Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2018

10162 - Một thái độ vô liêm sỉ!



Trên “phây” của một quan chức giáo dục hồi hưu từng có thâm niên biên soạn sách giáo khoa của Bộ Giáo dục & Đào tạo (sách Văn và Ngữ văn), ông cũng chính là người cổ vũ rất mạnh cho đường lối giáo dục “tiếp cận năng lực”, có bài viết đầu đề “Cho con du học” và dùng đề từ nhại một câu thơ nổi tiếng: “Đất nước đẹp vô cùng, nhưng cháu phải ra đi …”. Ông thay “Bác” ở câu thơ gốc (của nhà thơ Chế Lan Viên) bằng “cháu”!
Xin chép lại nguyên văn đoạn đầu: “Có lần phóng viên của hai tờ báo lớn cùng phỏng vấn tôi một câu hỏi: Ông là người làm chương trình giáo dục và viết sách giáo khoa phổ thông, sao con, cháu ông đều học và sống ở Đức? Ẩn ý của người hỏi thì đã rõ. Nói một cách trắng phớ ra là: ‘Hàng’ của ông làm ra toàn cho người khác dùng, còn con cháu ông thì dùng loại khác. Cũng có nghĩa là ‘sản phẩm’ của ông chẳng ra gì, toàn là ‘rau quả phun hóa chất độc hại’. Tôi cười lớn và trả lời nhỏ nhẹ: Các bạn đã đặt ra một vấn đề rất hay. Và tôi hiểu rất rõ hàm ý của câu hỏi ấy. Vậy tôi xin trả lời bằng cách hỏi lại các bạn: Liệu cho con du học có phải chỉ vì chương trình giáo dục và sách giáo khoa của ta kém hay không?” (Hết trích).
Sau “tiếng cười lớn” là “câu trả lời nhỏ nhẹ”, lại là câu hỏi lại của chính người được hỏi. “Câu hỏi lại người hỏi” nêu ra những lý do để “cháu phải ra đi” nào là do ô nhiễm môi trường, nước uống không sạch (sic), thực phẩm không an toàn, hệ thống giao thông không tốt, bị hành hạ lên xuống khi đến các cơ quan công quyền, không may thất nghiệp liệu có được Nhà nước nuôi hay không ở mức sống bình thường, phải chịu cảnh thằng giỏi làm tớ thằng ngu, thằng ngu làm quan kéo theo cả nhà làm lãnh đạo (nguyên văn), không được sống trong một thể chế thực sự thượng tôn pháp luật, phải chứng kiến hàng ngày những kẻ tham nhũng, làm thất thoát, gây hậu quả nghiêm trọng cho đất nước, đáng ra dứt khoát phải đền cho dân bằng tài sản, phải truy tố, ngồi tù, cần thì tử hình, nhưng rốt cuộc …
Cuối bài vị quan chức giáo dục hồi hưu – nhà biên soạn SGK này còn kể rằng, con trai mình du học ở Đức và kiếm được việc làm trong ngành toán. Và ông cảm ơn các thầy cô môn Toán. Không thấy ông cảm ơn các thầy cô môn Văn, môn Ngữ văn?!
Tôi nhận ra ở đây một thái độ “cynique”, thái độ vô liêm sỉ, không biết tự-thẹn. Thành ngữ tiếng Anh “wash your hand” (phủi trách nhiệm) có nguồn gốc trong Thánh Kinh Kitô giáo. Quan Tổng trấn La Mã Pilate phủi trách nhiệm về cái chết của Jesus bằng cách “lấy nước rửa tay trước mặt đám đông” rồi nói “Ta vô can trong vụ đổ máu này. Mặc các người liệu lấy” (Matthew 27:11, bản dịch của nhà xuất bản Tôn giáo, Hà Nội năm 2007).
Xin kể lại ở đây câu chuyện đọc thấy trên “phây” của một cựu quan chức giáo dục hồi hưu kiêm nhà biên soạn sách giáo khoa Bộ GD&ĐT.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét