Thứ Năm, 31 tháng 10, 2019

17088 - Hội thảo: ‘Nhạc Vàng’, di sản trường tồn của Việt Nam Cộng hòa





Nhạc Vàng mà sự thịnh hành của nó gắn liền với miền Nam Việt Nam trước 1975 giúp cho khán thính giả ngày nay sống lại thời Việt Nam Cộng hòa và có thể được xem là di sản có sức sống nhất của chế độ đã qua, các nhà nghiên cứu nhận định tại một hội thảo mới đây ở tiểu bang Oregon, Hoa Kỳ.
Nhạc Vàng là tên thường gọi của thể loại nhạc được sáng tác và trình diễn dưới thời Việt Nam Cộng hòa. Ngoài tên gọi này, một phần của nó còn được gọi là ‘nhạc sến’ hay ‘nhạc boléro’, dựa trên thể điệu và lời ca.
U sầu, hoài niệm
“Nhạc Vàng là một trong những phương tiện giữ cho ký ức của nền Cộng hòa sống mãi,” ông Vinh Phạm, nghiên cứu sinh Tiến sỹ về Văn học đối chiếu tại Đại học Cornell, nhận định tại hội thảo về nền Cộng hòa và các giá trị Cộng hòa Việt Nam tại Đại học Oregon, Eugene, hôm 15/10.
Điều này thấy rõ trong các chương trình ca nhạc và nhạc hội được tổ chức ở hải ngoại để người gốc Việt tôn vinh nền văn hóa của họ vốn thường trình diễn những bài hát có nội dung về Việt Nam Cộng hòa, ông nói.
Ông Vinh đưa ra dẫn chứng là có giai thoại về ‘ba thứ không thể thiếu’ trong các gia đình người Việt ở Mỹ, trong đó có những đĩa nhạc của Paris by Night hay Asia, hai nhà sản xuất băng đĩa hàng đầu của người Việt ở hải ngoại, bên cạnh... chai nước mắm và tô phở.
“Những bài hát như thế này thường được xem là để gợi nhớ về thời kỳ trước năm 1975,” ông nói.
Ông Vinh cho biết thể loại nhạc này thường bị các nhà phê bình ngày nay đóng khung là ‘âu sầu, áo não’ (melancholy).
Theo ông Vinh, sự u sầu này có nghĩa là ‘mất đi một thứ gì đó’ và ‘ít nhất trong phạm vi văn học và âm nhạc sự mất mát đó chính là mất mát thật sự nền Việt Nam Cộng hòa’.
“Nói cách khác, vật bị mất (gây ra cảm giác u sầu) ở đây không nằm trong phạm vi vô thức mà trái lại được đóng khung và định danh rõ ràng là một đất nước.”
Ông dẫn chứng là trong các chương trình ca nhạc của người Việt ở Mỹ, ngày 30/4 năm 1975 được gọi là ‘Ngày Mất nước’. Sau khi Việt Nam Cộng hòa sụp đổ và những công dân của quốc gia này sống lưu vong thì âm nhạc của chế độ cũ giúp họ nhận thức rõ về sự mất mát này, ông nói.
Trong khi đó, cách mô tả Nhạc Vàng là ‘hoài niệm’ (nostalgic) về thời xa xưa có ý nghĩa là ‘chấp nhận quá khứ là chuyện đã qua và chấp nhận thực tại’, ông nói.
“Với những gì mà cộng đồng người Việt ở hải ngoại, vốn tích cực tham gia chính trị, đã phản đối (chính quyền trong nước) lâu nay và cái cách mà Nhạc Vàng được sử dụng để củng cố tinh thần quốc gia của họ thì không thể nói là có bất cứ dấu hiệu gì cho thấy họ chấp nhận quá khứ mà thay vào đó đó là sự phản đối Đảng Cộng sản,” ông nhận định.
“Cách dùng những từ như hoài niệm, u sầu lâu nay để phê bình Nhạc Vàng đã bỏ qua mục đích thật sự của những bài nhạc này,” ông nói.
Sau khi đất nước thống nhất, chính quyền trong nước có một thời kỳ cấm đoán gắt gao thể loại âm nhạc này vì cho rằng nó ‘quá diễm tình, yếu đuối và thể hiện nền văn hóa yếu ớt của miền Nam’. Thậm chí nó còn được miêu tả là ‘độc hại và phản động’.
Có hợp với giới trẻ?
Trao đổi với VOA bên lề buổi hội thảo về lý do tại sao Nhạc Vàng có sự trở lại ngoạn mục ở trong nước hiện nay, ông Vinh nêu lên các lý do là ‘làm ra tiền’, ‘dễ tiếp cận hơn trước’, ‘dễ nhớ dễ thuộc’ và ‘kết nối với thế hệ đi trước’.
“Anh có thể kiếm tiền bằng Nhạc Vàng dựa trên số lượt người xem hay nghe trên YouTube. Một số kênh về Nhạc Vàng trên YouTube có hàng triệu lượt xem mỗi mục đăng tải,” ông giải thích.
“Một lý do nữa là khán giả Việt Nam hiện nay có nhiều cách tiếp cận các sản phẩm văn hóa hơn. Vào những năm 1990, các băng đĩa Nhạc Vàng mà họ có được hoặc là sao chép lậu hoặc do người thân của họ mang từ nước ngoài về,” ông nói thêm. “Giờ đây mọi người chỉ cần rút điện thoại thông minh từ trong túi ra là có thể nghe Nhạc Vàng.”
“Mặc dù một số bài hát vẫn bị cấm nhưng khán giả có thể dễ dàng tiếp cận được.”
Ngoài ra, tính chất lãng mạn (poetic) của thể loại nhạc này khiến khán giả dễ dàng ghi nhớ và thuộc bài hát.
“Có những thanh niên có ông bà cha mẹ vẫn còn nghe Nhạc Vàng cho nên nó là một hình thức để họ kết nối với thế hệ đi trước,” ông Vinh nói thêm.
Trả lời câu hỏi liệu Nhạc Vàng có phù hợp với thị hiếu của các khán giả trẻ ở trong nước hiện nay, ông Vinh nói rằng giới trẻ ‘quan tâm đến nhiều thể loại âm nhạc khác nhau chứ họ không quan tâm đến duy nhất một thứ’ cho nên ‘không thể gom các khán giả trẻ thành một khối duy nhất’.
Tuy nhiên, theo những gì ông quan sát, ông cho rằng giới trẻ trong nước hiện nay hướng đến âm nhạc Hàn Quốc, Trung Quốc và nhạc Mỹ, trong đó nhạc Hàn rất được giới trẻ ưa chuộng.
Về vấn đề liệu sự hồi sinh của Nhạc Vàng có làm sống lại sự quan tâm và tìm hiểu về Việt Nam Cộng hòa và các giá trị của nó hay không, ông Vinh trả lời rằng ‘mặc dù những bài Nhạc Vàng có thể gợi lại những tình cảm thân thiết với Việt Nam Cộng hòa nhưng ở trong nước chúng đã được đưa ra khỏi bối cảnh ban đầu’.
“Những người hát Nhạc Vàng vì họ yêu giai điệu bài hát (không phải lời hát). Tôi không cho rằng có sự gắn bó cá nhân rõ ràng (với nội dung các bài hát),” ông nói thêm. “Một số bài hát cơ quan kiểm duyệt còn sửa một số chữ trong lời hát.”
Ông cho rằng các khán giả ở Việt Nam khi hát Nhạc Vàng họ ‘ít quan tâm đến chính trị’ và Nhạc Vàng chỉ đơn thuần là ‘một mặt hàng mới’ phục vụ người tiêu dùng.
Chính vì những lý do đó mà ông cho rằng Nhạc Vàng hiện nay ‘không còn là mối đe dọa chính trị’ đối với chính quyền trong nước.
Ông đưa ra dẫn chứng là có hiện tượng ‘trong nước trình diễn lại màn trình diễn ở nước ngoài’ (performing the performance), tức là tái hiện lại y chang khung cảnh sân khấu của các bài hát dàn dựng ở hải ngoại mặc dù họ đang ở Việt Nam trong khi những bài hát này vì không tiếp cận được bối cảnh ở Việt Nam nên phải dựng cảnh giả.
Cách làm đó đã cho thấy khán giả trong nước ‘phi chính trị hóa Nhạc Vàng’ – tức họ là trình diễn âm nhạc chứ ‘không truyền tải thông điệp chính trị’, ông Vinh phân tích.
Di sản có sức sống nhất?

Trong phần trình bày của mình, ông Jason Gibbs, một nhà nghiên cứu về âm nhạc Việt Nam và hiện đang làm việc cho Thư viện Công tại San Francisco, cho rằng ‘có lẽ di sản về Việt Nam Cộng hòa có sức sống nhất ở Việt Nam ngày nay là âm nhạc’.

“Những bài hát vẫn còn sống mãi từ thời điểm đó tập trung vào tình cảm con người và những cảm xúc sâu thẳm trong lòng người,” ông nói.
Theo ông Gibbs thì sở dĩ âm nhạc phát triển mạnh mẽ ở miền Nam Việt Nam vì ‘có thị trường’ cho sản phẩm âm nhạc mang tính thương mại mà nhờ vào đó các nhạc sỹ có rất nhiều cơ hội kiếm tiền từ các sáng tác của họ và có được mức sống cao.
“Trong một thị trường sơ khai còn hỗn loạn, những nhà sáng tác và khán giả tìm kiếm âm nhạc mới mẻ giàu cảm xúc và phù hợp với giá trị chung của một bộ phận đáng kể dân chúng,” ông nói và cho rằng thị trường âm nhạc miền Nam lúc đó ‘hoàn toàn bản địa’ vì ‘không có hãng đĩa nước ngoài nào tranh thủ được thị trường’.
Ông giải thích rằng nhạc thị trường là một ‘điều mới mẻ’ ở miền Nam Việt Nam lúc đó vì nó không tồn tại dưới thời thuộc địa và ở miền Bắc.
“Âm nhạc của Việt Nam Cộng hòa hoạt động trong mối quan hệ của ba yếu tố: chính sách của chính quyền, động cơ lợi nhuận và tình cảm chung của người dân,” ông cho biết.
Ông nói thêm chính quyền Việt Nam Cộng hòa lúc đó do muốn tách bạch khỏi hệ tư tưởng và cách cai trị ở miền Bắc nên không thể ra lệnh cho các văn nghệ sỹ và người dân tuyệt đối tuân theo lệnh của chính quyền.
Tuy nhiên, ‘tâm lý chiến cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình công việc sáng tạo của các nhạc sỹ và có ảnh hưởng lên các tác phẩm âm nhạc được đưa ra thị trường’. Mặc dù vậy, khi nhạc thương mại chiếm lĩnh thị trường, trên sóng phát thanh và sóng truyền hình thì ảnh hưởng của chính quyền trở nên bị giới hạn.
Sau năm 1975, Nhạc Vàng mặc dù bị cấm đoán quyết liệt ở miền Bắc nhưng nó vẫn được cộng đồng người Việt ở hải ngoại gìn giữ và ngày nay đã được một bộ phận dân chúng miền Bắc, vốn trước giờ lạ lẫm với dòng nhạc này, chấp nhận, ông Gibbs cho biết.
Trả lời câu hỏi của VOA rằng dòng nhạc tâm lý chiến có giống như nhạc tuyên truyền cổ động chiến đấu ở miền Bắc hay không, ông Gibbs nói: “Tôi phải thừa nhận rằng với những gì mà tôi đã nghe thì (nhạc miền Nam) cũng có yếu tố tuyên truyền”.
“Ý tưởng tuyên truyền là nhấn mạnh vào hành động xấu xa của đối phương,” ông nói.
Cũng theo nhận định của ông, Nhạc Vàng ‘chắc chắn mang tính cổ động quân đội’ vì nó ‘bày tỏ sự cảm thông cho người lính, cho những người dân bị chiến tranh chia cắt’.
“Một số bài hát còn hướng đến thu phục những người bên ngoài chế độ (sống ở miền Bắc),” ông nói và cho biết những bài hát này nằm trong chương trình chiêu hồi (open arms) của chính quyền và có thể đi sâu vào phía đối phương.
“Tuy nhiên, họ biết rằng họ không thể sáng tác những bài hát mang tính chất quân sự mạnh mẽ bởi vì những bài hát như thế không có sức hút (đối với thị trường),” ông nói thêm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét