Thứ Năm, 1 tháng 3, 2018

3053 - CPTPP thách thức cả Mỹ lẫn Trung Quốc


CPTPP thách thức cả Mỹ lẫn Trung Quốc
Hơn một năm sau khi Hoa Kỳ chính thức rút khỏi Hiệp Định Tự Do Mậu Dịch Xuyên Thái Bình Dương, 11 thành viên còn lại của TPP tự định đoạt lấy tương lai, khai sinh một hiệp định mới, CPTPP. Phải chăng đây là thất bại của Mỹ và là một bài toán trắc nghiệm đối với Trung Quốc ?

Trên nguyên tắc ngày 08/03/2018 tới đây tại Chilê, các bên đặt bút ký vào bản khai sinh CPTPP. Hiệp Định Đối Tác Toàn Diện và Tiến Bộ Xuyên Thái Bình Dương không hơn không kém là phiên bản mới của TPP với một vài thay đổi được cho là "ít mang tính ràng buộc" hơn so với dự án ban đầu.
11 nền kinh tế tham gia phiên bản mới của TPP gồm Úc, Brunei, Canada, Chilê, Mêhicô, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.
Vắng Mỹ, GDP của 11 quốc gia kể trên cộng lại, chỉ bằng 13,4 % tổng sản lượng toàn cầu. Dù vậy, cùng với New Zealand, hai trong số tám nền công nghiệp phát triển nhất trên thế giới là Nhật Bản và Canada đã đóng vai trò chủ chốt để hiệp định CPTPP được ra đời.
Tương tự như TPP trước kia, Hiệp Định Đối Tác Toàn Diện và Tiến Bộ Xuyên Thái Bình Dương cũng dựa trên nguyên tắc cơ bản là xóa bỏ các hàng rào quan thuế, tự do hóa các luồng giao thương, tư bản và dịch vụ ...
Tháng Giêng 2017 khi Hoa Kỳ tuyên bố rút lui khỏi TPP, 11 thành viên còn lại trong vành đai Thái Bình Dương tiếp tục theo đuổi mục đích đạt đến một khu vực tự do mậu dịch rộng lớn nhất thế giới. Các bên đã phải vượt qua nhiều bất đồng để hoàn tất và công bố CPTPP. Các bên tham gia đã quyết định "tạm đình chỉ" hơn 20 điều khoản bị cho là mang tính ràng buộc quá đáng, trong một số lĩnh vực như dược phẩm, quyền bảo vệ sở hữu trí tuệ, hay chế độ cung ứng cho khu vực Nhà nước ...
Trong bản thông báo phiên bản mới TPP-11 hôm 21/02/2018 tại Wellington, thủ đô New Zealand, các bên đã nhấn mạnh đến những lợi thế một khi CPTPP có hiệu lực - trễ nhất là vào giữa năm 2019.
Bộ Thương Mại New Zealand dự phóng Hiệp Định Đối Tác Toàn Diện và Tiến Bộ Xuyên Thái Bình Dương mở ra thị trường gần 500 triệu người tiêu dùng cho một quốc gia với vỏn vẹn 4,7 triệu dân New Zealand, và vào trung hạn, khu vực xuất khẩu của New Zealand hàng năm thu về thêm hơn 220 triệu đô la nhờ các hàng rào quan thuế được bãi bỏ với 10 đối tác trong khu vực Thái Bình Dương.
Ông Lim Hng Kiang, bộ trưởng Thương Mại và Công Nghiệp Singapore quả quyết, "các doanh nghiệp Singapore hưởng lợi nhiều" nhờ hiệp định này. Canberra và Ottawa đặt trọng tâm vào vế tạo thêm công việc làm cho công dân Úc và Canada.
Về phía Việt Nam, theo thống kê của Trung Tâm Thông Tin và Dự Báo Kinh Tế Xã Hội Quốc Gia thuộc bộ Kế Hoạch - Đầu Tư, GDP của Việt Nam tăng thêm 1,32 %. Kim ngạch xuất khẩu tăng thêm 4 %.
Ngoài lợi ích trước mắt là đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Úc hay Canada, chính quyền Việt Nam biết rằng hiệp định CPTPP sẽ là động lực để các doanh nghiệp đẩy mạnh cải tổ, tăng khả năng cạnh tranh của cỗ máy sản xuất và xuất khẩu trong nước.
Trở lại với một câu hỏi cơ bản : Hiệp Định Đối Tác Toàn Diện và Tiến Bộ Xuyên Thái Bình Dương CPTPP có gì mới so với phiên bản ban đầu là TPP ? Từ Hoa Kỳ, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa trả lời :
Nguyễn Xuân Nghĩa : Hiệp Ước Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP là văn kiện đã được 12 quốc gia ký kết từ năm 2015, sau cùng lại không được Hoa Kỳ chấp thuận vào năm 2016 và chính thức triệt thoái vào đầu 2017. Tuy nhiên, 11 quốc gia còn lại vẫn xúc tiến việc đàm phán, chỉ tạm ngưng áp dụng 23 đề luật nguyên thủy, đa số là do Hoa Kỳ đề nghị trong sáu năm đàm phán, nhưng mở rộng nội dung hợp tác nên mới gọi là "toàn diện", và theo hướng "cấp tiến" hay thiên tả, do sáng kiến của thủ tướng Canada với sự đồng tình của thủ tướng Úc vì không chỉ nhắm vào mục tiêu tiết giảm phí tổn kinh doanh cho các doanh nghiệp mà thôi.
Nếu so sánh thì nhóm 11 quốc gia của CPTPP có sản lượng tổng cộng khoảng 10 ngàn tỷ đô la một năm, bằng 13,5% tổng sản lượng toàn cầu, và thiếu nền kinh tế Hoa Kỳ có tổng sản lượng bằng 27% của thế giới. Sau khi đạt thỏa thuận vào tháng trước thì 11 nước còn lại sẽ qua tám bước phê chuẩn và chuẩn bị bên trong để tiến tới chế độ tự do thương mại và đầu tư với nhau trong vòng hai năm tới. Từ nay tới đó, Hoa Kỳ, 28 nước Liên Âu cũng sẽ tái đàm phán với nhóm này trên căn bản đa phương hay song phương để xin gia nhập.
RFI : Hậu quả kinh tế của việc hợp tác này sẽ là gì ?
Nguyễn Xuân Nghĩa : Tôi thiển nghĩ văn kiện có nội dung chính trị hơn là kinh tế vì ảnh hưởng phát triển ngoại thương cũng giới hạn thôi, theo tinh thần "có còn hơn không" vì bao gồm quá nhiều đặc miễn về chế độ đầu tư, về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tác quyền và thương hiệu, về các khu vực dược phẩm, bưu chính, viễn thông và chế độ cung ứng cho khu vực nhà nước. Nói chung, bước đột phá nếu có chỉ thu hẹp vào lãnh vực nông sản, lương thực, chế biến mà thôi.
Ưu thế của Hiệp ước là có sự tham gia của Nhật Bản, nền kinh tế có sản lượng thứ ba sau Hoa Kỳ và Trung Quốc, và lợi thế lớn nhất là cho Canada, Úc và New Zealand. Hà Nội cũng có một chút lợi thế là được đàm phán riêng một số biện pháp cải cách về điều kiện lao động và bảo vệ môi sinh.
Chúng ta chưa đi tới một bước đột phá cho vành đai Xuyên Thái Bình Dương như người ta mong ước từ 10 năm về trước.
RFI : Liệu Hoa Kỳ có thay đổi lập trường không tham gia CPTPP ?
Nguyễn Xuân Nghĩa :Chúng ta nên quen dần với chuyện Hoa Kỳ ưa thay đổi lập trường. Xuất phát từ sáng kiến của bốn nước nhỏ trong vành cung Thái Bình Dương là Brunei, Chilê, Singapore và New Zealand vào năm 2005, Hoa Kỳ xin tham dự và đòi mở rộng đào sâu sau nhiều năm đàm phán với 11 nước kia. Khi việc đàm phán hoàn tất năm 2015 thì Quốc Hội Mỹ đổi ý vì thấy hành pháp cam kết quá nhiều. Cuộc bầu cử năm 2006 khiến đa số dân biểu nghị sĩ Dân Chủ cùng một số đại biểu Cộng Hòa cũng chống nên Hiệp ước không được Quốc Hội Mỹ phê chuẩn dù chính quyền Barack Obama vận động rất mạnh.
Sau khi nhậm chức, tổng thống Donald Trump hợp thức hóa sự kiện đó khi quyết định triệt thoái. Nhưng một năm sau, ông Trump cho biết có thể nghĩ lại và sẽ cứu xét việc tái đàm phán với từng nước hay với cả tập thể CPTPP.
RFI : Anh nghĩ sao về hy vọng đàm phán ấy?
Nguyễn Xuân Nghĩa :Tôi cho là sẽ mất hai năm thì mới biết được. Thứ nhất, TPP có nội dung chiến lược là gián tiếp nhắm vào nền kinh tế Trung Quốc. Thứ hai, 11 quốc gia trong nhóm còn lại đều là đồng minh chiến lược của Hoa Kỳ trên vành đai vây quanh Trung Quốc. Thứ ba, từ cả năm qua, chính quyền Trump châm thêm yếu tố an ninh vào quan hệ kinh tế cũng để nhắm vào Trung Quốc. Thứ tư, trong khi đó, nhiều nền kinh tế khác như Hàn Quốc, Đài Loan hay cả Âu Châu cũng muốn theo dõi để tham gia cuộc chơi.
Sau cùng, Hoa Kỳ nay đã mệt mỏi vì bị thiệt hại sau khi là nhà tiêu thụ sau cùng và lớn nhất cho các nước nên mới đòi xét lại việc buôn bán, nhưng không dễ gì lui về chế độ bảo hộ mậu dịch và xóa bỏ mọi thỏa ước tự do thương mại mà sẽ tùy cơ ứng phó.
Trong hiện tại, xu hướng bảo hộ trong Quốc Hội Mỹ vẫn còn quá mạnh do sức ép bên Dân Chủ. Nhưng chẳng khác gì năm 1994 với Hiệp ước Tự do Mậu dịch Bắc Mỹ NAFTA, bên đảng Cộng Hòa của ông Trump có tiếng nói đề cao tự do mậu dịch qua khuyến cáo của 25 vị dân cử Cộng Hòa.
Tôi dự đoán là sau khi dàn xếp xong việc cải thiện Hiệp ước NAFTA với Canada và Mexico, Hoa Kỳ sẽ xét lại vụ TPP vì rất nhiều tiểu bang và doanh nghiệp Mỹ cũng thấy mối lợi của việc hợp tác ấy trong khi mâu thuẫn với Trung Quốc sẽ chỉ tăng chứ không giảm với nhiều sáng kiến tranh thủ của Bắc Kinh. Chúng ta sẽ theo dõi chuyện này trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11/2018, xem xu hướng nào sẽ được đa số cử tri Hoa Kỳ ủng hộ vì quyền lợi của họ - rồi lãnh đạo sẽ theo đó mà tính lại.
Thái độ độc lập với cả Mỹ lẫn Trung Quốc
Theo phân tích của chuyên gia về chiến lược Pháp, Barthélemy Courmont, giám đốc Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược IRIS, Hiệp Định CPTPP là một lời cảnh cáo của 11 nền kinh tế trong vùng Thái Bình Dương nhắm tới cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc : "Nhật Bản xem TPP là một lá chắn làm đối trọng với sức mạnh cả về mặt kinh tế lẫn thương mại của Trung Quốc ở Châu Á. Việt Nam chia sẻ quan điểm này. Úc và New Zealand thì quyết tâm tăng cường trao đổi mậu dịch với các đối tác Á châu, đồng thời tránh để bị quá lệ thuộc vào Bắc Kinh".
Vẫn theo ông Courmont, CPTPP là một dấu hiệu cho thấy sự thất bại của Mỹ trên bàn cờ thương mại và quan hệ quốc tế. Nhiều đồng minh và đối tác quan trọng nhất của Washington từ Nhật Bản đến Canada, Mêhicô ... nhanh chóng thắt chặt thêm quan hệ với Liên Hiệp Châu Âu hay với các nước trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương. "Hơn bao giờ hết châu Á đang tự định đoạt lấy tương lai mà không có Mỹ". Dù vậy, chuyên gia Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược Pháp cho rằng chưa chắc ván cờ đã nghiêng về phía Bắc Kinh.
Ông Barthélémy Courmont ghi nhận : "TPP từng được coi là một công cụ kềm tỏa ảnh hưởng của Trung Quốc. Trước khi Hoa Kỳ bỏ đi, Bắc Kinh đã nỗ lực lôi kéo các quốc gia trong vùng Thái Bình Dương về phía mình qua hiệp định RCEP. Nhưng với CPTPP, 11 nước thành viên rõ ràng muốn giữ khoảng cách với Trung Quốc" và Hiệp Định Đối Tác Toàn Diện và Tiến Bộ Xuyên Thái Bình Dương cũng là một thách thức khiến chính quyền của ông Tập Cận Bình phải suy nghĩ, bởi vì với CPTPP, mỗi thành viên trong đại gia đình này "vừa là một đối tác mà cũng là một đối thủ tiềm tàng (...). Không phải ngẫu nghiên mà Bắc Kinh trong thời gian gần đây đã nối lại đối thoại với Tokyo, cải thiện quan hệ với một số thành viên của ASEAN".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét