Trang 11 của báo Le
Monde là trang quảng cáo. Cả chân dung ông Trọng lẫn bài viết của ông về “Triển
vọng tốt đẹp của quan hệ Việt - Pháp” thuộc dạng “cậy đăng” và tự nguyện trả
phí.
Đợt công du “cấp nhà nước” của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí
thư Đảng CSVN ở Pháp, Cuba vừa kết thúc và dư âm của đợt công du này vẫn đang
làm dư luận Việt Nam rúng động. Diễn Đàn – website do những người Việt cư trú tại Pháp sáng
lập và điều hành – kể rằng, chẳng có cơ quan truyền thông nào của Pháp đề cập đến
sự kiện ông Trọng sang thăm Pháp “theo lời mời của tổng thống Cộng hoà Pháp
Emmanuel Macron” như hệ thống truyền thông Việt Nam đã quảng bá.
Tổng Bí thư Đảng CSVN đến Pháp vào chiều 25 tháng 3, chiều
26 tháng 3, nhật báo Le Monde dành trọn trang 11 đăng chân dung ông Trọng, kèm
bài viết với chú thích “Một diễn đàn của Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng
Cộng sản Việt Nam, nhân chuyến thăm Pháp”.
Vì không rành, người Việt sống ở bên ngoài nước Pháp thấy thế
thì biết thế nhưng xui cho ông Trọng là những người Việt cư trú tại Pháp như
các vị điều hành website Diễn Đàn thì biết rất rõ: Trang 11 là trang quảng cáo.
Cả chân dung ông Trọng lẫn bài viết của ông về “Triển vọng tốt đẹp của quan hệ
Việt - Pháp” thuộc dạng “cậy đăng” và tự nguyện trả phí. Chi phí cho việc quảng
bá tên tuổi của Tổng Bí thư Đảng CSVN được Diễn Đàn ước tính khoảng 4 tỉ đồng
Việt Nam!
Một độc giả của Diễn Đàn có nick name là D.M không đồng tình
với cách ước tính của Diễn Đàn vì Diễn Đàn mới chỉ tính giá bán quảng cáo trang
11 của Le Monde (147.900 Euros), trong khi trên thực tế, phía đăng quảng cáo
không thể trốn 20% thuế VAT (29.580 Euros) đối với quảng cáo này. Thành ra nếu
tính đúng, tính đủ, chi phí mà ngân sách Việt Nam phải chi cho việc quảng bá
tên tuổi của ông Trọng lên tới 177.480 Euros. Quy đổi theo hối suất hiện hành
thì khoản này chừng 5 tỉ đồng Việt Nam (1).
Phát hiện của Diễn Đàn khiến hàng chục triệu dân đen xuýt
xoa, tiếc rẻ. Họ đem 5 tỉ đồng chi cho chuyện quảng cáo tên tuổi của Tổng Bí
thư Đảng CSVN so với chi phí xây trường, bắc cầu, dựng nhà để tính xem chúng
tương đương với bao nhiêu ngôi trường, cây cầu ở vùng sâu, vùng xa và những căn
nhà tình thương mà vô số người nghèo đang chờ được hỗ trợ.
Tổng Bí thư Đảng CSVN – nhân vật đang được ca ngợi như một
lãnh tụ anh minh - từng tuyên bố rất dõng dạc từ lâu, ở nhiều nơi, với nhiều
người rằng “chỉnh đốn Đảng” không đơn thuần chỉ là chống tham nhũng mà phải chống
cả lãng phí, lẫn “tự diễn biến, tự chuyển hóa”. Ai cũng hiểu tham nhũng, lãng
phí là gì song ngữ nghĩa của “tự diễn biến, tự chuyển hóa” theo cách mà Tổng Bí
thư và giới lãnh đạo Đảng CSVN lên án thì hết sức phức tạp, dài dòng. Nói một
cách tổng quát, “tự diễn biến, tự chuyển hóa” là thay vì phải “đỏ” thì cán bộ,
đảng viên “tự đổi màu” vì “tự biến đổi về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống,…
do suy thoái từ bên trong”. Tổng Bí thư và giới lãnh đạo Đảng CSVN cũng đã từng
xác định những dấu hiệu của “tự diễn biến, tự chuyển hóa”. Trong số những dấu
hiệu này có “vị kỷ”, “đề cao tư lợi”, “tự mãn”, “nói nhiều, làm ít”.
Sáu năm trước, hồi tháng 10 năm 2012, Tổng Bí thư đã nhấn mạnh
sự “xót xa” khi lãng phí tràn lan trong bối cảnh quốc gia, dân chúng đối diện với
đủ thứ khó khăn (2). Đúng năm năm sau, hồi tháng 10 năm ngoái, Tổng Bí thư Đảng
CSVN khẳng định, “lò” chống tham nhũng, lãng phí đã “nóng” và tất cả phải “vào
cuộc”, rằng giới lãnh đạo Đảng CSVN sẽ mạnh tay hơn chứ không chỉ “đánh từ vai
trở xuống” (3).
Nếu Tổng Bí thư thật sự anh minh, thật sự “xót xa”, xem lãng
phí nguy hại như tham nhũng, cương quyết chống “tự diễn biến, tự chuyển hóa”,
không tha thói “vị kỷ”, “tư lợi”, “tự mãn” và “nói sao, làm vậy” chứ không “nói
nhiều, làm ít” thì dứt khoát ông Nguyễn Phú Trọng sẽ thành… tro vì làm công quỹ
thâm hụt 5 tỉ và làm uy tín của Đảng sút giảm nghiêm trọng.
Nếu Tổng Bí thư tận tâm, tận lực “chỉnh đốn Đảng” để khôi phục
lại niềm tin của toàn dân đối với Đảng CSVN cho nên sẽ đánh cả phía trên… vai
thì chắc chắn ông Nguyễn Phú Trọng sẽ bị chẻ làm nhiều mảnh để thảy vào “lò”
thêm nhiều lần nữa. Năm 2011, khi phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 4 của BCH
TƯ Đảng khóa 11, Tổng Bí thư Đảng CSVN từng nhấn mạnh “xác định rõ thẩm quyền,
trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và mối quan hệ với tập
thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị” là một trong ba “vấn đề cấp bách, cần làm ngay”
(4) song từ đó đến nay, chưa bao giờ ông Nguyễn Phú Trọng – nhân vật đứng đầu Đảng
CSVN suốt bảy năm vừa qua – bị truy cứu trách nhiệm khi để những thành viên cao
cấp của tổ chức chính trị do ông đứng đầu gây ra đối với chính trị, kinh tế, xã
hội. Tha ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư – người đốt lò – có xứng với hai chữ…
“vĩ đại”?
Nếu Tổng Bí thư “trượng nghĩa” như một “hào kiệt”, ông Nguyễn
Phú Trọng ắt sẽ bị thảy vào lò vì vi hiến, lăng mạ thể chế “Cộng hòa Xã hội chủ
nghĩa”.
Dẫu xác định Đảng CSVN là tổ chức chính trị duy nhất lãnh đạo
toàn diện và tuyệt đối thể chế chính trị tại Việt Nam, song Hiến pháp Việt Nam
minh định, đây là sự lãnh đạo về chủ trương, đường lối, Đảng CSVN không giẫm đạp
lên nhà nước, chính phủ. Những chuyến công du “cấp nhà nước” càng ngày càng nhiều
của ông Trọng sổ toẹt Hiến pháp. Chúng không chỉ gây tốn kém mà còn góp phần chứng
minh, luật pháp ở Việt Nam là một mớ giấy lộn. Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ là
bù nhìn. Đảng CSVN vừa đào mồ chôn thể chế quân chủ, vừa dựng dậy một dạng quân
chủ chuyên chế khác. Không tế cáo trời đất để xưng vương nhưng người đứng đầu Đảng
CSVN chính là một loại… vua. Chỉ là người đứng đầu một tổ chức chính trị, không
do dân cử nhưng vua vẫn điềm nhiên nhân danh quốc gia, dẫn quần thần chu du khắp
thiên hạ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét