Có thể nói, những thay đổi tình hình chính trị thế giới có ảnh hưởng, tác động lớn tới tình hình chính trị Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Việt Nam sau hơn nửa thế kỷ nằm dưới sự đô hộ của Pháp đã có những biến chuyển rất sâu rộng và mạnh mẽ, khi cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai mới bắt đầu. Thực dân Pháp thua trận tại châu Âu, và tại Đông Dương, Pháp đã đầu hàng Nhật để Nhật đem quân vào chiếm đóng Đông Dương. Đông Dương là một thuộc địa đặc biệt của đế quốc Nhật, nơi chính quyền thuộc địa của một nước Tây Phương không bị người Nhật thay thế. Điều này đã hình thành bối cảnh hết sức phức tạp ở Việt Nam, gồm cả những khó khăn và thuận lợi. Kết cục của cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai, một lần nữa đã mở ra một cơ hội cho Việt Nam, và là nguyên nhân chính dẫn tới biến cố 19/8/1945.
1/ Yếu tố quan trọng nhất, sự kết thúc thế chiến thứ II đồng nghĩa với kết thúc sự đô hộ của ngoại bang ở Việt Nam
Trong suốt Cuộc chiến tranh Thế giới lần thứ hai, Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng sở dĩ còn giữ nguyên được bộ máy chính quyền đô hộ của Pháp, vì Pháp đã đầu hàng Nhật ngay khi nước Pháp thua trận ở châu Âu, và Nhật đem quân vào chiếm đóng, đồng thời sử dụng Đông Dương như một căn cứ quân sự để tấn công vào các quốc gia lân cận như Philippine, Mã Lai, Indonexia... Nhà nước bảo hộ Pháp ở Đông Dương đã tích cực hợp tác với Nhật về mọi mặt, nhất là phục vụ cho cuộc chiến của Nhật.
Nhưng tình hình đã thay đổi vào cuối năm 1944. Khi đó, chiến thắng của quân đồng minh đã trở nên rõ rệt. Tại châu Âu, ở mặt trận phía tây, Paris đã được giải phóng và liên quân phương Tây đã đến bờ sông Rhin trong khi tại mặt trận phía đông, Hồng quân Liên Xô đã tiến vào Ba Lan và sát tới biên giới Đức. Tháng 8/1944, tướng Charles de Gaulle thành lập chính phủ lâm thời Pháp. Tại thái Bình Dương, quân đội Mỹ đã chiến thắng trong cuộc hải chiến lớn nhất ở vịnh Leyte vào cuối tháng 10/1944 và tiến chiếm quần đảo Philippines trong khi tại Miến Điện, quân Anh - Ấn cũng mở đầu chiến dịch giải phóng Miến Điện sau khi đánh bại quân Nhật tại Imphal.
Quân Mỹ sau khi chiếm được Philippines đã mở mặt trận tấn công Nhật tại Đông Dương. Một trận tấn công của Mỹ vào cảng Sài Gòn đã đánh chìm 40 tàu Nhật, đồng thời hạm đội Mỹ xuất hiện, đánh chìm nửa số tàu chở dầu của Nhật, và pháo kích những căn cứ của Nhật dọc theo vùng biển miền Trung. Đối với quân đội Nhật, đây là một dấu hiệu rõ rệt rằng Mỹ sẽ cho quân đổ bộ vào Đông Dương. Nhận thức được không thể nào cùng lúc chống cự lại quân đồng minh trong khi bên cạnh mình có một chính quyền và một quân đội thù nghịch, quân đội Nhật đã lên kế hoạch và thực hiện việc lật đổ chính quyền Pháp tại Đông Dương, đó là ngày 09/3/1945.
Một chính quyền đô hộ bị lật đổ trong khi lực lượng lật đổ chính quyền đó (Nhật) không còn tương lai đã đưa đến cho Việt Nam một cơ hội ngàn năm có một. Một khoảng trống quyền lực đã lộ rõ mà tất cả các đảng phái, lực lượng đều nhận thức được. Chính vì vậy có thể nói, kết cục của cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai là tiền đề, và là yếu tố quan trọng nhất dẫn tới biến cố 19/8/1945.
2/ Quyết tâm của một tổ chức có thực lực, có bài bản và kỷ luật, được rèn luyện liên tục trong đấu tranh
Đảng cộng sản như đã biết, là một tổ chức được thành lập từ năm 1930, có một quá trình hoạt động liên tục 15 năm trải rộng trên toàn quốc và hải ngoại. Với sự hậu thuẫn về đường lối, lý luận, tổ chức và kinh tài toàn diện của Quốc tế Cộng sản, đã đi sâu vào các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các tầng lớp lao khổ, công nhân và nông dân. Họ đã tạo ra, đã tập dượt các cuộc nổi dậy, khởi nghĩa thậm chí vận động quốc tế. Điều đó đã chứng tỏ khả năng của một tổ chức chính trị có thực lực. Nhưng, để dẫn đến biến cố 18/9, điều cần đặc biệt nhấn mạnh đó là quyết tâm của những thành viên của đảng cộng sản.
Trái với những tuyên truyền sau này của những người cộng sản, ông Hồ Chí Minh và những lãnh tụ cộng sản cũng không có một khái niệm nào rõ ràng chiến tranh sắp đột nhiên chấm dứt. Nhưng cũng như tất cả các đảng phái khác, họ tích cực chuẩn bị để đợi “một thời cơ thuận tiện”, một cuộc đổ bộ của Đồng Minh vào Việt Nam hoặc Nhật Bản đầu hàng để nổi lên cướp chính quyền.
Hội nghị Tân Trào, được ông Hồ Chí Minh triệu tập với đại biểu của tất cả các đảng bộ đảng cộng sản Đông Dương từ khắp ba miền đất nước và hải ngoại nhằm bàn đến một chiến lược hành động trong những năm tới. Do nhận được tin tức mật báo của nhóm biệt động Mỹ ở Côn Minh, rằng Nhật Bản sắp sửa đầu hàng. Ngày 12/8, Ủy ban chấp hành lâm thời khu giải phóng Thái Nguyên của Việt Minh đưa ra một lệnh: “Tổng khởi nghĩa” tuyên bố rằng Nhật đã đầu hàng và được đồng minh chấp thuận. Hội nghị Tân Trào cho thành lập một “Ủy ban khởi nghĩa” gồm 5 người. Hội nghị Tân Trào bắt đầu từ ngày 13/8 và kết thúc vào ngày 15/8. Chiều ngày 15/8, cả đài phát thanh của Đồng Minh và Nhật đều loan báo tin Nhật Hoàng Hirohito đã đích thân ra lệnh cho các lực lượng của Nhật đầu hàng. Sang ngày 16/8, Việt Minh bắt đầu họp Quốc Dân Đại Hội. Vì thời gian cấp bách nên đại hội chỉ họp được có hai ngày 16 và 17 là chấm dứt. Mục tiêu chính của Đại hội này là bầu ra một Ủy ban Giải phóng Quốc gia có vai trò như một chính phủ lâm thời. Nhưng trong khi Lệnh Tổng khởi nghĩa, quyết định cướp chính quyền chưa được thông báo cho các địa phương (vì cách thức liên lạc thời bấy giờ) thì tại Hà Nội việc cướp chính quyền đã xảy ra.
Điều đáng nói là, với tính kỷ luật sắt, rất chặt chẽ và tàn bạo trong đảng cộng sản, nhưng những người cộng sản tại các địa phương, đặc biệt là Hà Nội, đã bỏ qua để thực hiện việc cướp chính quyền. Họ chưa biết việc cướp chính quyền thành công hay thất bại, nhưng họ biết chắc chắn sẽ chịu kỷ luật trong đảng vì đã hành động khi chưa được lệnh, chưa được cho phép nhưng họ vẫn thực hiện. Việc kỷ luật đã được chứng minh, khi thành phần chính phủ được công bố vắng mặt của tất cả những người đứng ra tổ chức việc cướp chính quyền tại Hà Nội, đồng thời cuối tháng 8, đảng cộng sản đã cải tổ lại thành ủy Hà Nội thay hết đảng ủy cũ bằng những người mới. Chỉ có thể lý giải bằng việc biết rõ mục tiêu chiếm đoạt chính quyền và quyết tâm của những người đã thực hiện điều này. Qua những tài liệu để lại, thì thành ủy Hà Nội cũng họp bàn và có các dự báo, bước đi giống như trung ương đảng cộng sản họp bàn ở Tân Trào. Điều này cho thấy, tổ chức và hoạt động của đảng cộng sản bài bản và quy củ.
3/ Sự thiếu thống nhất và thiếu quyết đoán của các đảng phái Quốc gia
Với sự sụp đổ của đế quốc Nhật, và sự tan rã của chính phủ Trần Trọng Kim, quyền lực chính trị tại Việt Nam trở thành một khoảng trống. Đây chính là cơ hội “ngàn năm một thủa” cho những ai nhanh chân trong việc trám được vào khoảng trống quyền lực này.Trong cuộc chạy đua giành quyền lực đó có ba phe chính: Đảng cộng sản Đông Dương và Mặt trận Việt Minh của họ, các đảng phái cách mạng quốc gia và Pháp với âm mưu quay trở lại cai trị Việt Nam.
Trước năm 1938, chỉ có một đảng cách mạng quốc gia độc nhất là Việt Nam Quốc Dân Đảng. Nhưng đảng này sau thất bại của cuộc khởi nghĩa Yên Bái đã hầu như bị tan rã ở trong nước. Đảng có một chi nhánh hải ngoại hoạt động tập trung tại miền Nam Trung Quốc, phần chính là tại tỉnh Vân Nam với các đảng viên trong giới những người Việt sống dọc theo tuyến đường xe lửa Hải Phòng - Vân Nam là lực lượng chính. Chính phủ Mặt trận Bình Dân lên nắm quyền ở Pháp,với một chính sách cai trị tương đối cởi mở hơn cùng việc ân xá trả tự do cho số đông các tù chính trị đã mở đường cho một loạt những đảng cách mạng mới hình thành. Đó là các đảng: Đại Việt Dân Chính của Nguyễn Tường Tam, Đại Việt Quốc Dân Đảng của Trương Tử Anh, Đại Việt Duy Dân của Nguyễn Ngọc Thanh (tức Lý Đông A), Việt Nam Quốc Dân đảng cũng hoạt động trở lại. Tại miền Nam, các nhóm Cộng sản đệ Tứ của Tạ Thu Thâu cùng với những giáo phái như Hòa Hảo, Cao Đài... Quân đội Nhật chiếm đóng Đông Dương kể từ cuối năm 1940 đã tạo ra một cơ hội cho việc hoạt động của một số đảng cách mạng. Tại miền Trung, Đại Việt Phục Hưng của anh em ông Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu cũng được thành lập. Ngoài ra còn có Việt Nam Tân Chính Đảng của Phạm Đình Cương…
(còn nữa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét