Tổng thống Mỹ Donald Trump đang quay
lưng lại với Đông Nam Á ?REUTERS/Leah Millis
Vài ngày
trước khi diễn ra thượng đỉnh ASEAN lần thứ 35, tổng thống Mỹ, ngày 29/10/2019,
trong một thông cáo, cho biết không đến dự các cuộc họp thượng đỉnh tại
Bangkok, Thái Lan và cử cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien cùng bộ trưởng
Thương Mại Wilbur Ross, thay mặt ông.
Giới chuyên gia cảnh báo quyết định này của chủ nhân Nhà Trắng có nguy cơ làm suy giảm ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực. Bất chấp các tuyên bố hùng hồn về chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, được xem như là « khu vực có tính chất quyết định cho tương lai nước Mỹ », chính quyền Donald Trump liên tục giảm sự hiện diện của Mỹ tại các cuộc gặp cấp cao như Thượng đỉnh Đông Á (EAS) và ASEAN.
Năm 2018, tuy không dự thượng đỉnh ASEAN, nhưng phó tổng thống Mỹ, Mike Pence đã đại diện Hoa Kỳ đến dự các cuộc họp cấp cao ASEAN và Đông Á ở Singapore. Còn lần này, Mỹ chỉ cử hai quan chức cấp thấp – thấp nhất từ trước tới nay – đến dự các thượng đỉnh của ASEAN.
Một số nhà phân tích Thái Lan, được tờ Japan Times trích dẫn, nhận định, sự việc cho thấy ưu tiên của chính quyền Donald Trump là an ninh và thương mại. Quả thật, tổng thống Mỹ có ý định tham dự thượng đỉnh APEC chủ yếu tập trung vào kinh tế tại Chilê, nhưng rủi thay, tổng thống Sebastian Pinera vừa thông báo không thể tổ chức sự kiện này do cuộc khủng hoảng xã hội.
Thế nhưng, quan điểm trên của một số nhà phân tích Thái Lan không được nhiều chuyên gia tán đồng. Họ ghi nhận một cảm giác bất an từ nhiều nước châu Á. Theo các chuyên gia này, sự vắng mặt của tổng thống Mỹ trong cuộc họp ASEAN lần này, và việc gởi một phái đoàn cấp thấp hơn so với cả Trung Quốc và Nhật Bản là một dấu hiệu về việc Washington không hào hứng dấn thân vào khu vực, trong lúc Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng và đầu tư của Trung Quốc trong khu vực tăng vọt đáng kể.
Trên trang mạng New24, ông Amy Searight, cựu quan chức quốc phòng cao cấp dưới thời tổng thống Obama, hiện là cố vấn chính cho CSIS (Center for Strategic and International Studies - Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế) lưu ý rằng thượng đỉnh Đông Á đã trở thành diễn đàn đối thoại chiến lược hàng đầu cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Sự kiện này thu hút sự tham gia của nhiều cường quốc khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như là 10 nước thành viên khối ASEAN.
Ông Piti Srisangnam, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về ASEAN, trường đại học Chulalongkorn, nhận định : « Việc Donald Trump gởi một nhân vật không thể đưa ra bất kỳ một quyết định nào tại một kỳ thượng đỉnh chứng tỏ Hoa Kỳ không còn xem ASEAN là quan trọng nữa ».
Vậy chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở rộng của Hoa Kỳ có thực sự nghiêm túc hay không ? Nước Mỹ của Donald Trump có còn đáng tin cậy như là một đối tác chiến lược trong khu vực nữa hay không ? Đây chắc chắn là những câu hỏi mà nhiều nước Đông Nam Á đang đặt ra nhất là sau khi chứng kiến những gì Hoa Kỳ đối xử với đồng minh Kurdistan tại Syria.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét