Hàng ngàn tấn củ cải bị người nông dân nhổ bỏ vì không bán
được, rớt giá. Ảnh: vneconomy.vn
Trong những ngày qua, những người nông dân trồng củ cải trắng tại xã Tráng Việt (Mê Linh – Hà Nội) đang phải “nuốt nước mắt” nhổ bỏ hàng trăm tấn củ cải đến mùa thu hoạch. Nguyên nhân là do giá củ cải rớt thảm hại, có lúc chỉ có 500 đồng/kg, giảm hơn 15 lần so với bình thường nhưng cũng không có ai đến mua.
Không tiêu thụ được, nông dân còn phải bỏ tiền túi và công sức ra thuê người nhổ bỏ và thuê ô tô chở củ cải đi đổ ra sông Hồng. Thảm hại đến mức các điểm bán củ cải được lập ra khắp Hà Nội, cả hệ thống chính quyền kêu gọi công chức tích cực ăn củ cải, và báo chí thì dày đặc những bản tin kêu gọi cả xã hội chung tay “giải cứu” củ cải.
Những năm gần đây, chuyện “giải cứu nông sản” cứ tái diễn liên tục và không bớt nóng trong tâm điểm thời sự kinh tế – xã hội. Hầu như không năm nào lại không giải cứu nông sản, từ thanh long cho đến lợn thịt, chuối, điều, tỏi, dưa hấu, bí đỏ, thịt gà… Vòng luẩn quẩn được mùa mất giá luôn đẩy người nông dân vào con đường thua lỗ, nợ nần, người tiêu dùng cũng chẳng được hưởng lợi, trong khi các cơ quan quản lý lúng túng và cho đến giờ vẫn chưa có một giải pháp căn cơ nào để giải quyết vấn đề này.
Mỗi khi có nông sản nào đó khó tiêu thụ, thường nhà nông là người bị quy trách nhiệm đầu tiên. Tuy nhiên, có mấy ai chịu nói về định hướng quy hoạch của các cơ quan quản lý chưa thật sự tốt, nhất là vai trò của chính quyền trong việc quy hoạch và phát triển các hàng hóa. Thực tế là cách hỗ trợ nông dân của nhà nước hiện nay vẫn nặng về tăng năng suất, sản lượng. Trong khi đó, điều mà người nông dân cần nhất là thông tin thị trường, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, kết nối với các doanh nghiệp…
Chuyện giải cứu nông sản đã và đang là “bệnh trầm kha” của nền sản xuất nông nghiệp. Đây là hậu quả của tư duy sản xuất trì trệ, chậm đổi mới. Một nền sản xuất không thể lớn mạnh, hiệu quả bền vững nếu cứ loay hoay trông vào vận may thời tiết, trông chờ hay kêu gọi sự hảo tâm của xã hội để giải cứu đầu ra. Từ những cuộc giải cứu củ cải, nói riêng, nông sản nói chung đặt ra vấn đề phải giải cứu cả tư duy quản trị và sản xuất nông nghiệp.
Hơn lúc nào hết, ngay từ bây giờ, nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam cần một cuộc giải cứu bao trùm là giải cứu tư duy quản trị và sản xuất nông nghiệp. Các biện pháp “giải cứu” chỉ là giải pháp tình thế và không bền vững. Để không phải giải cứu nông sản thì cần làm ngay ba việc.
Thứ nhất là hạn chế nhập khẩu nông sản từ nước ngoài. Thực tế thịt, rau quả nhập khẩu tác động rất lớn đến ngành chăn nuôi, trồng trọt trong nước. Chính quyền cần có những biện pháp quyết liệt ngăn chặn rau, thịt bẩn qua các biên giới, xây dựng hàng rào kỹ thuật nhằm bảo vệ sản xuất trong nước.
Đang có thực tế nghịch lý rằng, tuy thừa rau, thịt… phải giải cứu không xuể nhưng trong khi hằng ngày, theo báo chí phản ánh, Việt Nam nhập khẩu rất nhiều rau, củ, quả, thịt, cá… và người dân phải trả giá đắt đỏ để tiêu dùng sản phẩm nhập khẩu, trong khi sản phẩm cùng loại nông dân Việt hoàn toàn có thể làm ra.
Thứ hai là đẩy mạnh chăn nuôi, trồng trọt theo hợp đồng, theo chuỗi giá trị. Các chuỗi giá trị này phải đảm bảo an toàn thực phẩm không chỉ theo yêu cầu của Việt Nam, mà còn có thể đáp ứng yêu cầu của nhiều các quốc gia nhập khẩu.
Thứ ba là cho các hiệp hội quyền được phân bổ hạn ngạch chăn nuôi, trồng trọt trên cơ sở cân đối cung cầu trong nước để tránh tình trạng khan hiếm hay dư thừa. Thông qua chuỗi này, nông dân ký hợp đồng với các đối tác cung cấp đầu vào và đảm bảo bao tiêu sản phẩm. Khi đó, nông dân chỉ tập trung vào phần việc của mình, không phải lo lắng về đầu ra.
Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực chuyên môn, giải quyết triệt để sự yếu kém trong quản lý nhà nước đối với ngành nông nghiệp như hiện nay. Nguyên nhân chủ yếu xảy ra tình trạng được mùa mất giá như là do năng lực dự báo sản xuất, dự báo thị trường của Việt Nam rất yếu và thiếu.
Hầu hết các quốc gia đều có cơ quan trinh sát thị trường, cập nhật thông tin thường xuyên, thậm chí còn xây dựng bản đồ, số hóa thông tin để đưa đến cho nông dân, doanh nghiệp. Từ đó, nông dân có thể biết rõ cung cầu, xu hướng… Dựa trên những thông tin này, nông dân sẽ tự điều chỉnh sản xuất. Tuy nhiên, ở Việt Nam còn thiếu và chưa có đơn vị nào làm tốt công việc này.
Nông dân cần nhà nước nghiên cứu thị trường, cung cấp thông tin định hướng, tiêu chuẩn, chính sách ở các thị trường, kênh phân phối tiêu thụ của các nước… vì điều đó vượt ra ngoài năng lực và khả năng của nông dân. Hệ thống quản lý của Nhà nước cần chuyển từ cách thức điều hành sản xuất theo kiểu kinh tế kế hoạch trước đây, nặng về làm nhiều, nhanh, tốt, rẻ… sang điều hành thích ứng với kinh tế thị trường. Đặc biệt cần có chính sách ưu đãi để thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư chế biến nông sản xuất khẩu, giúp người nông dân tiêu thụ được sản phẩm của mình.
Cuối cùng, tinh thần chia sẻ của người dân Việt Nam là rất đáng trân trọng, nhưng cũng không thể bắt người dân cả nước chia sẻ mãi được, bởi không ai có thể ăn mãi mỗi quả dưa hấu, củ cải hay thịt heo. Việc giải cứu chỉ là giải pháp tạm thời, cấp bách. Về lâu dài, nếu muốn không còn tái diễn cảnh giải cứu nông sản, điều quan trọng là cần sớm có Luật Nông nghiệp. Việt Nam có tới 65% dân số sống ở nông thôn với 23 triệu lao động nhưng lại chưa có Luật Nông nghiệp là không thỏa đáng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét