Thứ Tư, 28 tháng 3, 2018

3616 - Những « cái gọi là » ở Việt Nam.

Trong những cuộc vui lễ hội, khi bàn tán về rượu vang, đôi khi bọn Tây có hỏi tôi: Việt Nam bọn mày có sản xuất rượu vang không ? Tôi đều trả lời: có, bọn tao cũng có rượu vang, nhưng chỉ là cái được gọi là rượu vang mà thôi (le soi-disant vin). Thật vậy, hình ảnh còn đọng lại trong tôi là những chai rượu vang của nhà máy rượu Hà nội, nằm ở góc Phố Nguyễn Công Trứ và Lò Đúc. Mỗi dịp tết, chúng tôi phải xếp hàng, có khi mất nửa ngày mới mua được một hai chai. Những chai rượu này đều ghi ở trên mác : Rượu vang. Nhưng nó chỉ như một loại si rô có chút nồng độ cồn, uống cho thêm tí cay cay hương vị ngày tết. Chắc chắn một ngàn phần trăm, quy trình sản xuất loại rượu vang này không thể như ở phương Tây. Do vậy, đối với tôi nó chỉ thuộc dạng, cái được gọi là rượu vang mà thôi.

Ở trong nước hiện nay, có rất nhiều thứ sao chép, bắt chước gần giống như thật. Nó hao hao về hình dạng, mẫu mã, nhưng do không học hỏi đến nơi đến chốn, chỉ quen cắt xén, rút lõi, ma lanh « đi tắt đón đầu », nên chất lượng kém xa với thứ đích thực cùng tên gọi.

Cái gọi là đường cao tốc : Vụ xe cứu hỏa đi ngược chiều vào đường cao tốc, làm tôi nhớ lại thời gian tôi về Việt Nam, đi trên đường cao tốc, tôi đã thốt lên rằng, đây không thể gọi là đường cao tốc mà chỉ là cái được gọi là đường cao tốc mà thôi. Ai ở châu Âu, Mỹ, về nước thì đều có thể có nhận xét này giống tôi. 
Nếu ở đường cao tốc phương Tây, chiếc xe cứu hỏa kia muốn chạy ngược chiều cũng rất khó. Đường dẫn vào là đường gần song song với đường cao tốc, nó có khoảng cách dài cần đủ để cho các loại xe tăng tốc bắt cùng tốc độ rồi hòa vào dòng xe trên đường. Nếu muốn chạy ngược chiều bắt buộc nó phải tạo vòng cua gần như 180 độ. Bản thân tôi chưa bao giờ thấy xe cảnh sát, cứu hỏa, cứu hộ ở châu Âu đi ngược chiều trên đường cao tốc cả. Tai nạn vừa rồi xảy ra đơn giản là vì đường dẫn vào cắt ngang gần như vuông góc, tạo nên một ngã ba với đường cao tốc. Xe cứu hỏa lừ lừ tiến vào, cắt ngang mặt. Đi chậm trên đường cao tốc cũng đã nguy hiểm dễ gây tai nạn rồi, huống chi tạt ngang mặt. 

Ngoài ra, bảng biển trên đường cao tốc ở Việt Nam, dường như chưa đúng theo quy chuẩn quốc tế, thậm chí nhiều bảng biểu khó hiểu, như đánh đố người tham gia giao thông, ghi chi chít bố ai vừa chạy vừa đọc kịp.

Cái được gọi là hệ thống phòng cháy, chữa cháy ở Việt Nam : Tôi nhận thấy thói « cái khó nó bó cái ranh ma» dẫn đến hệ thống PCCC ở ta thật tồi tệ. Nhà đầu tư cắt giảm chi phí làm cho trang thiết bị dường như chỉ để điểm danh cho có đầy đủ, ít khi phát huy tác dụng. Ngày xưa, lúc trẻ chúng tôi hay tếu táo, cái xe đạp của tao cái gì cũng kêu, trừ cái chuông. Ngày nay, chúng ta chứng kiến hệ thống báo cháy lúc diễn tập thì kêu inh ỏi, lúc cháy thật thì im tịt. 

Hai ba năm gần đây, chứng kiến nhiều vụ cháy, mới thấy sự yếu kém, bất lực của lực lượng chữa cháy. Đôi khi dân gian còn nói kháy rằng các chú cứu hỏa đến chỉ để chứng kiến đám cháy được tắt khi không còn gì nữa để mà cháy. 

Cái được gọi là tôn trọng tự do và nhân quyền tại Việt Nam : « Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và đảm bảo tất cả các quyền con người theo đúng các chuẩn mực quốc tế về nhân quyền ». Đó là điều mà các quan chức Việt Nam « cố đấm ăn xôi » khẳng định. Quan niệm về tự do và nhân quyền của đảng cộng sản Việt Nam còn quá xa so với chuẩn mực quốc tế. Nếu được tự do lựa chọn, tôi dám chắc 80-90% người dân Việt Nam không lựa chọn đảng cộng sản lãnh đạo đất nước. Không có tự do bầu cử, nên chúng ta đang để những kẻ bất tài, kém đức, tham lam vô độ đang « đè đầu, cưỡi cổ » dân tộc Việt Nam. 

Tự do, nhân quyền gì mà, người nông dân đứng lên bảo vệ tư liệu sản xuất - bỏ tù ; đấu tranh công đoàn bảo vệ quyền lợi công nhân - bỏ tù ; đấu tranh đòi tôn trọng tự do tôn giáo, tín ngưỡng - bỏ tù ; góp ý, phê bình chính quyền - đe dọa, đánh đập, bỏ tù ; biểu tình chống xâm lấn Trung quốc - bỏ tù. Danh sách tù nhân lương tâm ngày một dài thêm, với những bản án vô cùng khắc nghiệt, vô nhân đạo.

Thậm chí, ngay cả giới chức chính quyền còn đùa nhau rằng: tự do hội họp - cấm tụ tập đông người ; tự do ngôn luận - cấm phát ngôn bừa bãi ; tự do tín ngưỡng - cấm mê tín dị đoan. Tóm lại là, tự do tất cả - cấm lợi dụng tự do.

Ấy thế mà bên cạnh nhiều nhiều cái được goi là « cái gọi là », tỉ như : cái gọi là giáo sư, tiến sĩ, vân vân và vân vân, thì Việt Nam lại có những cái rất oách, rất xịn, không nơi nào trên thế giới có thể sánh kịp. Tôi chỉ điểm ở đây hai thứ, đó là : lăng bác và nghĩa trang cán bộ cao cấp.

Thử hỏi, có nơi nào trên thế giới có lăng như bác của ta không. Có cả một tư lệnh những người sống chỉ để bảo vệ một cái xác chết. Ngay cả trùm sò Trung cộng làm gì có lăng như bác của ta đâu. Cũng có thể bác gốc tầu, nên bọn tầu nó thâm lắm, nó giữ để làm cha già vĩnh viễn của dân tộc Việt Nam mà.

Còn cái vụ 1.400 tỷ xây nghĩa trang cao cấp. Có nơi nào trên thế giới có tinh thần « đền ơn, đáp nghĩa » như ở xứ ta chưa. Công ơn trời biển của các đồng chí lãnh đạo thật không gì có thể bù đắp được. Không có đảng, không có bác làm gì dân ta được bị như ngày nay.

Tóm lại, 

Trả lại đây cho nhân dân tôi 
Quyền tự do, quyền con người 
Quyền được nhìn, được nghe, được nói 
Quyền được chọn chân lý tự do 
Quyền xóa bỏ độc tài độc tôn. 
Trả lại đây quyền phúc quyết của toàn dân 
Dân biết điều gì dân cần 
Để tự do mưu cầu hạnh phúc.

Và cuối cùng, để đòi những quyền trên, người dân Việt Nam cần đông đảo đứng lên hót hết vào sọt rác cái được gọi là « đỉnh cao trí tuệ » của đảng cộng sản Việt Nam.


Đặng Xương Hùng
Genève, 25/3/2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét