Thứ Bảy, 2 tháng 3, 2019

11828 - Trường vẽ Gia Định



Trường vẽ Gia Định tên tiếng Pháp là Ecole de Dessin thành lập năm 1913, ngày nay là Trường Đại học Mỹ thuật, toạ lạc tại số 5 Phan Đăng Lưu (Chi Lăng cũ), Bình Thạnh. Ngôi trường này đã xây dựng lại khoảng năm cuối thập niên năm mươi, cây cối quanh trường không còn như thuở ngày trước. Khi xưa trường có hai tầng, mái ngói, xây cất theo kiểu thuộc địa. Khoá đầu tiên theo học ngành vẽ trang trí và tranh lụa chỉ có 15 người. Qua thời gian phát triển các bộ môn trường đổi tên “Trường Mỹ nghệ thực hành Gia Định” (Ecole des Arts appliqués de Gia Đinh), Quốc gia Trang trí Mỹ thuật Gia Định, rồi thành Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn.


truong-ve-gia-dinh2Trường vẽ Gia Định năm 1913 với học sinh khoá đầu gồm 15 người. Ảnh: Manhhaiflicks

Nói đến trường vẽ Gia Ðịnh làm tôi nhớ hai câu chuyện liên quan.
Thứ nhất, trong thời gian thu thập tài liệu về các ngôi nhà cổ xưa và đẹp nhất Nam phần bao gồm nhà gỗ xây cất truyền thống và nhà lai (kiểu trong cổ ngoài tân) theo kiến trúc tân cổ điển Pháp, phổ biến ở miền Ðông Nam phần, tôi có đến một ngôi nhà ở xã Hoà Khánh, Cái Bè – Tiền Giang. Ðây là một ngôi nhà truyền thống xây từ năm 1860, nhưng đã được chỉnh trang lại phần nối bên ngoài hồi năm 1921. Phần này trước kia là hiên nhà gỗ được tháo bỏ hàng cột ba, xây dựng sảnh nối tạo thành không gian xuyên suốt làm nơi tiếp khách. Nói cách khác, phần này xây theo kiến trúc Pháp mà người dân thường gọi nhà lai (lai Tây).

Tất nhiên việc trang trí trong phần nhà này cũng theo kiểu mỹ thuật Tây phương cho phù hợp. Ðiều làm tôi chú ý là những chi tiết trang trí bông hoa trên tường hẳn phải do một họa sĩ nào đó vẽ bằng màu nước, đường nét tao nhã, màu sắc chưa phai. Hỏi chủ nhà mới biết, tranh vẽ trang trí đó có từ đời ông nội, ấy vậy mà không phai mờ. Những trang trí họa tiết này có được là do đợt học sinh trường vẽ Gia Ðịnh đi thực tập ở miền Nam vào những năm giữa thập niên hai mươi của thế kỷ trước.
Trong thời gian này, trường vẽ Gia Ðịnh vẫn còn trong hệ trung học đệ nhất cấp đào tạo họa sĩ trang trí và tranh lụa. Tuy vậy, trường được công nhận là hội viên của “Hiệp hội Trung ương trang trí Mỹ thuật Paris”. Số học sinh thi vào mỗi năm một tăng, đa số học sinh theo học đều là con nhà khá giả. Từ giữa thập niên 20, trường vẽ Gia Ðịnh chủ trương cho học sinh đi thực tập về miền Nam tham gia vẽ trang trí cho các dinh thự quan Tây mới xây dựng và nhà điền chủ, huyện hàm giàu có đang có xu hướng cất nhà theo kiểu Pháp do kiến trúc sư Pháp vẽ mẫu hoặc nhà truyền thống chỉnh trang thành nhà lai như nhà của ông Trần Văn Quang làm Cai tổng ở xã Hoà Khánh mà tôi vừa đề cập ở trên.
Chủ nhà tiếp chuyện kể cho tôi nghe những gì mà đời cha và ông nội kể lại cho con cháu nghe về chuyện học sinh trường vẽ được chào đón chăm sóc chu đáo từ miếng ăn giấc ngủ. Ðể hoàn thành phần trang trí họa tiết, “họa sĩ” thực tập phải lưu lại tại nhà cả tháng trời, từ chuyện tìm màu sắc tự nhiên vốn có trong cây cỏ trồng quanh vùng, rồi chế biến làm ra phẩm màu thực hiện trang trí. “Hồi đó, nghe ba tôi nói là nghệ thuật fresco tức là bích họa gì đó. Nghệ thuật này vẫn còn lạ lẫm với người nông thôn nhưng cha tôi thấy mẫu vẽ thử đẹp nên chấp nhận cho anh họa sĩ thực hiện đồ án”.

truong-ve-gia-dinhLớp học vẽ trong trường vẽ Gia Định thập niên 1920. Ảnh: Manhhaiflicks

Nghệ thuật bích họa thường thấy trên trần trên tường của các công trình tôn giáo, Công giáo lẫn Phật giáo. Ðặc biệt các nhà thờ Công giáo ở La Mã, Ý, Pháp hoặc Tây Ban Nha. Vẽ bích họa trang trí nhà dân cư thường hiếm thấy. Kỹ thuật vẽ bích họa này có hai loại. Vẽ trên tường vách khi vữa còn ướt hoặc vẽ trên tường khi vữa đã khô. Vị chủ nhà cho biết nhà được cha mình chỉnh trang hồi năm 1921, họa sĩ đến vẽ nghe đâu nhà đã sửa xong nên vẽ trên tường đã được quét vôi. Vẽ trên tường vách khô màu sắc không bền bằng vẽ khi tường còn ướt. “Vậy mà màu sắc đến nay chỉ phai một phần.”
Riêng chuyện vẽ trên tường ướt, tôi đã nghe một chủ nhà khác ở Cù Lao Giêng, An Giang thuật lại khi tôi đến thu thập tài liệu căn nhà hoàn toàn xây theo kiểu Pháp lãng mạn, thơ mộng mặt tiền ngó ra dòng sông xanh biếc. Tiếc là chủ nhà không giữ được hình vẽ trang trí đó do đục tường trổ cửa thông gian phòng bên hông. Theo tôi biết, không chỉ có ngôi nhà này, còn nhiều ngôi nhà khác cũng không giữ được tranh trang trí tường của học sinh trường vẽ Gia Ðịnh đi thực tập vì nhiều lý do. Như vậy bức tranh trang trí họa tiết chim hoa bằng phẩm màu tự nhiên của học sinh trường vẽ để lại trên vách tường nhà lai ở xã Hoà Khánh, Cái Bè trở thành một tác phẩm độc nhất vô nhị còn sót lại trong các nhà kiến trúc Tân cổ điển thời thuộc địa tại miền Nam.
Thứ hai, tôi có một anh bạn học trường Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn niên khoá 1974-1975, học hết năm thứ nhất, anh bỏ học để đi làm vì khi đó Viện Quy Hoạch đang cần tuyển “thợ vẽ”. Thời buổi đổi thay, gia đình cha mẹ không làm ra tiền nữa, anh phải ra đời sớm đành gác giấc mộng trở thành họa sĩ. Tuy rằng thời gian học thuở đó đã giảm xuống 5 năm không như lúc trước phải mất đến những 7 năm mới tốt nghiệp.
Ðúng là vào buổi giao thời đó, nghề họa nghèo là cái chắc nhưng bây giờ thì khác, có tiếng tăm tự nhiên có tiền, tranh vẽ bán dễ dàng do nhu cầu thị hiếu của giới nhà giàu yêu tranh nghệ thuật. Tuy vậy, tranh trang trí kiểu bích họa ngày xưa hiếm nhà chấp nhận, vậy mà bây giờ là xu hướng của nhiều gia chủ. Nhất là tranh ba chiều sống động. Anh bạn tôi thức thời nghĩ làm công chức, đi vẽ tranh thuê cho gia chủ có nhu cầu, kiếm mỗi tháng vài ba chục triệu ngon ơ do người ta thích sống ảo.
Làm việc chung, nghe anh kể chuyện học hành thấy vui bởi anh lúc nào cũng lạc quan yêu đời. “Không làm thầy thì làm thợ, hoàn cảnh chung của thời cuộc mà”. Thỉnh thoảng, anh nhắc về họa sĩ Lê Văn Ðệ bậc thầy bích họa, họa sĩ Lê Văn Xương chuyên vẽ chân dung bằng phấn tiên hoặc màu nước, Trương Văn Ý mạnh về trừu tượng, và còn nhiều tên tuổi họa sĩ khác, mỗi người một sở trường. Nhưng theo tôi, đã là họa sĩ thì vẽ bằng chất liệu gì cũng đẹp. Ðiều quan trọng là liệu người xem tranh thưởng thức được cái đẹp đó như thế nào. Anh thích tranh màu nước của họa sĩ Lê Văn Xương hơn, trông mộc mạc chứ không thích sơn dầu như vào thời đất nước chia đôi, VNCH thành lập trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật mở thêm khoa sơn dầu, sơn mài, điêu khắc và sau đó trường Trang trí Mỹ thuật Gia Ðịnh sáp nhập với trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật thành một. Họa sĩ Lê Văn Ðệ được đề bạt làm giám đốc từ năm 1954 đến 1966 khi ông mất.

truong-ve-gia-dinh1Giám đốc Lê Văn Đệ (đứng giữa)  trường Cao Đẳng Mỹ thuật Sài Gòn. Ảnh: Manhhaiflicks

Nhắc đến cố họa sĩ Lê Văn Ðệ, làm tôi nhớ đến đã đọc không ít những tranh luận trong giới mỹ thuật và nhiều học giả khác, về việc ông có phải là người đưa ý tưởng thực hiện lá cờ vàng ba sọc đỏ sử dụng làm quốc kỳ trong thời Thủ tướng Nguyên Văn Xuân (1948) hay lá cờ này được họa sĩ Tôn Thất Sa vẽ ra từ sự chỉnh sửa lại cờ quẻ ly màu đỏ trên nền vàng dưới thời chính phủ Trần Trọng Kim (1945). Cờ quẻ ly có hai sọc ngang đỏ, sọc giữa bị đứt quãng, ông Tôn Thất Sa vẽ kéo dài đoạn đứt thành ba sọc đỏ tượng trưng cho Bắc, Trung, Nam và thêm vào giữa con rồng nối liền ba sọc. Khi ông đưa mẫu vẽ này ra họp bàn với các nhân vật chính trị, được đề nghị bỏ con rồng. Lá cờ này làm quốc kỳ chính thức năm 1949 khi vua Bảo Ðại làm quốc trưởng.
Chuyện tranh luận này còn nhiều điểm nghi vấn, trình bày ra tốn nhiều giấy mực, chỉ có nhân vật chính mới có thể phơi bày, tiếc rằng cả hai họa sĩ đã ra người thiên cổ.
Ðiều đặc biệt là họa sĩ Lê Văn Ðệ từng là học trò của họa sĩ Huỳnh Ðình Tựu khi đó làm hiệu trưởng trường vẽ Gia Ðịnh (1922-1924) trước khi thi vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Ðông Dương ở Hà Nội. Năm 1930, ông tốt nghiệp thủ khoa và được học bổng du học ngành hội họa tại Paris trong 7 năm. Trong thời gian học, ông đã nổi danh với những thể loại tranh nghệ thuật Tân cổ điển được đánh giá ngang hàng với danh họa Pháp là Bouleau. Sau đó, ông được học bổng sang Ý và được Tòa Thánh Vatican mời làm họa sĩ riêng cùng 19 họa sĩ nước ngoài khác.
Trường Ðại học Mỹ thuật ngày nay đã được xây dựng lại từ năm 2015, như vậy đã qua hai lần xây mới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét