Triết lý giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa là "Nhân bản-Dân tộc-Khai phóng". Courtesy: Ảnh chụp màn hình youtube/Sài Gòn trước 1975
Việt Nam không có triết lý giáo dục?
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, vào đầu tháng 11 phát biểu trước Quốc Hội về triết lý giáo dục của Việt Nam và kêu gọi Đại biểu Quốc Hội đóng góp ý kiến cho Luật Giáo dục sửa đổi.
Đài Á Châu Tự Do có cuộc trao đổi với Giáo sư Lê Xuân Khoa và Giáo sư Phạm Minh Hoàng xoay quanh vấn đề vừa nêu. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, tại phiên trả lời chất chất vấn Đại biểu Quốc hội vào sáng ngày 1 tháng 11 năm 2018 nêu lên “triết lý giáo dục” của Việt Nam là “triết lý xây dựng đất nước dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đó là xây dựng con người Việt Nam toàn diện, đức trí, thể mỹ, có tinh thần dân tộc, có lòng yêu nước và có trách nhiệm quốc tế”; đồng thời kêu gọi Đại biểu Quốc hội đóng góp ý kiến cho Luật Giáo dục sửa đổi.
Trước lời phát biểu vừa nêu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Đài RFA ghi nhận ý kiến của một số chuyên gia giáo dục ở trong nước cho rằng triết lý giáo dục của Việt Nam không rõ ràng và nếu như có thì triết lý giáo dục được cô đọng trong Bộ luật Giáo dục năm 2005 cũng như cương lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam về giáo dục.
Giáo sư Phạm Minh Hoàng, người từng giảng dạy đại học ở Việt Nam trong 10 năm và và bị Chính quyền Hà Nội cưỡng bức đi Pháp hồi hạ tuần tháng 6 năm 2017 nói rằng lời tuyên bố về triết lý giáo dục Việt Nam của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bị thiếu một yếu tố quan trọng nhất. Giáo sư Phạm Minh Hoàng nhấn mạnh về yếu tố mà ông Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã không nhắc đến:
“Câu quan trọng nhất mà ông không nói là những con người trung thành với Chủ nghĩa Xã hội, trung thành với chủ thuyết Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Phải nói rằng đó là những câu rất quan trọng. Việt Nam có những trường đại học đã được tự chủ rồi nhưng thật sự tự chủ rất là giới hạn và cũng rất là hình thức. Có thể họ cho phép được tự do trong một số môn học nào đó. Nhưng khẳng định những môn về triết lý, về khoa học xã hội, về Marx-Lenin, về tư tưởng Hồ Chí Minh, về lịch sử Đảng vẫn phải giữ. Cho dù có cải tổ như thế nào đi chăng nữa mà vẫn duy trì trong Luật Giáo dục Việt Nam cũng như Cương lĩnh của Đảng về giáo dục và giữ ‘cái vòng kim-cô’ của Đảng là tôn thờ chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh thì chúng ta sẽ không thay đổi được gì cả.”
Qua các cuộc trao đổi của Đài Á Châu Tự Do với giới trí thức và các chuyên gia giáo dục ở Việt Nam, không ít người cho biết họ mong muốn ngành giáo dục nên kế thừa triết lý giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) và tinh thần triết lý về văn hóa của Việt Nam, như Tiến sĩ Mạc Văn Trang, một cựu viên chức làm việc hơn 30 năm ở Viện Khoa học Giáo dục lên tiếng rằng ông đã từng viết bài kêu gọi Bộ Giáo Dục nên đưa ra triết lý nhân bản, dân tộc, khai phóng như của nền giáo dục thời VNCH thì mới đúng bản chất của giáo dục.
Triết lý giáo dục của VNCH
Giáo sư Lê Xuân Khoa, một chứng nhân của lịch sử giáo dục tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975, từng giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Giáo Dục VNCH giải thích về ba nguyên tắc của triết lý giáo dục được Hội nghị Giáo dục Toàn quốc họp bàn và đưa ra vào khỏang năm 1956, là thời điểm 1 năm sau khi Chính phủ Pháp hoàn toàn trao trả độc lập cho Chính phủ miền Nam Việt Nam:
“Nhân bản tức là nói về con người, lấy con người làm cơ sở cứu cánh. Cho nên, nền giáo dục phải chú trọng đến con người và phát triển con người toàn diện, một con người với giá trị phổ quát của nhân loại. Trong khi nói về tính cách với cơ sở nhân loại như vậy thì vẫn phải có cá tính của Việt Nam, là cá tính dân tộc. Nuôi dạy một đứa bé từ nhỏ đến lớn thành mộ trí thức thì trí thức đó có cơ sở của nhân loại và có cơ sở của Việt Nam để đóng góp vào cộng đồng nhân loại. Đó là đặc tính dân tộc. Và thứ ba là vấn đề khai phóng, chuyên về khoa học nhiều hơn. Bởi vì Việt Nam trong hòan cảnh là một quốc gia chậm tiến; hay bây giờ người ta dùng chữ đẹp đẽ hơn, gọi là quốc gia đang phát triển do đó khai phóng là mở cửa ra đón nhận tất cả những tinh hoa, đặc biệt về khoa học công nghệ thế giới, nhất là của Tây phương.
Đón nhận như vậy thì vừa có có sở nền tảng con người nhân bản, vừa có đặc tính của dân tộc Việt Nam và vừa đón nhận được khoa học tiến bộ của Tây phương thì con người như vậy là con người toàn diện.”
Đóng góp ý kiến
Giáo sư Lê Xuân Khoa, sau ngày 30/04/1975 định cư ở Hoa Kỳ và có thời gian là giáo sư thỉnh giảng tại trường Cao học Nghiên cứu Quốc tế, thuộc Đại học Johns Hopkins. Từ năm 2007, ông được cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt mời về Việt Nam tham vấn một số dự án cho tiến trình phát triển quốc gia. Trả lời câu hỏi của RFA liên quan guống máy nhà nước Việt Nam có thực tâm lắng nghe cũng như cân nhắc những ý kiến đóng góp của giới nhân sĩ trí thức qua sự kêu gọi của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho Luật Giáo dục sửa đổi, Giáo sư Lê Xuân Khoa nhận định:
“Các ông quản lý ở Việt Nam cứ hoảng hốt, sợ thay đổi trong khi vẫn nhìn nhận rằng nếu không thay đổi thì không được. Nhưng khi làm việc để thay đổi thì lại rụt rè. Bới vậy giới trí thức ở trong nước sáng suốt, nghĩ ra những cách để thay đổi dần dần, lấy tiêu đề về giá trị của Phan Chu Trinh, mà chính trong nước cũng phải nhìn nhận, là con đường chấn dân khí, nâng cao dân trí. Cho nên có những chuyện như Nhà xuất bản Trí Thức của Giáo sư Chu Hảo. Đấy là con đường đi từ từ để nâng cao dân trí của nhân dân theo kịp với thế giới. Nhưng họ lại ngăn cản chuyện đó. Vì thế, bàn luận về tương lai giáo dục của Việt Nam, tôi không nghĩ rằng họ sẽ dựa vào những cơ sở tiến bộ như của VNCH đã nêu ra. Hay như ông Vũ Đức Đam đặt vấn đề đi vào vấn đề ‘dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh’ thì tôi thấy khẩu hiệu rất hay, nhưng không chắc đã làm. Vấn đề đặt ra cho Chính phủ Việt Nam bây giờ là nói thì hãy làm đi. Và đừng lo sợ ai sẽ làm hại gì mình hết. Nếu mình làm thì người ta sẽ chấp nhận và ủng hộ.”
Không có dấu hiệu lạc quan
Giáo sư Phạm Minh Hoàng khẳng định qua thời gian 17 năm sinh sống ở Việt Nam và 10 năm làm việc trong ngành giáo dục từ năm 2000 đến năm 2017, ông cảm thấy ngành giáo dục của Việt Nam sẽ không có tương lai tươi sáng cho dù giới nhân sĩ trí thức luôn tích cực trong việc đóng góp ý kiến để cải tổ ngành giáo dục hiện nay. Giáo sư Phạm Minh Hoàng lý giải:
“Chắc là mọi người cũng nhớ hồi năm 2013, Nhà nước kêu gọi mọi người trong xã hội Việt Nam đóng góp ý kiến trong việc sửa đổi Hiến pháp. 82 trí thức Việt Nam đã ký tên góp ý về vấn đề này. Ông Nguyễn Phú Trọn,g lúc đó làm Chủ tịch Quốc hội, bảo rằng những người đóng góp ý kiến đó là suy thoái. Tôi không hiểu vì sao họ kêu gọi và người ta đóng góp ý kiến, trong khi họ chưa nghe gì cả thì đã nói người ta suy thoái rồi? Đối với ông Nguyễn Phú Trọng, chỉ có những nhận định chính thức do Nhà nước chủ động, chẳng hạn như Quốc hội hay Mặt trận Tổ quốc thì mới xứng đáng. Đâu chỉ một kiến nghị như vậy mà còn nhiều những kiến nghị khác về giáo dục, về mối trường…Tôi nghĩ rằng họ chỉ kêu gọi cho có mà thôi chứ không bao giờ lắng nghe gì cả. Và tệ hại hơn nữa, họ dàn dựng ra những tổ chức mà họ điều khiển để đưa các kiến nghị theo chiều hướng của Đảng và của Nhà nước muốn. Tôi cho là ngày nào mà họ còn có những hành động, tạm gọi là ‘ma mị’ như thế thì chúng ta không thể làm được gì tốt đẹp cả.”
Giáo sư Phạm Minh Hoàng đưa ra số liệu Việt Nam có đến 24 ngàn tiến sĩ và 6000 giáo sư, nhưng chưa có ghi nhận về Việt Nam góp phần đáng kể trong lãnh vực khoa học toàn cầu. Vị giáo sư bị Chính quyền Việt Nam trục xuất ra khỏi nước nói rằng ông thật là bi quan khi thấy Việt Nam bị xếp hạng vào danh sách cuối bảng của thế giới, chỉ trên Libya và Syria về lãnh vực giáo dục, trong bảng xếp hạng của Liên Hiệp Quốc.
Trong khi đó, Giáo sư Lê Xuân Khoa cho rằng mục tiêu của các nhà lãnh đạo Việt Nam đặt ra cần thiết phải xây dựng đại học “đẳng cấp quốc tế” và hướng đến nền giáo dục tiên tiến, mà không có những nhân vật có tầm như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và cố cựu Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch cũng như không thật sự tạo điều kiện để thực hiện mục tiêu thì “thời gian không chờ đợi Việt Nam trên vũ đài thế giới”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét