Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2018

10784 - Chuyện nước Anh: Từ ‘lương sáu số’ đến thành homeless


Nước Anh giờ đã vào mùa đông và nhiệt độ có thể xuống 0 độ C, là khoảng thời gian khắc nghiệt đối với những người phải ngủ ngoài đường. Hình minh họa.


Darren sinh ra tại Anh nhưng từng quản lý hàng chục nhân viên trong ngành công nghệ thông tin và có mức lương tới 300.000 đô la một năm tại Hoa Kỳ. Nhưng rồi ông mắc hết bệnh này tới bệnh khác, bị nhồi máu cơ tim tới mức phải nghỉ việc và có bao nhiêu tiền lương hưu tích luỹ được khi làm việc ở Hoa Kỳ lấy ra tiêu hết. Kết quả là ông thành người không nhà ít lâu sau khi trở lại xứ Wales của Anh và sống vạ vật ở vùng biển Anglesey.
Darren, không phải tên thật của ông là một trong số hơn 10 người có mặt trong tường thuật đặc biệt của BBC về người không nhà sống ở gần các bãi biển của nước Anh hồi đầu năm 2018.
Số liệu mới được tổ chức giúp đỡ người không nhà Shelter công bố vào tháng 11/2018 xác nhận trong ba tháng đầu năm nay số người ngủ vạ vật ngoài đường ở Anh lên tới mức kỷ lục – 320.000 người.
CNN tính ra cứ 200 người Anh thì có một người không nhà. Hãng tin này cũng dẫn số liệu nói London là vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất với gần 168.000 người bị coi là không nhà cửa, tức là cứ khoảng 50 người lại có một người ngủ vạ vật.
Ngay từ hồi cuối năm 2017, BBC cũng đã đưa tin số hộ gia đình không nhà ở Anh tăng tới hơn 60% và các chuyên gia nói lý do chính là chính sách khắt khe hơn của Đảng Bảo thủ đối với trợ cấp xã hội.
Trong số những người sống ở những nơi tạm bợ hồi cuối năm 2017 có hơn 120.000 trẻ em.
Đảng Bảo thủ giảm số tiền trợ cấp cho người nghèo và chuyển nhiều gia đình ở nhà trợ cấp ra khỏi các vùng đắt đỏ như London. Người ta đã làm phim tài liệu về các cụ già tóc đã bạc phơ bị đưa lên xe buýt để tới những vùng xa xôi hơn nhưng ít tốn kém hơn cho chính phủ.
BBC nói mỗi năm các hội đồng địa phương phải bỏ ra hơn một tỷ bảng để đối phó với cuộc khủng hoảng không nhà cửa của hơn 77.000 hộ gia đình, chủ yếu là tiền thuê nơi ở tạm cho họ.
Tại một nước giàu hàng đầu thế giới, những con số thống kê trong thời gian vừa qua cho thấy một bức tranh ảm đạm về số người mà giấc mơ của họ chỉ là đêm có giường nằm và ngày có cơm ăn.
Phóng sự đặc biệt của BBC hồi đầu năm nay cho thấy những người không nhà có thể là bất cứ ai. Trong số những người được phỏng vấn có những người làm đủ nghề, từ người dọn rác tới thợ cơ khí hay sử gia. Có những người ở tuổi đôi mươi, có người đã già. Người ta nói nhiều người ở Anh chỉ cần không có lương hai tháng là đã có nguy cơ mất nhà rồi.
Ở vùng biển Brighton, cách London không xa, phóng viên BBC gặp một người lấy tên là Robert vì không muốn dùng tên thật. Anh này nói thà ở tù còn hơn ngủ ngoài đường:
“Cuối cùng tôi phải ngồi tù vì nghiện ma tuý. Tôi ở tù hai năm và có cơm ăn ba bữa, có giường ngủ. Tôi biết đó là nhà tù nhưng nó an toàn, an toàn hơn ở ngoài đường. Khi ra tù, tôi không được coi là ưu tiên để xét cấp nhà trợ cấp. Đó là vì tôi khoẻ mạnh lại là đàn ông độc thân, không có bạn đời.”
Tường thuật của CNN cho hay Brighton là vùng có cuộc khủng hoảng người không nhà trầm trọng chỉ sau London. Tại Brighton, cứ 67 người lại có một người ngủ đường ngủ chợ. Tiếp theo đó là Birmingham và Manchester với các con số tương ứng là cứ 73 người có một và cứ 135 người có một.
Tổ chức từ thiện chuyên giúp người không nhà Shelter đưa ra con số người sống vạ vật vào lúc này không phải là không có ý của họ. Nước Anh giờ đã vào mùa đông và nhiệt độ có thể xuống 0 độ C. Đây là khoảng thời gian khắc nghiệt nhất đối với những người phải ngủ ngoài đường.
Thị trưởng London Sadiq Khan hôm 29/11 vừa khai trương các điểm đóng góp giúp người không nhà chỉ bằng cách chạm thẻ ngân hàng vào bảng điện tử có tại một số nơi trong thành phố. Chủ thẻ ngân hàng sẽ đóng góp ba bảng mỗi lần chạm thẻ. Riêng trong ngày đầu đã có gần 500 người đóng góp số tiền tổng cộng gần 1.500 bảng.
Một số tổ chức từ thiện từ lâu nay vẫn tổ chức phát thức ăn miễn phí mỗi chiều tối tại các khu trung tâm London. Có những điểm có tới gần 100 người xếp hàng lấy thức ăn. Một trong những điểm như thế nằm ngay sau cơ sở của Học viện Kinh tế Chính trị London LSE trên đường Kingsway.
Ngoài mùa đông giá lạnh, một mùa Giáng Sinh cũng đang tới gần. Thị trưởng London nói năm ngoái người dân thành phố này đã đóng góp từ thiện 200.000 bảng để giúp đỡ những người không nhà. Ông hy vọng người ta sẽ lại mở hầu bao và đóng góp hào phóng tại các điểm nhận tiền chỉ qua chạm thẻ hay qua mạng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét