Giám mục Hoàng Đức Oanh (phải) và các linh mục cầu nguyện cho cố Tổng thống Ngô Đình Diệm, ngày 2/11/2018. Photo: Thanh niên Công giáo
Hôm 2/11, Giám mục Hoàng Đức Oanh nói với VOA sau khi cùng với các linh mục và hàng trăm tín đồ công giáo đã làm lễ cầu nguyện cho cố Tổng thống Ngô Đình Diệm nhân ngày giỗ thứ 55 tại Nghĩa trang Lái Thiêu tỉnh Bình Dương rằng ngài Tổng thống xứng đáng được an nghỉ tại một nơi đàng hoàng hơn.
Từ Sài gòn, Giám mục Hoàng Đức Oanh cho biết ông đã cùng các linh mục dâng lễ cầu nguyện cho người sáng lập nền Việt Nam Cộng Hòa, người mà ông nói “luôn được mọi người yêu quý, kính trọng và sống mãi trong lòng người.”
“Chúng tôi đến tưởng nhớ công ơn của Ngài vì Ngài đã là mẫu gương tuyệt vời cho chúng tôi về mặt đạo đức. Ngài là một tín hữu công giáo gương mẫu, một lãnh đạo yêu dân tộc, yêu đất nước, yêu quê hương Việt Nam, đã đấu tranh kiên cường cho nền độc lập Việt Nam. Ngài đã bị giết một cách thảm khốc. Chúng tôi yêu mến Ngài và tưởng nhớ công ơn của Ngài.”
Giám mục Hoàng Đức Oanh nói dù buổi lễ diễn ra suông sẻ nhưng ông cho biết chính quyền địa phương vẫn luôn cho an ninh theo dõi và ghi hình.
“Ngày hôm nay tôi thấy (an ninh) khá yên tĩnh, không như những lần trước, không bị phá phách. Việc bị theo dõi thì đương nhiên rồi!”
Linh mục Lê Ngọc Thanh thuộc Dòng Chúa Cứu thế Sài Gòn viết trên Facebook: “tới 300 người tham dự, không kể an ninh mật vụ khoảng 50 người!”
Tổng thống Ngô Đình Diệm và em trai Ngô Đình Nhu bị ám sát vào ngày 2/11/1963, sau một cuộc đảo chánh do các tướng lĩnh miền Nam Việt Nam thực hiện.
Một tài liệu giải mật của CIA vào tháng 10 năm 2017 cho biết cựu Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson tin rằng người tiền nhiệm John F. Kennedy đứng đằng sau vụ ám sát ông Ngô Đình Diệm vài tuần trước khi ông qua đời và cho rằng vụ ám sát ông Kennedy là một ‘quả báo.’
Cựu Giám mục Kon Tum nói ông ước mong có một nơi đàng hoàng hơn để cố lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa an nghỉ:
“Chúng tôi ước mong có một nơi dành cho Tổng thống Ngô Đình Diệm và bào đệ của Ngài – một nơi xứng đáng hơn, phù hợp hơn. Có nhiều lãnh tụ người ta càng tô điểm bao nhiêu thì càng xấu bấy nhiêu nhưng hình ảnh của ông Ngô Đình Diệm, cho đến giờ phút này, ngày cảng tỏa sáng thêm và càng huy hoàng hơn. Ông chính là hạt lúa miến đã gieo vào lòng đất của Việt Nam, nay đã trở thành cây lúa lớn, và sẽ mang lại nhiều hoa trái cho dân tộc.”
Theo trang Kienthuc.net.vn, sau khi bị ám sát ngày 2/11/1963, ông Ngô Đình Diệm và em trai được chôn cất ở khu đất phía sau Bộ Tổng tham mưu Quân lực chính quyền Sài Gòn. Được một thời gian ngắn, chính quyền Sài Gòn dời mộ sang nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi ở Quận Nhứt. Vào năm 1985, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh giải tỏa nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi để xây công viên Lê Văn Tám, các ngôi mộ phải chuyển về nghĩa trang Lái Thiêu.
Theo Linh mục Thanh, vào cuối thánh lễ, Giám mục Hoàng Đức Oanh mong muốn một tổ chức nào đó của người Việt hay thu thập tư liệu và làm hồ sơ xin Tòa thánh Vatican nhìn nhận cá nhân anh hùng và gương sáng đức tin của cụ Diệm. Ông nói: “Cụ xứng đáng được người Công giáo tôn kính.”
Vào tháng 3/2018, Chính quyền Việt Nam lần đầu tiên mở trưng bày sử liệu về biến cố cuộc đời ông Ngô Đình Diệm, Tổng thống đầu tiên của Việt Nam Cộng hòa, tại khuôn viên dinh Thống Nhất ở thành phố Hồ Chí Minh.
Dù cuộc triển lãm có nhan đề là “Từ dinh Norodom đến dinh Độc Lập 1868-1966,” ban tổ chức đã dành một gian riêng ở tầng hai ở một tòa nhà trong khuôn viên dinh Thống Nhất, dùng để giới thiệu diễn biến của cuộc đời Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm, từ ngày ông làm quan nhà Nguyễn thời vua Bảo Đại rồi trở thành tổng thống đầu tiên của miền Nam Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét