Thứ Bảy, 26 tháng 1, 2019

11002 - Venezuela có là bài học kinh nghiệm cho Việt Nam?


RFA

Tổng thống lâm thời Guaido đang phát biểu trước người dân Venezuela.
Tổng thống lâm thời Guaido đang phát biểu trước người dân Venezuela. AFP


Biến động chính trị tại đất nước Venezuela ở Nam Mỹ xa xôi trong những ngày này khiến nhiều người Việt Nam quan tâm. Có ý kiến cho rằng chính quyền Hà Nội cần xem đó là một bài học để có hành xử đúng đắn không để rơi vào tình thế của đất nước Venezuela hiện nay. Nhà báo Phạm Thành từ Hà Nội nhận định rằng để người dân Việt Nam đứng lên phản đối như người dân Venezuela thì chưa đến lúc:
“Tôi thấy rằng từ khi cộng sản cai trị cho tới nay là hơn 70 năm thì tất cả gia đình không chỉ đồng bào miền Nam đâu mà ngay cả miền Bắc từ năm 1945 đến bây giờ thì tội ác gây ra cũng trần trấc- óc hư rồi. Người dân Việt Nam nói chung biết điều đó nhưng vì người còn có ăn chưa bị rơi vào tận cùng khó khăn, cứ phải ép và tận cùng, thấy quan tài thì họ nhỏ lệ đó là lịch sử người Việt Nam xưa đến nay.”
Còn đối với nhà báo Ngô Nhật Đăng thì để thay đổi một cách hòa bình và có thể chấp nhận được thì các nhà lãnh đạo Việt Nam không cần thiết phải thay đổi hoàn toàn.
“Tình hình tại Việt Nam nếu như các nhà lãnh đạo nhìn ra được xu thế của thế giới, cũng không cần chế độ phải thay đổi hoàn toàn mà chỉ cần nới lỏng quyền lực tức là mở nắm tay ra cho xã hội dân sự phát triển và động viên sức mạnh của toàn dân tộc thì mọi sự sẽ khác. Chúng ta cũng đã thấy rằng cái quy luật của thế kỷ này là mọi sự thay đổi là bắt đầu từ bên dưới chứ không phải từ bên trên.”
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã có trả lời báo chí liên quan đến biến động chính trị gần đây ở Venezuela. Theo bà này thì Việt Nam luôn quan tâm, theo dõi, và mong muốn Venezuela hòa bình, ổn định.
Nhiều nhà quan sát chính trị Việt Nam chia sẻ nhận định trên các trang cá nhân của mình rằng, sau sự kiện tổng biểu tình tại quốc gia Xã hội Chủ Nghĩa Venezuela, thì có nhiều lo ngại từ các cấp lãnh đạo Việt Nam.
Nhà báo Ngô Nhật Đăng khẳng định với chúng tôi rằng điều này chắc chắn có.
“Chúng ta thấy một số báo chí cũng đưa một số tin dù nó không hoàn toàn khách quan nhưng chúng ta cũng thấy tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng tỏ ra lo lắng và khuyên hai bên kiềm chế để không xảy ra bạo lực. Chắc chắn bài học của Venezuela cũng sẽ là bài học cho Việt Nam.”
Nhà báo Phạm Thành cũng có cùng nhận định:
“Hiện nay tôi cho rằng rất nhiều ông đang bóp đầu lên trán lo lắng cho thân phận của mình và đang tìm cách để giải bài toán này như thế nào. Nhiều người hy vọng cải cách lại thành xã hội dân chủ nhưng điều đó khó lắm, tại vì họ làm được điều đó họ phải vượt qua được chính mình tức là phải tự khai tử họ thì mới bỏ chủ nghĩa xã hội chuyển qua dân chủ được. Cho nên CSVN cầm quyền không được lâu dài nhưng sụp đổ là phải có áp lực đấu tranh từ nhân dân và nhất định phải có sự yểm trợ từ quốc tế và đặc biệt là Hoa Kỳ thì mới nhanh chóng thành công được.”
Đụng độ giữa lực lượng chức năng và người dân Venezuela.
Đụng độ giữa lực lượng chức năng và người dân Venezuela. AFP

Ngoài ra, nhà báo Phạm Thành còn cho biết thêm hai quốc gia cùng muốn đi lên chủ nghĩa xã hội, tức là cùng một ý thức hệ, cùng muốn xây dựng xã hội theo chủ nghĩa cộng sản là không công nhận quyền sở hữu , không có tự do dân chủ, tài sản là của nhà nước quản lý chứ không phải nhân dân, nghĩ theo đảng và nói theo đảng, làm theo đảng và ai chống lại thì bị tiêu diệt.
Tuy nhiên, xu thế đó không thể tồn tại mãi mà phải thay đổi nếu không sẽ đến một lúc ‘tức nước vỡ bờ’:
“Bây giờ họ phải cải cách thôi nếu không muốn đổ máu và có thể chấp nhận được. Venezuela cũng như VN thôi người ta mong muốn là chế độ bỏ độc quyền đi tổ chức chế độ dân chủ và trao quyền tự quyết cho dân nhưng tôi chưa thấy nước cộng sản nào cầm quyền mà cải cách được như thế. Nếu không có áp lực, không có mâu thuẫn đến giai đoạn phải bung ra thì điều đó khó xảy ra lắm.”
Đồng thuận với điều này, nhà báo Ngô Nhật Đăng cho rằng những nét cơ bản các trạng thái chính trị của Venezuela, Trung Quốc và Việt Nam đều giống nhau, dù có đôi nét riêng, nhưng bây giờ toàn thể thế giới đều nhận thấy không thể đi theo con đường đó nữa:
“Sự thay đổi của thế kỷ 21 là sự thay đổi của tầng lớp tri thức chứ không còn là khởi nghĩa nông dân như thời thế kỷ 18,19 và thời phong kiến nữa. Tất nhiên bây giờ chúng ta thấy lực lượng tri thức đông hơn, ngay tại VN sinh viên bây giờ chắc chắn đông hơn và số lượng nhiều hơn người nông dân nên để cho sự thay đổi nó ôn hòa thì chúng ta phải đi những con người đó mới tránh được những sự lo ngại về chuyện trả thù, đỗ máu thì tất cả mọi người đều lo ngại cả.”
Theo các chuyên gia mà chúng tôi tiếp xúc đều có chung nhận định rằng, để Việt Nam không phải rơi vào tình trạng như Venezuela trong tương lai thì phải có sự đồng thuận từ hai phía chính quyền và người dân. Lãnh đạo phải dũng cảm lắng nghe và phải có sự thay đổi từ bên trên giống như là một sáng kiến để huy động sức mạnh của dân tộc, ‘túi khôn’ của dân tộc nằm trong dân chúng.
Venezuela là quốc gia theo chế độ Chủ nghĩa Xã hội và là đất nước giàu có với lượng dầu mỏ khổng lồ. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của các ông Hugo Chavez, Maduro đã khiến Venezuela rơi vào tình trạng nghèo đói, thất nghiệp, thiếu lương thực và nhu yếu phẩm cho cuộc sống hằng ngày; lạm phát lên tới hàng ngàn phần trăm cùng bao tồi tệ khác đã khiến người dân đồng loạt xuống đường tổng biểu tình yêu cầu phế truất tổng thống Maduro hôm 23/1 vừa qua.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét