Đài Loan : Người ủng hộ Quốc Dân Đảng
(KMT) mừng chiến thắng của ứng cử viên của đảng ở Cao Hùng. Ảnh ngày 24/11/
2018.REUTERS/Tyrone Siu
Đảng Dân Tiến Đài Loan có lập trường
ly khai với Hoa Lục đã thua đậm trong cuộc bầu cử cấp địa phương cuối tuần qua.
Cử tri Đài Loan đã trừng phạt đảng Dân Tiến do những khó khăn kinh tế và chính
sách đối nội của tổng thống Thái Anh Văn. Và đó không hẳn là những lá phiếu bày
tỏ sự bất đồng về chính sách ly khai với Bắc Kinh của chính quyền Đài Bắc đương
nhiệm.
14 tháng trước bầu cử tổng thống Đài
Loan, Bắc Kinh hy vọng kết quả bầu cử cấp vùng ở bên kia bờ eo biển Đài Loan
vừa qua, là tín hiệu báo trước sự trở lại của Quốc Dân Đảng, vốn có lập trường
hòa hoãn hơn với Bắc Kinh. Người tiền nhiệm của bà Thái Anh Văn thậm chí còn
nêu lên khả năng thống nhất với Đại Lục. Nhưng trong mắt nhiều nhà quan sát
phương Tây, yếu tố Trung Quốc chỉ có thể giải thích một phần thất bại của đảng
Dân Tiến.
Quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan
xấu đi kể từ khi bà Thái Anh Văn lên cầm quyền năm 2016. Chủ trương không khoan
nhượng của vị nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử của Đài Bắc gây trở ngại
trong đối thoại với Bắc Kinh. Số lượng du khách Trung Quốc tham quan xứ Đài
giảm mạnh gây thiệt hại không nhỏ cho ngành du lịch, khách sạn ... Dưới quyền
tổng thống Thái Anh Văn, Đài Loan gia tăng các cuộc thao diễn quân sự và liên
tục tìm cách nâng cao khả năng phòng thủ.
Để trả đũa, Bắc Kinh sử dụng từ đòn
quân sự đến ngoại giao và kinh tế để trừng phạt Đài Bắc. Thí dụ như qua việc
gây sức ép để những đồng minh thưa thớt của Đài Loan bỏ rơi hòn đảo này. Tuy
nhiên, theo một số các nhà quan sát, cho rằng thất bại vừa qua của đảng Dân
Tiến và bà Thái Anh Văn mở đường cho Quốc Dân Đảng trở lại cầm quyền sẽ là một
sai lầm.
Trả lời hệ thống truyền hình Mỹ CNBS,
Sean King thuộc cơ quan tư vấn Park Strategies giải thích : đảng Dân Tiến thua
đậm do cử tri Đài Loan bất bình vì chính sách đối nội của đảng này và của nữ
tổng thống Thái Anh Văn. Hai biện pháp cải tổ liên quan đến mức lương hưu và
tuổi về hưu đặc biệt gây công phẫn trong dư luận. Chuyên gia này không vòng vo
khi cho rằng Bắc Kinh "thừa
nước đục thả câu" gắn liền kết quả bầu cử vừa qua với chính
sách của Đài Bắc đòi tách rời khỏi Hoa Lục. Sean King cho rằng bước kế tiếp là
Trung Quốc sẽ yểm trợ Quốc Dân Đảng trong cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan kỳ
tới. Năm 2015 tổng thống ông Mã Anh Cửu của Quốc Dân Đảng là lãnh đạo Đài Loan
đầu tiên họp thượng đỉnh với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Nhật báo Singapore, Strait Times cũng
đưa ra nhận định tương tự khi cho rằng, chính những khó khăn kinh tế của Đài
Loan ở vào thời điểm này, là yếu tố quyết định trong cuộc bầu cử cách nay hai
hôm, nhưng xét cho cùng, thành tích kinh tế của bà Thái Anh Văn không tệ hơn so
với thời kỳ ông Mã Anh Cửu (Quốc Dân Đảng) cầm quyền. Nếu nhìn vào tỷ lệ tăng
trưởng, thì hiếm khi nào GDP của Đài Loan đạt thành tích 3 % như trong năm vừa
qua. Tỷ lệ thất nghiệp xuống tới mức thấp nhất kể từ thập niên 1990.
Có
điều, theo tờ báo này, công luận Đài Loan, khó chấp nhận các biện pháp cải tổ
theo chiều hướng tự do của bà Thái Anh Văn. Ngay cả về mặt xã hội, người dân xứ
này cũng chưa sẵn sàng chấp nhận hôn nhân đồng tính ... Nhà chính trị học
Austin Wang, đại học Nevada Hoa Kỳ kết luận : thống nhất hay không Đài Loan với
Trung Quốc không phải là yếu tố quyết định trong cuộc bầu cử lần này. Do vậy
đừng quá vội vàng nhận xét rằng sau khi từ chức chủ tịch đảng Dân Tiến, chiếc
ghế tổng thống của bà Thái Anh Văn bị lung lay. Sẽ là một sai lầm nếu nghĩ rằng
viễn cảnh bà ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ đã thuộc về quá khứ.
Lãnh
đạo một phong trào dân sự Đài Loan được Strait Times trích dẫn, giải thích :
phạt bà Thái Anh Văn qua lá phiếu không có nghĩa là cử tri Đài Loan muốn ngả
vào vòng tay của Trung Quốc. Chủ trương đẩy mạnh quan hệ với Hoa Kỳ của Đài Bắc
được công luận Đài Loan tán đồng.
Tuy
nhiên giới phân tích nhìn nhận từ nay đến cuối nhiệm kỳ, bà Thái Anh Văn sẽ
luôn luôn trong thế người làm xiếc đi dây. Đài Bắc cần tìm được một thế cân
bằng với Bắc Kinh tránh để quan hệ song phương thêm xấu đi làm phương hại tới
kinh tế của Đài Loan, nhưng đồng thời cũng phải thận trọng, tránh để cánh đòi
ly khai với Hoa Lục chỉ trích là rơi vào bẫy của ông Tập Cận Bình, như ghi nhận
của giáo sư Jonathan Sullivan, đại học Nottingham, Anh Quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét