Nên coi bán dâm là một nghề hay không là chuyện đã rất nhiều lần được đặt ra trên các bàn nghị sự ở nước ta. Và mới đây, lần nữa, vấn đề này được đặt ra tại một hội thảo về quan điểm, định hướng xây dựng chính sách, pháp luật về mại dâm.
Một trong những ý kiến được trích dẫn nhiều nhất tại hội thảo
này là của ông Nguyễn Xuân Lập – Cục trưởng Cục Phòng chống Tệ nạn (Bộ
LĐTB&XH). Ông Lập đồng tình với các ý kiến cần phải có luật về mại dâm để
giảm hại cho những người hành nghề mại dâm, đảm bảo quyền công dân và quyền con
người. Và Bộ LĐTB&XH đã thành lập ban nghiên cứu để xây dựng dự án luật
trình Chính phủ trong thời gian tới.
Nhưng ông băn khoăn rằng Việt Nam là đất nước truyền thống Á
Đông, nếu công nhận mại dâm là một nghề thì cực kỳ khó. “Nếu theo luật giáo dục
nghề nghiệp, đã có nghề phải có tiêu chuẩn nghề, ông tổ nghề, có bộ giáo trình
dạy nghề được cấp, thang bảng lương... vô cùng phức tạp”.
Nghe hơi buồn cười bởi mại dâm là nghề cổ xưa nhất trên trái
đất và chẳng cần ai phải dạy ai “vén váy” cả. Bởi trước khi hợp thức hóa thành
nghề, thì hãy nhận thức rằng mại dâm là một nghề tự do như những nghề tự do
khác như: Sửa xe máy, cắt tóc, làm móng tay, massage tẩm quất... Và không ai lại
bâng quơ đi thắc mắc là tại sao những nghề này không có "tổ nghề",
giáo trình nghề, tiêu chuẩn nghề ... mới hoạt động được cả.
Dù muốn hay không thì mại dâm vẫn là một trong những nghề cổ
xưa nhất trái đất và là một thực tế hiện hữu trong xã hội. Theo thống kê của Tổ
chức Lao động quốc tế (ILO), nước ta có khoảng 100.000 người bán dâm, trong đó,
người bán dâm là nữ khoảng 75.000 người. Đối tượng và hình thức hoạt động mại
dâm vẫn chủ yếu dưới dạng: Gái gọi, du lịch tình dục, người nước ngoài bán dâm,
mại dâm nam, mại dâm đồng tính, người chuyển giới bán dâm, môi giới mại dâm
thông qua Internet (Facebook, Zalo)...
Và trong khi chờ có luật về mại dâm và ngã ngũ tranh cãi có
nên coi mại dâm là một nghề như bao nhiêu nghề nghiệp khác trong xã hội hay
không, chúng ta cần thừa nhận “những người hoạt động mại dâm ở khía cạnh con
người. Nghĩa là họ có quyền được sống, được bình đẳng đóng góp và hưởng thụ
phúc lợi như: chăm sóc sức khỏe, giáo dục, việc làm, chăm sóc con cái…” – như lời
ông Cao Văn Thành, Phó cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn (Bộ LĐTB&XH).
Không nên băn khoăn về ông tổ nghề hay giáo trình dạy nghề,
thang bảng lương… với những người bán dâm. Nên băn khoăn rằng xã hội chúng ta,
những người quản lý đã thừa nhận họ đúng hay chưa ở khía cạnh con người…
(Theo báo Lao Động)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét