Thời sự trong tuần qua nổi bật chuyện chùa Ba Vàng (Uông Bí, Quảng Ninh) với nhiều tình tiết, nhiều diễn biến khác thường. Chuyện bắt đầu từ một câu nói bất nhân của một nữ “phật tử” của chùa, bà Phạm Thị Yến về chuyện cô gái Cao Thị Mỹ Duyên bị hiếp dâm và sát hại khi đi giao gà ở Điện Biên.
Trong một video đăng tải lên mạng xã hội vào ngày 19/3, bà Yến đã giải thích như sau: “Nguyên nhân chính chưa phải là nguyên nhân đi ship hàng (gà) khiến bị hiếp như vậy, mà nguyên nhân chính phải do các ác nghiệp của bạn ấy trong tiền kiếp và duyên trong hiện tại bạn ấy lại sát sinh. Hai cái này cộng vào nhau khiến cho bạn ấy bị như vậy. Ai làm gì cũng phải là do quả báo của chính mình (…). Bạn ấy trong tiền kiếp phải có hai loại tội: tội thứ nhất là sát mạng chúng sinh dã man; tội thứ hai là về mặt thân thể, trinh tiết của người khác bạn ấy xâm phạm, cho nên bạn mới bị quả báo như vậy…”
Trong khi dư luận xã hội còn đang bàng hoàng về việc này, thì lời “giải thích” này của bà Yến đã khiến nhiều người rất sôi máu, đặc biệt là gia đình nạn nhân. Trao đổi với phóng viên vào tối 20/3, bà Trần Thị Hiền − mẹ nạn nhân − cho biết, bà đã xem đoạn clip này của bà Phạm Thị Yến và cảm thấy rất bực tức trước những lời giải thích đầy tính mê tín dị đoan về việc con gái bà bị sát hại dịp Tết vừa qua.
Bà Hiền đã nói: “Những lời nói của bà Phạm Thị Yến đã xúc phạm gia đình tôi, xúc phạm vong linh của con gái tôi nhằm lôi kéo những người nhẹ dạ, cả tin đi vào con đường mê tín dị đoan. Việc làm này không thể chấp nhận được. Họ hàng nhà tôi mấy đời nay không có ai làm nghề gì về giết gà, mổ gà hay thịt con nọ, con kia mà chỉ khi nào có việc, mới thịt vài con gà. Gia đình không có ai gây ra hành vi hiếp dâm, dâm ô và bản thân tôi chưa bao giờ lừa đảo ai, kể cả nợ 1.000 đồng cũng đi trả tử tế chứ không xin, lấy. Vậy mà bà Yến trong clip lại nói do nghiệp nọ, nghiệp kia gây ra, rõ ràng, đây là hành vi tuyên truyền mê tín dị đoan.”
Không đầy 24 tiếng đồng hồ sau, trên các trang mạng xã hội lẫn truyền thông nhà nước tràn ngập những lời chửi rủa, thoá mạ bà Yến, trong đó có cả các vị sư của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Nhưng sau đó, các mũi dùi lại chĩa sang nhà chùa, và đặc biệt là sư Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng. Nhờ đó người ta mới biết để cái gọi là “pháp thỉnh oan gia trái chủ” mà chùa này kinh doanh bằng cách “gọi linh” (vong hồn) về giải tội cho người sống, với số tiền cúng dường lên đến chục triệu đồng cho mỗi lần “gọi linh”.
Trong một clip video phát tán ngày 20/3 thì mọi bệnh tật và xui xẻo trong cuộc sống đều được lý giải là bởi “oan hồn” gây ra. Muốn thoát nạn thì buộc phải “trả nợ” cho vong từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng thông qua hình thức cúng “công đức” cho nhà chùa. Hoạt động này đã công khai diễn ra từ nhiều năm nay tại chùa Ba Vàng − và mỗi năm số tiền cúng vong lên đến hàng trăm tỉ. Thông tin vụ việc trục lợi từ các hoạt động thỉnh vong, gọi hồn tại chùa Ba Vàng khiến dư luận xã hội bức xúc về các hành vi lan truyền những chuyện dị đoan, ma quỷ.
Các ngày sau đó, nhà cầm quyền từ UBND TP Uông Bí, Công an, Ban Tôn giáo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và đến cả Bộ trưởng Bộ Văn hóa cũng vào cuộc để yêu cầu trụ trì chùa Ba Vàng chấm dứt “thỉnh vong, cúng oan gia trái chủ” cũng như các hình thức mê tín dị đoan khác. Có điều lạ là chùa Ba Vàng và những hoạt động mê tín, dị đoan đã tồn tại từ bao lâu nay sao tự dưng cả một “hệ thống chính trị” như lên đồng, thậm chí có người còn đòi “xử lý”, làm như họ mới phát giác ra một cái gì ghê gớm lắm.
Ngay cả trong Giáo hội, cũng nhiều vị lên tiếng. Trả lời báo Lao Động, Thượng tọa Thích Nhật Từ nói rằng: “thỉnh oan gia trái chủ ảnh hưởng lớn tới tâm trí, thể chất, sức khỏe, các mối quan hệ xã hội của người dân. Thứ tà pháp ấy hoàn toàn phi Phật học, phi khoa học.”
Cũng nói về thói mê tín, giáo sư toán Nguyễn Ngọc Chu đã có những nhận định rất hay, xin được phép chia sẻ lên đây:
“Những người lạc vào mê tín không phải do tự chính họ. Họ là nạn nhân của một xã hội dưỡng sinh mê tín. Nếu một xã hội lành mạnh thì không thể để họ lạc vào mê tín. Nếu bạn không tin thì bạn tự trả lời câu hỏi, rằng tại sao cũng tín ngưỡng mà ở các nước khác lại không xảy ra hiện tượng mê tín dị đoan và buôn bán thần thánh đại họa như ở nước ta?
Muốn làm rõ hơn nữa nguyên do thì hãy đặt thêm câu hỏi: Tại sao nhiều người dân lại tin vào những điều mê tín dị đoan như bây giờ?
Từ một góc nhìn, câu trả lời thật đơn giản: Bởi họ không biết tin vào đâu!
− Họ biết tin vào đâu khi chính những người có chức quyền cũng đi chùa xin chức quyền.
− Họ biết tin vào đâu khi những kẻ có tiền lại xây chùa chiền, khuyến khích họ đi chùa cậy nhờ thần thánh.
− Họ biết tin vào đâu khi những bậc trụ trì khuyên họ cậy nhờ thánh thần.
− Họ biết tin vào đâu khi kẻ có quyền thay đen đổi trắng.
− Họ biết tin vào đâu khi kẻ có tiền mua trắng thay đen.
− Họ biết tin vào đâu khi quan tòa không bảo vệ lẽ phải.
− Họ biết tin vào đâu khi mọi việc phải dựa vào đồng tiền.
− Họ biết tin vào đâu khi kẻ có chữ bịt tai cúi đầu.
Bởi vậy họ phải cậy nhờ vào thần thánh và cả ma quỷ”.
Tuy nhiên đối với người viết, chuyện “lên đồng” của cả “hệ thống chính trị” là điều đáng nói nhất.
Chỉ trong 48 tiếng, người ta thấy hình ảnh của các lãnh đạo cao nhất của nhà nước đều có hình chụp chung với sư Thích Trúc Thái Minh chùa Ba Vàng lan tràn trên mạng. Tất cả đều là hình thật, không photoshop. Nào là Lê Hồng Anh (nguyên Bộ trưởng Công an), Trần Đức Lương (nguyên Chủ tịch nước), Phạm Minh Chính (Trưởng ban Tổ chức Trung ương) và còn với nhiều quan chức khác.
Nhưng tấm hình đáng chú ý nhất, chụp với đương kim Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cả hai đang dung dăng dung dẻ, trông thật vui vẻ và hạnh phúc. Người “phát tán” tấm hình này cũng không quên đằng sau hai nhân vật chính còn có thấp thoáng hình ảnh của Đỗ Mạnh Hùng, kẻ đã “cưỡng hôn” cô gái trong thang máy và bị phạt 200 ngàn hồ tệ khiến cả xã hội bừng bừng lên án. Nếu “hệ thống chính trị” lên án các hành động mê tín dị đoan của chùa Ba Vàng, thì những hình ảnh “tươi mát” này chắc phải có dụng ý ?
Điều này khiến nhiều người không khỏi làm một dấu gạch nối giữa lời phát biểu của ông Nguyễn Phú Trọng vào sáng 25/12/2018 trong Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 chuẩn bị cho công tác nhân sự Đại hội 13. Ông Trọng nêu rõ: “Không để lọt vào quy hoạch những người không đủ chuẩn, nhất là những người có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức.”
Tình trạng kinh tế không mấy sáng sủa, đồng hồ nợ công quay nhanh còn hơn chong chóng. Giáo dục, y tế, môi trường đâu đâu cũng xơ xác, tiêu điều. Dân chúng phản ứng với mỗi bước hợp tác với Trung Quốc, gần đây nhất là vụ đường cao tốc Bắc-Nam. Bước ra ngoài thì hết EVFTA đến UPR vây bủa… Đang trong thế “tứ bề thọ địch” thì lãnh đạo kẻ thì đi cúng sao giải hạn, người thì dung dăng dung dẻ và đám khác quay ra bêu xấu, cốt giành cho được phần thắng trong kỳ Đại hội 13 sắp tới.
Và đây cũng chẳng khác gì một đống hổ lốn!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét