Quảng cáo cho điện thoại Hoa Vi (Huawei) tại sân bay Thâm Quyến (Shenzhen), tỉnh Quảng Đông, ngày 27/02/2019.
Từ một sắc lệnh hôm 15/5 cấm bán công nghệ cho Hoa Vi, tổng thống Mỹ Donalmd Trump đã thực sự đánh vào nguồn cung ứng sống còn khiến tập đoàn viễn thông hàng đầu Trung Quốc điêu đứng. Quân bài Hoa Vi của Washington có duy trì được sức ép đối với Bắc Kinh trong cuộc chiến thương mại ? Thế trận bao vây cô lập về công nghệ rộng khắp đang được hình thành sẽ đưa Hoa Vi tới đâu ?
Hàng loạt các tập đoàn khổng lồ Mỹ về công nghệ như Google, Intel, Qualcomm hay Microsoft chấp nhận mất khách hàng lớn, còn hơn là bị luật pháp Mỹ trừng phạt, đành tuân theo lệnh cấm của chính quyền Trump ngừng cung cấp linh kiện phần mềm cho Hoa Vi. Mặc dù Hoa Vi tuyên bố đã chuẩn bị cho trừng phạt của Mỹ từ hàng năm nay và đang phát triển phần mềm riêng của mình, lệnh cấm của Mỹ cũng khiến tập đoàn Trung Quốc không thể tránh khỏi những thiệt hại nặng nề.
Dù tích trữ trước linh kiện để có thể duy trì sản xuất, hay phát triển nền tảng phầm mềm riêng hay chuyển hướng nguồn cung ứng để độc lập với các nhà cung cấp Mỹ, thì người khổng lồ Trung Quốc không dễ gì thoát khỏi vòng phong tỏa ngày một ngày hai. Nhất là khi mặt trận bao vây cô lập Hoa Vi đang hình thành rộng thêm.
Nhật báo Pháp, le Figaro số ra ngày hôm nay so sánh hoàn cảnh của Hoa Vi hiện giờ ngày càng giống với Iran trong đối sách của Mỹ. Donald Trump không chỉ cấm các công ty Mỹ quan hệ buôn bán với các đối thủ, mà còn lôi kéo gây áp lực buộc cả các nước "bè bạn" làm theo. Việc ARM, nhà chế tạo bộ vi xử lý hàng đầu của Anh tham gia vào mặt trận phong tỏa Hoa Vi là một thí dụ điển hình. Rất nhiều nhà cung cấp thiết bị cho Hoa Vi vẫn phải sử dụng bản quyền sáng chế của ARM để chế tạo sản phẩm riêng của họ. Hoa Vi đứng trước nguy cơ bị ngừng trệ sản xuất điện thoại di động và nhất là các thiết bị phát triển mạng 5G.
Chiến lược của Donald Trump hiện tại là nhằm tạo một vòng vây công nghệ cô lập Hoa Vi. Hoa Vi là một trong những công ty công nghệ quan trọng nhất của Trung Quốc, và do đó, mục tiêu hàng đầu của chính quyền Trump là nhằm làm chậm hoặc ngăn chặn Trung Quốc tiến vào một số lĩnh vực công nghệ cao. Ngay từ đầu nhiệm kỳ tổng thống, ông Trump đã không hề giấu thái độ thù địch này.
Ban đầu là cấm Hoa Vi triển khai mạng 5G trên lãnh thổ Mỹ rồi tiếp đó là hối thúc các nước đồng minh làm theo, với lý do là Hoa Vi làm gián điệp gây nguy hại cho an ninh quốc gia. Lý lẽ của Washington đã thuyết phục được nhiều nước như Úc, New Zealand hay Nhật Bản.
Tuy vậy, tất cả các nhà phân tích đều nhận thấy đòn chí mạng của Mỹ đánh vào Hoa Vi chỉ là một quân bài để Washington đặt lên bàn đàm phán thương mại với Bắc Kinh. Song quân bài đó cũng sẽ có thể gây thiệt hại cho chính Mỹ và các đồng minh. Bắc Kinh sẽ đáp trả làm gián đoạn chuỗi cung ứng ở Trung Quốc của các hãng Mỹ. Các công ty Mỹ cũng chịu thiệt hại, vì không thể bán linh kiện cho một khách hàng, mà mỗi năm chi đến 60 tỷ đô la mua công nghệ Mỹ. Công việc kinh doanh của nhiều công ty Mỹ cũng bị đảo lộn chỉ vì khách hàng Trung Quốc này.
Tấn công vào Hoa Vi có thể làm chệch hướng đàm phán kéo dài cuộc chiến thương mại không có lợi cho cả Mỹ và Trung Quốc. Nếu Washington và Bắc Kinh không đạt được một thỏa thuận để chấm dứt cuộc chiến tranh thương mại thì có thể Hoa Vi sẽ phải điêu đứng trong nhiều năm tới, nhưng chắc chắn nhà khổng lồ công nghệ Trung Quốc sẽ phải thay đổi chiến lược kinh doanh nhằm thoát ra khỏi thế kẹt trong cuộc thương chiến để sinh tồn. Với năng lực công nghệ như hiện có, tất nhiên Hoa Vi sẽ buộc phải vươn lên đối mặt với thách thức từ Mỹ, cho dù thoát ra được có phải bị sứt đầu mẻ trán ít nhiều.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét