Trên trang Việt Nam Thời Báo, tác giả Nguyễn Hồng Phúc cho rằng có sự tương đồng giữa Luật An ninh mạng với Bộ Luật Hình sự, đặc biệt là góc nhìn hành pháp. Chính điều này đã tạo bất an trong dân chúng. [http://www.vietnamthoibao.org/2019/01/vntb-nao-la-trai-y-ang.html].
Chí Phèo chửi cả làng Vũ Đại có phải là phỉ báng chính quyền nhân dân?
“Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu hắn chửi trời. Có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: đời là tất cả nhưng chẳng là ai. Tức mình, hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại. Nhưng cả làng Vũ Đại ai cũng nhủ: “Chắc nó trừ mình ra!”. Không ai lên tiếng cả”. (Trích đoạn mở đầu tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao)
Vậy ai sẽ là người đại diện cho chính quyền nhân dân trong trường hợp có một Chí Phèo thời đại nào đó chửi kiểu như vậy? Dĩ nhiên nhân dân hôm nay không phải là anh Chí của làng Vũ Đại ngày ấy, mặc dù nhiều người trong số đó cũng chịu nhiều áp bức không khác mấy số phận Chí Phèo.
Điều 16.1 của Luật An ninh mạng quy định nội dung tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Những nội dung này tương ứng với điều 117.1 của Bộ Luật Hình sự (phiên bản sửa đổi 2017) về “Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Tiền thân của điều 117 chính là điều 88 nổi tiếng của Bộ Luật Hình sự 1999.
Cụ thể hơn, điều 16.1 của Luật An ninh mạng cho biết những hành vi sau đây sẽ được coi là “chống nhà nước”: Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; Chiến tranh tâm lý, kích động chiến tranh xâm lược, chia rẽ, gây thù hận giữa các dân tộc, tôn giáo và nhân dân các nước; Xúc phạm dân tộc, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc.
Thế nào là tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân? Quy chụp về ‘xuyên tạc’, và góp ý kiến ‘phản biện’ ở đây là tùy vào cách hiểu ‘co dãn’ của Bộ Công an.
Điều luật mà mọi bào chữa của luật sư đành cam thất bại
Lâu nay giới luật sư ở Sài Gòn đều chung nhìn nhận là trước khi bước vào phiên tòa xét xử liên quan đến điều luật 88, Bộ Luật Hình sự, họ đều hiểu là sẽ không thể bào chữa thành công. Vì điều 88 trên thực tế biến bất kỳ công dân Việt Nam nào cũng có tội khi họ dùng tự do căn bản để bày tỏ ý kiến, thảo luận hay chất vấn chính phủ và chính sách.
“Điều luật rộng khắp, không định nghĩa rõ ràng giúp quá dễ dàng để dập tắt mọi quan điểm trái chiều và tùy ý tạm giữ cá nhân dám chỉ trích chính sách của chính phủ, của đảng cầm quyền. Điều luật này hiện nay được đánh số 117 ở Bộ Luật Hình sự 2017, và còn nằm ở điều 16, Luật An ninh mạng”. Luật sư Trần Thành nhận định.
Theo luật sư Thành, Bộ Công an không phải là cơ quan hành pháp mà chỉ là “công cụ” của chính phủ để thực hiện việc “hành pháp”. Về lý thuyết thì quyền hành pháp của chính phủ bao gồm hai quyền: quyền lập quy và quyền hành chính.
Quyền lập quy là quyền ban hành những văn bản pháp quy dưới luật, để cụ thể hoá luật pháp do các cơ quan lập pháp ban hành trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Quyền hành chính là quyền tổ chức quản lý tất cả các mặt, các quan hệ xã hội bằng cách sử dụng quyền lực nhà nước.
Quyền hành chính bao gồm các quyền về tổ chức nhân sự trong cơ quan hành chính, quyền tổ chức thực thi và áp dụng pháp luật trong các mối quan hệ giữa tổ chức với cá nhân, tổ chức với tổ chức và giữa các cá nhân với nhau trong đời sống xã hội.
Ở Việt Nam thì công an và cả quân đội đều là công cụ của Đảng, để thực thi pháp luật bảo đảm trật tự xã hội và thanh trừng những kẻ chống đối Đảng, họ là công cụ để thực thi pháp luật. Những quyền nêu trên “thuộc về Đảng hết”.
Do vậy trong nhiều vụ việc, đặc biệt là các trường hợp “tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân”, Bộ Công an đã tự cho mình kiêm cả hai quyền ‘hành pháp’ và ‘tư pháp’.
Bộ Công an: càng nhiều vùng cấm càng tốt (!?)
Trong Luật An ninh mạng, các vị đại biểu Quốc hội đã bấm nút trao cho Bộ Công an quá nhiều thẩm quyền vượt chức trách. Đơn cử, Luật An ninh mạng cho phép Bộ Công an quyền buộc nhà cung cấp mạng phải xác thực thông tin người dùng, và cung cấp nó cho Bộ Công an, mà không qua thủ tục từ toà án. Nôm na, công an có quyền yêu cầu thông tin cá nhân bất cứ lúc nào, mà không cần phải chứng minh là người đó có vi phạm pháp luật hay là không?.
Luật An ninh mạng còn trao cho Bộ Công an quyền buộc nhà cung cấp dịch vụ mạng phải xoá thông tin đăng tải trên mạng, những thông tin mà bộ này tự xác định là xấu, và cho rằng phải xoá đi trên tài khoản người dùng. Đồng thời tài khoản cá nhân của người đăng tải còn được nhà cung cấp dịch vụ buộc gửi đến Bộ Công an. Trong khi đó thì các thông tin bị cho là xấu này được liệt kê rất mơ hồ, tương tự như những tội gọi là phản động, là chống lại chính quyền lâu nay đều rất mơ hồ, nhà cầm quyền muốn diễn giải sao cũng được cả.
Trong một xã hội pháp quyền, nhiệm vụ liệt kê cụ thể những nội dung nào là xuyên tạc, là phỉ báng chính quyền nhân dân, cần nằm trong tay bên tư pháp, bởi sẽ khó kỳ vọng các nhà hành pháp tự buộc dây trói mình. Khi có quyền thiết lập danh sách đề xuất các thông tin được cho là xuyên tạc, là phỉ báng chính quyền nhân dân để đưa vào các văn bản hướng dẫn, đương nhiên vì quyền lợi của mình, Bộ Công an sẽ cố gắng tạo ra càng nhiều vùng cấm càng tốt. Điều này tất tiềm tàng nguy cơ gây xung đột với quyền lợi của người dân về một bộ máy liêm chính.
Cần rõ ràng những điều cấm nói, cấm nghe và cấm đọc
Để Luật An ninh mạng không làm hạn chế các quyền Hiến định, hoặc tạo mâu thuẫn với Luật Tiếp cận thông tin, đại diện của tư pháp - ví dụ như tòa án, sẽ chịu trách nhiệm xem xét các thông tin nào cần nên được xếp vào dạng “xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân” khi công dân thể hiện trên mạng xã hội.
Việc đánh giá sẽ dựa trên từng trường hợp cụ thể, theo yêu cầu của cơ quan – tổ chức hoặc cá nhân, thay vì quy định thành chi tiết một cách cứng nhắc. Nếu không, sẽ đưa đến nguy cơ một số điều khoản của Luật An ninh mạng trở thành bình phong cho những hoạt động mờ ám, thiếu sự giám sát trong cạnh tranh nhau ở môi trường mạng xã hội - thương mại điện tử từ Bộ Công an.
Bởi một khi chưa rõ ràng về các nội dung nằm trong vùng ‘cấm’, thì gần như mọi người dân đều có thể đối diện tố tụng, khi điều 88 được đổi thành điều 117 ở Bộ Luật Hình sự sửa đổi 2017, có một chi tiết chứa đựng nhiều rủi ro khó lường, theo đó, những ai chuẩn bị phạm tội cũng bị phạt tù từ một đến năm năm.
Theo Bộ Luật Hình sự cả cũ và mới, chuẩn bị phạm tội là “tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc tham gia nhóm tội phạm”. Nếu dựa trên những trường hợp bị bắt theo điều 88 trước đây, thì cụ thể những hành vi chuẩn bị phạm tội có thể là đọc trang mạng có nội dung chống nhà nước; lập các tài khoản mạng xã hội; tụ tập, tham gia hội, nhóm chống nhà nước; mua máy tính, máy quay phim để chuẩn bị những nội dung… có ý định chống nhà nước.
Như vậy trong nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật An ninh mạng cần chi tiết các nội dung về những điều cấm nói, cấm nghe và cấm đọc để người dân khỏi phải phạm “Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét