Thứ Tư, 29 tháng 5, 2019

13723 - Báo cáo đặc biệt về Chiến tranh lạnh Mỹ – Trung (P6)





6. Tại sao đánh thuế hàng Trung Quốc không hiệu quả?

Donald Trump không phải là tổng thống Mỹ đầu tiên hứa hẹn một đường lối cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, nhưng ông là người đầu tiên tiến hành một cuộc chiến tranh thương mại mà nghe giống như một cuộc thương lượng lại tiền thuê nhà. “Tôi là một Người đánh thuế”, ông đã tweet vào tháng 12 năm ngoái, khoe rằng nước Mỹ đang thu được hàng tỷ đô la nhờ thuế nhập khẩu mà ông đã áp đặt (ông quên mất thuế nhập khẩu chủ yếu là do người tiêu dùng Mỹ gánh). Ông Trump làm cho thị trường Mỹ nghe giống như một mảnh bất động sản có giá trị mà người nước ngoài phải trả nhiều tiền hơn nếu muốn tiếp cận. Hay như ông Trump nói: “Khi người dân hoặc các quốc gia khác đến để lợi dụng sự giàu có của Quốc gia chúng ta, tôi muốn họ phải trả tiền cho đặc quyền đó”.
Khi Trung Quốc phát triển, các chính trị gia thường cáo buộc họ “không chơi theo cùng một quy tắc”. Ông Trump thì khác. Ông không quá băn khoăn về các quy tắc. Ông nói rằng ông không đổ lỗi cho việc Trung Quốc đặt lợi ích của mình lên hàng đầu và đánh cắp các công ăn việc làm của người Mỹ. Ông chỉ đổ lỗi cho những người tiền nhiệm đã cho phép hành vi trộm cắp đó xảy ra.
Khi giới doanh nghiệp và hoạch định chính sách của Trung Quốc suy ngẫm về cuộc chiến thương mại, không hiếm khi chúng ta nghe ông Trump được họ mô tả là một doanh nhân thực dụng bị kiểm soát bởi một nhóm những người theo chủ nghĩa dân tộc kinh tế điên cuồng. Trên thực tế, thương mại là một trong số ít các vấn đề chính sách mà ông Trump có niềm tin cố định khi lên nắm quyền, một niềm tin được tạo ra từ những năm 1980 lúc xảy ra căng thẳng thương mại với Nhật Bản và Đức. Ngược lại, các nhân sự nội bộ của ông đã phải mất nhiều thời gian để tranh cãi về chính sách thương mại, đôi khi lọt vào cả tai của các nhà đàm phán Trung Quốc đang sững sờ. Các quan chức ở Trung Quốc hơi bị ám ảnh về cố vấn thương mại chính của ông Trump, Peter Navarro, một học giả hiếu chiến muốn tách rời nền kinh tế Trung Quốc và Mỹ. Trên thực tế, ảnh hưởng của Navarro khá hạn chế. Sức mạnh chính của ông đến từ việc ông đại diện cho quan điểm về thế giới của các đảng viên Dân chủ tham gia công đoàn, những người có lá phiếu mà ông Trump cần nếu muốn tái đắc cử.
Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, Robert Lighthizer, lớn lên tại một thị trấn đường sắt ở vành đai công nghiệp Đông Bắc và coi việc chiến đấu để bảo vệ các công nhân ngành chế tạo là một mục tiêu cần thiết của chính phủ. Thời trẻ ông từng tham gia đàm phán với Nhật dưới thời chính quyền Reagan. Điều hợp nhất nhóm quan chức kỳ lạ này là một câu chuyện chung: rằng Trung Quốc đã âm mưu và lừa dối để đánh cắp công ăn việc làm của người Mỹ và những công việc đó có thể được kéo về Mỹ bằng cách sử dụng sức ép đủ lớn, giống như những gì đã xảy ra với Nhật Bản hai thế hệ trước.
Hồi đó, Nhật Bản và Đức đã xoa dịu Mỹ bằng cách đồng ý tăng giá đồng yên và đồng D-mark so với đồng đô la, khiến hàng hóa của Mỹ có sức cạnh tranh hơn một chút. Nhật Bản bị ép phải tự nguyện hạn chế xuất khẩu mọi thứ từ hàng dệt may cho đến ô tô. Với thái độ xây dựng hơn, các công ty Nhật Bản cũng đã mở các nhà máy sản xuất xe hơi ở Mỹ, mang theo cả các nhà quản lý chất lượng từ Nhật.
Tuy nhiên các giải pháp áp dụng cho Nhật Bản không thể áp dụng được cho Trung Quốc, và lịch sử sẽ không lặp lại. Thứ nhất, Trung Quốc sẽ không chấp nhận để đồng tiền của mình tăng giá 50% hoặc hơn so với đồng đô la Mỹ. Hơn nữa, các nhà sản xuất ô tô hoặc đại gia viễn thông Trung Quốc như Huawei không được hoan nghênh nếu đầu tư vào Mỹ, nơi họ bị buộc tội ăn cắp công nghệ và đe dọa an ninh quốc gia.
Nhóm Trump cũng từ chối thừa nhận logic của chuỗi cung ứng toàn cầu. Quan điểm lịch sử phổ biến về quá trình việc làm của người Mỹ bị chuyển sang Trung Quốc đã nhấn mạnh sự “xảo quyệt” của các quan chức Trung Quốc và xem nhẹ vai trò của các công ty đa quốc gia của châu Á và các khu vực khác. Trong nhiều ngành công nghiệp chế tạo cấp thấp, lực đẩy của toàn cầu hóa đã đưa các công việc này đến Trung Quốc khi nước này đưa ra mức lương thấp, đất rẻ và ưu đãi thuế. Các công ty nước ngoài đào tạo các nhà quản lý Trung Quốc để vận hành các nhà máy đạt chất lượng xuất khẩu.
Giờ đây, khi tiền lương của Trung Quốc đang tăng lên và thuế quan của ông Trump đang tạo ra những rủi ro chính trị không thể kiểm soát được, các việc làm ngành chế tạo lại rời Trung Quốc sau thời gian 30 năm, hướng tới Đông Nam Á và các khu vực khác. Hiểu đúng lịch sử trở thành vấn đề quan trọng bởi vì lý lẽ thương mại của ông Trump quá nhìn vào quá khứ. Douglas Paal, người nắm giữ các chức vụ hàng đầu về châu Á dưới chính quyền Reagan và Bush cha, nhận thấy khiếm khuyết trong mọi cuộc chiến dựa trên luật thương mại: “Cấu trúc không tính đến tiếng nói của các ngành công nghiệp trong tương lai”.
Đôi khi số phận của một ngành công nghiệp có thể tổng kết cả một thời đại. Những năm 1970, các nhà máy Mỹ sản xuất hơn 15 triệu xe đạp mỗi năm. Ngày nay, hơn 95% xe đạp được bán ở Mỹ được nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc. Các nhà máy Mỹ sử dụng công nghệ hàng chục năm tuổi, nhưng chính quyền Trump vẫn sử dụng các quyền hạn đặc biệt theo “Mục 301” (Đạo luật Thương mại Mỹ), vốn có mục đích bảo vệ các tài sản trí tuệ quý giá nhất, để áp thuế 10% đối với xe đạp Trung Quốc vào tháng 9 năm ngoái, tăng lên 25% vào ngày 10 tháng 5 vừa qua.
Tôi muốn đạp đến nơi nào tôi thích
Đối với bất kỳ ai muốn tìm kiếm bằng chứng cho thấy cuộc chiến thương mại là tốt cho công nhân Mỹ, quầy bán xe đạp của Walmart Supercentre ở Moline, Illinois, có vẻ là nơi phù hợp. Bên cạnh xe đạp do Trung Quốc sản xuất từ ​​các thương hiệu như Huffy hay Kent, các giá đỡ cũng trưng bày những chiếc xe khuấy động lòng yêu nước của người Mỹ: xe đạp địa hình mang logo hình khiên của Tập đoàn Xe đạp Mỹ (BCA) và được gắn thẻ thông tin sản phẩm có màu cờ Mỹ với khẩu hiệu “Đưa việc làm trở lại nước Mỹ!”. Thẻ cho thấy địa chỉ nhà máy nằm ở Nam Carolina.
Quầy hàng Walmart đó khiến người ta hiểu lầm. Arnold Kamler là giám đốc điều hành của Kent International, một công ty gia đình có trụ sở tại New Jersey bán khoảng 3 triệu chiếc xe đạp mỗi năm cho Walmart, Target và các cửa hàng khác. Ông nhớ lại, vào cuối những năm 1980, những chiếc xe đạp do Trung Quốc sản xuất được bán ở Mỹ với giá không tưởng và sau đó lại tiếp tục giảm thêm 5-10% mỗi năm. Kent đã phải đóng cửa nhà máy ở New Jersey vào năm 1991. Vài năm sau, các nhà sản xuất xe đạp Mỹ còn lại đã phải nộp đơn xin áp thuế chống bán phá giá đối với xe đạp nhập khẩu từ Trung Quốc. Cơ quan quản lý thương mại của chính phủ từ chối giúp đỡ. “Hồi đó Hoa Kỳ đang cố gắng gây thiện cảm với Trung Quốc”, ông Kamler buộc tội. Đó nghe có vẻ như là một trong những câu chuyện ông Trump hay kể về sự gian lận của Trung Quốc và sự thụ động của người Mỹ. Tuy nhiên, cuộc sống thực tế lại không đơn giản như vậy, và một chuyến đi đến đồng bằng sông Dương Tử cho thấy điều đó.
Hầu hết các xe đạp của Kent được sản xuất tại Côn Sơn, gần Thượng Hải, bởi một nhà thầu tên là Shanghai General Sports. Công ty này được điều hành bởi Ge Lei, một người đàn ông 43 tuổi dễ gần. Người sáng lập công ty là cha của ông, ông Ge Yali, người điều hành một nhà máy sản xuất xe đạp quốc doanh vào những năm 1980. Theo lời kể của ông Ge Yali, sự phát triển ở Côn Sơn có được là nhờ các nhà đầu tư Đài Loan và Nhật Bản, những người đã giúp thay đổi các tiêu chuẩn sản xuất. Nếu những người ủng hộ ông Trump vào phòng họp của gia đình Ge ở Côn Sơn, được trang trí với những chiếc xe đạp trẻ em của Kent mang các nhãn hàng Walmart, họ có thể khao khát những chiếc xe của BCA từ Nam Carolina có thể thay thế chúng.
Nhưng thực tế thì BCA là một công ty con của Kent. Công ty này đã được ông Kamler mở vào năm 2014 khi Walmart phát động chiến dịch mua hàng Mỹ. Và thay vì làm xe đạp từ đầu, BCA lắp ráp và sơn khung xe và các bộ phận nhập khẩu, chủ yếu là từ Côn Sơn. Vài năm trước, gia đình Ge đã mua 49% cổ phần của Kent. Nói cách khác, những chiếc xe đạp BCA kích động lòng yêu nước kia có một nửa thuộc sở hữu của người Trung Quốc.
Có những tin xấu hơn dành cho những người ủng hộ chính sách “Nước Mỹ trên hết”. Bởi vì thuế nhập khẩu của ông Trump được áp dụng đối với xe đạp thành phẩm cũng như linh kiện, chi phí sản xuất của Kent và BCA đã bị tăng thêm 20 triệu đô la mỗi năm. Trong khi đó, một loạt mức thuế riêng biệt của Trump dành cho sản phẩm thép và nhôm cũng đã gây xáo động thị trường đến mức các kế hoạch mở rộng BCA đang bị trì hoãn, làm mất việc làm của người Mỹ.
Hồi năm 2015, Thống đốc bang Nam Carolina lúc đó là Nikki Haley đã đón tiếp các nhà sản xuất phụ tùng Trung Quốc và Đài Loan tại nhà máy BCA, kêu gọi họ mở chi nhánh ở Nam Carolina để tạo ra một cụm nhà máy sản xuất xe đạp. Ông Kamler kêu gọi các nhà cung cấp Trung Quốc nhận ra rằng các ngành sản xuất công nghệ thấp có thể có lợi nhuận ở Mỹ. “Tiếc là nỗ lực đó không thành công”, ông thở dài. BCA chỉ lắp ráp được 310.000 xe đạp vào năm ngoái và ông Kamler tin rằng sản lượng thấp như vậy đã khiến các nhà đầu tư Trung Quốc không mặn mà. Ge Lei thì thấy một vấn đề sâu hơn. Ngay cả khi bỏ qua chi phí lao động, ông nghĩ rằng người Mỹ đã quên cách điều hành các nhà máy thâm dụng lao động. Anh ta quá khéo léo nên không gọi công nhân Mỹ là “lười biếng”, chỉ nói rằng họ “di chuyển chậm hơn”.
Thay vào đó, ông Ge đang xây dựng một nhà máy ở Campuchia nhằm tiết kiệm tiền lương. Xe đạp sản xuất ở đó sẽ tránh được các khoản thuế chống Trung Quốc của ông Trump khi chúng được xuất đến Moline và siêu thị Walmart ở các nơi khác. Các công nhân ở Campuchia của ông sẽ học được một điều mà ông Trump không muốn công nhận: thuế quan hiếm khi có được tác dụng như dự tính.
(Còn tiếp 1 phần)
Nguồn: The trouble with putting tariffs on Chinese goods”, The Economist, 16/05/2019.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét