Thứ Ba, 28 tháng 5, 2019

13697 - Lãnh tụ không phải là thánh nhân!



Người dân Ukraine giật đổ và dẫm lên tượng Lenin ở thành phố Kiev, Tháng Mười Hai, 2013. (Hình: Getty Images)
“Tên cha tên mẹ tên chồng, Con có thể quên/ Nhưng tên người, Vầng thái dương chiếu sáng đời đời/ Con phải nhớ mãi không thôi…” (Thơ bọn súc vật ca tụng lãnh tụ trong “Trại Súc Vật”- George Orwell). Volodymyr Oleksandrovych Zelensky là một chính trị gia, nhà biên kịch, diễn viên, diễn viên hài, và đạo diễn người Ukraine, đã tuyên thệ nhậm chức tổng thống thứ 6 của Ukraine kể từ ngày 20 Tháng Năm, 2019 sau khi đắc cử vẻ vang trước tổng thống đương nhiệm.
Trong một cuộc phỏng vấn vào Tháng Ba năm 2019 với Der Spiegel, Zelensky tuyên bố ông đi vào chính trị để khôi phục niềm tin vào các chính trị gia và ông muốn “đưa những người chuyên nghiệp, đàng hoàng lên nắm quyền.”
Ông đã đóng ít nhất 6 cuốn phim và đạo diễn ba chương trình truyền hình, trong đó có show “Servant of the People” (Người Đày Tớ Của Nhân Dân) về sau cũng là tên một đảng chính trị do ông lãnh đạo.
Nghe mấy tiếng “Người Đày Tớ Của Nhân Dân” chúng ta lại liên tưởng đến khẩu hiệu mị dân của đảng Cộng Sản Việt Nam, nhưng sự thật là trái ngược.
Bài diễn văn nhậm chức của Tổng Thống Volodymyr Zelensky được xem như là một bài diễn văn cảm động, tiếng nói từ con tim của vị lãnh đạo trẻ tuổi của đất nước Ukraine.
Một đoạn trong bài diễn văn này, khiến người ta nghĩ đến chuyện suy tôn lãnh tụ trong các quốc gia Cộng Sản và độc tài trên thế giới, khi ông nói: “…Tôi mong muốn rằng, các bạn không treo chân dung tôi trong văn phòng làm việc của các bạn. Bởi tổng thống không phải là thần tượng, cũng không phải là thánh nhân. Tổng thống không phải là bức chân dung. Hãy treo ảnh các con bạn vào chỗ đó và trước khi quyết định một việc gì thì hãy nhìn vào mắt chúng.”
Chúng ta cũng nên nhớ lại, Ukraine là một đất nước, với phong trào the “Fall of Lenin” chỉ trong Tháng Mười Một, 1990, có 70 tượng đài Lenin và nhiều tượng của cựu lãnh đạo Xô Viết đã bị giật đổ ở các thành phố khác nhau.
Ở Hoa Kỳ, trong các công sở thuộc tiểu bang hay liên bang người ta treo ảnh các cấp chỉ huy từ cấp quận đến cấp tiểu bang ở một chỗ trang trọng, nhưng tại bàn làm việc cá nhân, người Mỹ luôn chưng hình gia đình, nhất là con cái họ, có lẽ như ý nghĩ của tân tổng thống Ukraine là “trước khi quyết định một việc gì thì hãy nhìn vào mắt chúng.”
Và lẽ cố nhiên, ở những quốc gia dân chủ và tự do, không ai treo hình lãnh tụ như tổng thống, chủ tịch hay lãnh tụ đảng trong nhà, thậm chí như cái đất nước khốn khổ Việt Nam, hình lãnh tụ được đặt trên bàn thờ của mỗi gia đình, thay cho hình ảnh của Ông Bà, Tổ Tiên, và bây giờ lại được đưa vào các nơi thờ phụng trang trọng của tôn giáo, trước mắt là tại các nhà chùa, ngang hàng với những vị Phật.
Trại súc vật của George Orwell là hình ảnh của những quốc gia Cộng Sản, trong đó lãnh tụ Heo Napoleon luôn đi kèm với những từ như “Lãnh tụ của chúng ta,” “Đồng chí Napoleon,” “Cha của các loài vật,” “Nỗi khiếp sợ của giống người,” “Người bảo vệ của loài cừu,” “Bạn của loài vịt”… Và vì lãnh tụ là heo cho nên heo được coi là những con vật tinh khôn, ưu tú, trí tuệ nhất. Xã hội này hứa hẹn có “thiên đàng XHCN,” là nơi mọi thú vật sau khi chết đều về “vương quốc thần thoại,” nơi một tuần có bảy ngày Chủ Nhật, cỏ ba lá xanh quanh năm và bánh kẹo thì ngay trong tầm tay!
Ý niệm “tất cả các loài động vật đều bình đẳng như nhau” được thay thế bằng khẩu hiệu“tất cả các loài động vật đều bình đẳng như nhau, nhưng một số thì bình đẳng hơn những con khác.” Bình đẳng hơn những con vật khác, đó chính là lãnh tụ và đảng viên.
Tại đây “thế lực thù địch” cũng luôn là cái bóng ma lởn vởn để nhân dân phải luôn luôn “đề cao cảnh giác,” “chuẩn bị chiến đấu” và để thanh trừng những kẻ bất đồng chính kiến như trong các xã hội Cộng Sản.
Chúng ta hãy nghe một bài thơ “Ngợi Ca Lãnh Tụ” Heo Napoleon của bầy súc vật trong trại, tưởng chừng như nghe hơi thở thối tha của Tố Hữu ca tụng Stalin hay viết cho “Bác.”
“Đồng chí Napoleon!
Người là cha của những đứa trẻ mồ côi,
Là suối nguồn hạnh phúc muôn đời,
Là vầng thái dương chiếu sáng bầu trời.
Ánh mắt người ấm mãi lòng tôi.
Đồng chí Napoleon!
Người cho tôi bữa ăn lúc đói lòng.
Người cho tôi nệm rơm ấm mùa đông.”
Người ngồi canh,
Cho bầy con giấc ngủ yên lành.
Con ơi! Hạnh phúc muôn đời,
Là nhờ Đồng chí Napoleon.
Tên cha tên mẹ tên chồng,
Con có thể quên.
Nhưng tên người,
Vầng thái dương chiếu sáng đời đời
Con phải nhớ mãi không thôi: Napoleon,
Napoleon, người ơi!” (*)
(Bản dịch của Phạm Minh Ngọc)
Trên mảnh đất này, sau năm 1975, trong thời gian lúc bị cầm tù ở Việt Bắc, trong lúc đi đốn tre, kiếm củi, tôi đã có dịp đi qua những thôn làng với những căn nhà tranh, vách đất tuềnh toàng, nhưng nhà nào cũng có một cái bàn thờ trang hoàng đỏ chói với các tấm bảng ghi công liệt sĩ, và hình “bác Hồ” dựng sau bát nhang, tuyệt đối không có một hình ảnh nào của các người thân trong gia đình đã quá vãng.
Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, cơm áo thì thiếu nhưng hình ảnh lãnh tụ thì dư thừa. Thưởng cho những bà mẹ đã nướng con trong những trận đánh biển người, những đứa học trò giỏi hay những gia đình neo đơn, thiếu ăn, chính quyền luôn có sẵn hình “bác Hồ” để ban phát. Dễ chừng như cái hình ảnh vàng ố, râu ria này có thể bỏ vào nồi nấu được, để có thứ húp vào ruột cho đỡ đói.
Ở Việt Nam thời Cộng Sản, hình lãnh tụ được trưng bày mọi nơi.
Bình Dương hãnh diện: “Hiện nay ở xã số gia đình treo ảnh Bác trong nhà đã đạt gần như 100%. Nhiều gia đình khá giả còn làm cả một gian riêng để treo và thờ ảnh Bác. Ngoài những bức ảnh rất đẹp về Bác Hồ, người dân còn đặt thợ điêu khắc làm cả những bức tượng nho nhỏ về Bác để trong gian thờ, như một sự kính trọng vô bờ bến trước những công lao to lớn của Người với đất nước, với quê hương. Có thể nói, ở Trừ Văn Thố, bất cứ nơi nào có cư dân sinh sống, ở nơi đó đều có sự hiện diện của Bác Hồ. Đây không chỉ là nét đẹp văn hóa mà còn là nét đẹp tinh thần, giúp mọi người ở đây sống hòa thuận, đồng lòng hơn trong những công việc chung”.
Chính tại các quốc gia lạc hậu, đói rách lại là nơi lãnh tụ được tôn sùng, tượng đài được mọc lên như nấm, điều này thật sự chẳng mang lại no ấm, hạnh phúc cho ai.
Tại Bắc Hàn, có khoảng 34,000 tượng đài Kim Nhật Thành, tính đổ đồng cứ 750 người dân “được hưởng” một tượng đài họ Kim, và cứ mỗi 3.5 km vuông lại có một tượng đài. Tại Trung Cộng, theo BBC, ghi nhận khoảng 2,000 tượng đài.
Nhân dịp kỷ niệm 120 năm sinh nhật của Mao, Trung Cộng cho đúc một tượng Mao ngồi gác chân trên ghế bằng vàng và cẩm thạch, cao chỉ 80 cm, nặng 50 kilograms nhưng có giá thành lên đến $16 triệu.
Tại Lào, tượng lãnh tụ Kaysone Phomvihane cũng được đặt trên nhiều công viên, cơ quan nhà nước. Năm 2004, Bắc Hàn “viện trợ” cho Lào 200 tượng Kaysone Phomvihane bằng đồng để đặt tại các cơ quan đảng và chính phủ Lào.
Tại Cuba, trong thời gian Fidel Castro còn sống, tượng đài của nhà độc tài này, cũng như Che Guevara cũng đã được dựng ở nhiều nơi.
Tại Việt Nam, hiện có 134 tượng đài Hồ Chí Minh, trong đó gồm 103 tượng đặt tại các trụ sở cơ quan, 31 tượng được dựng tại các quảng trường.
Theo kế hoạch từ nay đến 2030 sẽ xây thêm 58 tượng họ Hồ, nâng tổng số lên 192 tượng, trong đó có tượng đài ở đất nghèo đói Sơn La, dự trù với kinh phí 1,400 tỷ đồng Việt Nam, “vì không có tượng đài là thiệt thòi!”
Chúng ta cũng nên biết, theo thời giá hiện nay 1,400 tỷ đồng, tính ra hơn $60 triệu. Sơn La chính là địa phương nổi tiếng, vì có người đã chụp được bức hình chiếc xe gắn máy chở một thi hài nằm sau xe, được bó trong chiếc chiếu ngắn, lòi hai chân ra ngoài!
Chân lý ấy không bao giờ thay đổi: “Lãnh tụ vĩ đại chừng nào thì khổ nạn của nhân dân càng thê thảm chừng ấy!”
(*) Chúng ta phải nghĩ rằng Tố Hữu đã “đánh cắp” trọn ý bài thơ này!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét