Thứ Bảy, 26 tháng 1, 2019

10995 - Venezuela đi về đâu?

Kết quả hình ảnh cho tinh hinh venezuela
Tin tức về Venezuela rối beng. Những người không theo dõi thời sự không biết đâu mà mò. Theo thông lệ, trên mạng, người ta thi nhau nổ. Càng không hiểu đầu đuôi càng nổ hăng, nghe loáng thoáng hay dựng chuyện, nhưng bàn luận như chuyên viên thứ thiệt. Vài điều ghi vội về Venezuela, để khỏi rơi vào mê hồn trận khi lên mạng:
– Hàng triệu người đã xuống đã biểu tình đòi tự do, dân chủ không những ở Caracas mà trên toàn quốc. Đó là một kỳ công, khi người ta biết báo chí hoàn toàn nằm trong tay chính quyền, và ở Venezuela, ít smart phones còn xài được, vì ưu tiên hàng đầu của người dân là kiếm cái gì nhét cho đầy bụng.
– Cũng lạ, có dân tộc coi chuyện sinh tử của chính mình, tương lai của con cái, vận mệnh của đất nước quan trọng, đáng quan tâm hơn một trận đá banh.
– Tình hình hiện nay chưa ngã ngũ. Không phải dân Venezuela đã toàn thắng như nhiều người nói trên mạng, bất chấp các dữ kiện. Tranh đấu cho dân chủ không có nghĩa là đưa những fake news.
– Hiện nay, Venezuela có hai tổng thống: Nicolas MADURO, tổng thống từ 2013, tái cử tháng 5 năm ngoái, và Juan GUAIDO, tự phong làm tổng thống, vì không công nhận cuộc bầu cử 2018 (gian lận, đối lập và cử tri tẩy chay).
– Juan Guaido, 35 tuổi, là chủ tịch quốc hội, đa số thuộc phe đối lập, nhưng từ 2017, Maduro, để nắm toàn quyền, đã lập ra Hội Đồng Quốc Gia Lập Hiến, với tay chân của chính quyền, quyền hạn lớn, nhằm biến quốc hội thành một tổ chức bù nhìn.
– Đại đa số dân Venezuela chống Maduro, một chính phủ bất lực, tham nhũng, đưa một quốc gia có tiềm lực dầu lửa lớn nhất thế giới (hơn cả Arabie Saoudite) thành một quốc gia nghèo đói. Đói theo nghĩa đen, trong một quốc gia không sản xuất gì, mức lạm phát lên tới 1.300.000% năm 2018, và sẽ lên tới… 10.000.000% trong năm nay. Tại một quốc gia bình thường, lạm phát 5, 10% bị coi là khủng hoảng kinh tế.
– Các tướng lãnh ủng hộ chính phủ, vì Maduro đã cho họ quyền kinh doanh, chia nhau quyền lợi dầu lửa. Nhưng binh sĩ sẽ tuân lệnh tướng lãnh hay không là chuyện khác, vì họ đều có gia đình, nạn nhân của Maduro. Đã có nhiều binh sĩ bị bắt vì phản loạn.
– Trên thế giới, hai khuynh hướng. Các nước Tây phương ủng hộ Juan Guaido. Đã có ít nhất 16 quốc gia nhìn nhận, trong đó có Hoa Kỳ, Canada, những quốc gia quan trọng ở Nam Mỹ như Brésil, Argentine, Chí Lợi, Colombo, Honduras, Pérou. Khối thứ hai, các cường quốc độc tài: Nga, Trung Cộng, Thổ Nhĩ Kỳ. Hai phe đương đầu, chiến tuyến giống như ở Syrie, Irak. Đó sẽ là khuôn mặt chính trị thế giới trong những năm tới.
– Liên Hiệp Âu Châu (từ 2018 đã không công nhận Maduro, vì bầu cử gian lận) đòi bầu cử tự do. Pháp tích cực nhất, đứng hẳn về phe đối lập. Đức đòi bầu cử trong những ngày tới, nếu không, sẽ nhìn nhận Juan Guaido. Đó cũng là khuynh hướng chung của các nước Âu Châu.
– Juan Guaido, trẻ, chưa có tì vết chính trị, là một nhân vật chủ chốt, tại một xứ các lãnh tụ đối lập hoặc nằm tù, hoặc bị quản thúc tại gia, hoặc sống lưu vong ở ngoại quốc, và rất chia rẽ. Lần đầu tiên, các lực lượng đối lập đồng thuận trên một nhân vật lãnh đạo.
– Maduro chưa thua, vì còn nắm quân đội, guồng máy an ninh, tài chính, và sự hỗ trợ của Nga, Tàu. Nhưng đã có dấu hiệu cho thấy tập đoàn cầm quyền không còn làm chủ tình hình. Bình thường, những người chống chính phủ bị ám hại, bị bỏ tù, phải trốn ra ngoại quốc. Maduro đã muốn làm như vậy với Guaido, nhưng chỉ giữ 1 giờ trước khi trả tự do. Vì Guaido được dân ủng hộ, được các cường quốc hậu thuẫn, và hầu như không có đối thủ trong hàng ngũ đối lập
– Maduro đề nghị gặp Guaido, nhưng Guaido từ chối, đòi Maduro từ chức, hứa có thể miễn tố Maduro để tránh đổ máu. Guaido cũng hứa sẽ miễn tố các tướng lãnh, sĩ quan bỏ súng, trở về với nhân dân. Trong những ngày tới, Guaido sẽ thành lập chính phủ lâm thời
– Đó là tình hình Venezuela cho tới giờ này. Rất có thể khi viết xong, tình hình đã thay đổi. Bởi vì Venezuela là một lò lửa, trên mọi phương diện, quân sự, chính trị, kinh tế
– Venezuela là quốc gia số 1 về dầu lửa, nhưng ngoài dầu lửa (95% ngân sách quốc gia), từ thời Chavèz, không sản xuất gì cả, không có kỹ nghệ, tất cả vật dụng hàng ngày đều nhập cảng, nhất là từ Tàu.
– Khi mức sản xuất dầu giảm (700 ngàn thùng dầu cặn mỗi năm, so với 3 triệu trước đây, vì kỹ thuật trong tay ngoại quốc), khi dầu lửa mất giá, Venezuela phá sản, vật dụng khan hiếm, nạn đói thực sự đe dọa.
– Từ khi Maduro lên cầm quyền (2013), ít nhất 3 triệu dân Venezuela đã bỏ nước, đi tha phương cầu thực ở những nước láng giềng. Nghĩa là từ 10 đến 15% dân số đã bỏ nước đi tìm đường sống. Dân số Venezuela chỉ bằng 1/3 Việt Nam trên một lãnh thổ mênh mông gấp 3 Việt Nam. Mỗi ngày 2 ngàn người vượt rừng núi chạy qua Colombie, một nước cũng không giầu có gì.
– Maduro sẽ cầm cự được bao lâu, điều đó tùy thuộc khả năng huy động một dân tộc đã kiệt quệ, cực kỳ mệt mỏi, nhưng khát vọng tư do. Cũng tùy mức độ hỗ trợ của các cường quốc thuộc 2 phe. Maduro trông đợi ở Tàu, nước đã đầu tư rất nhiều ở Venezuela và có tham vọng bành trướng thế lực ở Nam Mỹ. Maduro sẽ cầm cự được lâu hơn, nếu Tàu gia tăng việc nhập cảng dầu lửa để đánh đổi những vật dụng, lương thực hàng ngày, để tránh một cuộc nổi loạn đẫm máu
– Các cường quốc hai phe sẽ biểu dương lực lượng, nhưng trực tiếp mang quân can thiệp là chuyện khác. Trừ khi có đàn áp đẫm máu. Mexique đã nhận sẽ đứng ra làm môi giới để tìm một giải pháp chính trị.
– Trong khi chờ đợi, Maduro tăng cường đàn áp. Chỉ riêng ngày 23/01, Liên Hiệp Quốc ghi nhận 320 người đối lập bị bỏ tù. Ít nhất 20 người đã bỏ mạng.
– Mặt khác, chính quyền kiểm soát gắt gao báo chí, các media đủ loại. Trong khi dân xuống đường rầm rộ, một đài truyền hình nhà nước chiếu chương trình dạy bơi lội, đài thứ hai chạy chương trình dạy nấu ăn (ở một xứ phải xếp hàng cả ngày, phải gánh hàng thúng tiền, phải đánh nhau để mua một nửa kg khoai tây thối).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét