Thứ Năm, 31 tháng 10, 2019

17099 - Người rơm và bi kịch Việt Nam



Chiếc xe container chở 39 người di dân lậu tử vong trong thùng đông lạnh, hôm 23 tháng 10, 2019. Ảnh: AP
 Chiếc xe container chở 39 người di dân lậu tìm thấy đã chết trong thùng đông lạnh, hôm 23 tháng 10, 2019. Ảnh: AP

Cho tới nay, vụ 39 người chết cóng trong một container trên đường vượt biên giới từ Âu Châu sang Anh vẫn còn làm dư luận bàng hoàng. Trái với những tin tức ban đầu, những nạn nhân đa phần là người Việt Nam từ hai tỉnh Miền Trung là Nghệ An và Hà Tĩnh. Đây không phải là sự kiện đầu tiên của người Việt Nam “xuất khẩu lao động chui” mà nó đã xảy ra nhiều lần như một phong trào, nửa công khai, nửa bí mật.
Hàng chục vụ lớn nhỏ như thế này đã diễn ra trong những năm tháng trước đây với nhiều bi kịch khác nhau, nhưng phải nói vụ 39 người Việt Nam chết tức tưởi trong thùng đông lạnh đóng kín đã tạo ra một sự xúc động lớn trong dư luận toàn thế giới… Chúng ta đã đồng cảm vụ việc này trên cái nhìn nhân bản.
Nhưng chế độ CSVN thì cố trốn tránh trách nhiệm bằng thái độ im lặng khó hiểu. Báo chí trong nước nói công an tỉnh Nghệ An đã bắt giữ 4 người về hành vi “tổ chức, môi giới người khác trốn đi nước ngoài” như một thành tích “vào cuộc” của cơ quan công quyền. Thật khôi hài trong khi những công ty môi giới giết người này có trụ sở tại Hà Nội đã hoạt động công khai dưới cái tên hiền hoà “Trung tâm đào tạo, tư vấn, du học Chấn Hưng” từ lâu mà nay công an mới biết nó là một đường dây buôn người! Và ở Việt Nam, đây không phải là đường dây mồi chài duy nhất có chân rết ở những vùng quê nghèo.
Không vội bàn đến những lý do đưa đến thảm cảnh, trên thực tế ai cũng thấy dù 39 người này không bị chết cóng trên đường đi chăng nữa, thì khi sống sót vào được nước Anh, cũng chưa hẳn là đến được thiên đường. 39 nạn nhân xấu số này chỉ là con số rất nhỏ trong hàng ngàn, hàng vạn người “tự nguyện” chấp nhận trở thành những người nhập cư bất hợp pháp, nên phải sống chui rúc vì sợ bị bắt vẫn là mối lo hàng ngày. Sau nữa là cuộc sống khó khăn với những công việc kiếm tiền không dễ dàng như người môi giới vẽ vời. Thân phận họ được mô tả nhẹ hơn rơm nên từ đó được người Việt Nam tại Anh gọi bằng một từ ngữ thật mỉa mai: “người rơm”.
Thế nhưng tại sao có quá nhiều thanh niên nam nữ Việt Nam lại từ chối đời sống của công dân một đất nước luôn được chính quyền rêu rao đang tiến lên thiên đường xã hội chủ nghĩa… Mà đa số họ lại chịu đem sinh mạng đánh đổi cuộc sống vô giá trị như một cọng rơm?
Cái lý do duy nhất và gần gũi nhất chính vì họ không thể tìm thấy tương lai và hạnh phúc ngay trên đất nước của mình. Phải chăng những người này có đáng tội nghiệp không khi xã hội mà họ đang sống hơn nửa thế kỷ qua chưa thấy được một tín hiệu nào soi sáng cho tương lai. Không có con đường nào dễ chấp nhận hơn con đường đánh đổi mạng sống để đi tìm một tương lai dù nơi đó thân phận họ nhẹ hơn rơm.
Hóa ra chính những người này đã sống một cuộc sống ngay trên đất nước mình còn nhẹ hơn rơm. Nên việc chấp nhận đem mạng sống đánh đổi thân phận rơm ở xứ người còn có hy vọng vươn lên hơn là sống trên sự hứa hẹn một ảo tưởng thiên đường. Sau 45 năm gọi là “giải phóng Miền Nam, thống nhất tổ quốc”, đây chính là bi kịch của người dân Việt do đảng CSVN dàn dựng.
Thảm kịch 39 người chết trên đường tìm sự sống đã để lại cho chúng ta 3 thông điệp:
1/ Đối với một số người, đời sống ở Việt Nam còn nhẹ hơn rơm và những người liều chết ra đi cho thấy là họ đã tuyệt vọng với những hứa hẹn của người cầm quyền. Hố sâu cách biệt giàu nghèo từ sự phân bố lợi tức phần lớn lọt vào tay giai cấp cán bộ và bà con thân nhân của họ, khiến mâu thuẫn xã hội bùng nổ, người dân chỉ còn biết tìm cách tháo thân bằng mọi con đường hợp pháp lẫn bất hợp pháp.
2/ Cái gọi là thiên đường xã hội chủ nghĩa đã không thuyết phục nổi những người trẻ lớn lên ngay tại cái nôi của cách mạng vô sản thời “Xô Viết Nghệ Tĩnh”. Chủ nghĩa cộng sản mà Hồ Chí Minh đã chọn lầm và mang về Việt Nam áp dụng, tuy nhất thời có thể lợi dụng mâu thuẫn các thế lực chính trị quốc tế để giành được nửa nước nhưng lại sa vào nghèo đói triền miên từ sau 1954. Như vậy ngày nay việc các nhà lãnh đạo cộng sản đang cầm quyền cứ tiếp tục trung thành với chủ nghĩa Mác-Lê, kiên định con đường tiến lên xã hội chủ nghĩa chính là một sự mù loà chính trị. Cho dù ông Nguyễn Phú Trọng có lần thừa nhận “đến cuối thế kỷ này chưa biết có xã hội chủ nghĩa hoàn thiện hay chưa”, cũng không ai hy vọng đảng CSVN nhìn thấy sự sai lầm để can đảm vứt bỏ như những nhà nước cộng sản Châu Âu từ cuối thập niên 80.
3/ Dù chúng ta không có liên hệ ruột thịt với 39 nạn nhân xấu số cũng như với gia đình họ, nhưng những cái chết tức tưởi của họ đã để lại cho mọi người một lời cảnh báo rõ ràng. Đó là thiên đường xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam là nơi dung dưỡng của nhiều loại tội phạm làm tan nát xã hội. Nếu đi tìm trách nhiệm thì trách nhiệm chính là nằm trong thành phần lãnh đạo cộng sản hiện nay, những người đang ra sức thực hiện câu “buôn dân bán nước” để củng cố quyền lực lâu dài.
Sau cùng, cái chết của 39 nạn nhân xấu số tại Anh Quốc vừa qua, là phản diện của bức tranh bi đát xã hội Việt Nam qua lăng kính phát triển bát nháo hiện nay. Vì thế, muốn chấm dứt bi kịch này của Việt Nam, phải chấm dứt sự tồn tại của một chế độ đã vô cùng bất xứng và bất lực trong việc phát triển đất nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét