Mỹ muốn gì khi khơi mào "cuộc chiến nhôm và thép" ? Ai là mục tiêu tấn công của Donald Trump ? Đánh thuế nhập khẩu 25 % vào thép và 10 % vào nhôm có lợi gì cho kinh tế của Hoa Kỳ ?
Mỹ muốn gì khi khơi mào "cuộc chiến nhôm và thép" ? Ai là mục tiêu tấn công của Donald Trump ? Đánh thuế nhập khẩu 25 % vào thép và 10 % vào nhôm có lợi gì cho kinh tế của Hoa Kỳ ?
Trên nguyên tắc ngày 07/03/2018 tổng thống Mỹ chính thức ban hành sắc lệnh tăng thuế đánh vào hai mặt hàng nói trên. Nhưng từ 10 ngày qua, hồ sơ này bắt cả thế giới phải quan tâm và đã kéo theo những phản ứng gay gắt từ phía tất cả các đối tác thương mại của Hoa Kỳ.
Không riêng gì lĩnh vực ngoại giao, chính sách thương mại của chính quyền Trump cũng là một ẩn số. Trong hậu trường Nhà Trắng, dàn cố vấn của Donald Trump đang bị chia rẽ sâu rộng. Bộ trưởng Thương Mại, Wilbur Ross, một người làm nên sự nghiệp nhờ các lò máy thép, chủ trương tăng thuế nhập khẩu để "bảo vệ công việc làm" cho công nhân Mỹ.
Phía bên kia là phe chủ trương một mô hình kinh tế mở rộng. Đứng đầu trong số này là cố vấn kinh tế Gary Cohn và bộ trưởng Quốc Phòng, tướng James Mattis. Theo nhiều nguồn tin thông thạo, ông Gary Cohn dọa sẽ từ chức trong trường hợp tổng thống Trump đi tới cùng, khơi mào chiến tranh thương mại.
Nhìn kỹ hơn vào hai lĩnh vực thép và nhôm : Nhập khẩu bảo đảm 1/3 nhu cầu tiêu thụ thép của cả nước Mỹ. 28 % khả năng cung ứng còn được chôn vùi. Với thị trường nhôm, Mỹ nhập đến 90 % để bảo đảm cho guồng máy sản xuất, nhưng vẫn còn 60 % các quặng mỏ chưa được khai thác.
Bốn nguồn cung cấp thép quan trọng nhất của Mỹ là Canada (16 %), Brazil (13 %), Hàn Quốc (10 %) và Mêhicô (9%). Trung quốc bị bỏ lại rất xa phía sau, chỉ bảo đảm khoảng 2 % thép cho Chú Sam mà thôi. Nói cách khác, đánh thuế 25 % vào thép bán sang Hoa Kỳ không ảnh hưởng gì tới Trung Quốc, trong lúc hai đồng minh sát cạnh của Mỹ là Canada và Mêhicô thì "lãnh đủ". Với nhôm, Canada cũng là nguồn cung cấp quan trọng nhất, đứng trước cả Nga và Trung Quốc.
Câu hỏi đặt ra ở đây là Donald Trump thực sự muốn gì ? Tại sao Nhà Trắng lại tung ra đòn "chiến tranh nhôm thép vào thời điểm này" ? Thuần túy về mặt kinh tế, lập luận "bảo vệ công nghệ luyện kim của Mỹ" có giá trị tới mức độ nào ?
Trả lời trên đài RFI Pháp ngữ, chuyên gia kinh tế Lionel Fontagné, giảng dậy tại Trường Kinh Tế Paris (Ecole d'Economie de Paris) lần lượt trả lời các câu hỏi trên.
Yếu tố kinh tế và chính trị
Lionel Fontagné : "Đúng là Mỹ có ý đồ bảo vệ nền công nghiệp trong hai lĩnh vực thép và nhôm. Nhưng bên cạnh đó còn có yếu tố chính trị. Thực ra ngay từ tháng 04/2017 tổng thống Trump đã yêu cầu chính phủ mở cuộc điều tra, để xem liệu nhập khẩu thép, nhôm có đe dọa tới an ninh của Hoa Kỳ hay không. Căn cứ vào báo cáo gần đây của bộ trưởng Thương Mại, Wilbur Ross, Nhà Trắng mới quyết định tăng biên độ thuế đánh vào nhôm và thép nhập sang thị trường Mỹ.
Nếu đơn thuần nhìn vào hai lĩnh vực là nhôm và thép, tăng thuế nhập khẩu làm giảm khối lượng nhôm và thép bán sang thị trường Mỹ. Điều đó có nghĩa là để tiếp tục đáp ứng nhu cầu của thị trường, các nhà máy của Mỹ phải tăng mức sản xuất. Việc này không dễ làm bởi hai lý do.
Thứ nhất là ngành công nghiệp nhôm và thép đòi hỏi rất nhiều vốn đầu tư, ngốn rất nhiều vốn nhưng lại sử dụng ít nhân công. Điều đó có nghĩa là việc Mỹ áp dụng các biện pháp bảo hộ, nâng hàng rào thuế quan để dành ưu tiên cho "hàng nội" sẽ không tạo thêm nhiều công việc làm cho người lao động Mỹ. Lý do thứ hai là khu vực sản xuất cần rất nhiều nhôm và thép. Ngưng nhập hàng từ nước ngoài, không có nghĩa là cỗ máy sản xuất nhôm hay thép của Hoa Kỳ được khởi động ngay lập tức".
"Bảo hộ, người lao động Mỹ mất việc làm"
Lionel Fontagné : "Vậy câu hỏi đặt ra, là liệu chính quyền Trump có thể vì muốn bảo vệ quyền lợi cho một số ít các tập đoàn thép và nhôm, cho một số ít người lao động làm việc trong hai lĩnh vực này mà để phương hại đến toàn bộ cỗ máy sản xuất của nước Mỹ hay không ? Công nghệ sản xuất xe hơi, khu vực cầu đường, các tập đoàn sản xuất trang thiết bị quân sự của Hoa Kỳ ... là những lĩnh vực sẽ bị thiệt hại trước hết. Trong khi chính tổng thống Donald Trump từng tuyên bố đấy là những lĩnh vực cần được chính phủ hỗ trợ để phát triển mạnh hơn.
Một bằng chứng khác cho thấy biện pháp bảo hộ của chính quyền Trump phản tác dụng về mặt kinh tế là ngay sau khi Nhà Trắng thông báo đánh thuế vào thép và nhôm, lập tức chỉ số Dow Jones mất giá. Sau cùng, đợt gần đây nhất mà Hoa Kỳ tăng thuế đánh vào thép dưới chính quyền của tổng thống George W.Bush, từ tháng 3/2002 cho đến tháng 12/2003, thì đã có tới 200 000 người lao động ở Mỹ bị mất việc. Do vậy, theo tôi, biện pháp bảo hộ thép sẽ dẫn tới những hậu quả tai hại đối với tăng trưởng và thị trường lao động ở Hoa Kỳ. Nhưng tổng thống Donald Trump hoàn toàn không nhắc tới điều đó trong cuộc họp báo hồi tuần trước.
Thuần về kinh tế mà nói, thì đây là biện pháp bất lợi cho nước Mỹ. Hơn nữa như chúng ta biết, ở hậu trường, các cố vấn của tổng thống Trump đã khuyên ông nên tránh sử dụng lá bài này. Chính các dân biểu bên đảng Cộng Hòa cũng không hưởng ứng. Nhưng về mặt chính trị, thì tổng thống Mỹ muốn chứng minh với cử tri rằng ông là người bảo vệ các nền công nghiệp đang gặp khó khăn".
Tác động phụ từ việc tăng thuế nhập khẩu : Từ WTO đến chứng khoán đều bị ảnh hưởng
Bản thân các doanh nghiệp Mỹ, từ công nghiệp xe hơi đến các tập đoàn sản xuất lon bia và các loại nước ngọt, từ hãng máy bay Boeing đến tập đoàn sản xuất vũ khí Lockheed Martin đều tính đến những phương án để đối phó, một khi Mỹ tăng thuế nhập khẩu thép và nhôm. Trong những ngày qua, số này khá kín tiếng về quyết định của Nhà Trắng và vận động ở hậu trường với hy vọng là làm nhà tỷ phú Trump thay đổi ý kiến. Chỉ số chứng khoán tại Mỹ và nhiều nơi trên thế giới tuột dốc. Vậy liệu đây có là hiệu ứng lâu dài ?
Lionel Fontagné : "Trước hết, các tập đoàn nhôm và thép bị mất giá trên các sàn chứng khoán. Mỹ là thị trường mua vào nhiều nhất hai nguyên liệu này. Đừng quên rằng Trung Quốc sẽ không bị ảnh hưởng gì nhiều bởi vì Trung Quốc không phải là nguồn cung cấp nhôm và thép quan trọng của Mỹ. Canada, Brazil, Liên Hiệp Châu Âu và Nhật Bản mới là những quốc gia bị thiệt hại hơn cả. Thêm một nghịch lý nữa ở đây là chính quyền Trump muốn tấn công vào Canada, một đồng minh và cũng là một đối tác thương mại quan trọng của Mỹ.
Ngoài ra, biện pháp bảo hộ này sẽ tác động mạnh đến định chế đa quốc gia. Cụ thể là Tổ Chức Thương Mại Thế Giới. Trong trường hợp các nước bị phương hại đâm đơn kiện Mỹ và họ thắng kiện, chính quyền Trump sẽ viện cớ này để tẩy chay WTO.
Còn nếu như bàn thắng nghiêng về phía Hoa Kỳ, thì rõ ràng là Tổ Chức Thương Mại Thế Giới vô dụng. Sau cùng, nếu như Mỹ không bị kiện trước cơ chế đa quốc gia này, thì có nghĩa là không chỉ có Mỹ mà tất cả mọi thành viên của WTO đều có thể viện lẽ để áp dụng các biện pháp bảo hộ".
Nguy cơ chiến tranh thương mại ?
Lionel Fontagné : "Tất cả vấn đề nằm ở đó. Trên thực tế, do Trung Quốc ít bị ảnh hưởng, nên Bắc Kinh sẽ thận trọng hay phản ứng một cách chừng mực. Biện pháp bảo hộ của chính quyền Trump gây thiệt hại hơn cả cho Liên Hiệp Châu Âu. Các nhà sản xuất châu Âu phải chịu một tác động kép : một là sẽ phải giảm lượng xuất khẩu sang thị trường Mỹ và hai là sẽ phải tìm cách giải quyết hàng tồn kho. Trong mọi giả thuyết, Liên Hiệp Châu Âu phải nhanh chóng tìm ra những biện pháp để trả đũa và tự bảo vệ ngành công nghiệp sản xuất nhôm và thép của các nước thành viên"
Ngày 05/03/2018, trong lúc phái đoàn Mỹ, Canada và Mêhicô kết thúc vòng đàm phán thứ 7 về một thỏa thuận tự do mậu dịch Bắc Mỹ mới thay thế cho NAFTA đang hiện hành, trên Twitter tổng thống Donald Trump viết : Hoa Kỳ sẽ "chỉ rút lại thuế đánh vào thép và nhôm nếu đạt được một thỏa thuận tự do mậu dịch NAFTA mới".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét