Họp báo của Đại diện Thương mại Mỹ, Canada và Mexico về thỏa thuận mậu dịch của NAFTA -AFP
Hệ thống truyền thống lười biếng
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, vầng mây xám về trận chiến mậu dịch giữa Hoa Kỳ và các nước có dấu hiệu tan loãng vào đầu tuần này. Lý do là người ta được biết Chính quyền Donald Trump không đơn phương áp đặt thuế nhập nội trên nhôm và thép cho các bạn hàng. Còn riêng với Trung Quốc thì đã có những cuộc đàm phán song phương sau khi ông Trump hăm dọa sẽ áp thuế trên một số mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc trị giá từ 30 tới 60 tỷ đô la. Vì vậy, các thị trường cổ phiếu Hoa Kỳ lên giá rất mạnh vào ngày Thứ Hai, và thổi lên sự phấn khởi cho các thị trường khác. Ông nghĩ là thính giả của chúng ta nên suy đoán thế nào về hiện tượng đó?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thứ nhất là không nhìn vào ngắn hạn mà nên nhìn vào dài hạn và thứ hai là đừng tin vào hệ thống truyền thông lười biếng! Tôi sẽ phải chầm chậm giải thích chuyện này, từ gần đến xa.
- Thị trường cổ phiếu Hoa Kỳ lên giá liên tục từ chín năm nay, nhất là kể từ khi ông Donald Trump bất ngờ đắc cử Tổng thống vào Tháng 11 năm kia và ban bố các quyết định về giản lược hành chính và cải tổ thuế vụ có lợi cho doanh nghiệp. Sau khi tăng trưởng mạnh và khá lâu, các thị trường cổ phiếu thường điều chỉnh là sụt giá, thông thường là khoảng 10%, rồi lại tăng. Giới đầu tư chờ đợi việc đó và chuẩn bị bán trước khi có điều chỉnh, cho nên bất cứ tín hiệu nào cũng có thể dẫn tới việc bán ra. Tâm lý ấy giải thích vì sao khi có tin tốt đẹp về kinh tế họ lại bán làm cổ phiếu sụt giá vì họ suy luận tiếp là khi kinh tế khả quan hơn thì Ngân hàng Trung ương sẽ nâng lãi suất. Ta thấy phản ứng lạ đó hôm Thứ Sáu mùng hai hoặc hôm Thứ Tư 21, trước khi ông Trump thông báo quyết định gây hốt hoảng hôm Thứ Năm 22. Nếu căn cứ vào loại phản ứng ngắn hạn ấy mà suy đoán thì chúng ta có thể bị lỗ. Nhân đây, tôi xin được nói thêm là nhìn từ giác độ thiên về phương pháp “phân tích kỹ thuật” trong ngành giao dịch chứng khoán hay thương phẩm thì các thị trường sẽ còn có lúc điều chỉnh và sụt giá mạnh mà chẳng do chuyện chiến tranh mậu dịch!
Tôi xin được nói thêm là nhìn từ giác độ thiên về phương pháp “phân tích kỹ thuật” trong ngành giao dịch chứng khoán hay thương phẩm thì các thị trường sẽ còn có lúc điều chỉnh và sụt giá mạnh mà chẳng do chuyện chiến tranh mậu dịch!-Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyên Lam: Nguyên Lam và thính giả của chúng ta thắc mắc về việc ông nói là không nên tin vào truyền thông lười biếng. Ông có thể khai triển ý này không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Khoa thông tin tiến quá xa nên ta có loại “tin tức thời”, chuyện vừa xảy ra thì ai cũng biết, mà chưa chắc đã hiểu vì sao chuyện ấy xảy ra và hậu quả sẽ là thế nào! Ông Trump không ngủ dậy bất ngờ quyết định áp thuế mà từ năm ngoái đã chỉ thị cho các cơ quan liên hệ như hai Bộ Ngân khố và Thương mại cùng Đại sứ Thương mại nghiên cứu về những bất lợi cho Hoa Kỳ và sự bất chính của Trung Quốc trong luồng giao dịch song phương. Ông ra chỉ thị từ Tháng Tư và Tháng Tám năm ngoái mà truyền thông lười không loan báo nên dư luận ngạc nhiên khi Chính quyền Mỹ khai thác kết quả nghiên cứu đó.
- Cụ thể là khi đòi áp dụng Khoản 232 của Đạo luật Thương mại Mở rộng năm 1962 để áp thuế nhôm thép căn cứ trên lý do bảo vệ an ninh, sau đó là Khoản 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974 nhằm chống trả hành động cạnh tranh bất chính của Trung Quốc, nhất là việc không tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ và còn ăn cắp công nghệ cao cấp của doanh nghiệp Mỹ cho mục tiêu quân sự.
- Về Khoản 301 này, Đại sứ Thương mại Hoa Kỳ có một báo cáo hơn 250 trang vào tuần qua mà ít ai đọc hay giải thích. Như vậy đây không là phản ứng hồ đồ của ông Trump mà là kết quả suy tính từ lâu. Và Đại sứ Thương mại có 15 ngày để đề nghị danh mục các mặt hàng của Trung Quốc bị trừng phạt và sau đó thì dư luận cùng doanh giới có 30 ngày tham khảo danh mục đó để cho ý kiến. Căn cứ trên kết quả này, Hành pháp mới quyết định và từ nay đến đó, Bắc Kinh có thể tham khảo và xin đàm phán, là chuyện đang xảy ra với đám lãnh tụ, ngoại giao và kinh tế gia cao cấp quanh Tập Cận Bình như Vương Kỳ Sơn, Vương Nghị và Lưu Hạc! Có tật giật mình, lãnh đạo Bắc Kinh biết thực hư hơn báo chí lười biếng.
Chỉ là thủ thuật
Nguyên Lam: Vào đầu, ông nói đến chuyện gần và chuyện xa như cơ sở cho chúng ta tiếp nhận và suy đoán các tin tức. Nguyên Lam xin ông khai triển ý kiến này cho thính giả của chúng ta.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chuyện gần xa có thể là không gian lẫn thời gian. Tháng trước, vào mùng một Tết của chúng ta, khi ông Trump tuyên bố sẽ tăng 10% thuế nhập nội trên thép rồi 25% trên nhôm, ông căn cứ trên chỉ thị nghiên cứu vào ngày 19 rồi 27 Tháng Tư năm ngoái, và viện dẫn yếu tố an ninh trong Khoản 232 của Đạo luật Thương mại Mở rộng năm 1962. Chính là yếu tố an ninh đó lại khiến Hoa Kỳ không áp thuế trên các mặt hàng nhập khẩu từ hai láng giềng là Canada và Mexico, cũng như có sự đặc miễn cho các đồng minh chiến lược là Âu Châu, Nam Hàn và Nhật Bản. Hóa ra lối tuyên bố ồn ào làm ai cũng sợ chỉ là thủ thuật đàm phán với hai láng giềng trong Hiệp ước Tự do Thương mại Bắc Mỹ NAFTA và với các đồng minh kia về việc đóng góp cho nhu cầu bảo vệ an ninh thay vì chỉ mong đạt xuất siêu với Mỹ, chứ trọng tâm vẫn là Trung Quốc.
- Như chúng ta đã nhiều lần trình bày, đối tượng ứng phó của lãnh đạo Hoa Kỳ ngày nay là Trung Quốc, một đối thủ về an ninh lẫn kinh tế. Từ năm 2008, khi Bắc Kinh bất chấp luật lệ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mà ăn cắp công nghệ của Hoa Kỳ để tăng sức bành trướng quân sự của mình và cạnh tranh bất chính thì Hoa Kỳ phải có phản ứng. Năm 2010, Tổng thống Barack Obama nêu vấn đề này với Chủ tịch Tập Cận Bình mà không có kết quả nên Chính quyền Hoa Kỳ phải tính cách khác, theo phong cách có vẻ bốc đồng của ông Trump.
Ăn của địch để đánh địch
Nguyên Lam: Thưa ông, như vậy thì chuyện này đã manh nha ít ra từ Tháng Tư Tháng Tám năm ngoái và vì vậy, ông mới nói là đừng chấp vào biến cố ngắn hạn trước mắt. Nếu nhìn vào chuyện xa thì ta nên nghĩ gì?
Xa hơn vậy, ta còn phải trở ngược lên lý tưởng hay lý thuyết hão huyền của tự do mậu dịch vì xứ nào cũng có thời kỳ hay có khu vực bảo hộ chứ không hoàn toàn áp dụng chế độ tự do như các lý thuyết gia cứ đề cao. Hãy nhìn vào Việt Nam đi!
-Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Khi báo chí lười biếng tri hô rằng ông Trump khai mào trận chiến mậu dịch thì ta nên tự hỏi thế nào là trận chiến? Là khi đôi bên dàn quân, hay là khi có súng nổ? Hoặc chưa dụng binh mà chỉ ra tuyên cáo? Hay là một bên đã ra quân đánh lén dù chưa nói năng gì? Tùy định nghĩa ta có thể nói trận chiến mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã có từ lâu, hay mới chỉ manh nha qua hai tuyên cáo từ phía Mỹ và phản ứng chống trả khá nhỏ nhẹ từ Bắc Kinh hay đôi bên chưa áp dụng các biện pháp hăm dọa chính để khỏi dụng binh!
- Nói chuyện xa mà rất gần với người Việt Nam, trận chiến Việt Nam khởi sự từ 1945, 1954, hay 1965 khi Mỹ đưa quân vào Đà Nẵng? Nó cho thấy là ta nên nhìn vào đặc tính toàn diện của trận đánh là không thu gọn vào thuế suất nhập nội hay hạn ngạch nhập khẩu và chế độ đầu tư mà bao trùm lên mọi lãnh vực khác. Việc Phòng Ba của Bộ Tổng Tham Mưu Quân đội Trung Quốc ăn cắp công nghệ của doanh nghiệp Mỹ từ năm 2008 không là lối dàn quân đánh lén sao? Khẩu hiệu “ăn của địch để đánh địch” không là phát minh của Mỹ hay của ông Trump. Xa hơn vậy, ta còn phải trở ngược lên lý tưởng hay lý thuyết hão huyền của tự do mậu dịch vì xứ nào cũng có thời kỳ hay có khu vực bảo hộ chứ không hoàn toàn áp dụng chế độ tự do như các lý thuyết gia cứ đề cao. Hãy nhìn vào Việt Nam đi!
Tự do mậu dịch là hão huyền
Nguyên Lam: Nguyên Lam quen dần với cách đặt vấn đề của chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa khiến ta cứ phải ngó lại sự thể từ nhiều giác độ khác nhau. Nhưng thưa ông, phải chăng ông hàm ý rằng lý tưởng tự do mậu dịch là chuyện hão huyền?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Không hão huyền thì cũng là… mới lạ! Khi tôi còn đi học, đi làm và đi dạy thì các nước nghèo đều áp dụng sách lược gọi là “thay thế nhập khẩu” để từng bước giảm dần nhập khẩu và tăng phần đóng góp của nội địa. Từ đấy, là kỹ thuật thẩm định giá trị dự án đầu tư được các định chế quốc tế hay cơ quan quốc gia áp dụng. Có lý lắm chứ. Nhưng, rồi sau đó sách lược kinh tế ấy lại bị đào thải và thay thế bằng chiến lược khuếch trương xuất khẩu bằng mọi giá. Nhìn lại thì khi nào đúng, khi nào sai? Câu trả lời là nó tùy thời và tùy nơi!
- Từ thời lập quốc cho tới đầu thế kỷ 20, Hoa Kỳ chủ trương bảo hộ mậu dịch với thuế biểu nhập khẩu cao để thu hoạch và xây dựng kinh tế nội địa trước Âu Châu tiên tiến hơn. Các lãnh tụ làm nên Hoa Kỳ, từ George Washington tới Thomas Jefferson, Alexander Hamilton, Andrew Jackson, v.v… tới Theodore Roosevelt vào đầu thế kỷ 20, đều coi việc bảo hộ ấy là đúng. Sau Teddy Roosevelt, tới Tổng thống Herbert Hoover, giữa vụ Tổng khủng hoảng 1929-1933, cũng theo hướng đó. Thế rồi qua nhiều tiến hóa và kinh nghiệm cũ, Mỹ chỉ đề cao tự do mậu dịch từ sau Thế chiến II, nhưng cũng biết rằng các nước đi sau như Nhật, Nam Hàn, Brazil, rồi Trung Quốc, Ấn Độ hay Liên bang Nga đều cam kết tự do mậu dịch chứ vẫn ngấm ngầm đi ngược cái lý tưởng lý thuyết đó.
Sự thật hai mặt
Nguyên Lam: Ông cho rằng lãnh đạo Hoa Kỳ có biết cái sự thật hai mặt đó sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Có chứ! Vì vậy mà các Tổng thống như Ronald Reagan, George W. Bush và Barack Obama lấy quyết định tích cực là trừng phạt hay tiêu cực là bảo hộ với kết quả không đều, nôm na là chỉ có Reagan thắng Nhật Bản với Hiệp ước Plaza, chứ ông Bush thua về thép cho tiểu bang West Virgina và Obama vất vả về việc bảo vệ ngành vỏ bánh xe hơi.
- Có lẽ ông Trump là người thấy nói ra nghịch lý quái lạ ấy theo phong cách riêng. Rằng chúng ta đừng giả bộ nữa mà nên xét lại và thỏa thuận lại về lề thói làm ăn với nhau. Lối nói phũ phàng của ông khiến những người ghét Mỹ đồng loạt lên án chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch mà quên rằng Mỹ hiện có mức thuế nhập nội thấp nhất trong các nền kinh tế lớn của thế giới. Nếu có tăng thuế đó bằng các xứ kia thì cũng chỉ đặt lại một nền tảng giao dịch hòa đồng, không tự do mà bất công.
Nguyên Lam: Hóa ra câu chuyện còn phức tạp hơn chúng ta có thể hiểu khi mình theo dõi thời sự hàng ngày. Nguyên Lam xin đề nghị ông đưa ra vài kết luận cho thính giả của chúng ta.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Đầu tiên, chớ tin vào các chủ thuyết có thể phản ảnh một thực tế cục bộ và ngắn hạn, nhưng lại có thể gây ra hậu quà bất lường sau đó cho các thành phần khác. Thứ hai, xin nhìn vào toàn cục. Khi Mỹ sản xuất dầu bằng thuật gạn đá phiến hay “fracking” từ năm năm qua và nhường vị trí nhập khẩu số một cho Trunng Quốc, người không hiểu sẽ tin rằng nước Mỹ hết thời. Quả thật là sau đó các nước bớt sử dụng Mỹ kim khi mua bán dầu và kẻ nhẹ dạ sẽ nói là Mỹ hết thời, đô la xuống giá! Sự thật ngày nay là Hoa kỳ ít cần dầu và chúng ta nên xóa bỏ huyền thoại như Hoa Kỳ khuynh đảo thế giới vì dầu khí và đang bị Trung Quốc qua mặt với đồng Nguyên có thêm thế giá mà Ngân hàng Trung ương Mỹ lại chẳng được gì. Sự thật không đơn giản vậy. Kết luận thì hệ thống kinh tế bát nháo của thế giới và cuộc tranh luận bất tận ngày nay về Hoa Kỳ phải làm cho chúng ta suy nghĩ lại và đừng tin vào huyền thoại về một thế giới giao dịch tự do.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét