Thứ Hai, 25 tháng 3, 2019

12324 - Chùa của ai và tăng của ai?


Thích Trúc Thái Minh trong buổi “live stream” tối 21-3-2019 (ảnh chụp màn hình)


Hàng loạt động tác của Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch, Bộ Nội vụ, chính quyền tỉnh Quảng Ninh, chính quyền thành phố Uông Bí, công an thành phố Uông Bí và Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, không đủ để dập ngọn lửa phẫn nộ của công chúng về các họat động liên quan tới chùa Ba Vàng và Đại đức Thích Trúc Thái Minh,…
Trên mạng xã hội, bên cạnh những chỉ trích về chuyện “gọi vong, cúng oan gia trái chủ” đã xuất hiện tố cáo của một số Phật tử. Chẳng hạn Trương Nam Thi – người có bà mẹ tham gia tu tập với Đại đức Thích Trúc Thái Minh, phục vụ tại chùa Ba Vàng trong mười năm qua - kêu gọi nhà sư này hãy phóng thích mẹ của mình.
Sau một thời gian dài làm công quả tại chùa Ba Vàng, mẹ Trương Nam Thi bị đột quỵ và điều duy nhất mà nhà sư chuyên “cắt vong, giải hạn, trừ tà” để loại bỏ tất cả bất đắc ý, rủi ro, bệnh tật trong cõi nhân sinh đã làm là đưa bà vào am, nằm uống nước, chờ lúc về miền cực lạc...
Trương Nam Thi và anh chị em của mình vừa đau đớn, vừa phẫn nộ vì bất lực, không thể cứu mẹ của họ ra khỏi sự mù lòa về nhận thức, giờ đã hóa thành u mê. Thi cảnh báo, những gì mà trụ trì chùa Ba Vàng đã làm chỉ khiến chúng sinh luẩn quẩn trong sợ hãi, rồi phát rồ, cuống cuồng trong đảo điên mà thôi (1).
Tương tự, Đặng Như Quỳnh đưa lên facebook một phiếu đăng ký “Thỉnh hương linh oan gia trái chủ” của Phật tử tên Trần Quốc Hường. Ông Hường – người đau từ đầu đến chân, tê một bên tay – được chùa Ba Vàng “chẩn đoán” là do… 15 kiếp trước, khi làm quan huyện, “Tín chủ” Trần Quốc Hường ra lệnh, xử chém một thanh niên 23 tuổi.
Phải đến bây giờ, thanh niên 23 tuổi bị chém vì ăn trộm, hiếp dâm mới thành “hương linh” để báo oán do… oan. Ông Hường mới bị báo ứng do từng… nhận hối lộ, giết sai người, được hướng dẫn giải nạn bằng cách nộp 950 triệu “cúng dường không nương tựa Đại tăng”, cùng với 29 triệu khác để “cúng dường nương tựa Đại tăng, tu tập, bố thí” (2).
Cũng phải đến bây giờ, sau khi clip thuyết giảng, cô gái – nạn nhân một vụ cướp, hiếp, giết xảy ra cách nay hai tháng ở tỉnh Điện Biên – uổng mạng không phải do cái ác sinh sôi, nảy nở, mà vì phải trả “nghiệp” trong tiền kiếp (sát hại chúng sinh dã man, xâm hại trinh tiết người khác), được phát tán, công chúng mới sôi sùng sục.
Những lý giải kèm khuyến dụ kiểu như: Đau xương khớp là do bốn kiếp trước hay giết mèo nên kiếp này bị vong mèo báo oán cần tu tập 49 ngày, kèm nộp ba triệu tiền công đức. Bị ung thư vú là vì 42 kiếp trước không chăm sóc em gái và làm nhiều điều ác như cướp đất nên giờ phải gánh, muốn khỏi ung thư vú phải nộp 7,1 triệu giải vong. Rồi kinh doanh ế ẩm vì 36 kiếp trước tạo ác nghiệp, nay vong phá, muốn suông sẻ phải cúng dường 6,8 triệu đồng… làm thiên hạ, đặc biệt là nhiều Phật tử sững sờ (3)!
Không chỉ có thường dân khẳng định Phật giáo không phải là như thế, trên facebook dường như của một nhà sư có pháp danh là Thích Nhật Từ, lặp đi, lặp lại lời kêu gọi “chung tay dẹp tan ‘tà pháp thỉnh oan gia trái chủ’ của thày Thích Trúc Thái Minh, không để đạo Phật bị vạ lây bởi sự truyền bá mê tín ‘vong báo oán của chùa Ba Vàng” (4).
Qua hệ thống truyền thông chính thức, Đại đức Thích Đạo Hiển, Phó Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh, phân trần rằng, tổ chức này từng yêu cầu chùa Ba Vàng chấm dứt truyền bá “vong báo oán”. Kể cả gửi văn bản cho Tỉnh uỷ Quảng Ninh và chính quyền thành phố Uông Bí đề nghị xử lý ngay việc truyền bá “vong báo oán” (5).
Đại đức Thích Đạo Hiển nói thêm, trụ trì chùa Ba Vàng đã từng quỳ trước Thượng tọa Thích Thanh Quyết (Trưởng Ban Trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh) sám hối nhiều lần nhưng rồi đâu lại vào đấy, lại phát sinh chuyện khác. Nếu hôm nay, giải quyết không tốt, ngày mai sẽ phải chạy theo xử lý việc khác của trụ trì chùa Ba Vàng.
Phó Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh than rằng, cứ vài ngày, trụ trì chùa Ba Vàng lại nghĩ ra một cách khác người, ông không rõ đó có phải là cách thu hút tín đồ, quần chúng hay không... Đồng thời nhấn mạnh, mong muốn “xử lý triệt để” vấn đề chùa Ba Vàng không phải do Ban Trị sự ganh tị hay nội bộ mất đoàn kết (6).
Có một điểm đáng chú ý là dù khẳng định “gọi vong, thu tiền” trái với giáo lý đạo Phật nhưng đại diện Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh không xem đó là chuyện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đại đức Thích Đạo Hiển xem đây là trách nhệm của… nhà nước, cần lấy pháp luật của nhà nước làm chuẩn mực trong… xử lý!
Chẳng lẽ tại Việt Nam, cả chùa lẫn tăng không phải của Phật mà là của… nhà nước? Cũng có thể. Nếu chùa lẫn tăng không phải của nhà nước thì làm sao trụ trì chùa Ba Vàng có thể phá hàng chục ngàn mét vuông đất rừng biến công thổ thành nơi tọa lạc của chùa Ba Vàng, một đại tự trên núi “có chính điện lớn nhất Đông Dương” (7).
Nếu Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một thực thể thực sự độc lập, nâng đỡ - giám sát nhau về việc thực thi giáo luật, truyền bá Phật pháp theo đúng tinh thần Phật giáo chắc trụ trì chùa Ba Vàng không dám thách thức Giáo hội tới mức đã được hàng giáo phẩm ở cấp cao hơn khuyến cáo nhưng vẫn tổ chức tiếp tục tán phát rộng rãi quan điểm: Thu tiền cúng oan gia trái chủ là theo yêu cầu của… vong (8). Càng nghèo càng phải cúng dường để thoát nghèo (9)…
***
Từ sự kiện chùa Ba Vàng, facebook Nguyễn Ngọc Chu, một Tiến sĩ, nhận định, Việt Nam hiện có hàng trăm chùa “Ba Vàng”. Có nhiều chùa “Ba Vàng” hơn xa chùa Ba Vàng ở Uông Bí như các chùa ở Bãi Đính, ở Tam Chúc hoặc sắp mọc lên nữa ở Hồ Núi Cốc, ở những nơi giữ nguyên khí linh thiêng của đất nước. Chính cơ chế của chúng ta đã đẻ ra một xã hội làm chùa chiền biến tướng. Chính cơ chế của chúng ta đã đẻ ra xã hội nuôi dưỡng những ông chủ các chùa “Ba Vàng”. Từ đập phá chùa chiền – vốn ở một cực, đến xây các chùa “nhất thế giới” như bây giờ - là một cực khác. Cơ chế không cho chúng ta bước đều đặn theo một chiều mà dắt chúng ta nhảy từ cực tả sang cực hữu.
Ông Chu cho rằng, những người lạc vào mê tín không phải do lỗi của họ, họ là nạn nhân của một xã hội sinh dưỡng mê tín, cho nên cũng là tín ngưỡng nhưng ở các quốc gia khác mê tín di đoan, buôn thần bán thánh không trở thành đại họa như ở Việt Nam?
Tại sao nhiều người dân lại tin vào những chuyện mang màu sắc mê tín dị đoan như bây giờ? Câu trả lời thật đơn giản là họ không còn chỗ gửi gắm niềm tin: Tin vào đâu khi chính những người có chức quyền cũng đi chùa xin chức quyền? Tin vào đâu khi những kẻ có tiền bỏ tiền xây chùa chiền, khuyến khích họ đi chùa cậy nhờ thần thánh? Tin vào đâu khi các trụ trì khuyên họ cậy nhờ thánh thần? Tin vào đâu khi kẻ có quyền thay đen đổi trắng? Tin vào đâu khi kẻ có tiền mua trắng thay đen? Tin vào đâu khi quan tòa không bảo vệ lẽ phải? Tin vào đâu khi mọi việc phải dựa vào tiền? Tin vào đâu khi kẻ có chữ bịt tai cúi đầu?... nên họ phải cậy vào thần thánh và cả ma quỷ!
Theo ông Chu, khi mê tín lộng hành là chữ nghĩa đi vào cửa mạt. Mê tín lộng hành có lỗi của kẻ biết chữ. Để xã hội mất lòng tin có lỗi của kẻ biết chữ. Thành ra “những người trót học, hãy mạnh mẽ lên” (10).
Cũng với tâm trạng như thế, Nguyễn Văn Tiến Hùng hệ thống hàng loạt sự kiện khác: Một Khá “Bảnh”, 26 tuổi, chỉ học hết lớp 7, chuyên đòi nợ thuê, đánh đấm, chửi bới... theo phong cách du đãng, từng vào ra tù, ra khám vài lần, nói năng như nhổ nước miếng vào các chuẩn mực nhưng đang có hàng triệu người theo dõi trên Facebook và You Tube. Vừa rồi Khá “Bảnh” xuất hiện ở Yên Bái, đám trẻ còn đeo khăn quàng đỏ xúm vào chiêm ngưỡng như được diện kiến một “người hùng”. Con số đăng ký theo dõi kênh riêng của Khá “Bảnh” trên You Tube đã vượt mức hai triệu và tiếp tục gia tăng, đa số là những cá nhân sinh sau 2003…
Rồi một Phúc “XO”, nổi như cồn vì đeo 13 ký vàng trên người, vì sở hữu những chiếc xe hơi và mô tô mạ vàng. Không chỉ lễ, Tết, những buổi chiều mà Phúc “XO” lau chùi xe tại một địa điểm sát siêu thị Thiên Hòa, gần cầu Tham Lương quận 12, TP.HCM là đoạn đường này lại kẹt vì thiên hạ xúm vào chụp hình, quay phim. Có vài chục, thậm chí cả trăm You Tuber theo sát Phúc “XO” để quay phim, phỏng vấn vì Phúc “XO” luôn sẵn sàng kể về của cải, về cách ăn nên, làm ra nếu rành về phong thủy, nhờ vậy, có thể tính vàng theo… ký! Nay tới sự kiện chùa Ba Vàng, khai thác luật nhân – quả để giao hoang mang, khuyến dụ cúng chuyển nghiệp và để “vong” định giá…
Hùng trăn trở vì ba ví dụ ông nêu tuy nhỏ nhưng rõ ràng có liên quan với nhau. Đó là cả cộng đồng đang bị dẫn dắt. Dẫn dắt được đám đông đồng nghĩa với sở hữu sức mạnh của đám đông. Công nghệ - công cụ để tác động đến cộng đồng thì miễn phí nhưng định hướng, tạo ra cộng đồng của riêng mình thì phải có định hướng về nhu cầu, mục đích sử dụng. Đám đông tụ tập quanh Khá “Bảnh”, Phúc “XO” hay chùa Ba Vàng là một phần xã hội. Tại sao xã hội lại nảy sinh ra những cá nhân lao theo những phát biểu ngông cuồng, thói khoe khoang của cải hoặc mụ mẫm trong sợ hãi những thế lực vô hình? Cần phải tự hỏi: Chuyện gì đang xảy ra? Vong nào đang dẫn dắt mọi người?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét