Đạo luật mới là nỗ lực lập pháp cân bằng và giám sát của Quốc hội trong bối cảnh nhân sự và chính sách ngoại giao, quốc phòng với khu vực của Chính quyền Trump tiếp tục khó lường.
Đạo luật Sáng kiến Trấn an châu Á (ARIA) được Tổng thống Donald Trump ký ban hành hôm 31/12/2018 là ví dụ hiếm hoi về đồng thuận cao giữa chính quyền và Quốc hội Mỹ trong xử lý những thách thức an ninh lớn nhất tại một khu vực quan trọng nhất với Mỹ là Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Đây cũng là nỗ lực lập pháp cân bằng và giám sát của Quốc hội trong bối cảnh nhân sự và chính sách ngoại giao, quốc phòng với khu vực của chính quyền Trump tiếp tục nhiều biến động khó lường. Mặt khác, Quốc hội Mỹ cũng không để TT Trump phá bỏ vai trò lãnh đạo của Mỹ ở khu vực và trên thế giới – thế mạnh mà Washington đã thiết lập kể từ sau Thế chiến II.
Trấn an ngoài: Giữ cạnh tranh chiến lược toàn diện
ARIA do nhóm Thượng nghị sỹ lưỡng đảng giới thiệu ngày 24/4/2018 (phía Cộng hòa có Cory Gardner (Colorado), Marco Rubio (Florida), Todd Young (Indiana); phía Dân chủ Ben Cardin (Maryland), Ed Markey (Massachusetts)).
Kết quả dự luật được Hạ viện thông qua với đa số áp đảo và Thượng viện tuyệt đối 100% gửi đến khu vực thông điệp kép mạnh mẽ: cảnh báo với đối thủ (đặc biệt là Trung Quốc) rằng không chỉ hai đảng Cộng hòa – Dân chủ mà cả Quốc hội với chính quyền có sự đồng thuận và quyết tâm cao về cạnh tranh chiến lược toàn diện, trên thế mạnh, vì một trật tự dựa trên luật lệ; trấn an với đồng minh, đối tác bằng cam kết hỗ trợ, hợp tác lâu dài, nghiêm túc, đáng tin cậy (bằng cam kết tài chính).
Quan trọng hơn, đó là cam kết nỗ lực không để chính sách của chính quyền Trump dao động, chệch hướng “cực đoan”, phương hại đến uy tín và lợi ích quốc gia của Mỹ (dù ảnh hưởng thực tế của Quốc hội về đối ngoại là không thực sự lớn). Đạo luật sẽ có hệ lụy chiến lược lâu dài bất luận tổng thống nào nắm quyền bởi Thượng viện là cơ quan lập pháp có tính ổn định và tầm nhìn chiến lược, các thượng nghị sĩ có nhiệm kỳ 6 năm, thường làm nhiều nhiệm kỳ.
Không có gì ngạc nhiên khi các nội dung chính của đạo luật cơ bản đã được phản ánh khá nhất quán trong sáng kiến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, rộng mở của Chiến lược an ninh quốc gia 12/2017 và các phát biểu của Tổng thống Trump và lãnh đạo Mỹ suốt năm 2018.
ARIA là phiên bản châu Á của Sáng kiến Trấn an châu Âu (tháng 6/2014, sau đó đổi tên thành Sáng kiến Ngăn chặn ở châu Âu) và tiếp nối Đạo luật Chống các đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) tháng 8/2017. Điểm khác biệt là ARIA coi trọng các biện pháp chính trị, ngoại giao, đề cao tăng cường mạng lưới đồng minh, đối tác cả song phương và đa phương, cam kết tài chính cụ thể.
ARIA nhấn mạnh cần tập trung nguồn lực chống ảnh hưởng của Trung Quốc phương hại hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ, nhất là ở Biển Đông, vấn đề vi phạm bản quyền và an ninh mạng, nhưng cũng để ngỏ khả năng hợp tác với Trung Quốc. ARIA cũng nêu nguy cơ hạt nhân Triều Tiên, khủng bố ở Đông Nam Á, đồng thời khuyến khích hợp tác kinh tế, thương mại, xuất khẩu năng lượng (khí hóa lỏng), thúc đẩy nhân quyền (ưu tiên truyền thống của quốc hội).
Để chứng tỏ không nói suông, quốc hội Mỹ cam kết chi 1,5 tỷ USD từ 2019-2023, ưu tiên hỗ trợ đồng minh, khôi phục hợp tác Nhóm Bộ tứ sau 10 năm (từng được Thủ tướng Nhật Abe khởi xướng năm 2007 với tập trận chung Malabar), trong đó coi Ấn Độ là “đối tác quốc phòng chính”; tái khẳng định cơ sở pháp lý quan hệ với Đài Loan qua Đạo luật Quan hệ với Đài Loan, Sáu Đảm bảo của Reagan, Đạo luật Thăm Đài Loan tháng 3/2018 (Trung Quốc phản ứng mạnh nhất về nội dung này qua phát biểu 2/1 của ông Tập Cận Bình); kiến nghị chính quyền đàm phán một khuôn khổ can dự kinh tế toàn diện với ASEAN, chú trọng hợp tác nâng cao năng lực giám sát biển, không để Trung Quốc thao túng đàm phán COC ở Biển Đông.
Đạo luật mới cũng cam kết tiếp tục triển khai sáng kiến hạ nguồn sông Mekong về môi trường, giáo dục, y tế, hạ tầng, với thông điệp là Washington sẵn sàng chi tiền cho sáng kiến này. Đây có thể coi là điểm tích cực khi chính quyền TT Trump đến nay hầu như bỏ rơi sáng kiến từng được hai chính quyền tiền nhiệm của Bush và Obama coi trọng.
Với Việt Nam, đạo luật mới tái khẳng định tất cả các văn kiện hợp tác quan trọng song phương như tuyên bố về Đối tác Toàn diện năm 2013, tuyên bố về tầm nhìn chung về Quan hệ Quốc phòng 2015, tuyên bố tầm nhìn chung năm 2017.
Canh chừng trong
Thời chính quyền Trump, Quốc hội Mỹ càng được dư luận kỳ vọng đóng vai trò cân bằng, kiểm soát tính ngẫu hứng, khó lường mang sắc thái Tổng thống Trump. Tất cả nhân sự xuất thân tướng lĩnh cao cấp mà Trump từng ngưỡng mộ đều bất lực (từ Cố vấn An ninh quốc gia McMaster, Chánh Văn phòng Nhà Trắng John Kelly đến Bộ trưởng Quốc phòng Mattis) và may ra chỉ có đối trọng thể chế mang tính hiến định như Quốc hội với một số đòn bẩy (ngân sách, nhân sự) mới đủ khả năng giám sát, cảnh báo, bảo đảm tính ổn định và chiến lược trong hoạch định, triển khai chính sách.
Việc Tổng thống Trump ký ARIA cùng 12 đạo luật khác trong ngày cuối cùng của năm 2018 có thể nhằm lấy lòng Quốc hội 115 ngay trước thềm nhiệm kỳ mới. Một thượng viện do Cộng hòa kiểm soát nhưng có đồng thuận và tầm nhìn chiến lược cộng với một hạ viện do Dân chủ kiểm soát, đối trọng nhiều khả năng sẽ duy trì áp lực thường xuyên lên Chính quyền Trump trong triển khai ARIA cũng như Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Dư luận dự báo thông qua ARIA, Quốc hội sẽ thực hiện vai trò cảnh báo, ngăn cản nguy cơ Trump hoặc thỏa hiệp, nhất là đàm phán thương mại đến thời hạn 1/3 (gần đây Trump tweet hai bên đang đạt “tiến bộ lớn” do lo ngại thị trường chứng khoán sụt giảm), hoặc quyết định đơn phương ngược với nỗ lực của chính phủ như quyết định rút quân khỏi Syria vừa qua.
Một số ý kiến cho rằng ARIA quá tập trung vào an ninh, mà giảm nhẹ mất một số phần quan trọng khác về phát triển. Dù được coi là ý tưởng đúng, nếu ARIA chỉ thuần ưu tiên an ninh quá có thể làm hỏng sáng kiến tốt này.
Mặt khác, cũng cần nhìn nhận sẽ khó có một luật toàn diện khi đạo luật cố bao hàm quan điểm của nhóm nghị sĩ từ hai đảng với ưu tiên và góc nhìn khác nhau về ưu tiên đối ngoại. Nếu ARIA kết hợp với các sáng kiến AsiaEdge và BuildAct thì Washington mới có một khuôn khổ chiến lược toàn diện hơn cho khu vực – điều mà các đồng minh và đối tác của Mỹ đã luôn lo lắng kể từ đầu 2017 tới nay.
Tuy nhiên, năm 2019 chính sách khu vực của Mỹ và quan hệ Mỹ – Trung sẽ còn nhiều diễn biến khó lường, nhất là với một tổng thống chỉ quan tâm làm hài lòng bộ phận cử tri trung thành khi bầu cử 2020 đang cận kề.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét