Chiếc xe container chở 39 nạn nhân tử vong trên đường đưa lậu vào Anh. Ảnh: Reuters
Con chết vì không thở được!
Đó là những lời cuối cùng của một cô gái trẻ Phạm Thị Trà My, quê Hà Tĩnh, đã chết trong chiếc xe container đông lạnh vì ngạt và lạnh cóng hôm 23 tháng Mười, khi tìm đường nhập cư trái phép vào Anh. Trong số 39 nạn nhân của thảm họa nhân đạo kinh hoàng này, hiện có ít nhất 6 người ở Can Lộc, Hà Tĩnh và 4 người ở Yên Thành, Nghệ An.
Họ được đường dây buôn người đưa sang Trung Quốc bằng đường bộ, làm giấy tờ giả rồi đi Pháp và từ đó sang Anh trên những container hàng đông lạnh. Chiếc xe này là 1 trong 3 chiếc xe đã nhập cảnh vào Anh qua cảng Purfleet rồi đi đến khu công nghiệp Waterglade ở thị trấn Grays, hạt Essex. Hàng chục xác người chồng chất, quần áo tơi tả, những vết tay đầy máu dọc hai bên thành container thực sự là một cảnh tượng đau đớn đầy ám ảnh, hãi hùng.
Kể từ năm 2000, sau thảm họa 58 người Hoa bị chết ngạt ở cảng Dover, vùng Kent miền Nam nước Anh, cảnh sát ở các cửa khẩu đã trang bị máy dò ảnh nhiệt để phát hiện người nhập cư trốn trong các container. Nhưng chẳng bao lâu, những kẻ buôn người đã sử dụng các thùng container lạnh để vô hiệu hóa máy dò ảnh nhiệt và đồng thời nó cũng làm tăng nguy cơ chết ngạt hay shock nhiệt cho các những người trốn trong đó. Ở nhiệt độ -25 độ và tình trạng thiếu dưỡng khí, những người bị nhốt trong container lạnh hoàn toàn không có một chút cơ hội sống sót sau 20 phút. Người ta gọi đây là những “quan tài đá”.
Đối với các lao động nhập cư “chui” bằng “quan tài đá” thường đi theo con đường sang Nga hoặc một nước Đông Âu cũ, rồi nhập cư vào các nước EU bằng đường bộ trên các container lạnh như thảm họa vừa xảy ra. Trong hai năm trở lại đây, con đường buôn người có một lộ trình khác là sang Trung Quốc để làm giấy tờ giả rồi vào thẳng một nước EU bằng con đường du lịch thường là Pháp hoặc Đức. Thảm họa kinh hoàng tại Essex hôm 23 tháng Mười khiến cho người ta đặt câu hỏi có bao nhiêu lao động Việt Nam nhập cư trái phép sang các nước “tư bản giãy chết” mỗi năm và theo những phương cách gì?
Con số đó chưa ai thống kê nổi nhưng chắn chắn là một con số khiến người ta giật mình nếu như biết rằng chỉ riêng quốc đảo Singapore, số gái mại dâm Việt Nam sang đó hành nghề chui thường từ 5.000 – 7.000 người/năm theo con đường du lịch hay thăm thân. Trong một sự kiện hy hữu khác vào năm 2018, toàn bộ một đoàn khách du lịch từ Việt Nam sang Đài Loan gồm 152 người đã bỏ trốn tại Cao Hùng khiến cho giới chức Đài Loan phải ngưng cấp thị thực cho Việt Nam.
Không riêng gì khách du lịch bỏ trốn mà ngay cả đến các doanh nhân hay quan chức Việt Nam cũng thường xuyên nhập cư trái phép vào các nước tư bản bằng cả đường ngoại giao như trường hợp mới đây nhất là 9 người trong đoàn doanh nghiệp và đại biểu quốc hội dẫn đầu bởi bà Chủ Tịch Nguyễn Thị Kim Ngân thăm Hàn Quốc năm 2018 đã “mất tích”. Công luận chỉ được biết khi phía Hàn Quốc đăng tải thông tin này 1 năm sau chuyến thăm của bà Chủ Tịch.
Như vậy, không phải chỉ là những lao động “chui” đi theo con đường nguy hiểm thông qua đường dây buôn người như ở Anh vừa qua mà có rất nhiều cách để trốn thoát khỏi “thiên đường XHCN” để tìm về xứ “giãy chết”. Và đương nhiên, có vô vàn những cái chết oan trái khác của người lao động Việt Nam diễn ra hàng ngày trong những ổ điếm, xưởng lao động cưỡng bức hay những trại trồng cần sa của giới mafia Việt trên khắp thế giới.
Ở một khía cạnh khác, cần phải nhìn toàn cảnh bức tranh này trên bình diện cao hơn. Trong bảng xếp hạng số người nhập cư trái phép từ Châu Á vào các nước phát triển thì Trung Quốc và Việt Nam là hai quốc gia đứng đầu. Đấy không phải là con số ngẫu nhiên. Nếu nhìn về lịch sử của thực trạng xã hội nhức nhối này thì người ta sẽ hiểu rằng đó là một hệ thống được hỗ trợ bởi nhà nước với qui mô lớn và tổ chức tinh vi. Đó không không phải là hoạt động từ những băng đảng xã hội đen đưa người trái phép đơn lẻ.
Xuất khẩu lao động là mục tiêu chính trị
18,9 tỷ USD là con số kiều hối năm 2018 mà Hà Nội công bố và rêu rao rằng đó là kết quả của nghị quyết 36 Bộ Chính Trị đối với chính sách “khúc ruột ngàn dặm”. Mặc cho những nghi ngờ về tính trung thực của con số thống kê mà như phân tích của một nhà báo độc lập từng có thời gian làm việc cho cơ quan thành ủy TP.HCM – Tiến Si Phạm Chí Dũng – người theo dõi khá sát sao về con số kiều hối hàng năm.
Con số kiều hối này nhảy vọt từ mức 13 tỷ USD vào năm 2017 lên tới 18,9 tỷ USD vào năm 2018 mà không hề có lý giải chi tiết khả tín nào. Dù vậy, cái đuôi của “một nửa sự thực” là TP.HCM – địa phương mà có con số kiều hối lớn nhất, ổn định trong nhiều thập kỷ qua với tỉ trọng kiều hối chiếm từ 60-65% tổng kiều hối cả nước đã công bố con số này chỉ có 5,2 tỷ USD năm 2018. Như vậy, một suy đoán có căn cứ và logic thì con số kiều hối cả nước chỉ rơi vào tầm 8,5 – 9 tỷ USD. Vậy tại sao có con số “trên trời rơi xuống” lên tới 18,9 tỷ USD kiều hối năm 2018? Có lẽ, không quá khó đoán khi nhìn sang số liệu của Bộ Lao Động – Thương Binh và Xã Hội của ông Đào Ngọc Dung.
Nhưng nếu như cộng với số tiền gửi từ lực lượng “xuất khẩu lao động” mỗi năm được Bộ Lao Động – Thương Binh và Xã Hội công bố rơi vào 120.000 người và số tiền gửi về đạt 11 tỷ USD vào năm 2016 thì chúng ta không có ngạc nhiên. Con số này vào năm 2017 đã là 126.000 lao động và năm 2018 tăng thêm 10%. Như vậy, nhều khả năng con số “kiều hối” đã được Hà Nội “cộng gộp” từ nguồn thu nhập của lực lượng “xuất khẩu lao động” chuyển về Việt Nam và lượng kiều hối truyền thống đã bị giảm sút đáng kể để cho ra một con số lên tới 18,9 tỷ USD. Một báo cáo láo toét cho cái gọi là “thành công của nghị quyết 36” của đảng CSVN! Một câu hỏi là có bao nhiêu tiền trong số 18,9 tỷ USD này là những đồng dollar ngập sũng máu người Việt lao động chui ở nước ngoài bằng những cách thức phi pháp?
11 – 12 tỷ USD là số tiền mà lực lượng lao động Việt Nam gửi về nước. Nó gấp 2 lần thặng dư xuất khẩu quốc gia, bằng lợi nhuận của tất cả các tổng công ty, tập đoàn dầu khí, điện, viễn thông… của đất nước này cộng lại. Và không có gì ngạc nhiên khi được đảng CSVN coi đó là mục tiêu chính trị số 1 để “xóa đói, giảm nghèo, tăng trưởng kinh tế bền vững”. Hãy vào tất cả các website của các báo cáo kinh tế thường niên, các mục tiêu kinh tế, xã hội, chính trị các tỉnh thành, huyện, xã của các tỉnh miền Trung và Nam Trung Bộ của Việt Nam có thể dễ dàng thấy điều này.
Tuy vậy, một thực trạng tồn tại nhiều thập kỷ nay là người Việt khi đi làm culi cho “bọn tư bản giãy chết” theo tiếng gọi của đảng và nhà nước để xóa đói giảm nghèo đã phải chịu vô số gông ách nợ nần. Để ra xứ người kiếm miếng ăn, gia đình của người lao động phải nộp một số tiền lớn cho các công ty phái cử của Bộ Lao Động – Thương Binh và Xã Hội là sân sau của các quan chức cộng sản. Họ phải thế chấp ngân hàng nhả cửa hay thậm chí vay tín dụng đen theo “gợi ý” của những công ty này. Chỉ cần về những vùng quê Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Nam… người ta có thể dễ dàng có thông tin của những đầu mối “buôn người” này. Không thể chính quyền địa phương không biết gì về tình trạng đó. Đây là một thế giới ngầm đáng sợ, một mạng lưới phức tạp gồm cả chính quyền và băng đảng “mafia đỏ, đen” đủ màu sắc mà nếu ai đối đầu sẽ nhận được một cái chết nhanh chóng.
Lịch sử buôn người của Hà Nội
Cần nhìn nhận về việc buôn người, buôn nô lệ là một công việc được điều hành có hệ thống, được bảo kê từ nhà cầm quyền và nó được thực hiện một cách chính thức, công khai hoặc bí mật tùy từng thời kỳ.
Sau năm 1975, việc thu tiền và cấp phép “vượt biên” được thực hiện một cách ngấm ngầm, không công bố chính thức nhưng do hệ thống công an, biên phòng trực tiếp thu tiền những người muốn vượt biên bằng đường biển với giá 4 cây vàng/mạng với người lớn và 2 cây vàng đối với trẻ em. Những người vượt biên thậm chí được tàu biên phòng hộ tống ra phao số 0 để tiếp tục hành trình đầy rủi ro.
Tuy nhiên, không phải tàu nào cũng có “may mắn” đó mà thậm chí họ còn bị “lột sạch” một lần cuối cùng trước khi bị chính chiếc tàu biên phòng hộ tống đâm chìm xuống biển làm mồi cho cá. Một ước tính khoảng gần 200 ngàn thuyền nhân Việt Nam đã có một kết cục thê thảm như vậy. Lượng vàng và tài sản trấn lột của những người Việt vượt biên đó phần lớn rơi vào túi quan chức, đặc biệt là công an, chỉ một phần nhỏ được chuyển về trung ương để bù đắp khó khăn kinh tế trong thời gian CSVN còn duy trì chế độ bao cấp và kinh tế kế hoạch hóa sau 1975.
Tuy vậy, nguồn lợi từ việc “buôn người” không chính thức này đã là một gợi ý đối với chính sách kinh tế của Hà Nội trong những năm sau đó. Theo ghi nhận của IMF và các nguồn khác, nợ nước ngoài của Việt Nam năm 1984 vào khoảng 6 tỷ USD, chủ yếu là nợ Liên Xô. Khi tình thế ngày một tồi tệ hơn và Hà Nội không thể đảm bảo khả năng trả nợ đúng hạn, CSVN đã đề nghị khối các quốc gia Đông Âu và Liên Xô một phương thức trả nợ “đầy sáng tạo” là cung cấp lao động người Việt với giá rẻ mạt để trả một phần nợ tới hạn. Phương thức này được đồng ý, nó được bắt đầu vào năm 1981. Một khảo sát đánh giá con số lao động Việt Nam đã được “xuất khẩu” sang các thị trường này giai đoạn 1981-1985 vào khoảng 500.000 người trong khi Hà Nội chỉ công bố số lượng “xuất khẩu” là 100.000 người. Vậy có thể hiểu rằng 400.000 người còn lại là “chui” được không?
Việc “xuất khẩu” người trong giai đoạn kinh tế nội địa sụp đổ do chính sách kế hoạch hóa toàn diện đã giúp Hà Nội kiếm thêm những đồng ngoại tệ quí giá bằng việc “khấu trừ” 30% mức lương mà lao động gửi về Việt Nam và thông qua tỷ giá hối đoái tùy tiện mang tính cưỡng bức. Đồng thời, chính sách này cũng giảm áp lực thất nghiệp trong nội địa. Theo tờ Izvestia thì một lao động Việt Nam có thể kiếm 145-204 rúp (tương đương 203 – 286 USD) thời đó. Mức thu nhập này là cả một gia tài đối với đời sống cùng cực ở miền Bắc Việt Nam trong thời gian còn duy trì chế độ bao cấp.
Những người Việt phải chấp nhận làm những công việc bị coi là “hạ cấp”, trong những điều kiện làm việc khắc nghiệt nhưng dù sao đối với họ vẫn còn tốt hơn nhiều ở Việt Nam. Thật là nghịch cảnh trớ trêu, để có được một “xuất” trong đội quân culi đầu tiên của chế độ không hề dễ dàng. Đa số họ đều là con cái của những cựu binh cao cấp, những quan chức cộng sản mới có thể được “xuất khẩu”. Nghe nói con trai ông Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh là Nông Quốc Tuấn cũng ở trong lực lượng này nhiều năm trước khi về nước để nhận lãnh một vị trí trong Đoàn Thanh Niên Cộng Sản HCM trước khi được cha đặt lên ngôi cao hơn.
Kể từ khi sau khối Comecon sụp đổ, việc buôn người của Hà Nội sang các thị trường này bị giảm sút nhưng nó lại đem đến một cơ hội lớn hơn cho khối người Việt đã nhập cư vào Liên Xô và Châu Âu từ những thập kỷ 80. Sự nổi lên của một nhóm các “tư bản” lợi dụng được thời buổi rối ren của Châu Âu và Liên Xô cũ, vươn lên nắm các thị trường sản xuất tiêu dùng, thương mại, đường dây buôn bán lậu ngoại tệ, máy tính, đồ gia dụng đắt tiền… Đó là những tên tuổi như Phạm Nhật Vượng, Lê Viết Lam, Nguyễn Thị Phương Thảo ngày hôm nay.
Việc xuất khẩu lao động thực sự được phục hồi lại sau những năm 2005 khi các nước tư bản mở rộng thị trường lao động cho Việt Nam và một lần nữa nó lại trở thành “quốc sách” để đảng và nhà nước coi đó là “phương thức xóa đói, giảm nghèo, tăng trưởng kinh tế bền vững” sau hơn 3 thập niên mở cửa kinh tế. Đối với các tỉnh miền Trung đặc biệt nghèo và bị ảnh hưởng nặng về ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra khiến cho sinh kế truyền thống bị mất, áp lực công ăn việc làm khiến cho người dân chấp nhận mọi rủi ro để kiếm sống. Nếu ai đi qua Đèo Ngang, Hà Tĩnh vào những năm 2000 thì mới thấy hết sự cùng cực về dân sinh của người dân ở đây. Những cô gái ở Đèo Ngang chấp nhận bán dâm với cái giá 20.000 đồng. Còn bây giờ, 19 năm sau, những đoàn người Việt ở những vùng quê này lại tiếp tục con đường trốn chạy khỏi quê hương nghèo đói trong những “quan tài đá”.
Thực sự, nước mắt mẹ Việt Nam không còn để khóc những đứa con như cô gái Phạm Thị Trà My.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét