Hôm qua, nhìn thấy cái mông một em bé chín tuổi bị bầm tím sưng vù vì bị một thằng người lớn có chức vụ-công an thôn-đánh vì nghi ngờ em ăn cắp, tôi thấy mình bất lực cùng cực. Hôm trước đó, là hình ảnh một bé trai bầm dập từ chân tới đầu vì bị ba dượng đánh vì tội ham chơi không nấu cơm.
Hôm trước nữa, là âm thanh đứa bé vừa khóc gào vừa van xin mẹ ơi đừng đánh con con biết lỗi rồi dưới làn roi vụt chan chát và tiếng kêu gào the thé chửi mắng của người đàn bà-hàng xóm.
Đầy hình ảnh học sinh bị thầy cô đánh đập hành hạ trong các lớp học ở mọi miền đất nước.
Ngược xa hơn về quá khứ, tôi ngồi đó, hai tay bấu xoắn vào nhau, cố giấu, nhưng vẫn bị lôi bàn tay bắt chìa ra để cô giáo lớp một quất thật lực cái thứơc kẻ to vào vì tội viết tay trái. Vừa ngoạc mồm định khóc toáng vì đau thì tinh thần đã bị đứng hình bởi cái thước đã đập chát xuống mặt bàn kèm câu quát im mồm.
Xa hơn nữa về thế hệ trước, là hình ảnh mẹ tôi bị cô ruột-là sư trụ trì ở một chùa lớn-đánh đập, bắt quỳ, bắt hầu hạ, phục dịch và lao động khổ sai mỗi ngày suốt thời thơ ấu. (Cách đây chục năm, khi đưa mẹ về thăm lại nơi ấy, tôi chỉ có một ý nghĩ duy nhất trong đầu khi lang thang trong sân chùa: đốt.)
Đầy lần, tôi muốn đánh đập một ai đó. Có lần tôi kềm chế được, có lần không. Chạy xe trên đường, đứa nào vượt phải rồi lập tức tạt cúp đầu xe tôi hay xe người khác đều làm tôi muốn tông thẳng vào nó hoặc co chân đạp xe cho nó ngã. Ngã tư đèn đỏ hoặc tắc đường, tôi luôn muốn đập vào mõm cái đứa ở sau bóp còi. Gặp thứ láo lếu ngu ngốc nhưng thích thể hiện hoắng huýt gây hại cho việc chung tôi chỉ muốn tát cho vài cái... Ý nghĩ bạo lực luôn tồn tại trong tôi và tôi luôn phải kềm chế nó.
Những trận đòn, những lần bị đánh đập ngắt nhéo bởi những đứa lớn hơn..đã hình thành trong tôi một con quỷ bạo lực và nó chỉ chờ chực nhảy xổ ra bất cứ lúc nào, và khốn nạn thay tôi luôn biết nó sẽ luôn nhân danh những điều cao đẹp: yêu thương, dạy bảo, thay trời hành đạo,...
Người Việt mình, thừa nhận đi, hầu hết đều giống như tôi, có tính bạo lực, có ý nghĩ bạo lực trong đầu. Kềm chế để không thực hiện hành vi hoặc không nói ra bằng mồm không viết ra trên giấy để bộc lộ nó mà thôi. Nhưng ta cần hiểu chỉ mỗi cái việc có ý nghĩ muốn đập ai đó đã là một ý nghĩ bạo lực rồi, đâu phải thực hiện mới là bạo lực.
Mấy năm nay, mỗi lần nhìn thấy trẻ bị hành hạ đánh đập, tôi luôn cảm thấy mình bất lực. Tôi kêu gào phải thay đổi tư duy, phải hoàn toàn lọai bỏ việc sử dụng hình thức giáo dục roi vọt trong gia đình cũng như ở trường. Tôi luôn phải đối mặt với một đám người bảo thủ ngu dốt khi vẫn bênh vực cho việc roi vọt với trẻ em. Họ đông quá. Những tiến sĩ, nhà văn, bác sĩ, kỹ sư, doanh nhân...ào ào bênh vực biện pháp roi vọt với trẻ và luôn mở mồm nhân danh tình yêu. (Đụ tía các anh chị. Các anh chị tồi lắm khi không dám thừa nhận bản thân bị di chứng tổn thương sinh ra bản tính bạo lực khi cổ xúy cho việc đánh đập trẻ.)
Người ta bảo với tôi rằng đánh vì tình yêu vì dạy dỗ khác với đánh vì thù ghét! Tôi hỏi các anh chị, các anh chị có dám đánh tôi vì muốn dạy tôi điều gì đó không? Tôi thách anh chị nào dám. Dũng cảm lắm thì các anh chị chỉ nói, góp ý hoặc chửi là cùng, bản lĩnh nào dám đánh một người lớn như tôi vì các anh chị biết tôi luôn đủ khôn và sức để đập các anh chị ra bả. Nhưng, đứa trẻ con là một sinh vật hoàn toàn yếu đuối, phụ thuộc, không có khả năng chống trả, thế nên các anh chị mới dám vụt roi vào người nó để trút ẩn ức và thỏa mãn bản tính bạo lực của bản thân mình.
Thằng công an thôn kia cần phải bị xử lý theo pháp luật, rõ ràng rồi, nhưng nếu nói chuyện với nó, tôi chắc chắn sẽ nghe được lời biện minh nó đánh cháu bé vì muốn dạy bảo chứ không có ý hành hạ. Tất cả những đứa như nó đều biện minh như thế cả. Và tôi tin, roi đầu tiên chúng nó thực sự nghĩ như thế. Nhưng khi cái roi đầu tiên đã quất xuống, đứa trẻ con quắn người van xin khóc thét dưới tay nó thì lúc đó mới là trận roi để thỏa mãn tính bạo lực trong nó. Không một kiến thức, tri thức, hiểu biết, tình yêu thương nào có thể ngăn cản được con quỷ bạo lực nữa. Nó chỉ ngừng lại sau khi được thỏa mãn hoặc bị ngăn chặn.
Nhìn thấy những tổn thương trên da thịt trẻ, ta ùn ùn lên án, nhưng vẫn cổ xúy cho roi vọt như một biện pháp giáo dục thì vừa mâu thuẫn vừa gom hết cái đần độn vào người. Và chính vì vậy mà những hình ảnh đau đớn ấy sẽ vẫn còn tiếp tục diễn ra không thể chấm dứt.
Thay đổi tư duy của chính mình là điều không khó, bớt tự huyễn hoặc lừa dối bản thân đi là làm được.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét