Vào ngày này năm 1897, những bản sao đầu tiên của tiểu thuyết ma cà rồng kinh điển Dracula của nhà văn người Ireland, Bram Stoker, đã bắt đầu xuất hiện trong các hiệu sách ở London. Dù có tuổi thơ ốm yếu, Stoker lớn lên vẫn trở thành một ngôi sao bóng đá tại trường Đại học Trinity, Dublin. Sau khi tốt nghiệp, ông vừa làm nhân viên tại Lâu đài Dublin suốt 10 năm, vừa viết các bài phê bình kịch cho tờ Dublin Mail.
Nhờ đó, Stoker đã gặp nam diễn viên nổi tiếng Sir Henry Irving, người đã thuê ông làm quản lý. Stoker tiếp tục làm công việc này ba thập niên tiếp theo, đảm nhiệm việc viết một lượng thư từ rất lớn cho Irving, và đi cùng ông trong các chuyến lưu diễn ở Mỹ. Suốt những năm này, Stoker bắt đầu viết một số truyện kinh dị cho các tạp chí, và vào năm 1890, ông đã xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tiên của mình, The Snake’s Pass.
Stoker tiếp tục xuất bản tổng cộng 17 cuốn tiểu thuyết, nhưng chính tác phẩm năm 1897 Dracula mới mang lại cho ông danh tiếng trong giới văn chương và được biết đến như một kiệt tác của văn học Gothic thời Victoria. Được viết dưới dạng nhật ký của các nhân vật chính, Dracula là câu chuyện về một con ma cà rồng tìm đường từ Transylvania – vùng đất thuộc Đông Âu, nay là ở Romania – đến Yorkshire, Anh và săn lùng những người vô tội, uống máu họ để tồn tại. Ban đầu, Stoker đặt tên cho con ma cà rồng là “Count Wampyr.” Ông đã tìm thấy cái tên Dracula trong một cuốn sách về xứ Wallachia và Moldavia được viết bởi nhà ngoại giao đã nghỉ hưu William Wilkinson mà ông đã mượn từ thư viện công cộng Yorkshire trong kỳ nghỉ gia đình ở đó.
Ma cà rồng – giống loài rời bỏ nơi chôn cất của mình vào ban đêm để hút máu người – là những nhân vật nổi tiếng trong truyện cổ tích từ thời cổ đại, nhưng tiểu thuyết của Stoker đã đưa chúng vào dòng chính của văn học thế kỷ 20. Khi mới phát hành, Dracula cũng đạt được thành công nhất định, mặc dù khi Stoker qua đời vào năm 1912, chẳng có tờ cáo phó nào của ông đề cập đến Dracula. Doanh số bắt đầu tăng mạnh kể từ thập niên 1920, khi cuốn tiểu thuyết được chuyển thể trên sân khấu kịch Broadway.
Cơn sốt Dracula còn trở nên nồng nhiệt hơn với sự ra mắt của bộ phim bom tấn của hãng Universal năm 1931, do Tod Browning đạo diễn và có sự tham gia của nam diễn viên người Hungary, Bela Lugosi. Hàng chục bộ phim, chương trình truyền hình và tác phẩm văn học đã ăn theo chủ đề ma cà rồng, mặc dù Lugosi, với chất giọng đặc trưng của mình, vẫn mãi là Bá tước Dracula chân chính. Những ví dụ cuối thế kỷ 20 của cơn sốt ma cà rồng bao gồm loạt tiểu thuyết bán chạy The Vampire Chronicles của nữ nhà văn người Mỹ Anne Rice và bộ phim truyền hình ăn khách đình đám Buffy the Vampire Slayer.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét