Trong một cuộc phỏng vấn được phát trên đài HBO ngày 30-10, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông sẽ bãi bỏ quy chế thụ hưởng quốc tịch theo nơi sinh đối với những đứa trẻ có bố mẹ không phải là công dân Mỹ hoặc là người nhập cư bất hợp pháp ở Mỹ.
Ông nói, “chúng ta [nước Mỹ] là nước duy nhất trên thế giới nơi mà một ai đó tới, có con, và đứa trẻ đó nghiễm nghiên là công dân Mỹ… với tất cả mọi quyền lợi. Điều đó thật lố lịch. Điều đó thật lố bịch. Nó phải chấm dứt.” Tổng thống Trump cũng cho biết ông sẽ làm việc này bằng một sắc lệnh hành pháp mà không cần phải sửa đổi Hiến pháp.
Trước hết, quốc tịch theo nơi sinh là gì?
Hiểu đơn giản là một người được sinh ra ở nước nào thì nghiễm nhiên có quốc tịch của nước đó.
Thuật ngữ này ở Mỹ gọi là “birthright citizenship”, còn trong tiếng Latin gọi là “Jus soli”.
Trên thế giới hiện nay có hơn 30 nước áp dụng chính sách này chứ không phải chỉ có Mỹ như ông Trump nói. Trong số đó có cả Canada, Mexico, Brazil, Argentina, Chile, Paraguay, v.v. Theo Tạp chí Nhân quyền Harvard, một số nước trước đây cũng áp dụng chính sách này nhưng đã bãi bỏ trong những thập kỷ vừa qua, trong đó có Anh, Ireland, Úc, New Zealand, Ấn Độ, Malta và Cộng hoà Dominican.
Trên thế giới, có hai cách chính để xác định quốc tịch cho trẻ em mới sinh là quốc tịch theo nơi sinh (như Mỹ hiện nay) và quốc tịch theo huyết thống (như Việt Nam hiện nay). Tuy nhiên, Luật Quốc tịch Việt Nam(lẫn nhiều nước khác) đều thừa nhận một số trường hợp hạn hữu mà có thể áp dụng quy chế quốc tịch theo nơi sinh một cách có điều kiện.
Hiến pháp Mỹ nói gì về quốc tịch?
Hiến pháp Mỹ, có hiệu lực từ năm 1788, ban đầu không định nghĩa khái niệm quốc tịch. Mỹ mặc nhiên áp dụng nguyên tắc jus soli nói trên theo truyền thống pháp luật đã có từ thời thuộc địa Anh.
Đến khi sửa đổi hiến pháp bằng Tu chính án thứ 14 vào năm 1868 thì vấn đề này mới được làm rõ.
Theo đó, bản Tu chính án này nói rằng, “tất cả những người được sinh ra hoặc nhập tịch ở Hoa Kỳ, và do đó nằm dưới quyền tài phán [của Hoa Kỳ], đều là công dân của Hoa Kỳ và của tiểu bang nơi họ cư trú.”
Cũng cần phải nói thêm rằng luật pháp Hoa Kỳ, khác với Việt Nam, không chỉ dựa trên Hiến pháp và luật thành văn do Quốc hội ban hành, mà còn dựa rất nhiều trên các án lệ (case law).
Vụ án nổi tiếng tại Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ xác lập rõ ràng quy chế quốc tịch theo nơi sinh là vụ United States v. Wong Kim Ark năm 1898. Số là anh Wong Kim Ark được sinh ra ở San Francisco, Mỹ năm 1873 và có cha mẹ đều là người nhập cư từ Trung Quốc. Khi anh Wong lớn lên thì cha mẹ anh về lại Trung Quốc và anh có ghé thăm họ hai lần vào năm 1894 và 1895. Lần đi năm 1894, khi về lại Mỹ thì được nhập cảnh bình thường như công dân, nhưng đến lần năm 1895 thì bị từ chối với lý do không phải công dân Mỹ. Anh kiện. Vụ kiện lên đến Tối cao Pháp viện thì được tuyên rằng, chính quyền không thể từ chối quốc tịch của bất kỳ ai sinh ra trên lãnh thổ Mỹ, theo Tu chính án thứ 14, trừ trường hợp con cái của quan chức ngoại giao.
Kể từ đó, quy chế quốc tịch theo nơi sinh mặc nhiên được thừa nhận và thi hành cho đến nay.
Quy định như vậy thì có bị người nước ngoài lợi dụng để con cái có quốc tịch Mỹ không?
Người nước ngoài có tìm cách lợi dụng không thì không rõ, nhưng rõ ràng có việc người nước ngoài đến Mỹ sinh con và con cái họ nghiễm nhiên có quốc tịch Mỹ. Những người nước ngoài này đến Mỹ theo visa du lịch hoặc làm việc, hoặc nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ, rồi sinh con trên đất Mỹ.
Lưu ý là con có quốc tịch Mỹ nhưng bố mẹ thì không. Đến năm 21 tuổi, con cái có thể bảo lãnh cho cha mẹ được định cư tại Mỹ theo diện thẻ xanh (green card), sau một số năm sống ở Mỹ thì có thể nộp đơn xin nhập tịch.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, vào năm 2014 có khoảng 11,1 triệu người nhập cư bất hợp pháp sinh sống ở Mỹ. Việt Nam cũng có phần trong số này với khoảng 118 nghìn người, theo một thống kê trong giai đoạn 2010 – 2014.
Kể từ năm 1980, con số trẻ sinh ra trong những gia đình nhập cư bất hợp pháp ngày càng tăng, từ 30 nghìn trẻ năm 1980 lên đến mức kỷ lục 390 nghìn trẻ vào năm 2007, trước khi giảm dần xuống 250 nghìn năm 2016.
Hiện có khoảng 5 triệu trẻ được sinh ra và đang sinh sống trên đất Mỹ có bố mẹ là người nhập cư bất hợp pháp. Những đứa trẻ này, dù có quốc tịch Mỹ, nhưng còn bị gọi là “ anchor baby” với hàm ý phân biệt với trẻ có bố mẹ là người Mỹ. Việc dùng cụm từ này hiện nay là một vấn đề nhạy cảm ở Mỹ. Ở Canada thì họ có cụm từ khác là “passport baby”.
Trên thực tế, vấn đề quốc tịch này nằm trong một vấn đề lớn hơn và cực kỳ phức tạp ở Mỹ, đó là chính sách nhập cư. Đảng Cộng hoà của Tổng thống Trump có xu hướng hạn chế nhập cư vì cho rằng người nhập cư gây mất an ninh và lấy đi việc làm của người Mỹ. Đảng Dân chủ chủ trương chào đón người nhập cư và tạo điều kiện cho họ có cơ hội xây dựng một cuộc đời mới trên đất Mỹ, cho rằng nước Mỹ bản chất là đất nước của những người nhập cư và bản thân nền kinh tế Mỹ cũng cần người nhập cư.
Về khái niệm “người nhập cư bất hợp pháp” được nói đến trong bài thì có một số cụm từ thường được dùng song song trong tiếng Anh như “unauthorized immigrants” hay “illegal immigrants”, có khi lại dùng cụm từ “undocumented immigrants” (người nhập cư không có giấy tờ). Ngày nay, cụm “illegal immigrants” ngày càng ít được sử dụng hơn.
Phe chống đối lập luận ra sao?
Tưởng như là đã ghi vào Hiến pháp như vậy và có án lệ của Tối cao Pháp viện như vậy thì mọi chuyện đã chắc như đinh đóng cột rồi, làm sao cãi lại được nữa. Nhưng cái hay ở Mỹ là chẳng có cái gì chắc chắn cả. Tất cả mọi thứ đều có thể bị lật đi lật lại, cái gì cũng có thể mang ra tranh luận được. Mà đã tranh luận thì phải chia phe, kẻ nói xuôi người nói ngược, chẳng mấy ai chịu ai.
Phe chống đối quy chế quốc tịch theo nơi sinh, chẳng hạn như một cựu cố vấn an ninh quốc gia của chính quyền Trump là Michael Anton, nói rằng Tu chính án thứ 14 được làm ra để đảm bảo quốc tịch cho cựu nô lệ da đen và con cháu của họ sau khi kết thúc cuộc Nội chiến 1861 – 1865. Vốn dĩ Tu chính án thứ 13 đã bãi bỏ chế độ nô lệ từ năm 1865, có nghĩa là thừa nhận người da đen cũng là người chứ không phải hàng hoá, nhưng người da đen vẫn chưa được coi là công dân như người da trắng. Đó là lý do cần phải có Tu chính án thứ 14 để làm rõ tư cách công dân của người da đen.
Bên cạnh đó, phe chống đối cũng chỉ ra một thực tế là Tối cao Pháp viện chưa từng ra phán quyết nào nói rằng Tu chính án thứ 14 có thể được áp dụng cho người nhập cư bất hợp pháp hay người cư trú hợp pháp tạm thời ở Mỹ.
Vì những lý do đó, phe chống đối cho rằng Tu chính án thứ 14 không thể được viện dẫn để thừa nhận quốc tịch cho bất kỳ ai sinh ra trên đất Mỹ. Việc chính quyền Mỹ lâu nay viện dẫn Tu chính án thứ 14 là hoàn toàn trái thẩm quyền, khuyến khích người nước ngoài nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ hoặc tìm cách lợi dụng chính sách visa để sinh con ở Mỹ. Họ cho rằng việc này cần phải chấm dứt.
Nếu muốn bãi bỏ quy chế quốc tịch theo nơi sinh thì phải làm như thế nào?
Tưởng rằng một nước có truyền thống pháp lý lâu đời và mẫu mực như Mỹ thì việc này phải rõ như ban ngày chứ cần gì phải cãi nhau. Nhưng thực tế không được như thế.
Phe chống đối, mà đại diện nay là Tổng thống Trump, cho rằng chỉ cần một sắc lệnh hành pháp (executive order) của ông là đủ để bãi bỏ quy chế quốc tịch theo nơi sinh. Ông không nói lý do, nhưng có thể hiểu như ở trên, là cơ quan hành pháp Mỹ lâu nay vẫn cấp quốc tịch một cách trái thẩm quyền cho những đứa trẻ có cha mẹ là người nước ngoài hoặc người nhập cư bất hợp pháp, nên giờ đây tổng thống chỉ cần ra lệnh cho cấp dưới ngừng làm việc đó là xong.
Nhưng lại có một luồng quan điểm khác, cho rằng, Tu chính án thứ 14 rõ ràng công nhận quốc tịch theo nơi sinh, nay muốn bãi bỏ thì phải sửa Hiến pháp, nghĩa là phải ban hành một bản tu chính án nữa, chứ không phải bãi bỏ bằng sắc lệnh của tổng thống hay luật của Quốc hội. Nếu tổng thống ban hành sắc lệnh bãi bỏ quy chế quốc tịch này thì sắc lệnh đó sẽ vi hiến. Ngay cả một người cùng đảng Cộng hoà với ông Trump là Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan cũng tán đồng quan điểm này.
Điều đó có nghĩa là, theo họ, bất luận quy chế quốc tịch theo nơi sinh có lợi hay có hại cho nước Mỹ, việc sửa đổi nó vẫn phải tuân theo quy trình sửa đối hiến pháp.
Sửa hiến pháp thì quy trình phức tạp hơn nhiều, vì phải có ít nhất 2/3 thành viên Quốc hội đồng ý, sau đó còn phải được ít nhất 2/3 các tiểu bang phê chuẩn thì mới có hiệu lực. Quy trình đó có thể kéo dài nhiều năm, lâu hơn nhiều so với việc tổng thống tự mình ký một sắc lệnh, chẳng cần phải thông qua ai.
Nếu Tổng thống Trump vẫn ra sắc lệnh thì sao?
Có ý kiến cho rằng việc ông Trump đưa vấn đề này ra ngay trước thềm cuộc bầu cử giữa kỳ vào ngày 6-11 là chủ ý muốn giành thêm phiếu của người Mỹ chống nhập cư.
Tổng thống Trump có toàn quyền ra bất kỳ sắc lệnh nào ông ta muốn, nhưng có hai vấn đề.
Một là cấp dưới của ông có thể từ chối thi hành với lý do nó là sắc lệnh vi hiến, như đã từng xảy ra với sắc lệnh cấm người Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ hồi tháng 1-2017. Khi đó, Quyền Bộ trưởng Tư pháp Sally Yates tuyên bố cơ quan bà sẽ không thực thi sắc lệnh này. Kết quả là bà bị sa thải ít ngày sau.
Hai là sắc lệnh của ông sẽ bị kiện ra toà, như đã từng xảy ra cũng với sắc lệnh nhập cảnh trên. Ở Mỹ không thể tự dưng yêu cầu toà tuyên bố hiệu lực của một sắc lệnh hay một đạo luật được mà phải có tranh chấp phát sinh trên thực tế. Chẳng hạn, trong quá trình thực thi sắc lệnh này, một người nào đó, do bị từ chối quốc tịch do là con của người nhập cư bất hợp pháp, kiện chính phủ Mỹ ra toà để đòi lại quyền có quốc tịch theo Tu chính án thứ 14. Toà có thể tuyên bố sắc lệnh vi phạm Tu chính án thứ 14 và chính phủ phải thừa nhận quốc tịch của người này.
Tuy vậy, tồn tại một khả năng là toà sẽ thiên về ông Trump. Nhất là hiện nay, khả năng đó càng cao, khi đa số các thẩm phán trong Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đều là người do các tổng thống của đảng Cộng hoà bổ nhiệm, trong đó có tới hai người do chính ông Trump bổ nhiệm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét