Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2019

*13654 - Quyền lực của lá phiếu cử tri ở Việt Nam là con số 0



Sở dĩ gọi là con số 0, vì trên thực tế chuyện ai sẽ là người đứng đầu Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ở địa phương là phụ thuộc vào một tổ chức không hề có trong danh sách quản lý hành chánh của Nhà nước Việt Nam: Ban Bí thư Trung ương Đảng.


“Chiều 24-5, Ban Tổ Chức Trung ương đã công bố và trao quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác cán bộ tại TP Cần Thơ. Theo đó, thừa ủy nhiệm của Ban Bí thư, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính đã công bố quyết định luân chuyển và chỉ định ông Lê Quang Mạnh (45 tuổi, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tham gia Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ, giữ chức Phó Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ nhiệm kỳ 2015 - 2020); đồng thời giới thiệu cho Hội đồng nhân dân TP Cần Thơ bầu giữ chức vụ Chủ tịch UBND TP nhiệm kỳ 2016 – 2021”.
Các tờ báo (bản in) ở số phát hành ngày 25-5, có nội dung tương tự như bản tin ở trên. Dạng tin tức này quen thuộc đến độ chẳng ai buồn thắc mắc, vì sao không hề có lá phiếu của cử tri Cần Thơ, nhưng ông Lê Quang Mạnh vẫn sẽ đường hoàng ngồi vào ghế Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhiệm kỳ 2016 – 2021.
Việc chỉ định ông Lê Quang Mạnh vào chức vụ Phó Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ nhiệm kỳ 2015 – 2020, là chuyện riêng trong thẩm quyền của Ban Bí thư đảng cộng sản Việt Nam. 
Còn nếu thực sự đúng như quy định ghi ở Điều 4.3, Hiến pháp 2013: “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”, thì việc Ban Bí thư “giới thiệu cho Hội đồng nhân dân TP Cần Thơ bầu giữ chức vụ Chủ tịch UBND TP nhiệm kỳ 2016 – 2021” đối với ông Lê Quang Mạnh, là vi phạm; là hình thức dân chủ trá hình nhằm hợp thức hóa về mặt thủ tục cho chiếc ghế quyền lực Chủ tịch UBND TP Cần Thơ.
Theo Hiến pháp 2013, ở Điều 113, nói rằng “Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, do Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên”. 
Thế nhưng đó chỉ là những điều luật đẹp đẽ về dân chủ được viết ra mà thôi. Rồi ngày đẹp trời nọ, bổng dưng có một người nào đó từ miền Bắc, hoàn toàn xa lạ với cử tri Cần Thơ, được Ban Bí thư ‘chỉ định’ vào làm người đứng đầu về quản lý hành chánh, bất chấp các quy định tương ứng được ghi trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Thực tế đó cho thấy không ít người đã nhân danh đảng cộng sản Việt Nam, để tự cho mình quyền đứng trên cả Hiến pháp, chứ không chỉ là hệ thống luật hiện hành. 
Tiền lệ này từng xảy ra, khi Ban Bí thư đã ‘chỉ định’ Trịnh Xuân Thanh vào ghế phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang – người anh em song sinh với Cần Thơ. Cũng như Đinh La Thăng không hề có lá phiếu nào của cử tri ở Sài Gòn, vẫn đường hoàng theo ‘lệnh’ của Ban Bí thư để xuôi Nam, làm đại biểu ‘VIP’ của Hội đồng nhân dân TP.HCM.
Trở lại với ông Lê Quang Mạnh. Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, Điều 8. Ủy ban nhân dân, quy định: “1. Ủy ban nhân dân do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu, là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương, Hội đồng nhân dân cùng cấp và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên. 2. Ủy ban nhân dân gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các Ủy viên, số lượng cụ thể Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp do Chính phủ quy định”.
Điều 8 chỉ có 2 khoản như kể trên, không có bất kỳ dòng nào liên quan đến việc Ban Bí thư giới thiệu/ đề cử/ chỉ định, hay quyền được can thiệp vào các chức danh trong Ủy ban nhân dân các cấp.
Đến nay, báo chí chưa thấy đưa tin về việc ông Lê Quang Mạnh có là đại biểu thuộc Hội đồng nhân dân ở địa phương nào hay chưa? Nếu có, thì các bước thủ tục về chuyển công tác, với tư cách là một đại biểu của cử tri nơi ông Lê Quang Mạnh ứng cử, đã hoàn tất theo Điều 3, Nghị quyết số 629/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội [**], trước khi Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính thừa ủy nhiệm của Ban Bí thư để “giới thiệu cho Hội đồng nhân dân TP Cần Thơ bầu giữ chức vụ Chủ tịch UBND TP nhiệm kỳ 2016 – 2021”?
Xem ra lá phiếu cử tri của người dân Việt Nam, nếu căn cứ theo Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, thì công chúng chỉ được quyền chọn lựa các vị sẽ là đại biểu của nhân dân, từ danh sách chỉ định với tên gọi “Dự kiến cơ cấu thành phần” được ghi ở Chương II, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Nôm na, đó là công việc của “Đảng cử - Dân bầu” và ai sẽ trúng cử thì đã nằm trong danh sách gọi là “Cơ cấu thành phần”.
Chú thích:
[*] Tên gọi đầy đủ trên giấy tờ là “Ban Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam”. Đây là một cơ quan do Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập để giám sát việc thi hành chính sách hàng ngày của Đảng Cộng sản Việt Nam, quyết định một số vấn đề theo sự phân công của Ban Chấp hành Trung ương. 
Ban Bí thư được bầu bởi Ban Chấp hành Trung ương. Thành phần Ban Bí thư gồm có Tổng Bí thư, một số Ủy viên Ban Bí thư do Ban Chấp hành Trung ương bầu trong số Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và một số Ủy viên Bộ Chính trị (do Bộ Chính trị phân công). Số lượng Ủy viên Ban Bí thư do Ban Chấp hành Trung ương quyết định. Hiện nay Ban Bí thư có 13 người, và quyền hành được cho là tập trung vào 3 nhân vật: Nguyễn Phú Trọng, Trần Quốc Vượng và Phạm Minh Chính.
[**] Điều 3. Đại biểu Hội đồng nhân dân chuyển công tác
1. Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trước khi quyết định chuyển công tác của đại biểu Hội đồng nhân dân ra khỏi đơn vị hành chính nơi người đó được bầu làm đại biểu Hội đồng nhân dân thì phải thông báo đến Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân báo cáo Hội đồng nhân dân tại kỳ họp gần nhất, thông báo đến Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và cử tri nơi bầu ra đại biểu đó biết việc chuyển công tác của đại biểu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét