừa” – “Sao vậy? Họ hỏi gì?” – “Nó” hỏi tui đi Mỹ chi. Tui nói đi thăm con gái. Cái “nó” hỏi tại sao thăm con gái? Tui nói, nó đẻ, qua nuôi nó. Cái “nó” nói tại sao vợ ông không đi mà là ông; ông là đàn ông, biết gì mà nuôi đẻ? Tui nói, vợ tui ở nhà trông nom vườn tược. Cái “nó” nói, bả là đàn bà thì làm sao khỏe bằng ông mà làm vườn! Thôi về đi. Cám ơn đã đến phỏng vấn!”.
“Đậu visa Mỹ” với nhiều người không khác gì “trúng số”. Họ thậm chí chụp hình hộ chiếu có đóng dấu visa đưa lên mạng khoe. Cần nói thêm, với phỏng vấn visa Mỹ, đừng bao giờ tin vào quảng cáo của các công ty dịch vụ. Chẳng ai có thể can thiệp để “bảo đảm đậu” cả. Cũng không nên tin nhiều vào các “kinh nghiệm” được chia sẻ trên mạng, bởi nhân viên phỏng vấn luôn hỏi những câu bất ngờ nhất, dựa vào từng hồ sơ cụ thể, và họ có thể loại hay cho “đậu” mà không ai biết tại sao. Nhiều người được hỏi “hai câu y hệt” như người đến trước (cùng đi chung đoàn) nhưng người kia thì đậu còn mình thì hỏng. Nhiều người bị “vần lên vần xuống muốn chóng mặt luôn, tưởng tiêu rồi” nhưng cuối cùng lại được “chúc mừng”. Nhiều người tỏ ra rất tự tin bởi hộ chiếu đầy visa du lịch các nước châu Âu nhưng khi phỏng vấn xin visa Mỹ vẫn bị khước từ.
Tại sao? Câu hỏi này không phải dành cho nhân viên phỏng vấn, không thuộc về trách nhiệm Lãnh sự quán hay Đại sứ quán Mỹ, càng không liên quan Bộ Ngoại giao Mỹ hay Sở di trú Hoa Kỳ. Nó liên quan đến mức độ “khả tín” của quyển hộ chiếu đóng quốc huy CHXHCN Việt Nam. Những trường hợp bị loại một cách “không thể nào hiểu được” luôn khiến ấm ức và thậm chí tức giận. Bên cạnh cảm giác đó là một câu hỏi cũng “không thể nào hiểu được” càng khiến tức giận hơn là tại sao công dân Việt Nam gặp khó khăn mỗi khi xin visa đi những nước lớn? Cần nói thêm, giá trị hộ chiếu Việt Nam liên tục bị mất “điểm”. Trong bảng Henley Passport Index 2006, hộ chiếu Việt Nam hạng 78; năm 2011 bị đẩy xuống hạng 89; rồi leo lên lại 81 vào năm 2013 và 2014; rồi tuột luốt xuống 94 vào năm 2015 và từ năm 2016 đến nay thì “ổn định” ở hạng 90!
“Uy tín” của hộ chiếu Việt Nam nói chung vẫn giậm chân tại chỗ, tương tự sự giậm chân tại chỗ của việc xây dựng tín nhiệm Việt Nam đối với thế giới. Công dân Việt Nam vẫn còn sẽ bất mãn với việc bị khước từ visa chỉ vì mình đang cầm một trong những quyển hộ chiếu “ít quyền lực” nhất thế giới. Điều tréo nghoe không thể không nói là quyển hộ chiếu Việt Nam không phải hoàn toàn không có chút “quyền lực”. Bất kỳ khi nào chính quyền Việt Nam cũng có thể khước từ quyền được ra nước ngoài của công dân bằng cách tịch thu hộ chiếu. Đó là lúc mà quyển hộ chiếu xem ra có “quyền” nhất. Cái sự thị uy kiểu này, tuy nhiên, chính là một trong những yếu tố khiến uy tín Việt Nam không thể “lên hạng”. Đừng nói là nhân quyền không liên quan uy tín và giá trị hộ chiếu!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét