Thứ Ba, 1 tháng 1, 2019

10460 - Chiến tranh Lạnh Mỹ - Trung đã xảy ra chưa ?



          Mỹ - Trung có đang rơi vào cuộc Chiến tranh Lạnh mới ? Ảnh minh họaWikimédia


Cuộc chiến thuế quan chưa từng có giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, khởi sự từ mùa hè 2018, và các đối đầu trên nhiều lĩnh vực khác như an ninh, quân sự… khiến cụm từ « Chiến tranh Lạnh Mỹ - Trung » ngày càng được nói đến nhiều hơn. Về phía quan điểm phản bác, không ít ý kiến cho rằng trong một thế giới toàn cầu hóa như hiện nay một cuộc Chiến tranh Lạnh theo kiểu Mỹ-Xô trước đây là điều không thể có. Vậy thực hư ra sao ?
Đầu tháng 12/2018, Washington và Bắc Kinh tạm thời hưu chiến trong ba tháng để tìm giải pháp thoái khỏi cuộc chiến thương mại. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng dường như đây chỉ là một giai đoạn hòa hoãn và « Chiến tranh Lạnh » giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc, đang có tham vọng trở thành cường quốc số một thế giới, đã là điều đang diễn ra trên thực tế. Sau đây là phần tổng hợp ý kiến một số chuyên gia, nhà quan sát.
Dựa vào đâu để nói rằng Trung Quốc và Hoa Kỳ đã bước vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới ?
Về quan điểm này, báo Anh Financial Times có đăng tải một bài phân tích đáng chú ý mang tựa đề : « Trung Quốc và Mỹ : Chiến tranh thương mại hay Chiến tranh Lạnh ? » (06/12/2018). Theo nhà nghiên cứu chính trị học Timothy Ash, không thể giới hạn những căng thẳng vừa qua giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại. Ngoài thương mại, Washington và Bắc Kinh đang đối đầu với nhau trên hàng loạt trận địa, nổi bật là an toàn mạng, quân sự an ninh (đặc biệt là tại Biển Đông hay Đài Loan), trí tuệ nhân tạo / công nghệ 5G. Đây là cuộc chiến giữa một siêu cường đang đi xuống và một siêu cường đang trỗi dậy. Có thể hình dung là sau đợt đàm phán 90 ngày (với hạn chót là 01/03/2019), Trung Quốc sẽ có nhiều nhân nhượng với Mỹ trong lĩnh vực thuế, và mở cửa hơn thị trường cho Mỹ, nhưng sẽ triển khai các hướng khác để cân bằng lại.
Theo nhà chính trị học Anh, quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc không phải là « cộng sinh », mà đúng hơn là « ký sinh ». Cụ thể là, trong một thời gian hàng thập niên trước khi tổng thống Trump lên nắm quyền, với Bắc Kinh, chủ trương chính của Mỹ là đầu tư vào Trung Quốc, siết chặt quan hệ với Trung Quốc, để dần dần đưa Trung Quốc phát triển và hội nhập với nền kinh tế toàn cầu, với hy vọng một nước Trung Quốc giầu có hơn cũng sẽ có lợi cho thế giới. Và đến một lúc nào đó, Trung Quốc cũng sẽ trở thành thành viên bình thường của cộng đồng quốc tế. Thế nhưng, nỗ lực nói trên đã không mang lại kết quả. Giàu mạnh hơn gấp bội, Bắc Kinh muốn vươn lên vai trò bá chủ.
Chính sách « cộng sinh » của Washington đã thất bại, bởi nếu cứ cái đà như hiện nay, thì vật thể « ký sinh », là Trung Quốc, sẽ giết chết vật chủ, là nước Mỹ. Bởi vậy, chiến lược hiện nay mang tính sống còn của nước Mỹ là « vạch ra các lằn ranh đỏ » với Trung Quốc, sau mỗi cuộc « khủng hoảng nhỏ » (nhà chính trị học nêu ra một số ví dụ như vụ tập đoàn Trung Quốc ZTE hồi mùa hè 2018 bị phạt, rồi bị đặt dưới sự kiểm soát của tư pháp Mỹ, để cho thấy phương pháp lằn ranh đỏ của Washington). Kết quả cuối cùng của xu thế này là thế đối đầu triệt để của một Chiến tranh Lạnh mới, giống như giữa hai siêu cường Hoa Kỳ và Liên Xô trước đây.
Còn về quan điểm phản bác việc đã có một cuộc Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Trung Quốc?
Phía phản đối quan điểm « Chiến tranh Lạnh » nhấn mạnh đến tính chất phụ thuộc lẫn nhau hết sức mật thiết của nền kinh tế toàn cầu, với các chuỗi dây chuyền sản xuất trải rộng trên khắp thế giới. Mỗi sản phẩm có thể được tạo ra từ hàng trăm, hàng nghìn nguyên liệu, vật liệu sơ chế, linh kiện, bán thành phẩm, đến từ khắp nơi trên Trái đất. Trang mạng về công nghệ của Mỹ MIT Technology Review, có bài viết « Giữa Mỹ và Trung Quốc không có ‘‘Chiến tranh Lạnh’’, hãy ngừng nói như vậy ». Theo tác giả bài viết, khác hẳn với thời kỳ Mỹ-Xô trước đây, kinh tế Mỹ-Trung phụ thuộc chặt chẽ vào nhau. Ngoài chuyện các công ty Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào Mỹ về mặt linh kiện công nghệ cao, phía Hoa Kỳ cũng tương tự. Tập đoàn tin học Apple có một phần năm doanh thu từ Trung Quốc, Hoa Kỳ cũng phụ thuộc vào Trung Quốc về các linh kiện hay khâu lắp ráp.
Theo tác giả, một cuộc Chiến tranh Lạnh về kinh tế, nếu xảy ra, sẽ dẫn thế giới vào ngõ cụt, bởi đi ngược lại toàn bộ những gì mà nền kinh tế toàn cầu xây dựng được từ hơn nửa thế kỷ qua. Khẳng định có một cuộc Chiến tranh Lạnh không những là « sai lầm », mà còn « nguy hiểm », bởi quan niệm này sẽ đẩy các xã hội vào thế đối đầu nhau, với các hậu quả hết sức đắt giá, trước hết về mặt kinh tế.
Dường như bên cạnh hai quan điểm, ủng hộ và bác bỏ sự tồn tại một cuộc Chiến tranh Lạnh Mỹ - Trung, còn có một số quan điểm khác ?
Phải thừa nhận là ám ảnh về một cuộc Chiến tranh Lạnh Mỹ-Trung - dù điều đó đã xảy ra hay chưa, và xảy ra đến mức độ nào - là một điều có thật. Điều này có thể đặc biệt thấy rõ tại Đông Nam Á, khu vực vốn duy trì các quan hệ mật thiết với cả Hoa Kỳ và Trung Quốc. Báo mạng Singapore Businesstimes có một bài viết đáng chú ý mang tựa đề : « Chiến tranh Lạnh mới : một sự đóng băng kéo dài của các mối liên hệ toàn cầu » (ngày 29/12/2018).
Businesstimes dẫn lời của cựu bộ trưởng Thương Mại Mỹ Hank Paulson, theo đó triển vọng « bức màn sắt » kinh tế được thiết lập làm gián đoạn toàn bộ nền kinh tế toàn cầu hoàn toàn không phải là chuyện viển vông, tuy chưa diễn, nhưng nhãn tiền. Báo mạng Singapore nêu một ví dụ tiêu biểu cho thấy, dù muốn hay không Hoa Kỳ đã bắt đầu buộc phải thủ thế với Trung Quốc. Đó là trường hợp của tập đoàn sản xuất hóa chất DuPont của Mỹ bị chính quyền Trung Quốc kiếm chuyện, vì không chấp nhận chuyển giao công nghệ cho đối tác Trung Quốc. Và đây không phải là một trường hợp duy nhất, mà nằm trong chính sách đẩy mạnh các công nghệ mũi nhọn, để nhanh chóng đưa Trung Quốc lên vị trí cường quốc công nghệ số một (đặc biệt với kế hoạch « Made in Chine 2025 »). Trong thời gian gần đây, Washington đã chính thức coi chính sách cưỡng bức chuyển giao công nghệ của Bắc Kinh như là một vật cản chính trong quan hệ song phương.
Theo cựu bộ trưởng Thương Mại Mỹ, nhiều doanh nghiệp Mỹ đã từng nuôi hy vọng thị trường Trung Quốc sẽ rộng mở sau khi Bắc Kinh gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO). Tuy nhiên, sau 17 năm là thành viên WTO, thị trường Trung Quốc vẫn chưa thực sự mở cho cạnh tranh nước ngoài. Cách xử sự trái khoáy của Trung Quốc, vừa tham gia vào thị trường thế giới, nhưng lại vừa không tuân thủ các quy tắc của thị trường, chắc chắn sẽ dẫn đến việc nhiều đối tác phải rời bỏ Trung Quốc, vì sợ bị thao túng, thôn tính.
Vẫn trang mạng Singapore Businesstimes lưu ý là tình trạng đối đầu này đặc biệt bất lợi cho khu vực Đông Nam Á, nơi đang hình thành một thị trường dịch vụ thống nhất, với sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số. Thế đối đầu Chiến tranh Lạnh Mỹ - Trung sẽ băm nát thị trường chung đang nổi lên này, buộc mỗi nước hay mỗi thế lực kinh tế phải chọn phe, như nỗi lo mà thủ tướng Singapore, phát biểu cách nay ít tuần (ông Lý Hiển Long bày tỏ mong ước là việc này « không xảy ra quá sớm »). Tình hình đặc biệt nguy hiểm hơn, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp mới, đang làm biến đổi sâu sắc thị trường thế giới nói chung, Đông Nam Á nói riêng, khi rất nhiều việc làm sẽ mất đi do tự động hóa.
Giáo sư Mie Oba người Nhật, chuyên về chính trị châu Á, trong một bài phân tích trên trang mạng The Diplomat (29/12/2018), nhấn mạnh đến tính chất « khó dự đoán » của cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhưng có một điều chắc chắn là cuộc chiến rất phức tạp này sẽ hết sức khác với cuộc chiến kéo dài 40 năm giữa Hoa Kỳ và Liên Xô trước đây.
Cuộc Chiến tranh Lạnh Mỹ - Trung phải chăng khó tránh khỏi, bởi các nhân nhượng giữa hai bên dường như chỉ mang tính tạm thời, và chủ trương tối hậu của Bắc Kinh là vươn lên soán ngôi Mỹ ? Liệu có cơ hội nào để cuộc Chiến tranh Lạnh này không xảy ra ?
Trên thực tế, theo nhiều nhà quan sát, thế đối đầu Mỹ - Trung hiện nay một phần rất lớn xuất phát từ việc Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì mô hình xã hội độc tài - toàn trị, mở cửa nửa chừng với thế giới, để tranh thủ công nghệ tiên tiến từ các nước phát triển, thường là các quốc gia dân chủ, để rồi quay sang thao túng thế giới, áp đặt quyền lực bá chủ với bên ngoài.
Mô hình này bị chính một bộ phận những người cải cách trong nước phản đối, nhưng họ quá yếu thế, trong bối cảnh đảng Cộng Sản nằm trọn vẹn quyền lực. Trong một bài viết trên báo South China Morning Post (ngày 2/10/2018), nhà chính trị học Trung Quốc Đặng Duật Văn (Deng Yuwen) có quan điểm độc lập – hiện đang làm nghiên cứu tại Đại học Norttingham (Anh Quốc) – chỉ ra một nghịch lý là cuộc chiến tranh thương mại của tổng thống Mỹ chống lại Bắc Kinh, trong lúc gây thiệt hại cho kinh tế Trung Quốc, nhưng cũng gây áp lực buộc ban lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc hiện nay phải chú ý hơn đến  tiếng nói của phái cải cách. Cụ thể là giảm can thiệp của Nhà nước vào nền kinh tế, giảm ưu đãi dành cho các tập đoàn Nhà nước, cũng như cởi trói khu vực kinh tế tư nhân, giảm thuế mạnh để thúc đẩy thị trường nội địa. Chưa nói đến các cải cách chính trị đi kèm, bởi các cải cách kinh tế sâu sắc không thể không đi cùng những thay đổi về định chế chính trị. Nếu Trung Quốc chấp nhận cải cách, chấp nhận luật chơi quốc tế, thì quan hệ với Hoa Kỳ ắt hẳn sẽ được cải thiện. Nguy cơ Chiến tranh Lạnh sẽ giảm bớt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét