Ở Mỹ, có một ngày lễ mà tôi không bao giờ chờ đợi nó đến, cũng như không thích nó tí nào, đó là ngày lễ Ma Quỷ (Halloween) được diễn ra vào ngày cuối cùng của Tháng Mười mỗi năm. Làm con người, ai cũng sợ ma quỷ, không muốn gần gũi với ma quỷ và nhất là không muốn ai đánh giá, hay gọi mình là “đồ ma, đồ quỷ!” thì vì sao mình lại còn chơi với ma quỷ?
Trong cuộc đời của bạn, đã có dịp nào bạn thấy ma chưa? Ở Việt Nam, từ những ngày còn nhỏ cho đến tuổi già hôm nay kẻ viết bài này, chưa một lần thấy ma, nhưng đã nghe kể quá nhiều chuyện ma. Nghĩ đến ma thì ai cũng sợ, nhưng ai cũng muốn nghe chuyện ma, bằng chứng là có nhiều tờ báo đăng chuyện ma để câu độc giả.
Trước năm 1975 ở miền Nam, Sài Gòn có hai con ma nổi tiếng là “Con Ma Nhà Họ Hứa,” nửa thật nửa giả, trong lâu đài của đại gia Hứa Bổn Hòa, đã được hãng Dạ Lý Hương, quay thành phim, do đạo diễn Lê Hoàng Hoa thực hiện, và “Con Ma Vú Dài” trong khám Chí Hòa của một ký giả, sau này là chồng một nữ ca sĩ nổi tiếng, dựng trên nhật báo Hoà Bình của Linh mục Trần Du.
Thật ra thì chưa ai thấy được hai con ma nổi tiếng nhất ở Việt Nam này, mặt mũi tay chân như thế nào, vì đây toàn là chuyện đồn đãi, truyền thuyết.
Cho đến giờ này, cũng chưa ai giải thích cho tôi biết vì sao loài ma quỷ chỉ có giống cái, phải chăng thế giới này có lòng ghét bỏ đàn bà? Bão táp cũng mang tên phụ nữ, mà dân Sài Gòn ngày trước cũng không thằng ma nào mang họ Hứa hay có vú dài. Ông Khổng Tử đòi “kính nhi viễn chi,” kính thì đã đành rồi, nhưng viễn chi, cái giống đàn ông Chúa sinh ra, xa ma một một ngày đã thấy nhớ, nên suốt đời thích sống với ma quỷ.
Tôi không nói trên trái đất này, nước nào cũng có ma, mà là nước nào cũng có chuyện ma, như thây ma hoặc xác sống (Zombie) ở Bắc Mỹ và Châu Âu, ma cà rồng ở Balkan và Đông Âu, ma sói (werewolf) ở Châu Âu thời Cổ Đại, ma cổ dài (Rokurokubi) ở Nhật Bản, ma Krasue ở Thái Lan, ma Pontianak ở Malaysia và Indonesia, ma Manananggal ở Philippines, Ngạ quỷ hay ma đói trong Ấn Độ giáo, ma lai rút ruột ở Việt Nam.
Có 20% dân số Mỹ nói rằng họ từng gặp ma quỷ và 50% người Mỹ có thể không thấy nhưng tin rằng có ma quỷ. Nhiều trường đại học như UCLA và Cambridge, đã có nhiều nghiên cứu khoa học thực hiện đứng đắn, cho chúng ta thấy có điều gì đó thật sự đang diễn ra trong một thế giới khác mà đôi mắt trần tục của chúng ta khó nhận ra.
Nghiên cứu cho thấy có những sai lệch của hình ảnh được thu lại qua dụng cụ quang học, được ghi lại bằng hình chụp hoặc phim. Tạp chí Popular Photography có đăng tải những nghiên cứu và hình ảnh minh họa, chứng minh rõ ràng có sự tồn tại cái mà chúng ta gọi là ma quỷ hay các linh hồn chưa thể siêu thoát.
Vậy thì chúng ta cứ tin là trên đời này có ma quỷ thật, nhưng không nên thân thiện với ma quỷ làm gì, người ta chưa biết lòng dạ con người thế nào, huống gì loài ma quỷ.
Ma quỷ còn ghê hơn nữa là trong lòng nghĩ gì quỷ thần đều biết hết: “Tâm động quỷ thần tri!” Vậy thì nên đối với ma quỷ càng tránh xa càng tốt. Tránh xa mà không khinh miệt, trong lòng không xem thường, bởi mình cũng sợ “quỷ thần tri” nghĩa là “kính nhưng mà nên tránh xa, kiểu “kính nhi viễn chi” của cụ Khổng Tử ngày xưa cho đỡ phiền phức.
Dân gian có câu: “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành.” Để tránh những điều phiền phức từ các thế giới khác, người xưa thường tôn kính các vị quỷ thần để được bảo hộ và tránh xa những rắc rối. Mặt khác, cần phải giữ tâm cho chính, tích đức, hành thiện, ý nghĩ, lời nói, cử chỉ, đều đoan chính, thì ma quỷ cũng không hại được mình.
Theo tinh thần phương Đông thì đùa với quỷ thần là đi trái với văn hóa, nhưng ở phương Tây, sống chung hay đùa giỡn với ma quỷ là chuyện thường tình.
Ngày lễ Halloween đã và đang trở thành thú vui, con người hóa trang sao cho càng giống ma quỷ càng tốt, xương cốt, máu me, bia mộ, đầu lâu, mạng nhện, quan tài… đến tiếng rú ma quái, tiếng cười lanh lảnh trong đêm và hình ảnh những bà phù thủy hay những đoàn ma quỷ hiển hiện trong đêm, đi với nhau từng đoàn.
Halloween được cho là có xuất xứ từ Thiên Chúa Giáo, phát xuất từ các lễ hội cổ xưa của người Celtic, những người đã sống cách đây 2,000 năm trong khu vực mà ngày nay là Ireland, Vương quốc Anh và miền bắc nước Pháp, để xua đuổi các âm hồn muốn tái sinh.
Người Celtic cho rằng vào đêm trước năm mới, ranh giới giữa thế giới của sự sống và cái chết trở nên mờ nhạt, và người ta tin là vào đêm 31 Tháng Mười, những hồn ma của người chết trở về nhân gian.
Ngày lễ Halloween được du nhập vào Mỹ theo chân những người Ireland di cư từ năm 1846. Đến những năm 1920 và 1930, Halloween đã trở thành một ngày lễ của nhân gian, chứ không chỉ của riêng giáo dân, với các cuộc diễn hành và các trò giải trí đặc trưng của cả cộng đồng. Chỉ tội cho cái xứ Việt Nam, giờ này cũng đua đòi chơi cái trò ma quỷ!
Theo nghiên cứu của the National Retail Federation’s, 80% dân Mỹ có kế hoạch tổ chức Halloween để đem lại một điều gì đó vui vẻ với bạn bè và con cái, gia đình của họ. Chỉ tính ví dụ như năm 2018, nước Mỹ đã tiêu pha lên tới $9 tỷ, chi tiêu trung bình của mỗi người Mỹ là $86.79 cho trang trí, kẹo, trang phục và nhiều thứ khác. Chúng ta không thể tưởng tượng rằng chỉ với món kẹo Halloween dành cho trò “treat and trick” không thôi, nước Mỹ đã tốn $2.6 tỷ rồi.
Nếu nói văn hóa là nét đặc trưng của mỗi dân tộc, trong khi văn hóa nước Mỹ không chấp nhận chuyện ăn thịt chó, chuyện chửi Formosa cũng bị đi tù, thì Việt Nam chúng ta cũng không thể chấp nhận chuyện tang lễ, quan tài không đậy nắp hay chuyện vinh danh ma quỷ qua ngày lễ Halloween!
Những người tâm địa không đoan chính, hành động không giống con người, thì chúng ta tránh xa không giao tiếp với họ. Người quân tử chơi với kẻ xấu như vào chợ cá, lâu không nghe còn nghe mùi hôi của cá, cho nên ai cũng muốn giao tiếp với người hiền, lương thiện, trí thức, chứ không ai muon gần gũi với bọn ma quỷ.
Ngày lễ Halloween người ta thích trang trí nhà cửa, vườn tược bằng những hình ảnh ma quái, có gia đình dựng nguyên cả một nghĩa địa giả trong vườn với những tấm bia mộ như thật, chưa nói đến máu me, xương sọ, đầu lâu lủng lẳng trước cửa nhà.
Người có con chết biển thường sợ thấy biển. Người đã đứt tay không muốn thấy máu. Là người Việt Nam trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, với những cuộc chiến hủy hoại, giết chết hàng triệu người, chúng ta đã trải qua bao lần mục kích cảnh máu đổ, xương rơi mà nạn nhân là ruột thịt, bà con, đồng bào của chúng ta, còn vui thú gì với xác chết không đầu, thây phơi đồng nội nữa!
Thời Việt Minh, tôi chỉ mới lên tám, lên chín, cũng như những đứa trẻ khác, đã phải mục kích những cảnh đầu lâu cắm giữa chợ, những xác chết thả trôi sông, những tử thi không đầu đắp chiếu nằm giữa ngã ba đường, và máu chảy thành những vũng lớn. Nỗi kinh hoàng, run sợ ám ảnh đứa trẻ trong nhiều ngày nhất là mỗi đêm, nghe tiếng chó sủa vang trong xóm, sáng ra là có xác chết nhuốm máu, nằm co quắp bên vệ đường.
Suốt thời quân ngũ, tôi may mắn không trực tiếp ra nơi chiến trường bom đạn, không thấy tận mắt những cảnh máu đổ xương rơi, nhưng sau chiến trận, tường tận thấy những xác chết đồng đội mang về từ chiến trường, máu đã khô trên những chiếc cáng cứu thương, với những bà mẹ già hay những người vợ trẻ gào thét, khóc lóc…theo sau.
Rồi thảm cảnh Mậu Thân, trở về quê hương, tôi đã đi theo những toán người đào những nấm mộ tập thể, tận mắt thấy những thây người co quắp, bị cột bằng những sơi dây điện thoại màu đen, áo quần lẫn lộn với bùn đất, xương sọ vỡ toác vì báng súng hay lưỡi lê… nằm chồng chất lên nhau.
Một thời gian rất lâu sau đó, tôi cũng còn bị ám ảnh, chưa quên nỗi mùi hôi của xác chết lâu ngày, thối rữa trong mộ chôn, và tiếng la khóc, gào thét phẫn nộ dến khản đặc của những người vợ, người mẹ bất hạnh. Và những con đường đầy một trời khăn tang trắng, mùi nhang trầm phảng phất, tiếng cầu kinh văng vẳng xa gần…
Rồi mùa Hè lửa đỏ, bao nhiêu xác anh em chúng tôi từ mặt trận mang về, và trên con đường mang tên “Đại Lộ Kinh Hoàng” máu thịt người dân tan rữa, lẫn lộn cùng với sắt thép và cát nóng của mùa Hè.
Rồi Tháng Tư năm đó, trên đường di tản, trên con đường đèo oan nghiệt, trên những bãi biển miền Trung, bao nhiều thây người lính còn nằm lại đó, thịt nát xương tan, vương vải những áo trận, dày sô và thẻ bài dính máu.
Đất nước tôi đi vào thảm cảnh hôm nay cũng vì bọn ma quỷ đang đội mồ đứng dậy, nhập hồn vào những thân người sống, hiếp, đâm, giết… 45 năm sau cũng còn người chết sông, chết biển vì phải bỏ nước ra đi. Những tấm thân lưu lạc. Có bao nhiêu anh em, bà con của chúng ta chết nằm chồng chất trong cái thùng đông lạnh chứa 39 thi thể ở Anh. Bạn có nghe không, đâu đây vẳng tiếng kêu đau lòng: “Mẹ ơi con không thở được!”
Vậy mà hôm nay chúng ta lại định mang về nhà những hình ảnh chết chóc, tiếng rên rỉ, kêu la của loài ma quái, đầu lâu, quan tài, mộ địa.
Là người Việt Nam, chúng ta có quyền không tham gia trò chơi của bầy ma quỷ. Chúng ta đã trải qua những giai đoạn của một đất nước chết chóc, máu me. Đất nước chúng ta hiện đang còn đầy dẫy loài ma quỷ nhan nhản khắp nơi, nơi có nhiều ma quỷ phải chăng đó chính là.. địa ngục?
Trong tình thế này, làm sao có thể nói được câu “Happy Hallowen” hở người anh em?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét