Ảnh: Ông Trần Bắc Hà (áo xanh, bìa phải) ngồi chắp tay “niệm phật” cùng vợ chồng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ít lâu sau, Thủ tướng Dũng bị “quả báo” tại đại hội 12 của đảng cầm quyền. Ảnh: vietnamthoibao.org
Ngày 28/11/2018, một facebooker có nick là Phạm Việt Thắng đã đưa tin hàm ý về Trần Bắc Hà đã bị bắt tại Campuchia.
FB Phạm Việt Thắng đã nổi lên trong thời gian gần đây về quan điểm ủng hộ nhiệt thành công cuộc ‘đốt lò’ của Nguyễn Phú Trọng. Thậm chí gần đây FB Phạm Việt Thắng còn vượt hơn cả FB Trương Huy San và FB Lê Nguyễn Hương Trà về… tin nội bộ. Cứ xét theo cách đưa tin của Phạm Việt Thắng cùng một số tờ báo nhà nước, sẽ không quá võ đoán để cho rằng Trần Bắc Hà rất có thể đã bị bắt thật.
Nhìn lại năm 2017
Trần Bắc Hà là một nhân vật gây sóng gió trên thương trường Việt Nam không chỉ bởi những vụ làm và ‘ăn’ khổng lồ, mà còn bởi từ mấy năm qua nhân vật này mang tần suất được đồn đoán ‘bị bắt’ thuộc lại cao nhất, thậm chí còn cao hơn cả một đồng nghiệp của ông Hà là cựu thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình - người hiện nay đang nghiễm nhiên nằm trong Bộ Chính trị và giữ chức Trưởng ban Kinh tế trung ương.
Ngày 9/8/2017, Huy Đức (Trương Huy San) “ngẫu hứng” đăng một status trên facebook của ông với tựa đề vỏn vẹn “Bắc Hà”. Tuy chẳng viết gì về chuyện ông Trần Bắc Hà - cựu chủ tịch hội đồng quản trị của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển - bị công an bắt hoặc có thể bị bắt, Huy Đức chỉ mô tả kèm hình ảnh “Trong bức ảnh này (Bogaya, Ấn Độ), khi xếp bằng dưới gốc bồ đề nơi được cho là phật tổ từng ngồi, Bắc Hà (phải cùng) là người duy nhất có dáng điệu rúm ró khác thường. Đây là giai đoạn mà ở quốc gia này, Bắc Hà chỉ "dưới Ba Dũng" và hách dịch với phần còn lại, vậy nhưng khi đối diện với thần linh nhìn ông ta vô cùng sợ hãi.” Cùng ngày, chỉ số chứng khoán Việt Nam lao dốc đến hơn 2%.
Một sự trùng hợp đáng điên đảo đối với ông Trần Bắc Hà là vào tháng Tám đó - thời điểm có “tin đồn” ông Hà bị bắt, lại “ứng” với tháng Tám năm 2012 khi một đại gia ngân hàng là Bầu Kiên bị bắt thật, khiến thị trường chứng khoán lao dốc không phanh trong suốt mấy phiên.
Trước khi bị bắt vào năm 2012, Bầu Kiên cũng vài lần bị “tin đồn”, và cũng có quan chức đứng ra thanh minh “không có chuyện bắt ông Nguyễn Đức Kiên”.
Ngay trước khi Trầm Bê bị bắt vào đầu tháng 8/2017, cũng có tin ngoài lề cho biết “Trầm Bê đã thoát”.
Trần Bắc Hà ‘biến mất’
Trong phiên tòa năm 2017 xét xử Phạm Công Danh và Ngân hàng Xây Dựng cùng vụ thất thoát đến 6.000 tỷ đồng, Trần Bắc Hà bị triệu tập nhưng đã không có mặt. Nhiều tờ báo ngay lập tức đã tỏa ra săn tin về ông Hà. Báo Thanh Niên đã tìm đến cả hai nơi ở của Trần Bắc Hà ở Hà Nội và Sài Gòn nhưng chính quyền địa phương những nơi này đều không biết ông Hà ở đâu.
Sau đó và có vẻ cực chẳng đã, một nguồn tin nào đó trong “nội bộ” đã phải nhờ đến báo chí đăng tải về “Ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT, Trưởng Phân ban Rủi ro Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BIDV) đang điều trị ung thư gan có dấu hiệu tái phát tại Bệnh viện Gleneagles, Singapore, có đơn xin vắng mặt, nhờ luật sư tham gia tố tụng tại tòa”.
Hầu như rất khó để biết được Trần Bắc Hà có bị bệnh thật hay là không, cho dù Hội đồng xét xử vụ Phạm Công Danh đã thông báo là có nhận được bệnh án của ông Hà.
Khi đó, lại nổi lên đòi hỏi từ phía Viện Kiểm sát, chứ không phải Cơ quan điều tra của Bộ Công an, về việc ông Trần Bắc Hà phải về hầu tòa.
Sau Thanh Niên, đến lượt báo Tuổi Trẻ làm nghiệp vụ “thám tử tư” đi điều tra về việc Trần Bắc Hà thực ra đang ở đâu.
Theo người đại diện của ông Trần Bắc Hà, hồ sơ tài liệu chứng minh ông Trần Bắc Hà đang nằm viện tại Singapore, bản sao hộ chiếu chứng minh ông Hà đã nhập cảnh tại Singapore sẽ được nộp vào ngày 15 hoặc 16-1.
Tuy nhiên, đến đầu giờ chiều 13-1, nguồn tin của Tuổi Trẻ Online cho biết theo cơ sở dữ liệu của cơ quan chức năng Việt Nam, ông Trần Bắc Hà đang có mặt tại Việt Nam. Theo nguồn tin này, dữ liệu quản lý của cơ quan chức năng cho thấy lần cuối cùng ông Trần Bắc Hà làm thủ tục xuất – nhập cảnh là tại cửa khẩu Bờ Y (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum – giáp ranh với Lào) vào đầu tháng 11-2017. Từ đó đến nay, dữ liệu chưa ghi nhận ông Trần Bắc Hà làm thủ tục xuất cảnh ra nước ngoài.
Báo Tuổi Trẻ tạm kết luận: trong khi người đại diện của ông Trần Bắc Hà thông báo với tòa ông Hà đã nhập viện tại Singapore, nguồn tin từ cơ quan chức năng cho thấy ông chưa xuất cảnh.
Nếu quả đúng có một mâu thuẫn lớn giữa lời giải trình của người đại diện của ông Trần Bắc Hà với thực tế Trần Bắc Hà chưa xuất cảnh khỏi Việt Nam từ tháng 11/2017, một sự thật “kinh khủng” đang xảy đến là hoặc ông Trần Bắc Hà đã xuất cảnh lậu sang Singapore để chữa bệnh, hoặc ông Hà vẫn còn nguyên trên lãnh thổ Việt Nam nhưng không ai biết ông ở đâu.
Sẽ rất vô lý nếu cho rằng Trần Bắc Hà phải xuất cảnh lậu sang Singapore với nhu cầu chữa bệnh ung thư gan, bởi đây là một nhu cầu thường được cơ quan chức năng ưu tiên xem xét giải quyết.
Vào tháng 10/2017, Cơ quan điều tra Bộ Công an từng có kiến nghị đề nghị kiểm điểm và xử lý kỷ luật ông Trần Bắc Hà – nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV liên quan vụ án Phạm Công Danh. Cơ quan điều tra nhận định các cá nhân này có sai phạm trong việc cho Phạm Công Danh vay tiền nhưng kết quả giám định cho thấy BIDV không có thiệt hại xảy ra nên các cá nhân tại BIDV không phạm tội vi phạm quy định về cho vay. Nếu ‘dựa’ vào kiến nghị này, ông Hà chẳng có lý do nào phải quá lo ngại và có thể thoải mái làm thủ tục chính thức xuất cảnh đi Singapore mà không cần phải trốn chui trốn nhủi qua ngả biên giới Việt- Lào, hoặc Việt – Trung.
Khi đó, trong dư luận đã nổi lên những dấu hỏi: nếu quả thực Trần Bắc Hà vẫn còn ở Việt Nam, tại sao ông ta không lên tiếng, không trả lời cho tòa án? Phải chăng đây là thái độ cố ý “lánh mặt” – từ ngữ nhẹ nhàng chỉ sự vắng mặt cố ý của ông Trần Bắc Hà, nếu không nói là hành động trốn tránh? Cơ quan hay những cá nhân nào đã giúp ông Trần Bắc Hà ẩn nấp ở một chỗ nào đó trong lãnh thổ Việt Nam?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét