Sáng kiến Vành đai và Con đường, nguyên văn theo âm Hán Việt là ‘Nhất đới, Nhất lộ’ có thể đã góp phần đáng kể vào việc tăng cường hợp tác trong nghiên cứu khoa học giữa Trung Quốc và các quốc gia khác trong đó có Việt Nam. Số liệu thống kê từ cơ sở dữ liệu các nghiên cứu có thẩm định lớn nhất thế giới Elsevier’s Scopus cho thấy các khoa học gia Việt Nam và Trung Quốc đã cùng đứng tên trong gần 1.700 công trình nghiên cứu trong giai đoạn 2013-2017 và mức tăng trưởng hợp tác trong giai đoạn này đạt trên 85%.
Vẫn theo thống kê xuất hiện trên trang chuyên về giáo dục và nghiên cứu ở bậc đại học Times Higher Education có trụ sở tại Anh, số nghiên cứu chung giữa các trí thức Thái Lan và Trung Quốc tăng hơn 80% trong cùng giai đoạn, đạt hơn 3.600 công trình. Con số cho Malaysia là hơn 3.300 nghiên cứu với mức tăng trưởng 175%.
Mức tăng đối với các quốc gia lớn hơn như Nga và Ấn Độ đều ở mức trên 90%. Nước láng giềng của Ấn Độ, Pakistan, thậm chí có mức tăng gần 220% và tổng số nghiên cứu chung giữa hai bên lên tới gần 6.500.
Giáo sư Susan Robertson từ Đại học Cambridge nói với Times Higher Education rằng Trung Quốc khuyến khích các đại học của nước này tìm cách tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường. Bà Robertson nói: “Người ta cũng dành ra ngân quỹ để họ [các trường đại học] phát triển chiến lược xuyên quốc gia.”
Sáng kiến Vành đai và Con đường được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố hồi năm 2013 khi Bắc Kinh cam kết bỏ ra 750 tỷ đô la để tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới. Trung Quốc nhắm tới gần 70 nước với nửa dân số thế giới và trên 40% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu.
Nhà nghiên cứu Colin Parks từ Khoa Báo chí của Đại học Hong Kong Baptist cho rằng Trung Quốc sẽ có “vai trò trực tiếp trong việc tạo dựng những mặt căn bản” trong quá trình phát triển của các nước liên quan tới sáng kiến của Bắc Kinh.
Chuyên gia này nhận định: “Về mặt lịch sử mà nói, sự áp đảo về kinh tế tất yếu dẫn tới áp đảo về văn hoá ở mức độ nhất định… Nhìn vào sự mất cân bằng quá lớn giữa Trung Quốc và các láng giềng gần, tương quan lịch sử dễ thấy là trường hợp của Hoa Kỳ đối với Mỹ Latin trong phần lớn thế kỷ 20.”
Colin Parks dẫn nghiên cứu của nhiều học giả cho rằng sự thống lĩnh của Hoa Kỳ với các quốc gia Mỹ Latin có thể xem là “bành trướng truyền thông và văn hoá”. Về mặt truyền thông, Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc đang phát bằng 44 ngôn ngữ trong đó có cả tiếng Việt. Kênh truyền hình bằng tiếng Anh CGTN trong khi đó tăng cường hoạt động trong cố gắng cạnh tranh với CNN và BBC.
Trong giáo dục, Trung Quốc cũng đặt mục tiêu đón nửa triệu sinh viên quốc tế tới các trường đại học ở Trung Quốc trong năm 2020. Mặc dù Trung Quốc hiện mới chỉ có hai đại học nằm trong 100 đại học hàng đầu thế giới theo xếp hạng của Times Higher Education, Đại học Thanh Hoa đã lần đầu tiên vươn lên đứng đầu châu Á trong bảng xếp hạng 2019. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc có tham vọng đưa trên 40 đại học của nước này đạt chất lượng quốc tế trong vòng 30 năm nữa.
Quay trở lại lĩnh vực nghiên cứu, Times Higher Education cũng nói trong giai đoạn 1997-2017, số nghiên cứu có thẩm định từ Trung Quốc trong cơ sở dữ liệu đầu bảng thế giới Elsevier’s Scopus tăng trên 1.300% so với mức tăng gần 65% của Hoa Kỳ và trên 110% của châu Âu trong cùng giai đoạn. Người ta cho rằng số nghiên cứu của Trung Quốc sẽ vượt Hoa Kỳ trong vài năm tới.
Đương nhiên mối lo đối với hầu như tất cả những gì tới từ Trung Quốc là chất lượng tới đâu. Times Higher Education nhắc lại trường hợp một tạp chí phương Tây đã rút lại 100 bài nghiên cứu của các tác giả Trung Quốc trong năm 2017 vì họ cho rằng quá trình thẩm định các bài này có vấn đề. Nhưng người ta cũng nói so với tổng số khổng lồ các công trình nghiên cứu từ Trung Quốc, số công trình có thẩm định theo kiểu dối trá không phải là nhiều.
Người ta còn đang dự đoán chỉ trong vòng một năm nữa Trung Quốc sẽ vượt Hoa Kỳ về số công trình nghiên cứu khoa học được trích dẫn. Và một khi sức mạnh mềm của Trung Quốc chinh phục được thế giới thì ảnh hưởng của nó ở Việt Nam có lẽ cũng là điều tất yếu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét