Thứ Ba, 29 tháng 10, 2019

17066 - Việt Nam lập trung đoàn kỵ binh: Chuyện khôi hài!




Kỵ binh hộ tống Nữ hoàng Anh Elizabeth II ngày 14 tháng 10 năm 2019.
Kỵ binh hộ tống Nữ hoàng Anh Elizabeth II ngày 14 tháng 10 năm 2019. AFP


Bộ công an đề xuất thành lập trung đoàn cảnh sát cơ động kỵ binh chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Với cơ sở hạ tầng giao thông cũng như tình hình nhân sự ở Việt Nam hiện nay thì điều này có hợp lý hay không?
Đề xuất cho vui?
Bộ Công an đề xuất xây dựng Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ) thay thế cho Pháp lệnh Cảnh sát cơ động hiện nay, trong đó đề cập đến việc thành lập Trung đoàn Không quân CAND, Trung đoàn CSCĐ Kỵ binh.
Theo Bộ Công an, tình hình chính trị thế giới và khu vực đang diễn ra phức tạp, khó lường, đặc biệt tình hình khủng bố có xu hướng gia tăng, ảnh hưởng đến lợi ích, an ninh trật tự tại nhiều quốc gia, bao gồm Việt Nam. Do đó, để phù hợp với yêu cầu tình hình thực tế, góp phần nâng cao vị trí, vai trò, tầm quan trọng của CSCĐ trong hoạt động bảo vệ an ninh, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội thì Việt Nam cần có trung đoàn kỵ binh.
Với đề xuất thành lập trung đoàn CSCĐ kỵ binh, blogger Nguyễn Ngọc Già, từng làm việc tại Đài truyền hình TP.HCM cho rằng, khó có thể thực hiện được ở Việt Nam nếu không muốn nói là không thể. Ông giải thích:
“Với từ “kỵ binh” thì tất cả mọi người đều hiểu là cưỡi ngựa, tôi nhấn mạnh là cưỡi ngựa, đó là từ chính thức của các nước họ dùng. Cái thứ hai, kỵ binh là một nét đặc trưng của thời xưa. Sau này tôi có dịp đi nhiều quốc gia, liên hệ với tình hình Việt Nam thì thú thật tôi cảm thấy nó như câu chuyện hài, vì lực lượng kỵ binh đòi hỏi rất nhiều yếu tố. Người lính cưỡi ngựa phải được huấn luyện thuần thục, phải đạt được những tiêu chuẩn để được dạy cưỡi ngựa; bắn súng; sử dụng võ thuật… Ngoài ra còn phải chăm sóc ngựa (ăn uống, vệ sinh, sức khỏe).”
Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh thì cho rằng trong tình hình cơ sở hạ tầng hiện nay, lập trung đoàn kỵ binh chỉ để làm cảnh chứ hoàn toàn không phù hợp. Hơn nữa ở thành phố thì làm sao dùng ngựa vào việc săn đuổi tội phạm. Nếu ở miền núi thì còn có thể phù hợp. Ông cũng nhắc lại đề xuất cảnh sát đi xe đạp của Hà Nội trước đây, giờ cũng đã bị phá sản.
Sự việc diễn ra vào tháng 7 năm 2015, lãnh đạo UBND Hà Nội thống nhất với đề xuất của Công an TP về việc thí điểm mô hình Cảnh sát trật tự cấp phường sử dụng xe đạp tuần tra kiểm soát, kết hợp công tác vận động, tuyên truyền về trật tự đô thị. Tháng 8 năm 2015, Công an TP Hà Nội bắt đầu thí điểm mô hình tuần tra bằng xe đạp.
Sau vài năm “thí điểm” tốn không ít tiền của của dân, Trung tá Hà Quyết Thắng, Trưởng Công an phường Tràng Tiền trả lời với báo chí trong nước về số xe đạp xếp xó phủ bụi ở phường rằng, “Xe đạp thì thỉnh thoảng mới sử dụng. Có lúc phải sử dụng những phương tiện khác, phải dùng ô tô đi bắt giữ hàng. Cơ bản dùng ô tô nhiều hơn…”
Trong thể chế chính trị của một nước cộng sản như Việt Nam hiện nay, ngành công an được cho là ngành có quyền lực rất lớn, tuy nhiên hầu hết những đề xuất của ngành này thời gian gần đây luôn gặp sự phản ứng của dư luận. Có thể kể ra như việc trang bị cho cảnh sát giao thông súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên và súng bắn đạn cao su khi làm nhiệm vụ; hay việc phòng CSGT đường bộ - đường sắt sẽ kiểm tra tất cả các xe lưu thông trên đường vào ban đêm, từ 7 giờ tối đến 2 giờ sáng hôm sau đối với tất cả các xe tham gia giao thông từ giữa tháng 10 cho đến cuối năm với lý do nhằm giảm tai nạn giao thông.
Giờ thêm đề xuất thành lập trung đoàn kỵ binh. Nhà báo Phạm Thành, cựu phóng viên Đài tiếng nói Việt Nam nhận định:
“Việt Nam bây giờ không những loạn 12 sứ quân như ngày xưa mà nó loạn tới mấy chục sứ quân cho nên mới có người nghĩ ra chuyện thành lập đội cảnh sát kỵ binh. Làm gì có truyền thống dùng kỵ binh. Đó là cái trò hề, một sự ngu dốt, sự quẫn trí trong cơn giãy chết của chúng nó mà thôi.”
Ông nhấn mạnh, quyền lực chỉ đạo tập trung bây giờ không còn vững mạnh cho nên bộ nào cũng muốn thò “bàn tay sắt” của mình để thực hiện nhiệm vụ, đồng thời để bảo vệ chính họ.
Ngựa dùng như thế nào?
Với dân số Việt Nam tính đến nay đã hơn 97 triệu người. Gần 3.400.000 chiếc xe máy được bán ra trong năm 2018, theo thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), trong khi diện tích Việt Nam không hề “nở” ra chút nào, thử hỏi đường đâu cho đoàn kỵ binh lưu thông? Blogger Nguyễn Ngọc Già đặt câu hỏi:
“Đường xá Việt Nam bây giờ nó kinh hoàng. Ngập lụt, kẹt xe, thậm chí con người đi còn không có chỗ, ngựa còn không có chỗ đứng, thử hỏi nó xoay sở làm sao đây?”
Nhà báo Phạm Thành cũng cùng ý kiến khi cho rằng đề xuất này không phù hợp chút nào khi các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh người thì đông như kiến cỏ, nhà nọ chồng nhà kia, quỹ đất cho giao thông rất chật hẹp. Ông nói thêm:
“Xe máy chen chả đi nổi, người đi bộ chả có chỗ đi thì lấy đâu ra đường đi cho đội kỵ binh. Bây giờ cứ tưởng tượng ngành công an có đội kỵ binh trên đường thì…nó không thể đi nổi!”
Chắc chắn các vị lãnh đạo trong Bộ Công an cũng biết, cũng nhìn thấy tình hình đường xá chật hẹp, xe cộ đông đúc như thế nào. Vậy tại sao Bộ Công an vẫn đưa ra những đề xuất để rồi bị người dân phản bác như thế? Theo Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh thì:
“Tôi không hiểu thành ý của mấy ông lãnh đạo như thế nào, nhưng nếu mình suy diễn ra thì họ đặt ra cho nhiều để kiếm ăn, kiểu như đặt ra dự án này dự án kia để kiếm chác.”
Còn ông Nguyễn Ngọc Già thì cho rằng đó là do tính “trưởng giả học làm sang” của người cộng sản. Ông nói thêm rằng trong thời gian làm Đài truyền hình, ông có dịp đi nhiều nước và thấy những đoàn kỵ binh ở các nước như Tây Ban Nha, Malaysia… rất đẹp, nhưng theo ông biết thì những đoàn kỵ binh như vậy chỉ để làm cảnh nhằm giữ lại nét văn hóa truyền thống chứ không ai đưa vào sử dụng trong thực tế cả.
Tại Hoa Kỳ, vào dịp Lễ hội Hoa Anh Đào hàng năm tại thủ đô Washington, DC, người ta thấy hình ảnh một vài cảnh sát cưỡi trên lưng những chú ngựa tuyệt đẹp đi dạo như để tăng thêm nét đẹp cho lễ hội; hay sự kiện thể thao Marathon hay Half - Marathon hàng năm của lực lượng Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ (United States Marine Corps), người ta cũng thấy một vị tướng cưỡi ngựa đi vòng vòng, nhưng thật ra cũng chỉ để làm cảnh.
Dù không muốn “chửi” thì cư dân mạng lại được dịp “chửi” khi một đề xuất được cho là “không giống ai” cứ xuất hiện nhan nhản trong các cuộc họp hội của các giới chức. Nhiều người dân đặt câu hỏi: “Tại sao ngành Công an không đề xuất các phương án đúng chuyên môn như làm sao để giảm bớt tội phạm cướp giật, tội phạm lừa đảo, buôn người… mà lại đi đề xuất những việc làm không khả thi như vậy?" Đúng là chuyện khôi hài!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét