Trong 4 tháng đầu năm 2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã mua vào lượng khá lớn ngoại tệ, ước tính đã lên tới gần 9 tỷ USD, trong bối cảnh thị trường và tỷ giá USD/VND ổn định, và đặc biệt là trong điều kiện cung ngoại tệ dồi dào và nhà điều hành mua vào lượng lớn. |
Chưa có gì đáng gọi là ‘thắng lợi chính trị’ dành cho chính thể độc đảng ở Việt Nam khi quốc gia này chưa được Hoa Kỳ chính thức xếp vào nhóm quốc gia thao túng tiền tệ. Mà chính thể Việt Nam vẫn là ứng viên tiềm tàng của nhóm quốc gia thao túng tiền tệ đó. Bởi vào ngày 29/5/2019, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã ban hành Báo cáo về "Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ", đưa ra Danh sách các quốc gia cần giám sát gồm 9 nước: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ý, Ireland, Singapore, Malaysia và Việt Nam.
Theo đó, cánh cửa vào ‘kinh tế thị trường’ của chính thể độc đảng ở Việt Nam, vốn đã chẳng rộng mở gì, nay càng thêm hẹp lại.
Cần nhắc lại, Mỹ sử dụng ba tiêu chí để đánh giá việc thao túng tiền tệ của một quốc gia: thặng dư tài khoản vãng lai lớn hơn 3% GDP, thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ ít nhất là 20 tỷ đô la, và can thiệp vào thị trường ngoại hối vượt quá ít nhất 2% GDP.
Việt Nam bị Mỹ xem là một nước lũng đoạn tiền tệ vì đã cho hạ giá đồng tiền của mình một cách giả tạo.
Vào năm 2018, Việt Nam đã đạt thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ (còn gọi là giá trị xuất siêu) ở mức kỷ lục tới 35 tỷ USD, càng củng cố một cách chắc chắn vị trí thứ 6 của Việt Nam trong số 16 quốc gia bị Donald Trump liệt vào danh sách ‘gây hại’ cho nền kinh tế Mỹ.
Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cho tăng vọt tỷ giá trung tâm để kích thích gom USD trôi nổi, dù đã trám bớt lỗ hổng toang hoác của Quỹ dự trữ ngoại hối để có tiền trả nợ nước ngoài (trong 4 tháng đầu năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào lượng khá lớn ngoại tệ, ước tính đã lên tới gần 9 tỷ USD, trong bối cảnh thị trường và tỷ giá USD/VND ổn định, và đặc biệt là trong điều kiện cung ngoại tệ dồi dào và nhà điều hành mua vào lượng lớn), nhưng lại khiến cơ quan ‘siêu ngân hàng’ này phải trút vào thị trường tự do đến 200.000 tỷ đồng trong 4 tháng đầu năm 2019 - chiếm đến hơn 4% GDP, tức vượt xa giới hạn 2% GDP mà Mỹ quy định đối với quốc gia thao túng tiền tệ.
Sau danh sách quốc gia bị giám sát mà do đó Việt Nam sẽ tiếp tục được theo dõi trong hai kỳ Báo cáo tiếp theo, trong thời gian tới, Bộ Tài chính Hoa Kỳ sẽ theo dõi các thông tin, số liệu về thương mại, cán cân vãng lai, các chính sách kinh tế vĩ mô, tiền tệ của Việt Nam.
Phản ứng về danh sách giám sát, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Ngoại giao Việt Nam đã không hề ‘phản đối’ hay ‘lấy làm thất vọng sâu sắc’ theo cái cách chính thể này thường phản ứng trước các báo cáo của Hoa Kỳ về việc Hà Nội vi phạm nhân quyền trầm trọng. Mà Ngân hàng Nhà nước chỉ phản hồi một cách nhẹ nhàng như thể phải chấp nhận: “sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để trao đổi, làm việc về các vấn đề mà BTC Hoa Kỳ quan tâm trên tinh thần hợp tác, đồng thời tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế một cách hợp lý, điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế cũng như đặc thù của kinh tế Việt Nam, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không lành mạnh”.
Nếu sắp tới Việt Nam bị Mỹ xếp vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ, tương lai rất cận kề là theo lệnh của Tổng thống Trum, Đại diện Thương mại Mỹ sẽ nâng cao mức thuế suất đánh vào hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ - tương tự chiến dịch nâng thuế suất đến 25% của Mỹ đối với toàn bộ 500 tỷ USD giá trị hàng hóa của Trung Quốc vào thị trường Mỹ.
Và nếu bị Mỹ đánh thuế nặng hàng xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hàng Việt Nam sẽ lâm vào cảnh phá sản, còn nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ không thể chịu nổi thuế suất cao mà sẽ phải rút khỏi Việt Nam, khiến nền kinh tế nước này lao nhanh vào suy thoái trầm kha và càng khiến tuổi thọ của chính thể độc đảng trở nên ngắn ngủi đến khó lường.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét