Thưa Anh, tôi xin gọi như tôi vẫn gọi anh như thế cho thân mật, để tôi có thể nói huỵch toẹt ra những điều cần nói với anh. Còn cái chức vụ cao quý mà Quốc hội của Đảng đã bầu thì nhất thiết phải kính nhi. Ngày xưa khi vua chúa mới lên ngôi rất chú ý đến những cái “dớp”, tức là những hành động hoặc hiện tượng có tính sái, nghĩa là bất thường. Ví như lụt bão, hạn hán, sao chổi xuất hiện, núi lở, sông đổi giòng, cả hiện tượng lạ bất thường như gà gáy nửa đêm, chim chóc đột nhiên bay loạn xạ, kêu xao xác…
Nếu có những điều như thế thì nhà vua thường lập trai đàn cầu cúng và ăn năn, sám hối những lỗi lầm của bản thân hoặc của các quan lại cấp dưới. Điều đó có tác dụng làm yên ổn lòng mình mà còn làm thần dân an tâm. Cố nhiên phải sám hối cho thành tâm, như C. Mác nói “Sám hối thật lòng thì có cơ cứu rỗi”. Tôi dẫn một ví dụ: Triều vua Lê Nhân Tông (TK 15), Việt Sử Thông Giám Cương Mục ghi: “Đại hạn…Nhà vua bèn hạ chiếu xét mình.
“Luôn mấy năm nay hạn hán thóc lúa hỏng, không thu hoạch được; dân tình sầu oán!
“Có lẽ vì trẫm không hết sức thành thực để cảm cách lòng trời, không tròn đạo hiếu để kính thờ tông miếu? Lại không biết sử dụng người hiền năng, còn những người mình dùng đó đều là hạng người mờ tối nhỏ nhen mà nên nỗi chăng?
“Hay là nạn hối lộ thịnh hành và việc nữ sắc quá nhiều chăng?
“Hay là không cẩn thận tiết độ trong việc tiêu dùng, làm hao hại tiền tài của dân chăng?
“Hay là đại thần giúp rập chưa làm hết phận sự điều hòa xoay chuyển trời đất chăng?
“Tướng súy và bầy tôi nơi phiên trấn chưa biết yêu thương quân dân, làm nhiều việc xà xẻo bóc lột chăng?
“Các chức thú lệnh không biết vỗ về chăn nuôi dân, chỉ chăm bề xâm phạm đục khoét của dân mà đến nỗi thế chăng?
“Hay là quan coi hình ngục không biết giữ sự công bằng, chỉ rông rỡ tham lam khắc nghiệt, khiến cho oán khí bốc xông lên trên đến nỗi thế chăng?
“Hay là các quan thừa hành chỉ chuyên ưa chuộng giấy tờ tư văn, làm cho ơn trạch không nhuần thấm xuống dưới, tình hình kẻ dưới không đề đạt được lên trên chăng?
“Những nhà quyền quý cậy thế ra oai làm cho người dân nhỏ mọn phải chịu oan uổng chăng?
“Người làm chủ súy đảo lộn công lao của quân nhân, làm hại đến phép công chăng?
“Chằm đã khô cạn không có cá, thế mà ngạch thuế vẫn chưa giảm bớt, dân còn phải nộp thuế khống chăng?
“Con cháu các nhà công thần kỳ cựu chưa lục dụng được hết chăng?
“Những lỗi lầm dồn dập chứa chất ấy làm thương tổn đến khí hòa của trời đất. Vậy nay nếu không kê cứu lời xưa dạy bảo sửa lỗi và tìm hết đường lối xét mình thì làm thế nào để trên có thể xoay lại lòng trời, dưới có thể cứu chữa đau khổ cho dân được?
Tờ chiếu vừa ban xuống thì buổi tối hôm ấy trời mưa”. (Sđd, Nxb Văn Sử Địa Hà nội. T X. Tr 16, 17.)
Tôi nghĩ, “những lỗi lầm dồn dập chứa chất ấy”, ngày nay đầy rẫy từ trung ương đến địa phương, tệ hại, khốn nạn hơn xưa nhiều lắm!
Có môt cái dớp rất lớn, rất tệ hại mà anh vừa lên ngôi chỉ vài ngày thì xảy ra. Cái Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã làm một việc mà dân họ gọi là vừa ngu, vừa điên, nó tố cáo với thế giới và với dân nước rằng cái đảng mà anh là TBT vừa thù ghét trí thức, vừa kỳ thị tri thức. Trí thức thì người xưa gọi là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí mạnh thì thế nước mạnh, mà suy thì thế nước yếu.
Các bậc thánh trí minh vương phải làm không biết đến đâu là cùng để bồi đắp cho nguyên khí. Có thể nhận định rằng cái UBKTTW đã chẳng biết gì về những tư tưởng tốt đẹp của tổ tiên mà hành xử thì rõ ràng là đã chửi bới lại cả tổ tiên. Ông bà bảo phải làm không biết đến đâu là cùng, còn họ ra một quyết định ngớ ngẩn không thể biện hộ. Người nhà anh có tư tưởng tiến bộ, anh vùi dập, thử hỏi ai tin được anh còn biết tôn trọng người ngoài? Ra cái nghị quyết ngớ ngẩn ấy, họ đã phạm ba sai lầm.
Thứ nhất, họ khẳng định rằng đảng của anh không cần kiến thức, tri thức, chỉ cần tụng mấy câu Mác-Lê là đủ. Nhưng có thể đảng không cần trí tuệ vẫn có thể cầm quyền. Nhưng dân và xã hội, thì không. Cấm dân mở rộng tri thức, chỉ là hành vi của bạo chúa, ngu tối, chúng cần dân ngu để dễ cai trị! Cớ sao anh lại đồng tình? Anh có thật lòng không, hay là lừa dối, khi anh kêu gọi tìm đột phá về lý luận. Làm sao có đột phá khi hành xử thô bạo như vậy với trí thức. Anh Chu Hảo và nhiều người khác không chỉ là đảng viên của đảng, họ còn là trí thức của đât nước!
Thứ hai, cấm người đảng viên trí thức không được nghĩ khác, nói khác ý kiến ban lãnh đạo. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc, phân biệt giữa tư tưởng của các vị tổ sư Mác và Ăng-ghen với đám phản đồ như Lênin, Stalin, Mao… Sinh thời Ăng-ghen phải kêu trời vấn đề này, ông từng nói: “Phải chấm dứt một tình hình tế nhị. Cớ sao các đảng viên, thay cho coi các quan chức của đảng là đầy tớ để bảo ban và phê bình, thì quay ra coi họ là đám quan-liêu-không-bao-giờ-mắc-sai lầm”.
Như thế là mối quan hệ đảng viên và đám quan chức của đảng đã từng được xác lập theo quan hệ của đông đảo đảng viên là chủ thể và quan chức chỉ là “serviteur”, người phục vụ (đầy tớ, công bộc). Tôi không hiểu vì sao anh là trí thức lại rập khuôn sao chép y chang mô hình của Xô Viết và Diên An. Chắc anh cũng hiểu, chỉ những tổ chức theo kiểu ma-phia hoặc phát-xít thì mới bắt đàn em phải tuân phục đại ca (thủ lĩnh) vô điều kiện! Kéo dài những phương thức của một mô hình xã hội-chính trị vừa lỗi thời, vừa phản động, lại đã phá sản, mà lịch sử đã lên án, thử hỏi chúng ta có chính danh hay không?
Thứ ba, hành xử của cái UBKT rõ ràng đang làm cho tình trạng quân hồi vô phèng phát triển. Việc quản lý in ấn phát hành đã có một cơ quan nhà nước là Cục Xuất bản đảm nhiệm, theo luật pháp và thẩm quyền chuyên môn. Anh là một ngành chuyên môn cụ thể, lại nhảy bổ vào đi làm chuyện của một cơ quan chuyên môn khác, tạo ra sự nghi ngờ về thẩm quyền và tư cách nhà nước của cơ quan này, nếu không gọi là vô chính phủ thì gọi là gì? Làm sao xã hội có thể tin được rằng một anh vụ trưởng kiểm tra lại có đủ trình độ để thẩm định một tác phẩm có hàm lượng trí tuệ và khoa học, triết học mà chỉ có những chuyên gia liên ngành may ra mới đánh giá được! Theo Mác, chỉ có duy nhất một phương thức để đối xử với tác phẩm là: nghiên cứu và phê bình, mọi hình thức kiểm duyệt chỉ là biện pháp sen đầm, thậm chí là biện pháp sen đầm tồi. Thành thử sai lầm này lại là môt sai lầm kép, nó chứa trong nó chẳng những là sự ấu trĩ (non nớt) mà còn là sự phá hoại.
Để phỉ phui mấy cái dớp này, không cứ mua bồ kết đốt vía mà được. Anh phải thành tín làm ngay một vài việc có ý nghĩa chấn động lòng người, may ra mới chấn động đến lòng trời, rồi họa may anh mới được chuyển nguy thành an được.
Hãy ra một chỉ thị của President (1), yêu cầu giải quyết vụ Thủ Thiêm, trước hết từ nay đến Tết Kỷ Hợi phải trả lại nhà đất ngoài quy hoạch cho dân oan đã bị cưỡng chế sai.
Nhân dịp Tết Kỷ Hợi hãy đặc xá, trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm. Ngày xưa Vua Lý Nhân Tông, mùa đông, ngồi trong cung có áo ngự hàn, đốt củi sưởi mà vẫn rét, liền nghĩ ngay đến người tù, những con người cùng khổ nhất, bèn lệnh tăng phần ăn, cấp thêm chăn chiếu và đặc biệt là thả hết những người bị giam mà chưa thành án! Huống nữa là anh chị em tù nhân lương tâm, họ chỉ hoạt động vì mong muốn đất nước tự chủ, không làm tôi mọi cho Trung hoa Đại Hán bành trướng, mong làm lành mạnh hóa chính quyền, mong người dân thực sự có tự do dân quyền… Không nên coi họ là người có tội!
Nếu làm được ba điều ấy trước Tết, anh sẽ xua khỏi mình những tà khí, sẽ tạo ra trong đất nước một luồng sinh khí mới. Và như thế công việc của anh, đi tìm người hiền tài thay thế đám “quan liêu không bao giờ mắc sai lầm”, may ra mới hanh thông.
Còn bây giờ, tôi xin nói chuyện đường dài với anh.
Bây giờ anh không chỉ là người của 4 triệu (thật ra anh chỉ là người của vài ba ngàn đại biểu bầu cho anh thôi). Cứ xem ông Tương Lai tuyên bố không muốn cùng đảng với anh thì biết, có cả nhiều vạn người từ bỏ anh âm thầm lặng lẽ, đút hồ sơ đảng viên vào ngăn kéo, không thèm nạp cho tổ chức. Cuộc thoái đảng này họ đã làm một cách rất Lạc Việt. Với cương vị Nhà nước mới, anh phải là người của 90 triệu. Nếu anh cứ khư khư chỉ là người của đảng, tính chính danh “Chủ tịch Nhà nước” sẽ không còn. Cứ xem Tổng thống các nước, mỗi khi đắc cử bao giờ cũng tuyên bố phải phục vụ cho cả những người không bầu cho họ.
Nên giao chức Tổng bí thư cho người khác. Cố nhiên không được giao cho những kẻ cơ hội, làm tay sai cho Tàu. Hãy từng bước tự chuyển hóa, chuyển biến, từ bỏ cái gọi là chủ nghĩa Mác Lê. Cái chủ nghĩa Mác Lê gắn với mô hình xã hội chính trị có tên gọi là chế độ xã hội chủ nghĩa đã bị Thế giới lên án. Nghị viện châu Âu lên án nó là mang tội diệt chủng, phản nhân loại. Gần đây Tổng thống Donald Trump giữa Đại hội đồng LHQ đã tiếp tục lên án CNXH, mà cả Trung Hoa, cả Việt Nam đều im tiếng không dám cãi lại một lời.
Lịch sử 100 năm nay cho thấy, những nhà nước XHCN đều là những nhà nước tiếm quyền, độc tài toàn trị, đều đem lại thảm họa cho đất nước của họ. Riêng ở nước ta từ khi “Đổi mới”, thực chất đã không dám nói đi theo CNTB, nhưng vốn, kỹ thuật và một phần lớn phương thức chủ nghĩa tư bản đã được áp dụng. Không phải nhờ đường lối XHCN của đảng, mà thật sự là nhờ những yếu tố quan trọng này, mà nước ta đã có những hạ tầng kinh tế xã hội theo hướng hiện đại, nhờ thế mà nền kinh tế đã có thể hòa nhập khá sâu với thế giới. Nhờ nó mà các anh đã có thể tiếp tục đánh tráo khái niệm và lừa dối nhân dân, rằng nhờ đảng mà có cơ ngơi như ngày nay.
Cần nói cho rõ ràng rằng, với sự lãnh đạo “tài tình sáng suốt” của đảng chỉ kể từ “đổi mới” đến nay, tổng đầu tư cho công nghiệp hóa hiện đại hóa của VN (theo sự tính toán của nhiều nhà nghiên cứu) thì đã gấp đôi của Hàn Quốc để công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước họ. Hơn nữa họ đã hoàn thành trong một thời gian kỷ lục. Chỉ trong vòng hơn 30 năm, họ đã có một hạ tằng giao thông gồm đường bộ, đường sắt, hàng hải hàng không hiện đại, một nền kinh tế mạnh xếp thứ 10 của thế giới, có một nền khoa học, giáo dục tiên tiến đáng ngưỡng mộ, lại có một nền tư pháp đủ sức điều tiết bất kỳ hành vi tội lỗi, dẫu là của đương kim hay cựu Tổng thống. Ở nước ta, công trình của đảng chỉ là một nền kinh tế bệnh hoạn, một nền khoa học giáo dục, nói như Lênin “là 9 phần sai lầm, 1 phần là dối trá”, Luật pháp thì như rừng mà xử thì như luật rừng. Một Chính quyền hành dân là chính, ăn không kể thứ gì, có đầy đủ cả ba tính chất (như Lênin nói), dốt, tham và cậy quyền.
Không phải ngẫu nhiên mà anh Trương Tấn Sang nhân kỷ niệm 19-8 và 2-9 đã viết bài khá cảm khái. So sánh nước ta với các lân bang và nêu ra yêu cầu phải “gạt qua một bên, loại trừ” những yếu tố cản trở sự phát triển của Dân tộc. Những đảng viên quan chức cao cấp đã bắt đầu nhận thấy những dấu hiệu đồi trụy của đảng, người thì nói “lỗi hệ thống”, người thì nói “sâu một bầy”, “ăn đủ mọi thứ” … Chắc anh cũng biết những điều đó, có điều anh đang sợ vỡ bình, lại sợ mất quyền lực, mất ghế. Nhưng ngay những tên độc tài trên thế giới từng ép cả quốc hội ra luật để chúng làm tổng thống mãn đời, thì hậu vận đâu có ra gì, chết đi, mà dân còn tiếp tục nguyền rủa. Chi bằng sám hối để còn được dung tha, thanh thản mà còn lưu phúc cho con cháu.
Anh là tiến sỹ, giáo sư, sao anh không hiểu rằng cái gọi là chủ nghĩa Mác-Lênin thực ra là mớ hổ lốn, mà đám phản đồ hớp lấy những thứ cặn bã mà chính Mác và cả Ăng-ghen đã thải bỏ. Về lý tưởng cộng sản, hai ông ấy khẳng định “đó chỉ là những ý nghĩ trẻ con lúc đầu đời và đã vứt bỏ lúc cuối đời”. Mác tự mình chối bỏ cái gọi là chủ nghĩa Mác.
Có hai điều mà Mác và Ăng-ghen đưa vào Tuyên ngôn cộng sản là “xóa bỏ tư hữu” và thi hành nền chuyên chính vô sản, lấy giai cấp vô sản công nhân làm lãnh đạo, làm “người đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản”. Cả hai điều đó, mà Lênin và bọn phản đồ đã cho là cột trụ của cái gọi là chủ nghĩa Mác-Lê, thì chính nó là hai thứ cặn bã mà tự Mác đã thải ra. Hớp lấy cặn bã để dựng học thuyết, phỏng ra cái gì?
Về tư hữu thì cuối đời Mác đã phủ định, và cho rằng “Những người sản xuất chỉ có được tự do một khi họ có quyền sở hữu: đất đai, nhà xưởng, tàu thuyền, ngân hàng tín dụng…” (2) Về giai cấp công nhân thì ông cho rằng “Một khi giai cấp công nhân đoạt được chính quyền, họ sẽ thúc đẩy một thể chế ủy trị, để cho một nhóm người đứng ra đại diện họ (cn) và cai trị họ. Ngay lập tức, họ sẽ rơi tõm vào sự lừa dối và lệ thuộc. Sau một hồi hưng phấn cách mạng trong một kiểu nhà nước mới, họ sẽ bừng tỉnh, thấy mình là nô lệ, con rối và con mồi của những tham vọng mới”. (2)
Như thế là cả hai cái cột trụ của chủ nghĩa Mác-Lê chỉ là cái cặn bã đã được Mác thải bỏ. Cả về lý thuyết lẫn thực tiễn đều đã bị nhân loại tiến bộ lên án. Các nước XHCN hiện tồn tại đều thực hiện chế độ tư hữu đỏ mập mờ, hoang dại và tham tàn, khiến cho dân tộc chia ly, suy đồi, rối loạn kỷ cương, giá trị. Cái gọi là giai cấp vô sản thực sự đã từ tên phu đào huyệt trở thành kẻ nô lệ, đau đớn hơn, họ đã trở thành con mồi của những tham vọng mới. Bọn tham vọng mới chính là bè lũ quan liêu không bao giờ mắc sai lầm bám vào chủ nghĩa Mác-Lê để lừa bịp, cai trị và cướp bóc. Nếu anh còn chút lương tri, xin hãy tỉnh ngộ, bóc trần mọi dối trá, trả lại cho dân tộc sự lành mạnh văn hóa và tinh thần, để cho Việt nghĩa là vươn lên, vượt lên, siêu việt lên vào một thời kỳ mới nhịp cùng nhân loại văn minh tiên tiến ngày nay!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét