Thứ Bảy, 26 tháng 1, 2019

10012 - Venezuela : Thiếu tiền thừa tổng thống





Lãnh đạo đối lập Juan Guaido, chủ tịch Quốc Hội Venezuela, tự phong "tổng thống lâm thời".REUTERS/Carlos Garcia Rawlins

Một chế độ xã hội chủ nghĩa phá sản, lạm phát dự báo 10.000.000% trong năm 2019, hơn 2,5 triệu dân tìm đường tị nạn, đối lập gia tăng sức ép chống tổng thống Maduro sau khi chủ tịch Quốc Hội 35 tuổi, Juan Guaido tự phong « tổng thống đương nhiệm ». Nguy cơ nội chiến tại Venezuela là chủ đề chính trên các trang báo Pháp ngày 25/01/2019.

Venezuela : Hai tổng thống cho một nước hỗn loạn
Dân chúng nổi dậy chống chế độ độc tài, nguy cơ nội chiến tăng cao, Juan Guaido, nhà đối lập muốn nhanh chóng sang trang chế độ Chavez… báo chí Pháp từ tả đến hữu không ngạc nhiên trước những biến động tại Venezuela.
Trên trang nhất, Le Monde thông báo ngắn gọn Venezuela : « Đối lập đảo chính » kèm theo các tiểu tựa « Chủ tịch Quốc Hội Juan Guaido, 35 tuổi, tự tuyên thệ làm tổng thống Venezuela ». Nicolas Maduro tái đắc cử hồi tháng 5/2018 trong một cuộc bầu cử bị phần lớn cộng đồng quốc tế xem là không chính danh. Juan Guaido lập tức được Hoa Kỳ, Canada và nhiều nước châu Mỹ Latinh công nhận, trừ Cuba và Mêhicô.
Cũng trên trang nhất, Le Figaro đăng bức ảnh dân chúng chống chế độ tràn ngập đường phố với hàng tựa : « Nhân dân nổi dậy ». Libération chơi chữ « Lạm phát tổng thống tại Venezuela » và cho biết thêm : sau cuộc biểu dương lực lượng của đối lập, chính quyền Nicolas Maduro cảm thấy bị đe dọa.
Trong các bài phân tích, Le Monde khẳng định « Washington ủng hộ hành động của Juan Guaido ». Tổng thống Donald Trump gia tăng áp lực lên chính quyền Nicolas Maduro. Câu hỏi đặt ra là tại sao từ hai năm nay, Mỹ tiến hành chính sách cứng rắn ? Thứ nhất là cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị ở Venezuela đã gây ra khủng hoảng nhân đạo, tạo ra một làn sóng di dân 2,5 triệu người. Thứ hai, là vấn đề thời cơ, bởi vì kể từ năm 2018, một loạt bầu cử ở châu Mỹ Latinh đã đưa các đảng chính trị có xu hướng bất lợi cho Venezuela lên cầm quyền.
Báo Le Figaro thì nhắc lại là ngay từ đầu nhiệm kỳ, tổng thống Donald Trump đã « tính chuyện thay đổi chế độ ở Caracas ». Tuy chủ nhân Nhà Trắng có xu hướng thích chơi với những lãnh đạo độc tài nhưng ông rất ghét cộng sản. Ông nhanh chóng công nhận Juan Guaido có thể làm nhiều người bất ngờ nhưng thực tế Mỹ đã tính chuyện này từ lâu.
Trong cuộc thảo luận đánh giá tình hình tại Nhà Trắng tối thứ Ba 22/01, tất cả những người hiện diện từ phó tổng thống Mike Pence cho đến cố vấn an ninh quốc gia John Bolton và bốn đại biểu dân cử ở Florida đều thống nhất phương án hành động trong trường hợp « Maduro không từ chức hay sử dụng vũ lực đàn áp ».
Chính danh ?
Juan Guaido đảo chính nhưng liệu Nicolas Maduro có chính danh hay không ? Câu trả lời của Le Figaro và Liberation rất dứt khoát : Đối với nhật báo thiên hữu, một chế độ dùng súng bắn vào dân để tồn tại không phải là một chế độ dân chủ. Do vậy không thể xem chuyện « tái đắc cử » của tổng thống Nicolas Maduro hồi năm 2018 là « chính danh ».
Đã vậy, 20 năm của chế độ Chavez, do trung tá Hugo Chavez dựng lên, đã phá hoại hầu hết các định chế quốc gia. Maduro cấm các chính trị gia đối lập tranh cử, giải thể Quốc Hội lập pháp do dân bầu lên vì nghị viện này nằm trong tay đối lập. Ông đàn áp người dân biểu tình chống đời sống đắt đỏ, đòi lương thực và nhân quyền. Cuộc cách mạng « xã hội chủ nghĩa » đã làm cho quốc gia có trữ lượng dầu khí số một thế giới phải phá sản. Từ 2,5 đến 3,5 triệu dân phải bỏ nước ra đi. Venezuela giờ đây có nguy cơ trở thành một điểm nóng trong cuộc chiến tranh lạnh mới.
Nhưng theo Le Figaro, nhân danh gì mà người ta có quyền đàn áp một dân tộc bày tỏ khát vọng và can đảm đứng lên tự giải phóng khỏi một chế độ hung bạo. Do vậy, cũng theo Le Figaro, các nền dân chủ ở châu Âu ủng hộ đối lập Venezuela và thúc giục chính quyền Maduro thương lượng.
Cùng nhận định, nhật báo thiên tả Libération không xem hành động « tự xưng tổng thống của chủ tịch Quốc Hội lập pháp » định chế duy nhất còn độc lập ở Venezuela, là phương án lý tưởng nhất để mang lại dân chủ. Nhưng với một chế độ « mị dân quá đáng » của tổng thống Maduro, nắm quyền mà xem đối lập khác chính kiến là kẻ thù phải tiêu diệt thì giải pháp duy nhất để ra khỏi bế tắc là trả tiếng nói lại cho dân chúng, tức là tổ chức bầu cử tự do, như Liên Hiệp Châu Âu kêu gọi.
Chủ nghĩa xã hội của những kẻ bất tài
Les Echos giải thích vì sao chế độ của trung tá Hugo Chavez sẽ cáo chung cùng với người kế nhiệm Nicolas Maduro : Ván cờ đã đến hồi kết, Nicolas Maduro không ngồi được bao lâu nữa trên đầu một quốc gia bị phá sản. Venezuela mà một bài học thực tế : không thể phân phát tài sản mà bản thân mình không làm ra.
Lên thay Hugo Chavez qua đời vào năm 2013, Nicolas Maduro nghĩ rằng cần phải dựa vào quân đội để tồn tại. Thế là giới sĩ quan được cung ứng mọi đặc quyền đặc lợi, cho lãnh đạo các công ty xí nghiệp thực phẩm, dầu hỏa và quặng mỏ…
Nhưng bây giờ thì tình thế đã đổi thay. Kinh tế lạm phát 10.000.000%. Nicolas Maduro vô kế khả thi, tiếp tục vơ vét những đô la cuối cùng cung ứng cho quân đội, phát súng cho đám dân quân tham ô với hy vọng sẽ cứu được chế độ qua biện pháp đàn áp. Nhưng một quân đội như thế có thể là tường thành bảo vệ chế độ được chăng ?
Les Echos trở lại hình ảnh tổng thống Maduro và quân đội Venezuela hốt hoảng và làm trò cười cho cả thế giới vào ngày 04/08/2018. Chủ tọa một cuộc diễn binh, tổng thống Maduro đang vinh danh thành tích chế độ thì từ trên không trung một chiếc « drone » bay đến va vào một bức tường và phát ra tiếng nổ nhỏ. Thế là trên khán đài, tổng thống xanh mặt, mồm há hốc hoảng loạn, sợ hãi.
Trong khi đó thì trung đoàn vừa đi đến khán đài danh dự cũng vội vàng thi nhau chạy trốn một cách thảm hại. Vụ việc này, theo Les Echos, làm nhớ đến cuốn phim hài giải trí của vua hề Charlot, Le Dictateur (Nhà Độc Tài), mô tả tâm trạng yếu hèn của Hitler khi mất hết quân binh. Đó cũng là trường hợp của tổng thống Maduro khi mà lực lượng võ trang không đủ can đảm bảo vệ lãnh tụ.
Davos : Bắc Kinh một mình một chợ
Diễn đàn kinh tế Davos kết thúc, Mỹ vắng mặt tạo cơ hội cho Trung Quốc thao túng. Nhưng luận thuyết của phó chủ tịch Vương Kỳ Sơn không thuyết phục được giới doanh nhân.
Theo Le Monde, phó chủ tịch Trung Quốc không bỏ lỡ cơ hội để quảng cáo cho « chủ trương đa phương » của Trung Quốc và chỉ trích thái độ đơn phương của Donald Trump. Tuy nhiên, thông điệp trấn an này không làm cho doanh nhân quốc tế bớt lo âu nhất là nếu chỉ có guồng máy kinh tế Trung Quốc điều hành thương mại thế giới.
Bởi lẽ, kinh tế Trung Quốc ngày nay dựa trên tiêu dùng. Mà người tiêu dùng, trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung hiện nay, người dân nào cũng lo âu, mà lo âu thì sẽ bớt mua sắm. Tại Davos, không ai tin là xung khắc Mỹ-Trung sẽ được giải quyết nhanh chóng. Bởi vì, như nhận định của chuyên gia Kevin Sneader với Le Monde, tranh cãi về thuế quan chỉ là bề nổi. Ván bài thật sự là ai sẽ kiểm soát, sẽ khống chế thị trường công nghệ thế giới ngày mai.
Thêm vào đó là tình trạng « bất trắc » theo một chuyên gia Trung Quốc ở đại học Thanh Hoa. Dù đạt được thỏa thuận, thì hiệp định có giá trị trong bao lâu với một tổng thống Mỹ như Donald Trump : hai tuần hay ba tuần ? « Ngày nào Donald Trump còn đó thì bất trắc vẫn còn ».
Cũng trong lĩnh vực công nghệ điện tử của Trung Quốc, La Croix cho biết Pháp rất lo ngại « gián điệp ». Nhiều công ty đã có biện pháp đề phòng, không trang bị linh kiện của tập đoàn Hoa Vi (Huawei).
Đức Giáo Hoàng : Hãy diệt sâu « tham nhũng »
Trong bối cảnh Đức Giáo Hoàng tông du Panama, tham dự Đại hội Thanh niên Công giáo Thế giới, La Croix nhắc lời kêu gọi của lãnh đạo Giáo Hội Hoàn Vũ cảnh báo các nhà chính trị châu Mỹ la tinh bài trừ tệ nạn tham nhũng đang đụt khoét châu lục. Đức Giáo Hoàng cũng kêu gọi giới trẻ chưa bị « ô nhiễm » hãy kêu gọi người lớn hun đúc đức tính phù hợp với phẩm chất và xứng đáng với chức vụ. Thiếu niên Pháp, cũng được khuyến khích phát huy tình nhân loại. Theo La Croix, trong chương trình trợ giúp di dân, một nhóm học sinh Công giáo đang tham gia hỗ trợ các hội đoàn giúp di dân đang tạm trú ở miền bắc.
Thái Lan : Vì sao lúc này ?
Thái Lan sẽ bầu cử Quốc Hội, 5 năm sau ngày đảo chính và nhiều lần trì hoãn. Vì sao vào lúc này ? Le Figaro và Le Monde phân tích : Sau khi chuẩn bị chia rẽ được đối lập, điều chỉnh các đơn vị bầu cử để làm yếu các đảng lớn, đến lúc chính quyền quân sự tự tin có thể tổ chức bầu cử.
Tuy nhiên, theo Le Figaro, dân chúng ở khu vực nông thôn miền bắc Thái Lan chiếm đến phân nửa số cử tri. Mà dân miền bắc Thái rất ủng hộ anh em thủ tướng bị truất phế : Thaksin và Yingluck Shinawatra. Một thủy triều « Áo Đỏ » có thể làm cho tướng Prayuth Chan- Ocha mất đi thế áp đảo.
Cùng nhận định, Le Monde cho là tập đoàn quân sự bắt buộc phải tránh động thái chọc tức 30 triệu dân luôn có thành kiến với thành phần quân đội và bảo hoàng ở Bangkok.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét