Cuộc họp của Bộ Chính trị Việt Nam về việc dừng dự án Cá Rồng
Đỏ được cho là bị trì hoãn do các chuyến công du nước ngoài của Thủ tướng Nguyễn
Xuân Phúc, tang lễ của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải (ảnh minh họa)-Getty Images
Một nguồn tin của Reuters, người trực tiếp nắm tình hình, cho hay chính phủ Việt Nam dừng dự án Cá Rồng Đỏ trong khi Bộ Chính trị đang xem xét nên dừng hay chấm dứt hoàn toàn.
Nguồn tin này đề nghị không tiết lộ danh tính do tình hình nhạy cảm, theo bài báo của Reuters hôm 23/3. Một nguồn tin khác từ công ty Repsol tiết lộ với Reuters rằng lãnh đạo tập đoàn này đã thảo luận để ứng phó với áp lực trực tiếp từ Trung Quốc và gián tiếp từ phía Việt Nam.
Trong những ngày qua, BBC Tiếng Việt đã ghi nhận bình luận của nhiều nhà quan sát quốc tế về vụ việc.
Hôm 27/03, trả lời BBC, tiến sỹ Collin Koh Swee Lean, từ Viện IDSS (Institute of Defence and Strategic Studies), thuộc S. Rajaratnam School of International Studies (RSIS) ở Singapore bình luận:
"Tôi có bạn bè trong ngành khai thác ngoài khơi, và họ nói với tôi rằng an toàn và an ninh là điều quan trọng nhất cho các hoạt động của họ.
"Khu vực khoan dầu khí có thể còn đang tranh chấp, hoặc là không, nhưng an toàn và an ninh cần được nước mời gọi đầu tư trong hợp đồng đảm bảo cho các dịch vụ đó."
Quyết định tạm dừng này, hiện được xem xét dưới góc độ chi phí đền bù do phá hợp đồng liệu có cao hơn so với cái giá phải trả nếu chống lại áp lực từ Trung Quốc hay không, sẽ được thực hiện cho đến khi Bộ Chính trị họp bàn.
Cuộc họp của Bộ Chính trị bị trì hoãn do các chuyến công du nước ngoài của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cùng hàng loạt cuộc thăm viếng của quan chức nước ngoài đến Hà Nội, và lễ tang nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải hôm thứ Bảy 24/3.
Theo Reuters, phát ngôn viên của Repsol ở Madrid từ chối bình luận về sự việc. Lãnh đạo PetroVietnam từ chối bình luận. Bộ Ngoại giao Việt Nam không có phản ứng tức thời nào với email đề nghị bình luận sự việc.
Khi được hỏi tại một cuộc họp thường kỳ có phải Trung Quốc đã ép buộc Việt Nam hoặc Repsol, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh, nói bà không biết những tin tức đó đến từ đâu, nhưng không đi vào chi tiết.
"Chúng tôi hy vọng các bên liên quan có thể làm việc cùng nhau để duy trì tình hình tích cực rất khó đạt được này ở Biển Đông", bà nói.
Theo trang The Diplomat, khi được hỏi về việc Repsol phải tạm dừng dự án Cá Rồng Đỏ, bà Hoa Xuân Oánh nói "Vị trí của Trung Quốc ở biển Đông rất rõ ràng, tình hình đang lắng xuống và ổn định, và cho thấy đà phát triển tích cực."
Năm ngoái, căng thẳng giữa Hà Nội và Bắc Kinh đã nổ ra liên quan đến các hoạt động của Repsol trong lô 136-06. Phó Chủ tịch Uỷ ban Quân sự Trung ương Trung Quốc, ông Phạm Trường Long đã cắt ngắn chuyến thăm Việt Nam vào tháng 6 sau khi Hà Nội từ chối tuân thủ yêu cầu của Trung Quốc buộc Repsol ngừng hoạt động trong lô này, theo bài báo ngày 25/3 của The Diplomat.
Tờ này cho hay căng thẳng này bùng lên một năm sau khi một tòa án ở Hague đưa phán quyết là tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông không hợp lệ theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Toà án lúc đó đang cứu xét một vụ kiện chống lại Trung Quốc năm 2013 của Philippines.
"Việt Nam và Trung Quốc đã chứng kiến sự căng thẳng trong năm 2014, sau khi một công ty dầu mỏ của Trung Quốc đưa một giàn khoan dầu sang vùng biển đang tranh chấp, dẫn đến một cuộc xung đột kéo dài giữa các tàu hải quân và các tàu dân dụng của cả hai bên", Ankit Panda của The Diplomat viết.
"Repsol không phải là công ty quốc tế duy nhất có các hoạt động khoan và khai thác ngoài khơi gần các vùng căng thẳng địa chính trị ở Biển Đông. Công ty dầu mỏ của Mỹ ExxonMobil và ONGC Videsh của Ấn Độ cũng đã tiến hành các hoạt động trong và gần những khu vực tranh chấp."
Trang The Star Online ngày 27/3 đưa tin PetroVietnam - công ty liên doanh với Yinson của Malaysia - đã được chỉ đạo dừng triển khai dự án tại mỏ Cá Rồng Đỏ.
Hợp đồng của PetroVietnam với Yinson là hợp đồng thuê tàu thuyền, bao gồm thuê tàu hạn định trần, và vận hành, bảo dưỡng các bể chưa dầu nổi và bể chứa dầu thông thường.
Yinson cũng là công ty liên doanh của Repsol. Phóng viên Bill Hayton của BBC cho biết Repsol đã thuê Yinson cung cấp một bể chứa dầu nổi (Floating Production Storage and Offloading - FPSO) tại địa điểm này trong 10 năm, với chi phí ước tính trên 1 tỷ đô la.
Yinson nắm 41% cổ phần tại dự án mỏ Cá Rồng Đỏ, trong khi PetroVietnam là 59%.
Yinson cho hay: "Trong khi chờ đợi giải pháp cho vấn đề này, Tổng Công ty Kỹ thuật dầu khí PetroVietnam sẽ nỗ lực để có các hành động phù hợp nhằm làm giảm thiểu tác động của sự việc bất khả kháng này."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét