Bộ Ngoại giao VN thông báo xác nhận tàu Hải Dương 8 rút khỏi vùng biển Việt Nam và đồng thời yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền, các quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam và không tái diễn sự vi phạm. Như vậy, sau 3 tháng tiến hành khảo sát ngang dọc vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, tàu Hải Dương 8 cùng nhóm tàu hộ tống đã rút về nước.
Thế nhưng, theo Ian Storey, một thành viên cao cấp tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, nói với SCMP rằng việc rút tàu lần này chỉ có thể thể tạm thời. Và bản thân Trung Quốc ngay sau đó đã tiếp tục củng cố “chủ quyền” của mình qua vùng khảo sát, cũng như đề cập gián tiếp rằng, Hà Nội nên đình chỉ hoạt động thăm dò và sản xuất dầu khí.
Điều này đồng nghĩa, đó không “thể hiện một thất bại đáng xấu hổ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình” như cách mà Charlie Bradley nhận định đầy chủ quan [1].
Zhang Mingliang, một chuyên gia về các vấn đề Đông Nam Á tại Đại học Tế Nam, phía nam thành phố Quảng Châu, nói rằng việc rút tàu của Trung Quốc dường như không liên quan gì đến những phản đối ngoại giao của Việt Nam. Mà theo ông, ông bày tỏ, rút về đơn giản vì “nó đã hoàn thành công việc của mình”, và trong bối cảnh, Bắc Kinh đang nhằm giảm bớt căng thẳng [của Trung Quốc] với Mỹ. Tầm quan trọng đối với mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Hà Nội là tối thiểu, ông nói, khi hai quốc gia đang tham gia vào một trong những tranh chấp lãnh thổ phức tạp nhất thế giới. Sự ảnh hưởng đến mối quan hệ Trung-Việt sẽ bị hạn chế vì đã có quá nhiều tranh chấp như thế này, ông nói.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cũng có tuyên bố trong hội trường Quốc Hội, theo đó, Hà Nội sẽ không bao giờ đưa ra bất kỳ nhượng bộ lãnh thổ nào.
Nhưng đội tàu Hải Dương 8 ra về trong bối cảnh mà các chính trị gia “không khoan nhượng” trong đấu tranh chủ quyền quốc gia là cơ hội cho Hà Nội ở nhiều khía cạnh. Đầu tiên là giảm nhiệt Biển Đông trong bối cảnh mà ĐCSVN đang bàn về nhân sự cho kỳ Đại hội tới, và thứ hai là thời gian vàng cho Hà Nội có thể “dự báo tình hình Biển Đông” theo như chỉ đạo của ông Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Nhưng “tham vọng” của Tập Cận Bình không phải là điều dễ dàng dự báo, đặt trong hoàn cảnh mà ý thức hệ chính trị của hai bên giống nhau, cũng như Việt Nam đang thâm hụt thương mại với Bắc Kinh. Điều đó cho thấy, “xử lý đúng đắn” các vấn đề liên quan đến chủ quyền Biển Đông hiện nay trong nội tại ĐCSVN là một bài toán khó, và không dễ tìm ra một câu trả lời đúng nhằm đảm bảo về kinh tế, chính trị, nhưng đồng thời thể hiện được sự cương quyết trong gìn giữ chủ quyền quốc gia.
Một Hội nghị lần thứ 9 về Hợp tác hành lang kinh tế của 4 tỉnh thành Việt Nam (Hà Nội, Hải Phòng, Lào Cai, Quảng Ninh) với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) là minh chứng rõ nét về mối quan hệ kinh tế ràng buộc giữa hai quốc gia. Và cơ chế hợp tác hành lang năm 2004 cũng được xem xét và mở rộng phạm vi, lĩnh vực trao đổi. Xác lập như là một cơ sở “khai thác tiềm năng, lợi thế địa phương, xây dựng vùng biên hai quốc gia hòa bình, hữu nghị và cùng phát triển”.
Carl Thayer, giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales Canberra, cho biết thông điệp của ông Trọng đề cập đến “Biển Đông” gần đây có thể báo hiệu rằng Hà Nội khó có thể lùi bước trước cuộc đối đầu với Bắc Kinh về chủ quyền Biển Đông. Tuy nhiên, khi bối cảnh cả hai quốc gia cương quyết không mất một cm đất do “tổ tiên để lại” thì bàn cờ quyết định phần thắng lợi cho quốc gia nào đảm bảo khả năng quốc phòng và quốc tế vận cao nhất. Và trong cuộc chơi này, dù Hà Nội tuyên bố cứng rắn “không bao giờ thỏa hiệp”, nhưng cách thức bảo vệ chủ quyền quốc gia trong 3 tháng vừa qua vừa cho thấy sự chênh lệch khả năng quân sự, vừa cho thấy sự đơn độc của chính Việt Nam trong ván bài giữ gìn chủ quyền.
Trong nước, sự “ngang ngược” của Trung Quốc tại chủ quyền quốc gia Việt Nam cũng đặt ra một bài toán khó cho chính Hà Nội, liên quan đến phản ứng của dư luận xã hội đối với chủ quyền.
ĐCSVN – tổ chức duy trì quyền lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện không muốn xuất hiện bài học “biểu tình, bạo loạn” của năm 2014 khiến các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan sợ hãi. Nhưng Hà Nội cũng hiểu rằng, sự nguội lạnh trong cung cách xử lý vấn đề Biển Đông cũng gia tăng sự trấn áp người dân về quan điểm và những lần xuống đường về Biển Đông có thể khiến cho người dân đánh mất sự tin tưởng về chính sách và chủ trương của ĐCSVN. Và điều này, có vẻ còn nguy hiểm hơn cả sự “rạn nứt trong nội bộ ĐCSVN.”
Thỏa thuận với EU về hợp tác quốc phòng (FPA) có thể đem lại cho Hà Nội sự tự tin trong tránh “cô đơn hóa” trong cuộc chiến Biển Đông. Và Hà Nội cũng sẽ triển khai các tàu chiến hiện đại nhất tham gia lễ duyệt binh quốc tế diễn ra tại Nha Trang, Khánh Hòa cùng đối tác khách mời trong năm 2020.
Thế nhưng, những cách thức liên kết đó không hỗ trợ cho Hà Nội về mặt quân sự, mà hướng chủ yếu về mặt ngoại giao thể hiện. Ngoại giao này quá nhỏ bé trước sức phức tạp của vấn đề Biển Đông, dù bản thân thúc đẩy Hà Nội tiến tới kiện Bắc Kinh tại tòa án quốc tế về luật biển. Nhưng suy cho cùng, khi mà Hà Nội vẫn đơn độc về mặt “liên minh”, thì yếu tố ngoại giao cũng không khiến cho khả năng Trung Quốc sẽ cử một giàn khoan dầu đến khu vực mà Hải Dương 8 đã thực hiện các cuộc điều tra địa chấn giảm đi mức thấp nhất.
Và viễn cảnh Việt Nam “ứng phó” đầy chật vật trong 3 tháng vừa qua sẽ tiếp tục tái diễn trong thời gian tới, trong khi “dự báo” vẫn sẽ tiếp tục. Và kiện hay liên minh quân sự vẫn bị bỏ ngỏ.
Trong một diễn biến có liên quan, một quan chức từng phục vụ trong ngành Tuyên giáo ĐCSVN, ông Vũ Ngọc Hoàng trong trả lời phỏng vấn RFI đã nhấn mạnh: chỉ có dân chủ mới tập hợp được cả dân tộc này để bảo vệ Tổ quốc và phát triển quốc gia.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét