Vụ nghi vấn có nhiều người Việt quê ở Hà Tĩnh – nơi có nhà máy thép Formosa xả thải hủy diệt môi sinh - đã tử vong trong container tại Anh quốc, tiếp tục gióng hồi chuông tử thần cảnh báo về nguồn tài nguyên thủy hải sản của biển Việt Nam đang kiệt quệ ngày thêm trầm trọng.
Đáng ngại là góp phần ‘hủy diệt’ nguồn thủy hải sản đó còn đến từ nhà chức trách Việt Nam.
Nếu không có những quan chức ‘chống lưng’…
Vụ nhà máy bột ngọt Vedan (Đài Loan) xả thải khiến sông Thị Vải của Đồng Nai giờ đây chỉ còn để dành khai thác các dịch vụ cảng biển. Những hoạt động của ngư dân về đánh bắt thủy sản, ngư nghiệp ở sông Thị Vải hoàn toàn bị xóa sổ.
Trong hồ sơ vụ việc Vedan lúc đó, có một cái tên quan chức cấp cao của Đảng – Nhà nước Việt Nam giữ vai trò ‘chống lưng’ cho mọi hoạt động của doanh nghiệp quốc tịch Đài Loan này: Nguyễn Công Tạn (1935 – 2014).
Năm 1987, ông Nguyễn Công Tạn là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, và sau đó là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đầu tiên (1995) khi sáp nhập các bộ Nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm, Lâm nghiệp, Thủy lợi. Năm 1997, ông Nguyễn Công Tạn giữ chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đến năm 2002.
Trong những năm từ 1990 - 2000, ông Nguyễn Công Tạn là chủ biên của những chương trình lớn như chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp; phát triển kinh tế trang trại; chương trình rau, hoa, quả; chương trình giống quốc gia; chương trình thủy sản; chương trình trồng 5 triệu ha rừng; chương trình thủy lợi và thoát lũ ở đồng bằng sông Cửu Long; chương trình khuyến nông...
Trong lý lịch khoa học, ông Nguyễn Công Tạn quê ở tỉnh Thái Bình, song toàn bộ đường học vấn đều được Trung Quốc đào tạo từ cấp đại học đến sau đại học. Thời gian dành cho các cấp từ tiểu học đến trung học của ông Nguyễn Công Tạn, không tìm thấy trong tài liệu chính thức nào của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Trước khi xảy ra vụ xả thải Vedan làm chết sông Thị Vải, thị trường nông nghiệp xuất hiện phân bón hiệu Vedagro của Công ty Vedan, là một loại phân lỏng, xuất hiện vào khoảng thập niên 1990; có thời điểm, phân này được bà con rất ưa dùng vì ‘cây mì công nghiệp’ (nguyên liệu làm bột ngọt của Vedan) nhờ nó mà xanh tốt, phát triển rất nhanh.
Thời gian đầu, khi chưa được công nhận là phân bón, Công ty Vedan gửi tặng để nông dân sử dụng, nhưng sau này, khi đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận, thì Vedan đã đem bán lại cho nông dân với giá 200.000 - 300.000 đồng/tấn. Về sau, khi lượng người mua ngày càng nhiều, Vedan đã nâng giá và phân Vedagro đến tay người nông dân đã đội lên trên 500.000 đồng/tấn.
Lưu ý, phân lỏng Vedagro là tên gọi, thực tế phân này không có bao bì thương hiệu.
Sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận Vedagro là phân bón, thì một số tòa soạn báo chí ở Sài Gòn nhận được tập hồ sơ tố cáo Vedagro chỉ là một dạng chất thải trong quá trình sản xuất bột ngọt từ nguyên liệu cây mì của Công ty Vedan.
Một trong những nguyên do đưa đến tập hồ sơ tố cáo, là nếu Vedagro vô tình bị chảy xuống ao hồ, thì cá dưới ao hồ sẽ chết sạch. Không ít đại lý đã phải bồi thường cho người dân vì vô tình để phân chảy xuống ao cá.
Hồ sơ vụ việc cho biết, lúc xe bồn chở phân Vedagro đến để đổ vào hồ của các đại lý, thứ phân lỏng có mùi thơm như là mùi mật mía. Để ít lâu dưới hầm chứa, phân chuyển sang bốc mùi hăng hắc khó chịu.
Khi ấy lúc tiếp cận hồ sơ, cánh báo chí ở Sài Gòn đã rủ rê nhau ‘cùng thụ lý’. Lúc nhận được mẫu thu trực tiếp tại hồ chứa, phân Vedagro có màu nâu đặc sền sệt, tựa như màu nước đổ ra từ ống thuốc lào hút lâu năm không được thay…
“Sở dĩ vụ Vedagro chúng tôi phải liên kết đồng nghiệp gọi là ‘cùng thụ lý’, vì đơn giản hồ sơ vụ này liên quan trực tiếp tới ông Nguyễn Công Tạn. Thời đó không có mạng xã hội, nên việc xử lý thông tin và tận dụng sức mạnh truyền thông rất khó khăn.
Bằng quyền thế của quan chức, và tiền bạc của nhà đầu tư, tất cả đều có thể ‘bị mua’. Vedagro cũng vậy, nó là dạng phân hữu cơ có nguồn gốc từ chất thải của công nghiệp bột ngọt. Nhà sản xuất chẳng những không mất tiền xử lý chất thải, mà còn có được một khoản thu lớn hằng năm từ tiền bán phân cho nông dân.
Khi đó, nhóm phóng viên theo bám vụ này đã day dứt một câu hỏi, là nếu người nông dân đang mua phân có nguồn gốc từ chất thải công nghiệp bột ngọt, liệu có xứng đồng tiền bát gạo, hay xét cho cùng họ đang bỏ tiền ra giúp các nhà sản xuất xử lý chất thải? Và ở đây nguyên tắc ‘người gây ô nhiễm phải trả tiền’ được hiểu như thế nào? Tiếc là vụ phân Vedagro chúng tôi phải khép lại vì thế lực chống lưng quá lớn!”. Nhóm nhà báo C.M.T, H.B.S, H.X.H, T.A.T, kể.
Tiếp theo vụ Vedagro là vụ xả thải của Vedan hủy diệt sông Thị Vải. Đây là vụ việc của giọt nước tràn ly, khi phần lớn hồ sơ mà báo chí có được lúc ban đầu, đến từ chính quyền Ủy ban nhân dân huyện Tân Thành của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất khi sông Thị Vải bị Vedan hủy diệt.
Huyện đảo Cần Giờ của Sài Gòn, nơi dòng chảy của Thị Vải ra biển Cần Giờ cũng khốn đốn vì ô nhiễm trong nghề nuôi nghêu, hàu suốt từ dạo đó đến nay…
Không một bài học về nhân sự nào được rút ra từ vụ Vedan. Những phiên bản Nguyễn Công Tạn lại xuất hiện sau đó ở Hà Tĩnh với dự án luyện thép của Formosa Hà Tĩnh; ở Trà Vinh, ở Bình Thuận với loạt dự án nhiệt điện than 100% vốn Trung Quốc…
Thủy sản cạn kiệt
Một khi sông, biển bị đầu độc thì hệ lụy tất yếu là tài nguyên thiên nhiên ở biển Việt Nam phải gánh chịu sút giảm ngày càng nghiêm trọng. Những con số được trích từ báo cáo nội bộ của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), sẽ chi tiết hơn về cảnh báo đó.
EU là thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc lớn thứ 3 của Việt Nam, chiếm 12% tổng giá trị xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam đi các thị trường. Xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường EU 9 tháng đầu năm nay đạt gần 52 triệu USD, giảm 15,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo VASEP, xuất khẩu mực, bạch tuộc sang EU vẫn tiếp tục bị tác động giảm từ thẻ vàng IUU của EU. Xuất khẩu mực, bạch tuộc cũng có chiều hướng sụt giảm đáng kể tại nhiều thị trường chính như Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN. Dự báo giá trị xuất khẩu mực, bạch tuộc cả năm 2019 dự kiến đạt khoảng 626 triệu USD, giảm 7% so với năm 2018.
Giải thích bên lề của các con số báo cáo thống kê của VASEP, trên thực tế thì các tàu đánh cá sụt giảm sản lượng thê thảm khi mà VASEP mở đợt vận động ‘gỡ thẻ vàng IUU’.
Giờ thì sản lượng đánh bắt thủy hải sản còn chưa tới 50%; cả chủ tàu, bạn ghe lẫn chủ vựa đều rơi vào khó khăn. Nguyên nhân là do các tàu đánh bắt xa bờ đều phải gắn hộp đen để quản lý. Nếu xâm phạm vùng biển nước khác, sẽ bị phạt rất nặng.
Thế nhưng khi đánh bắt quanh quẩn vùng biển Việt Nam thì kiếm đâu ra sản lượng như lúc trước?
Xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU cũng ngày càng giảm. Riêng trong tháng 9, giá trị xuất khẩu cá ngừ sang EU giảm hơn 33%. Chính vì vậy, theo VASEP, tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm nay giảm gần 10% so cùng kỳ năm trước.
Theo thuật ngữ quốc tế, IUU (Illegal, Unrepoted and Unregulated Fishing) nghĩa là hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lý. Quy định này bao gồm 3 tiêu chuẩn với những hải sản nhập khẩu vào EU. Đầu tiên là hoạt động đánh bắt cá trái phép, nghĩa là các tàu cá đánh bắt thủy sản ở những vùng biển trái phép hoặc cấm đánh bắt. Những tàu cá không được cấp phép đánh bắt cá hay vi phạm quy định khai thác hải sản của quốc gia, quốc tế cũng bị liệt vào nhóm trên.
Tiếp đó, IUU quy định những hoạt động khai thác hải sản cần được báo cáo với các cơ quan chức năng nhằm tuân thủ những quy định của pháp luật trong nước lẫn quốc tế. Yếu tố cuối cùng yêu cầu các tàu đánh cá treo cờ của một quốc gia nào đó và không được khai thác quá mức, đánh bắt cá con hay tàn phá nguồn thủy sản của một khu vực.
Như vậy chuyện thẻ vàng IUU của EU đối với Việt Nam, còn là cảnh báo vấn nạn môi sinh của biển Việt Nam.
Ông Mai Thành Phúc, ngư đội trưởng ngư đội Trường Sa, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Phước Đồng, Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, cho biết gác qua những con số báo cáo dành cho những nhà hoạch định chính sách, thực tế thì tình trạng suy giảm thủy sản đã đến mức báo động đỏ; vài năm tới, không chỉ vùng bờ mà cả vùng biển khơi có nguy cơ không còn cá để đánh bắt.
Theo lời kể của ông Phúc, hiện nay, trung bình mỗi chuyến tàu cá ngừ đại dương của ngư dân chỉ đạt khoảng 1 tấn, trong khi đó những năm trước có thể đạt 5 tấn. Ngay cả câu mực, những năm trước có thể đạt sản lượng cả chục tấn mỗi chuyến thì nay cũng không còn là bao.
Ông Phan Quang có 40 năm kinh nghiệm câu cá mập, cho biết khác với trước, bây giờ dù sắm tàu lớn ra tận Hoàng Sa, Trường Sa nhưng có chuyến không đánh bắt được con nào. “Vùng ven bờ thủy sản đang suy giảm dần, còn ra khơi xa thì lượng tàu đánh cá rất nhiều. Không chỉ Việt Nam mà tàu cá của các nước thay nhau càn quét” - ông Quang lo lắng.
Bà Nguyễn Thị Nghiệp, một chuyên gia về môi trường, cho rằng ở đây có lỗi từ các chính sách quản lý. Phần lớn chất thải rắn được sản xuất là do quá trình đô thị hóa ven biển diễn ra nhanh chóng khiến nhiều rạn san hô địa phương, đầm phá dễ bị ô nhiễm, tổn thương.
Chất thải của những nhà máy đặt ở ven biển như thép Formosa, nhiệt điện Vĩnh Tân, nhiệt điện Duyên Hải, Giấy Lee & Man Hậu Giang… đang làm ô nhiễm môi trường tồi tệ hơn; trong đó việc hủy diệt nguồn lợi thủy hải sản tự nhiên là không gì bàn cãi.
“Tỵ nạn môi trường dành cho những gia đình giàu có. Với người nghèo để mưu sinh như vụ án đau lòng về 39 mạng người phải ly hương trong container, tôi nghĩ có nguyên do từ chuyện xả thải như Formosa, như loạt dự án nhiệt điện than của Trung Quốc trải dài bờ biển Việt Nam.
Mai đây bên cạnh cụm từ ‘thuyền nhân - boat people’, tôi nghĩ sẽ có ‘container people’. Phải chăng cả hai cụm từ đều có chung điểm xuất phát, là đến từ sự quản trị quốc gia của những người nhân danh chủ nghĩa cộng sản? Quốc hội Việt Nam ở tuần lễ này cần dành ngày nào đó để trả lời câu hỏi mà tôi nghĩ có lẽ cũng là ngờ vực của nhiều người dân hôm nay!”. Bà Nguyễn Thị Nghiệp chia sẻ cảm xúc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét