Một hòn đảo không có người ở thuộc quần đảo Trường Sa, Biển Đông. Không ảnh chụp ngày 21/04/2017. Ảnh REUTERS
Hoa Kỳ đang dồn Trung Quốc trên mọi mặt. Liên tục gây sức ép trong các cuộc đàm phán thương mại còn chưa ngã ngũ, mạnh tay trừng phạt trong lĩnh vực công nghệ mũi nhọn, Washington, ngày 23/05/2019, muốn gây sức ép tối đa khi thách thức những đòi hỏi chủ quyền lãnh hải của Bắc Kinh với dự luật trừng phạt Biển Đông và biển Hoa Đông 2019.
Ngày 23/05/2019, hai thượng nghị sĩ Marco Rubio và Ben Cardin, đại diện cho 13 thượng nghị sĩ khác, cả Cộng Hòa lẫn Dân Chủ, đã trình một dự luật « nhằm áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa liên quan đến các hoạt động ở Biển Đông và biển Hoa Đông và các mục đích khác ».
Gọi tắt là « Đạo luật trừng phạt Biển Đông và biển Hoa Đông » (South China Sea and East China Sea Sanctions Act), văn bản này gồm 12 điều và từng được đưa ra Quốc Hội Mỹ lần đầu tiên vào năm 2017. Nếu có một chủ đề mà hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa có thể nói tìm được tiếng nói chung hiếm hoi, đó chính là Trung Quốc.
Trên website riêng, thượng nghị sĩ Dân Chủ Ben Cardin tỏ ra tự hào khi hợp tác với đảng Cộng Hòa và có được « một thông điệp chung để bảo vệ lợi ích quốc gia ». Theo ông, « Trung Quốc hung hăng ở cả Biển Đông và biển Hoa Đông, xâm lấn và đe dọa các nước láng giềng », nên « Hoa Kỳ sẽ bảo vệ tuyến đường thương mại và tự do hàng hải, cũng như thúc đẩy giải pháp ngoại giao hòa bình đối với mọi tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế ».
Đối với thượng nghị sĩ Cộng Hòa Marco Rubio, « dự luật lưỡng đảng này nhằm củng cố cam kết mạnh mẽ và bền vững của Mỹ để bảo đảm một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở rộng, bao gồm cả Biển Đông và biển Hoa Đông ».
Theo nhận định của trang Asia Times trong bài viết đăng ngày 28/05/2019, với những chuyến tuần tra liên tục được tăng cường ở Biển Đông, nếu có thêm khung pháp lý, « Trừng phạt của Mỹ đe dọa nhấn chìm Trung Quốc ngoài khơi » (US sanctions threaten to sink China at sea).
Năng động trên thực địa, tăng cường khung pháp lý
Dự luật nêu rõ Hoa Kỳ « phản đối các hành động của chính phủ bất kỳ quốc gia nào can thiệp vào quyền tự do sử dụng vùng biển và không phận ở Biển Đông và biển Hoa Đông ». Ngoài ra, Trung Quốc cũng được yêu cầu chấm dứt « những yêu sách bất hợp pháp và quân sự hóa khu vực được cho là quan trọng đối với an ninh toàn cầu ».
Dự luật của 15 thượng nghị sĩ Mỹ cũng yêu cầu chính phủ « mở rộng các chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải, lưu không và đáp trả các hành động gây hấn của Trung Quốc bằng những biện pháp tương xứng ».
Giới chuyên gia cho rằng Trung Quốc sắp tuyên bố lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông (ADIZ), như vậy sẽ kiểm soát mọi hoạt động trong khu vực. Washington muốn chặn ý đồ của Bắc Kinh. Có lẽ vì vậy, trong tháng 05/2019, một khu trục hạm của Hải Quân Mỹ đã tuần tra gần bãi cạn Scarborough, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines nhưng bị Trung Quốc chiếm từ năm 2012.
Ngày 14/05, lực lượng tuần duyên Mỹ đã điều tầu tuần tra cỡ lớn USCG Bertholf tham gia diễn tập chung với hai tầu của Philippines, mô phỏng chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ cũng gần bãi cạn Scarborough.
Mạnh tay trừng phạt các cá nhân và công ty Trung Quốc
« Đạo luật trừng phạt Biển Đông và biển Hoa Đông » cho phép trừng phạt các công ty và cá nhân Trung Quốc tham gia vào « các hoạt động bất hợp pháp » của Bắc Kinh nhằm « hung hăng xác quyết những yêu sách quá đáng » trong các vùng biển có tranh chấp.
Văn bản « yêu cầu tổng thống áp đặt các biện pháp trừng phạt, cấm nhập cảnh và phong tỏa tài sản ở Hoa Kỳ » đối với « bất kỳ người Trung Quốc nào đóng góp vào các dự án xây dựng hoặc phát triển » hoặc « tham gia vào các hành động hoặc chính sách đe dọa hòa bình và ổn định » ở Biển Đông.
Theo trang Asia Times, căn cứ vào chiến lược của Bắc Kinh đối với các tranh chấp ở Biển Đông, các tổ chức chính phủ, quân sự, bán quân sự Trung Quốc đều tham gia vào chiến lược bành trướng ngày càng gia tăng. Như vậy, các biện pháp trừng phạt của Mỹ có thể vượt qua cả cấp độ doanh nghiệp Nhà nước mà nhắm đến cả quân đội Trung Quốc và các đơn vị của chính quyền địa phương.
Dự luật ban đầu liệt kê danh sách 25 công ty Trung Quốc có thể bị trừng phạt Mỹ nhắm tới, từ ngành xây dựng cơ sở hạ tầng, viễn thông, đến hàng không và không gian. Ba vị trí đầu của danh sách này là những công ty thuộc Tập đoàn Xây dựng Viễn thông Trung Quốc (China Communications Construction Company, Ltd), đóng vai trò quan trọng trong việc bồi đắp các đảo nhân tạo ở vùng biển đang có tranh chấp.
Đứng thứ tư là Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc (Sinopec) tiếp theo là hai tập đoàn viễn thông China Mobile và Tổng công ty Viễn thông Trung Quốc (China Telecom). Ngoài ra còn có Tập đoàn Khoa học và công nghiệp hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASIC)…
Nếu bị trừng phạt, tất cả những công ty này sẽ bị loại khỏi hệ thống tài chính của Mỹ hoặc của nước ngoài nhưng có văn phòng trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Đây chắc chắn sẽ là một vố đau cho những công ty Trung Quốc có tham vọng mở rộng khắp thế giới.
Cuối cùng, bản thân chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng có thể bị đạo luật này nhắm đến. Đích thân ông Tập là người giám sát các hoạt động bồi đắp ồ ạt và quân sự hóa ở Biển Đông.
Mỹ muốn đưa Hoa Vi vào đàm phán thương mại song phương. Nhiều nhà phân tích cho rằng đạo luật mới này sẽ là một « vũ khí nguyên tử » về ngoại giao nhắm vào Trung Quốc trong bối cảnh các cuộc đàm phán có dấu hiệu bế tắc.
Theo nhận định của Asia Times, đạo luật này có nhiều khả năng được thông qua khi có được sự ủng hộ của cả hai đảng để đối đầu với Trung Quốc. Và nếu được thông qua, lần đầu tiên các biện pháp trừng phạt sẽ giúp quân đội Mỹ hỗ trợ cho những đòi hỏi của các đồng minh và đối tác chiến lược của Hoa Kỳ trong vùng trong việc đối phó trên biển với Trung Quốc.
Các biện pháp trừng phạt có lẽ cũng sẽ từ bỏ « nguyên tắc trung lập » mà từ lâu Mỹ vẫn chủ trương liên quan đến hiện trạng các vùng lãnh thổ và nguồn tài nguyên có tranh chấp trong các vùng biển quanh Trung Quốc, đặc biệt là ở Biển Đông.
Lập trường ngày càng cứng rắn hơn của chính quyền Trump trong các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung đi đôi với chính sách quốc phòng chống Trung Quốc cũng cứng rắn nhưng ít được nói đến hơn, đó là một sự thay đổi chiến lược có thể khiến các nước trong khu vực sẽ phải lựa chọn đứng về phía nào giữa hai siêu cường thế giới.
Trung Quốc trong tầm ngắm của Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương mới của Mỹ
Vào tuần này, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Patrick Shanahan sẽ thông báo Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương mới của Mỹ tại Đối thoại Shangri-La, quy tụ quan chức và chuyên gia hàng đầu thế giới về quốc phòng. Chiến lược này được cho là gồm nhiều biện pháp mới về quân sự, ngoại giao và kinh tế để răn đe và trừng phạt hành động bành trướng của Trung Quốc tại các vùng biển lân cận nước này.
Chiến lược mới cũng kêu gọi các đồng minh trong khu vực của Mỹ và các đối tác có cùng mục tiêu tham gia các cuộc tập trận trong khuôn khổ tuần tra vì tự do hàng hải (FONOPS) và các chiến dịch liên quan trong khu vực ; gia tăng hỗ trợ quốc phòng cho các bên có tranh chấp với Trung Quốc như Philippines và Đài Loan ; khuyến khích mở rộng hoặc gia tăng phối hợp các cuộc tập trận, cũng như mọi hợp tác quân sự khác trong các vùng biển quanh Trung Quốc.
Một số chuyên gia cho rằng « Đạo luật trừng phạt Biển Đông và biển Hoa Đông » có thể nhằm bổ sung cho chiến lược an ninh châu Á sắp được công bố. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đảm nhiệm báo cáo trước Quốc Hội về các thực thể là đối tượng của các trừng phạt. Ông tỏ ra tin tưởng vào sự cần thiết của chiến lược gây sức ép tối đa nhắm vào Trung Quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét