Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2018

10146 - Có thật chính phủ Ngô Đình Diệm đã đàn áp Phật giáo hay không?


Muốn kết án một tội như thế này thì phải xét xem thủ phạm có thực hiện nhiều lần, với mức độ liên tục và vi phạm một cách có hệ thống, chứ chỉ làm 1,2 lần như một giải pháp nhất thời trước một tình thế nguy hiểm có nguy cơ gây thiệt hại lớn đến nhân mạng và tài sản, thì lời kết án này là vu vơ và vô giá trị. Bằng chứng hay nhất là dựa vào những sự kiện cụ thể và thực tế để chứng minh có hay không việc đàn áp.
Điều nữa là nếu chính phủ đã ra tay đàn áp thì trước đó phải có chủ trương hay chính sách kỳ thị và bạc đãi. Đàng này ngược lại, dưới thời chính phủ Ngô Đình Diệm, số Phật tử nắm giữ những chức vụ quan trọng chiếm phần rất lớn, trong tất cả moị lãnh vực, từ dân sự đến quân sự, từ Chính phủ đến Quốc hội và Tư pháp. Ngay chánh văn phòng và võ phòng Tổng thống cũng là Phật tử. Đó là chưa kể số lượng chùa chiền từ 2-200 ngôi thời Pháp thuộc lên đến 4-700 ngôi thời TT Ngô Đình Diệm (theo Đoàn Thêm và cư sĩ Mai Thọ Truyền).
Có người viện dẫn Dụ số 10 để mạnh miệng đổ tội Tổng thống Diệm, dù Dụ này ra đời dưới thời Pháp thuộc. Nếu muốn tái xét Dụ này thì Quốc Hội với đa số Phật tử phải đem ra Quốc Hội biểu quyết để ra một sắc luật mới. Tại sao họ không chịu làm trong vai trò lập pháp của họ mà cứ đổ tội cho TT. Diệm?
Thật vậy, vụ nổ ở Đài Phát Thanh Huế ngày 8-5-1963 đến nay vẫn không có bằng chứng vững chắc nào để kết luận do chính phủ tạo ra vì VNCH. Thời đó, kể cả Việt cộng, cũng chưa có chất nổ làm chết gần chục Phật tử trong đêm đó, ngoại trừ quân đội Mỹ. Như vậy, nghi vấn hàng đầu có liên quan đến người Mỹ? Nghi vấn này cũng chưa đủ mạnh để làm bằng chứng nhưng vẫn là nghi vấn số 1

Các tu sĩ xuống đường chống chính phủ Ngô Đình Diệm năm 1963. Ảnh trên mạng

Thế nên, sự nghi ngờ cần bổ túc bằng cách dựa trên những gì liên quan sự kiện do chính người Mỹ ngoài chính quyền đưa ra. Trong quyển “A death in November” (xuất bản năm 1987), ký giả Ellen Hammer có nói về một điệp viên CIA, tên là George Carver, lúc ấy đang hoạt động tại Huế, ông này đã viết “Tia lửa châm ngòi nổ ở Huế ngày 08-5-1963 đã được thực hiện trong những hoàn cảnh và chi tiết của chúng mãi mãi là những vấn đề tranh cãi”!
Chắc chắn tên điệp viên này có những lý do nào đó nên mới viết “mãi mãi là những vấn đề tranh cãi”. Có lẽ vì điệp vụ hoàn hảo quá chăng? Hay điệp viên đặt chất nổ quá tài giỏi đến nỗi hắn ta không để lại tang chứng?
Cũng chính tên điệp viên CIA George Carver là người từng dính dáng đến vụ đảo chánh năm 1960 do luật sư Hoàng Cơ Thụy chủ mưu, cùng Vương Văn Đông, một sĩ quan thân Pháp. Sau cuộc đảo chánh thất bại, tay này bỏ mưu sĩ Hoàng Cơ Thụy vào một vali lớn đem lên máy bay và thoát khỏi VN.
Còn vụ chính phủ phải đem quân đội và cảnh sát đột kích vào lục soát Chùa Xá Lợi và một số chùa trong đô thành Sài Gòn trong tháng 10 cũng không thể gọi là đàn áp được. Lý do là các sư sãi lúc đó cố thủ trong chùa, dùng loa phóng thanh hò hét hô hào lật đổ chính phủ gây hỗn loạn mất trật tự nhiều ngày. Đó là nguyên nhân chủ yếu khiến chính quyền TT. Diệm đã phải tìm cách tái lập an ninh, trật tự bằng cách sử dụng quân đội và cảnh sát dã chiến để giái tán đám đông gây náo loạn này và nhất là chính phủ còn nghi có cán bộ CS nằm vùng, ngay trong chỗ thờ phượng tôn nghiêm để kích động quần chúng nổi dậy, chứ nhà tu hành chân chính nào lại có những hành động quá khích đó.
Khi cuộc đột kích xảy ra, Thích Trí Quang trốn thoát vào Toà Đại Sứ Mỹ xin tỵ nạn và ở đây trong thời gian hơn 2 tháng (từ cuối tháng 8 đến sau ngày ông Diệm bị lật đổ), ông ta đã trả lời trong cuôc phỏng vấn bởi nữ ký giả Marguerite Higgins và được bà này viết lại trong quyển “Our Vietnam nightmare” (Ác mộng Việt Nam của chúng ta) rằng “chúng tôi chỉ có thể dàn xếp với miền Bắc sau khi đã lật đổ được Diệm Nhu” (sic)! Một nhà tu hành được chính Mỹ “bât đèn xanh” trong việc lật đổ một tổng thống, ngay trong Tòa Đại sứ Mỹ!
Rõ ràng là Phật giáo tranh đấu do Thích Trí Quang lãnh đạo đã tiếp tay lật đổ tổng thống Đệ Nhất Cộng Hoà Ngô Đình Diệm. Do đó, chính phủ phải ra tay dẹp loạn, chứ hoàn toàn không phải đàn áp Phật giáo mà là tìm bắt những kẻ xách động mạo danh hay đội lốt giới tu hành. (Sau này, tình trạng phân hoá giữa hai Giáo Hội Tranh đấu Ấn Quang và Việt Nam Quốc Tự mới lộ rõ kể từ 1966, theo Bạch Thư “Đại nạn của Phật giáo và dân tộc” của Hòa Thượng Thích Tâm Châu công bố năm 1990 ở Canada).
Tại sao Mỹ cho Thích Trí Quang tỵ nạn trong Toà Đại Sứ Mỹ rồi cho phép ông ta tuyên bố công khai như thế? Phải chăng Mỹ đã ủng hộ Thích Trí Quang như một giải pháp tình thế để lấy cớ mà hạ bệ Ngô tổng thống trước khi nhảy vào VN can thiệp trực tiếp vào chính trường và chiến trường miền Nam?
Bằng chứng mạnh mẽ nhất là Phúc trình năm 1963 của Liên Hiệp Quốc sau khi đi VN điều tra về việc đàn áp này cũng đã khẳng định chính phủ Ngô Đình Diệm không hề có chủ trương hay chính sách đàn áp Phật giáo: “Những tố cáo đệ trình lên Đại Hội đồng Liên Hiệp quốc nhằm chống chính quyền Ngô Đình Diệm không đứng vững sau khi phái đoàn điều tra một cách khách quan, không hề có kỳ thị cũng như đàn áp Phật giáo và cũng như không hề đụng chạm đến tự do tín ngưỡng” (Phúc trình này gọi là Report of the United Nations fact-finding Mission to South Việt Nam).
Phúc trình nói thêm, “việc này (tố cáo) hoàn toàn có tính cách chính trị”. Thấy Phúc trình năm 1963 nói trên phá hỏng những luận điệu chuẩn bị dư luận của Mỹ, không có lợi để chính nghĩa hoá hành động can thiệp của Mỹ nên Mỹ đã ngăn chận, không cho báo cáo ở diễn đàn Liên Hiệp Quốc mà tiến hành việc lật đổ TT. Ngô Đình Diệm ngày 1/11/1963 và hơn 1 tháng sau là ngày 13/12/1963 thì Phúc trình mới đuợc báo cáo. Mỹ đã đặt thế giới trước chuyện đã rồi.
Cuộc đảo chánh lật đổ này là nguồn gốc cho việc đem quân Mỹ vào VN sau đó và sự có mặt của quân đội Mỹ không những đã làm mất chính nghĩa của VNCH trước thế giới, mà còn kích động lôi cuốn được những người dân chất phác vì đã lọt vào bẫy những luận điệu tuyên truyền của phe CS là đế quốc Mỹ thay thế thực dân Pháp hay Mỹ đem quân xâm lược VN.
Thiết nghĩ qua những nhận định trên đây, mỗi người chúng ta có quyền nghi ngờ hay thậm chí bác bỏ hoàn toàn những luận điệu sai trái là chính phủ Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo. Đến nay mà nhiều người vẫn còn tin như vậy thì có thể họ có vấn đề hay vướng mắc tình cảm và thành kiến nên vẫn chìm đắm trong những luận điệu tuyên truyền dối trá thời “chiến tranh lạnh” mà hai phe Tư bản lẫn Cộng sản đều phạm phải, dù mức độ dối trá nhiều ít khác nhau!
Lịch sử lặp lại nên sau này, Mỹ cũng thực hiện một kịch bản tương tự bằng cách bịa đặt chứng cớ giả là Iraq có vũ khí giết người hàng loạt để tấn công nước này!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét