Thiền Lâm - Cali Today
Một tổ chức tư vấn Pháp – Công ty tư vấn ADPi Engineering – được Bộ Giao thông Vận tải thuê nghiên cứu việc mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất (TSN) vừa công bố đánh giá “mở rộng phi trường TSN về phía Nam” mà đang bị dư luận xã hội nghi ngờ là tổ chức này “đi đêm” với Bộ GTVT.
Vào giữa năm 2017 khi diễn ra kỳ họp quốc hội và cùng lúc dư luận xã hội lẫn nhiều đại biểu quốc hội dậy sóng và phản ứng dữ dội với tình trạng phi trường TSN kẹt cả trên trời lẫn dưới đất cùng vụ Tập đoàn Him Lam chiếm dụng nhiều năm 157 ha của phi trường này để làm sân golf, Bộ GTVT – cơ quan chịu trách nhiệm về quản lý phi trường và cũng là “chủ quản” của sân golf TSN – đã buộc phải tính đến phương án nghiên cứu nhằm mở rộng sân bay TSN.
Tuy nhiên từ giữa năm 2017 đến nay, thời gian đã trôi qua đến 2/3 năm mà tình trạng sân golf TSN vẫn y nguyên, phi trường TSN vẫn tiếp tục kẹt cứng vào nhiều lúc cao điểm, còn phương án “mở rộng sân baty TSN” vẫn hầu như giẫm chân tại chỗ.
Một trong những nguồn cơn sân xa của tình trạng chậm xử lý sân golf TSN đã được chính chủ đầu tư của sân golf này tiết lộ: chủ đầu tư đã dùng đến 3.000 tỷ đồng để đầu tư sân golf, còn nếu nhà nước muốn lấy lại đất của sân golf này để phục vụ cho phi trường dân dụng thì phải trả lại chủ đầu tư con số 3.000 tỷ đồng ấy.
Hoàn toàn có thể hiểu là nhóm lợi ích sân golf TSN – được “bảo kê” bởi Bộ GTVT và có thể cả một bộ phận lãnh đạo Bộ Quốc phòng – đã bắt phi trường TSN làm “con tin”.
Vào giữa năm 2017, trước áp lực lớn của dư luận, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã phải chỉ đạo “mở rộng phi trường TSN về cả phía Bắc và phía Nam”.
Chỉ đạo trên cho thấy rất nhiều khả năng ông Phúc muốn “đi hàng hai”, vừa không mất lòng Bộ Quốc phòng và Quân ủy trung ương mà ông Nguyễn Phú Trọng là bí thư, cũng không đụng chạm đến nhóm lợi ích giao thông, vừa được tiếng “xử lý sân golf trong sân bay”.
Bản thông báo về chỉ đạo trên đã không hề đề cập đến bức xúc quá lớn của công luận về việc nhóm lợi ích quân đội đã chiếm dụng đến 157 ha của phi trường – một diện tích đủ để xây cả một phi trường nhỏ. Cũng không đề cập đến trách nhiệm của Bộ Quốc phòng và một số bộ ngành, địa phương khi duyệt thông qua quy hoạch “sân golf trong phi trường” – điều mà rất nhiều cử tri và công luận đã bức xúc kiến nghị phải làm rõ.
Chỉ vài ngày trước khi bản thông báo trên ra đời, chính một quan chức là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đã cho rằng không thể giải thích theo cách của Bộ Quốc phòng.
“Vấn đề này phải quay lại quy định của Hiến pháp. Đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, sau giải phóng, nhà nước giao cho quân đội quản lý, sử dụng vào mục đích quốc phòng. Việc quân đội không sử dụng hết giao cho nhà đầu tư bên ngoài khai thác làm sai mục đích sử dụng đất là Bộ Quốc phòng đã vi phạm Luật Đất đai”, ông Nguyễn Đức Kiên nêu quan điểm.
Ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng xét về Luật Đất đai, các đơn vị ký hợp đồng sử dụng đất quốc phòng làm sân golf đều sai Luật. Bộ Quốc phòng đã ký kết hợp đồng xây dựng sân golf Tân Sơn Nhất sai thẩm quyền. Một hợp đồng kinh tế giữa Bộ Quốc phòng và đơn vị đầu tư ký sai thẩm quyền thì theo quy định pháp luật, hợp đồng này vô hiệu.
Do đó, biết hợp đồng được ký kết sai thẩm quyền nhưng các bên liên quan vẫn tiến hành, cả Bộ Quốc phòng và nhà đầu tư đều sai. Theo Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, ai là người kí kết hợp đồng sân golf người đó phải chịu trách nhiệm. Khi hai bên đều sai, nếu sân golf bị thu hồi, rủi ro kinh tế xảy ra cả hai bên đều phải chịu.
Mối nghi ngờ về lợi ích nhóm thuộc về Bộ GTVT và bộ Quốc phòng ngày càng nổi cộm khi Công ty tư vấn ADPi Engineering của Pháp đưa ra đánh giá khu vực phía Bắc phi trường TSN (tức khu vực sân golf hiện nay) sử dụng cho phát triển giai đoạn sau năm 2025 với các công trình được đề xuất là nhà ga hàng hóa, dịch vụ logistics và sửa chữa, bảo dưỡng máy bay, tức hiện thời chưa cần thiết phải giải tỏa; trong khi chỉ “mở rộng phi trường TSN về phía Nam”.
Vậy “phía Nam” đó là gì?
Đó là toàn bộ các khu dân cư của các quận Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình và cả Công viên Gia Định – một trong hiếm hoi lá phổ xanh cuối cùng của Sài Gòn.
Một con số ước tính của giới chuyên gia cho biết nếu mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất về phía Nam, kinh phí giải tỏa đền bù các khu dân cư sẽ lên đến hơn 9 tỷ USD, tương đương hơn 200 ngàn tỷ đồng. Ngân sách đang cạn kiệt sẽ tìm đâu ra con số đó?
Rõ ràng, phương án dễ nhất là thay vì mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất về phía Nam, Chính phủ hoàn toàn có thể lấy lại 157 ha sân golf Tân Sơn Nhất để làm phi trường mà còn không tốn một đồng ngân sách nào.
Nhưng nếu làm theo phương án trên, ai sẽ đền bù cho nhóm lợi ích quân đội về tất cả chi phí nổi lẫn “ngầm” mà nhóm này đã bỏ ra?
Trước phương án của ADPi đưa ra, Báo Tuổi Trẻ dẫn ý kiến của TS Dương Như Hùng – ĐH Bách khoa TP.HCM – cho rằng kết quả báo cáo không đáng tin cậy. Bởi vì tư vấn không dự báo nhu cầu mà chỉ dự báo khả năng cung ứng của Tân Sơn Nhất; dự báo không tham khảo các phương pháp dự báo tăng trưởng hàng không của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), nghiên cứu của Boeing.
TS Dương Như Hùng cũng cho rằng dự báo của ADPi thiếu cơ sở khoa học khi dự báo lưu lượng Tân Sơn Nhất tăng 44 triệu khách năm 2020 lên 51 triệu khách vào năm 2025, ứng với mức tăng trưởng 2,87% mỗi năm, sau đó tăng 1,5% mỗi năm…
Sau “nghiên cứu” của ADPi, Bộ GTVT sẽ trình đề xuất này lên Chính phủ. Liệu Thủ ướng Phúc sẽ “nhắm mắt” chấp thuận ý đồ “chỉ mở rộng phi trường TSN về phía Nam” hay sẽ tiếp tục “đi hàng hai”?
Trong khi đó, phi trường TSN vẫn ngày đêm kẹt cả dưới đất lẫn trên trời…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét